“Cà phê đợi một người” là tác phẩm của tiểu thuyết gia người Đài Loan nổi tiếng Cửu Bả Đao. Nếu như “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” của ông giống như một cơn mưa rào – cơn mưa thanh xuân – mà ai cũng muốn ướt thêm một lần thì tác phẩm này tựa hồ những đợt pháo thăng thiên bay vút lên và rực sáng giữa bầu trời đêm, ghi lại dấu ấn của một thời tuổi trẻ sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết. Tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim có cùng tên gọi vào năm 2014.

Những hình ảnh biểu tượng, cách dẫn truyện hấp dẫn và văn phong hài hước

Ngay từ tiêu đề tác phẩm đã mang một ý nghĩa biểu tượng. Đợi Một Người vốn là tên gọi của quán cà phê, gửi gắm tâm tư của bà chủ quán: chờ đợi một người sẵn sàng uống những món cà phê pha trộn nhiều thành phần quái đản và buồn cười theo công thức của riêng cô, kiên nhẫn trò chuyện cùng cô hoặc chỉ đơn thuần cùng nhau chia sẻ một bầu không khí trong sự im lặng. Những vị khách đến với quán cà phê Đợi Một Người cũng đều đang đợi một người dành cho mình, mà thói quen gọi đồ uống của họ tượng trưng cho một nét tính cách riêng biệt. Chẳng hạn như nhân vật Trạch Vu, vốn thích uống cà phê Kenya nhưng chỉ gọi món ấy khi đi một mình, còn những khi đi cùng bạn gái thì lại gọi theo sở thích của cô ấy để đóng vai một người bạn trai luôn làm hài lòng cô ta. Còn nữ chính – người dẫn truyện xưng “tôi” – vừa như Whisbih (một loại nước bổ sung năng lượng) lại vừa giống một lon nước tiên thảo mật ong bởi tính cách vừa tràn đầy tinh thần chính trực lại vừa không kém phần mộng mơ thiếu nữ. Trong khi đó A Thác – người bạn mới của nữ chính – lại là một ly nước lọc, vừa ngốc nghếch dễ đoán nhưng lại rất đỗi tốt đẹp, tựa như sự trong vắt của nước tinh khiết.

a0fcb5828f9fcf1345094dc8c9aacffe

Mặc dù người dẫn truyện là một cô gái nhưng “Cà phê đợi một người” không giống như những cuốn truyện tình cảm ủy mị và duy mĩ, mà sinh động và tràn đầy năng lượng. Xuyên suốt câu chuyện là những tình huống bất ngờ với cách kể hài hước, sinh động. Ví dụ như cô nàng pha chế Albus của quán vốn có bộ mặt ngầu lạnh lùng nhưng lại là một cây hài khi luôn tỉnh queo pha ra những món cà phê cực kỳ khó đỡ: cà phê đặc biệt Ám nhiên tiêu hồn trong buổi Luận kiếm Hoa Sơn, cà phê chồn hương Sumatra… Hay đại ca xã hội đen lại là một kẻ cuồng phim ảnh đến độ tự thiết kế hẳn một “phòng xem phim cao cấp” cho riêng mình, để rồi lúc xem phim đến đoạn hay là cảm động bật khóc. Hoặc nơi có đồ ăn ngon nhất vùng Tân Trúc mà các nhân vật sống lại là ở một cửa tiệm giặt là.   

reviewsach.net cafe doi mot nguoi
Ảnh: @real_keon61

Những góc nhìn thú vị và nhiều liên tưởng phong phú đúng tinh thần tuổi trẻ

Những liên tưởng, so sánh trong tác phẩm không chỉ phản ánh đúng tinh thần tuổi trẻ của nhân vật mà còn tinh tế khắc họa nên bối cảnh Đài Loan trong thời đại của họ. Ví dụ như biệt danh của các nhân vật dựa trên nền văn hóa đại chúng đương thời, chẳng hạn Thần Vũ Trụ trông giống hệt Thần Vũ Trụ trong truyện tranh Bảy viên ngọc rồng đeo thêm cặp kính cận, Quỷ Cước Thất bộ dạng giống hệt Quỷ Cước Thất trong phim,…  Tay xã hội đen mê đọc truyện tranh giống như những con người bình thường thời bấy giờ. Cả quan điểm “Người đọc truyện tranh không phải là người xấu” của nhân vật A Thác cũng là một quan điểm rất đỗi quen thuộc và tràn đầy yêu thích của độc giả truyện tranh nói chung.

