Hai nhà khoa học trẻ thiên tài: Tokita Kousaku và Chiba Atsuko được đồng đề cử cho giải Nobel về Sinh lý và Y khoa vì bước đột phá trong việc điều trị chứng tâm thần phân liệt khi sử dụng một thiết bị có tên PT xâm nhập vào tiềm thức người bệnh, trực tiếp chữa bệnh cho họ qua những giấc mơ. Một ngày, Tokita phát triển hệ thống trên thành thiết bị nhỏ gọn với nhiều tính năng nổi trội hơn và gọi là DC Mini. Tuy nhiên, thiết bị mới còn chưa hoàn thiện, nó đã bị đánh cắp. Và lúc này, sự chưa hoàn thiện của DC Mini đã làm dấy lên cơn ác mộng kinh hoàng mà chính bản thân người sáng chế ra nó: Tokita Kousaku cũng chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi.
Cuốn tiểu thuyết được viết trên nền tảng tâm lý học
Là bộ truyện tâm lý viễn tưởng nổi tiếng của tác giả Yasutaka Tsutsui, Kẻ trộm giấc mơ chứa nhiều yếu tố, tình tiết đến hoang đường nhưng tới cuối cùng, câu chuyện vẫn dựa trên điểm cốt lõi, tính khoa học của nền tảng tâm lý: lý thuyết phân tâm học mà Sigmund Freud là cha đẻ. Bởi thế, để có thể hiểu được triểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ một cách sâu sắc nhất, hiểu được những thuật ngữ chuyên môn tác giả viết trên trang sách, độc giả cũng cần có một cái nhìn tổng quan về phân tâm học. Bởi nếu không, người đọc hẳn sẽ cảm giác choáng ngợp trước hàng loạt khái niệm chuyên ngành xa lạ như tầng vô thức hay liệu pháp chữa bệnh tâm lý bằng phân tích giấc mơ hoặc xâm nhập vào tiềm thức của người bệnh.
edb03eaa3eb1e0772dd954b539cc110a
Phân tâm học bắt nguồn từ thực tiễn nghiên cứu tâm lý học, có thể được định nghĩa như một phương pháp nghiên cứu và chữa trị chứng bệnh tâm thần (Hysteria, Depression) với cha đẻ là bác sĩ, nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud (1856 – 1939). Về sau lí thuyết phân tâm học phát triển thành nhiều khuynh hướng nghiên cứu khác nhau nhưng có thể chia phân tâm học ra thành ba vấn đề chính: lý thuyết về cấu trúc nhân cách, lý thuyết về libido, quan niệm về sự dồn nén và con đường giải tỏa dồn nén.
Với lý thuyết về cấu trúc nhân cách, Freud phác họa cấu trúc nhân cách gồm ba phần cơ bản: phân tầng cái Nó hay còn được gọi là Vô thức, phân tầng cái Tôi hay còn gọi là Ý thức, phân tầng cái Siêu Tôi hay còn gọi là Tiềm thức. Và theo Freud, phần chính tâm lý con người được ẩn giấu vào vô thức – cái Nó, còn ý thức chỉ chiếm một phần nhỏ. Kế đó là lý thuyết về Libido hay còn được biết đến là dục năng của con người. Cuối cùng là quan niệm về sự dồn nén và con đường giải tỏa dồn nén, rằng khát vọng của con người trong cuộc sống, đặc biệt là năng lượng Libido đòi hỏi phải được thực hiện hay giải tỏa. Nhưng trong thực tế, sự giải tỏa không phải lúc nào cũng thực hiện được nên sinh ra sự dồn nén, cần thiết được giải tỏa bằng các con đường khác nhau.
Khi đã có hiểu biết nhất định và soi chiếu vào tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ, độc giả sẽ hiểu tại sao Tokita và Atsuko có thể chữa trị những chứng bệnh tâm lý nói chung, chứng tâm thần phân liệt nói riêng bằng cách xâm nhập vào tiềm thức, phân tích giấc mơ của người bệnh. Và cũng sẽ không quá đỗi ngạc nhiên trước khả năng, sức mạnh vô tận của giấc mơ con người. Khi giấc mơ càng biến thái vặn vẹo, dục năng libido càng lớn thì lúc được hiện thực hóa, giấc mơ đó càng trở nên kinh hoàng.
Cùng với đấy, qua quá trình điều trị của Atsuko dành cho Konakawa và Noda, Kẻ trộm giấc mơ còn như một sự tái hiện lại những buổi thực nghiệm chữa trị tâm lý bằng lý thuyết phân tâm Freud đã từng làm xưa kia nhưng với trình độ cao hơn: có sự hỗ trợ từ thiết bị hiện đại. Vì thế, nhà tâm lý học có thể trực tiếp đồng hành cùng người bệnh trong miền vô thức, khám phá, giải mã những giấc mơ, qua đó làm sáng tỏ những ẩn ức họ mang theo. Những nỗi đau, sự dằn vặt, niềm ăn năn… mà người muốn chối bỏ, tìm mọi cách đẩy nó vào tầng sâu vô thức bằng phương thức quên lãng. Nhưng sự thật, càng cố quên, nỗi đau lại càng đè nặng, và thực tại, người ta lại càng thêm khổ đau. Về lâu về dài, mà sinh ra những chứng bệnh tâm lý
Vì vậy, giải quyết “tâm bệnh”, chính là làm sáng tỏ những ẩn ức, gợi dậy quá khứ để con người đối mặt trực tiếp bằng tất cả sự dũng cảm không chạy trốn. Cho nên, dù Kẻ trộm giấc mơ là một tiểu thuyết hư cấu thì lý thuyết phân tâm cùng sự điều trị tâm lý cho con người qua việc giải mã giấc mơ ở tầng vô thức lại thuộc về hiện thực. Vì thế, tình tiết câu chuyện vẫn đảm bảo tính chân thực, khoa học bên cạnh sự hư cấu, kì ảo, viễn tưởng. Từ đó giác trị nội dung, tư tưởng được mở rộng, không đơn thuần chỉ là sự đối đầu lợi ích giữa các phe phái trong một cộng đồng hẹp mà hơn cả, là tính nhân văn của các phát minh sáng chế, lương tâm người thầy thuốc hay những ẩn ức con người thời hiện đại…
Tuy nhiên, đến cuối cùng Kẻ trộm giấc mơ không phải cuốn sách thuần tâm lý học hay bàn luận chuyên sâu về lý thuyết phân tâm. Đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng nên quả tình, không tránh khỏi những yếu tố hoang đường, phi thực tế. Càng trôi về cuối truyện, các buổi trị liệu tâm lý càng trở nên quá đỗi xa rời cội gốc tâm lý ban đầu mà tác giả chủ yếu tập trung vào khắc họa trận chiến giữa những giấc mơ. Các giấc mơ bị chồng lẫn vào nhau, lằn ranh mơ – thực bị xóa nhòa và tác phẩm trở nên kì ảo như một câu chuyện cổ tích.
Nhóm nhân vật đặc biệt trong tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ
Bởi tính khu biệt, đặc thù về nội dung nên tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ xuất hiện một nhóm nhân vật khá đặc biệt: các bác sĩ tâm lý. Tất nhiên, không ít tác phẩm văn học đã viết về ngành y, thậm chí là do chính người bác sĩ viết lên nhưng có lẽ, không nhiều tiểu thuyết thực sự viết về người bác sĩ trị bệnh tâm lý, nhất là khi nhân vật trung tâm lại là một nữ bác sĩ tâm lý như Kẻ trộm giấc mơ.
Với hệ thống nhân vật mang tính đặc thù nghề nghiệp như vậy, nên theo dõi Kẻ trộm giấc mơ, trước những lý thuyết về tâm lý học nói chung, phân tâm học nói riêng được mỗi nhân vật thể hiện đều có sức thuyết phục nhất định. Từ đó, mỗi cá nhân đều như đang thực sự sống, đối thoại, suy tưởng theo đúng với nghề nghiệp họ mang trên trang sách.
Thật vậy, từ Chiba Atsuko, tác giả đã gợi đến một nữ bác sĩ tâm lý vững vàng, kiên định với phương pháp điều trị kết hợp giữa lý thuyết phân tâm cùng khoa học kỹ thuật hiện đại: “Nhưng tiềm thức đó là của bệnh nhân tâm thần phân liệt. Thế nên chúng ta mới phải nghiên cứu cách họ liên kết siginifiant với signifie còn gì? Đúng như anh nói đấy, người bệnh chỉ phát ngôn theo đúng tiềm thức của bản thân họ thôi, chính vì thế, nếu không nhìn sâu vào tiềm thức của bệnh nhân thì làm sao biết được những lời họ nói thực sự có ý nghĩa như thế nào?”
Còn qua sự hằn học của Seijiro Inui, Yasutaka Tsutsui tiên sinh lại khắc họa thành công hình ảnh một kẻ làm khoa học mà bo bo giữ lấy lý luận, tư duy bảo thủ: “Như anh vừa nói ban nãy đấy, bệnh nhân tâm thần phân liệt cũng là người, cách chữa trị bằng phương thức xâm nhập hẳn vào tiềm thức suy nghĩ của người bệnh, tâm chí còn có thể áp dụng được cho người thường như vậy, trên quan điểm y học mà nói, chắc chắn gây ra nhiều tranh cãi. Dù cậu Tokita có khẳng định hiệu quả của thiết bị PT thế nào đi chăng nữa, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn nhờ cách chữa trị này vẫn chưa có bất cứ ai. Không biết rõ hiệu quả thế nào mà đã nhanh nhanh chóng chóng chuyển sang phát triển thiết bị mới ngay, chẳng phải là quá hấp tấp sao?”
Từ đấy, tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ đã tái hiện khá thành công sự đối chọi, xung đột, mâu thuẫn gay gắt về quan điểm khoa học, mặt lợi ích lẫn ý thức giữa hai thế hệ. Một bên là những nhà khoa học trẻ, không chỉ vững vàng lý thuyết mà còn nhiệt huyết, dám làm, dám thử nghiệm thành tựu khoa học vào thực nghiệm tâm lý với một bên là những nhà khoa học bảo thủ, tuổi đã cao, lý thuyết lẫn thực tế đều thua xa lớp trẻ nhưng lại có tiếng nói, nắm giữ địa vị quan trọng. Mà một khi xung đột không thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình, điều tất yếu xảy đến chính là sự triệt tiêu lẫn nhau không từ thủ đoạn. Như cách Seijiro Inui đã làm.
Seijiro Inui, kẻ bảo thủ đến cuồng tín, thứ đạo đức trong học thuật lão nêu lên không nhằm bảo vệ loài người mà chỉ để phục vụ cho sở thích cá nhân ích kỉ của bản thân. Và cuộc đối đầu giữa phe cánh của lão với nhóm Chiba Atsuko từ lâu đã sớm trở thành cuộc chuyển giao thế hệ giữa những nhà khoa học theo trường phái bảo thủ cổ điển sang thế hệ những người trẻ làm khoa học kết hợp với thực nghiệm khoa học. Trong trận chiến vừa thực vừa hư, cội rễ bắt nguồn từ khoa học nhưng mang đậm màu sắc kì ảo của hai thế hệ ấy đã mở ra nhiều tầng ý nghĩa, đồng thời cuốn theo hàng loạt cá nhân ngoài luồng.
Nếu Seijjiro Inui hiện lên với đủ những xấu xa, ti tiện thì hình ảnh Chiba Atsuko hiện lên, bên cạnh sự tôn trọng, ngợi ca thực tâm cho một người nữ bác sĩ tài năng còn như sự gửi gắm tiếng nói vì nữ quyền của tác giả Yasutaka Tsutsui. Bởi Atsuko, dẫu sống với hai thân phận Atsuko – Paprika thì tới cuối cùng, cô vẫn là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp và đầy độc lập trước muôn trùng vòng vây sóng dữ. Và bởi, đấy cũng là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ Nhật Bản, đến tận bây giờ vẫn luôn chênh vênh giữa hai bên truyền thống – hiện đại.
Bên cạnh đó, không thể không nói đến dáng hình Tokita Kousaku, người đồng nghiệp, cộng sự của Atsuko như hiện thân cho những nhà khoa học tài năng mà “ngây thơ” tới mức mãi theo đuổi phát minh, nghiên cứu, chẳng màng tới rủi ro trước mắt. Thậm chí, ngay chính Seijiro Inui, đằng sau sự phê phán vẫn tấm lòng nhân đạo của tác giả khi nhìn nhận một kẻ làm khoa học đã lỗi thời mang nặng thất bại trong quá khứ, hụt hơi ở hiện thực…
Và từ những con người riêng biệt như những lát cắt nhỏ lấy ra từ đời sống ấy, Yasutake Tsutsui tiên sinh đã dựng lên trước mắt người đọc cả xã hội Nhật Bản thu nhỏ tại Viện Nghiên cứu Tâm thần học. Một xã hội hiện đại nhưng người ta có thật sự hạnh phúc? Hay con người càng thêm áp lực, luôn phải đè nén cảm xúc, áp chế dục vọng thiết yếu, chẳng thể tin tưởng bất kỳ ai. Người ta luôn mang theo rất nhiều gương mặt mà chẳng thể sống thật với bản thân. Cũng vì vậy, dường như trong số những nhân vật của Kẻ trộm giấc mơ, không trừ một ai, người nào cũng phải chịu đựng tôn thương tâm lý mà từ đó, tạo thành ẩn ức sâu kín trong tâm hồn. Không kể bác sĩ hay dân thường, không kể người điều trị hay bệnh nhân. Và khi soi chiếu lý thuyết phân tâm học vào trở ngại tâm lý họ mắc phải, lại càng thấy giá trị lý thuyết phân tâm do Freud sáng lập có ý hơn ở đời sống hiện đại. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội mỗi lúc thêm phức tạp.
Có thể nói, lý thuyết phân tâm học là cơ sở để Yasutake Tsutsui tiên sinh sáng tạo nên những nhân vật trong Kẻ trộm giấc mơ. Và đến lượt mình, Kẻ trộm giấc mơ như một sự cụ thể hóa đồng thời khẳng định học thuyết phân tâm trong thực tế đời sống, con người.
Không phải là một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng viết ra một cách dễ dãi, đọc rồi quên ngay, Kẻ trộm giấc mơ được xây dựng trên nền tảng tâm lý vững chắc cùng tầng sâu triết lý, hiện thực về xã hội, con người sâu sắc. Dù còn những hạn chế không nhỏ về mặt tình tiết, phát triển nội dung hay sự phóng bút quá đà vào miền hư ảo nhưng đến cuối cùng tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ vẫn là tác phẩm đáng đọc với những ai hứng thú với tiểu thuyết tâm lý viễn tưởng nói chung, với lý thuyết phân tâm học nói riêng.
/
Mọt Mọt