Văn hóa đại chúng trong truyện còn là những bài hát, những ca sĩ nổi tiếng đương thời khiến người đọc hình dung ra một Đài Loan những năm 2000. Học sinh, sinh viên lúc ấy thường nghe Trương Học Hữu, yêu thích diễn viên Kim Thành Vũ, Mộc Thôn Thác Tai, Lý Lệ Trân, xem TV champion của đài TV Tokyo (trong khi người lớn thì xem tin tức chính trị và đánh cờ)…

Ngoài văn hóa thì bối cảnh không gian trong truyện cũng là những nét đặc trưng của Đài Loan: tên những con phố, những trường đại học, khu kí túc, những ngọn đèn giao thông, những quán ăn đêm, đền thổ địa nơi họ thường lui tới để xin điểm, bờ biển là nơi họ cùng nhau đốt pháo thăng thiên… Đời sống phổ thông và đại học của nhân vật hiện lên thật sống động. 

Các nhân vật trong truyện có những góc nhìn riêng rất thú vị về cuộc sống. Nữ chính Tư Huỳnh thích tìm mối liên tưởng giữa con người xung quanh với món đồ uống họ gọi, tựa như một “triết gia” trẻ tuổi. Trong khi Albus lại vu vơ đoán tính cách con người dựa trên việc họ nghiên cứu thị trường chứng khoán. Người đọc dường như nhìn thấy chính bản thân trong những thói quen gần gũi này: đôi khi thích móc nối một ai đó với một món đồ uống hoặc đồ vật rồi sau đó vui thích khi nhận ra mình đoán đúng tính cách của họ.

reviewsach cafe doi mot nguoi by reviewsach.net
Ảnh: @nguyenanhmm

Những câu chuyện tình yêu, tình bạn cảm động 

Quán cà phê Đợi Một Người trong truyện là nơi giao thoa của các nhân vật và từ đó nảy sinh những tình bạn, tình yêu rất đẹp đẽ và cảm động. Tình bạn của nữ chính với A Thác bắt đầu vì cô có tính cách trượng nghĩa, thấy chuyện bất bình liền lên tiếng, và rồi phát hiện ra A Thác cũng là người hết mình giúp đỡ người khác, không màng thân quen hay xa lạ. Cũng chính vì tính cách này mà anh ta xây dựng được mối quan hệ thân thiết với những con người kỳ quái nhưng không kém phần thú vị xung quanh, cùng nữ chính vẽ nên một bản đồ Tân Trúc của riêng họ. Tình yêu đơn phương của nữ chính với Trạch Vu – khách quen của quán – thì lại khởi đầu trong sáng và dễ thương như mộng mơ của những nữ sinh trung học, được nuôi dưỡng qua bao cố gắng nhưng cái kết thì thật bất ngờ khiến người đọc vừa xúc động lại vừa hồi hộp. Còn câu chuyện của bà chủ quán: vì lời dặn dò của người thương đã ra đi mà mở nên một quán cà phê để chờ đợi một người dành cho mình hẳn lấy được nước mắt của nhiều độc giả, củng cố niềm tin vào sức mạnh của tình yêu giữa thế gian rộng lớn. 

Đọc “Cà phê đợi một người” của Cửu Bả Đao, độc giả như được cùng nhân vật sống trong thời khắc tươi đẹp của thanh xuân. Đọng lại là những bài học vừa sâu sắc nhưng cũng rất đỗi hồn nhiên. Tác phẩm, sau “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”, một lần nữa cho thấy tài năng và nét duyên đặc biệt của Cửu Bả Đao khi viết về đề tài tuổi trẻ. 

:

  • Fahasa: