Không đao to búa lớn, không khó hiểu, không giáo điều, “Nếu biết trăm năm hữu hạn” là những bài cảm thức giản dị và chân thành của Phạm Lữ Ân, độc giả có cơ hội được thể nghiệm thế giới quan của tác giả, để nhìn và để nghĩ suy, có thể đồng cảm và cũng có thể không tán thành… về những vấn đề nhỏ bé nhưng không tầm thường.

Ảnh vinhvoxuan Nếu biết trăm năm là hữu hạn reviewsachonly
Ảnh: vinhvoxuan

Tác phẩm không chỉ dành riêng cho “sinh viên”.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” vốn là tuyển tập hơn 40 bài viết trên chuyên mục Cảm thức của Bán nguyệt san 2! – số Chuyên đề của báo Sinh Viên Việt Nam, nhưng lại chạm được tới nỗi lòng không chỉ riêng các bạn trẻ.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Phạm Lữ Ân viết về mọi thứ xung quanh cuộc sống con người, không giản đơn, không phức tạp, nhưng đều có chiều sâu nếu nguyện ý khám phá.

Như là “nhà” và “bình yên” chẳng hạn, phải chăng “nhà” luôn gắn liền với hai chữ “bình yên”? Hay nơi nào, người nào đem lại cho ta cảm giác thực sự “bình yên” thì nơi đó mới là nhà? Thử đặt câu hỏi và tìm câu trả lời.

Như là những lỡ lầm của tuổi trẻ sau khi tìm được cách giải quyết, nhưng vết thương lòng thì còn mãi, và lúc trái gió trở trời nó sẽ sưng tấy lên trong tâm trí họ, ngăn trở họ cảm nhận niềm hạnh phúc.

Như là tại sao lại là ‘Độc lập – Tự do – Hạnh phúc’? Tại sao là ‘Hạnh phúc’ chứ không phải là ‘Thịnh vượng’ hay ‘Văn minh’?

Như là giá trị riêng biệt của mỗi con người – không phải hơn hay kém, không phải là vịt hay thiên nga – mà là độc nhất, và làm thế nào để biết mình, biết giá trị của mình, tôn trọng, yêu thương và phát huy bản thân trở thành một “mình” tốt nhất.

Như là sự may mắn, sự cô độc, sự trống rỗng, sự chờ đợi, quá khứ và tuổi thơ, mối quan hệ với bố mẹ và ông bà, bảo vệ Trái Đất, công việc, ước mơ, tình yêu, tâm hồn, bản ngã… Những gì mà Phạm Lữ Ân viết hoàn toàn không xa lạ, cuộc đời của bất kỳ ai cũng tồn tại các vấn đề ấy, khác chăng là ở suy nghĩ của mỗi người.

Đôi lúc trên quãng đường đời, điều may mắn là có duyên gặp gỡ một người hay một vật đúng thời điểm, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” sẽ là một món quà hạnh ngộ bất ngờ đối với những ai đang hoang mang trước ngã rẽ cuộc đời, hay mệt mỏi về các mối quan hệ, hay đơn giản là buồn và cô độc. Cầm sách lên và đọc đi!

Đọc thêm:

Ảnh vanessa_books Nếu biết trăm năm là hữu hạn reviewsachonly
Ảnh: vanessa_books

Một thế giới quan thiện lương và chính trực.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là tuyển tập những bài cảm thức được viết bằng thể loại tản văn.

Tản văn là một loại hình văn học ngang với thơ, kịch, tiểu thuyết. Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật.

Theo bách khoa toàn thư, tản văn có nội hàm rộng hơn khái niệm kí, vì nội dung chứa cả những truyện ngụ ngôn hư cấu lẫn các thể văn xuôi khác như thư, tựa, bạt, du kí,… Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩa mang đậm bản sắc cá tính của tác giả.

Khách quan mà nói thì tản văn là thể loại văn học có nhiều thú vị vì nó cho phép độc giả nhìn trực diện vào thế giới quan của tác giả.

Thế giới quan của Phạm Lữ Ân tập trung vào các giá trị con người, giá trị gia đình, thái độ lạc quan và cố gắng bao dung với thế giới. Có lẽ thế giới quan của tác giả sẽ trùng với nhiều người trong xã hội này ở thiên hướng tư tưởng thiện lương và chính trực, nỗ lực trở thành một bản thân tốt nhất.

Ảnh thi.hoahoa Nếu biết trăm năm là hữu hạn reviewsachonly
Ảnh: thi.hoahoa

Giá trị riêng biệt của mỗi người.

Trong chương “Đơn giản là hạnh phúc”, Phạm Lữ Ân có viết:

“Khi đọc cuốn tiểu thuyết Suối nguồn dày gần 200 trang của Ayn Rand, tôi chỉ nhớ có một câu duy nhất:

“Nếu muốn nói câu ‘Tôi yêu em’ thì phải nói từ ‘Tôi’ trước đã.”

 Tôi yêu thích triết lý đó quá chừng. Vì nó làm tôi vỡ ra nhiều thứ, giống như bài học về hạnh phúc của thầy tôi. Rằng để yêu người thì trước hết chúng ta phải biết yêu mình, phải trân trọng và giữ gìn niềm hạnh phúc của chính mình. Rằng ta phải bồi đắp chính bản thân ta thành một con người tốt đẹp và cảm nhận được niềm hạnh phúc, trước khi nghĩ đến việc mang đến hạnh phúc cho bất cứ ai hay đóng góp điều tốt đẹp gì cho xã hội.”

Phạm Lữ Ân nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương, đó là một liên tưởng cực kỳ thú vị.

Mỗi con người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc kim cương, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Con người cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy. Thế thì có phải chăng mỗi người sống hạnh phúc chính là đóng góp cho xã hội một cách căn cơ nhất? Sự phát triển và bền vững của một quốc gia phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân?

Quan điểm trên của Phạm Lữ Ân làm cho người gõ những dòng này chợt nhớ tới “Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót” mà Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có nhắc đến trong tác phẩm chính luận “Bức xúc không làm ta vô can”.

Con người có xu hướng bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, rồi rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác, họ không nhận ra giá trị riêng biệt của mình. Nếu bản thân mỗi người tự nhận thức, tự lựa chọn và cố gắng vì lựa chọn đó, như những người lê lết cuối đoàn marathon, thì kết quả được tạo ra từ chính nỗ lực của bản thân chứ không phải chờ đợi, nhòm ngó người khác nữa. Những kẻ dù không chiến thắng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành hết đường đua của mình, đó là những người đã chiến thắng chính cuộc chơi của bản thân – Và, họ hạnh phúc với những gì họ đã nỗ lực.

Đây có lẽ là giá trị cốt lõi mà mỗi một con người nên hướng tới, là nhân tố cốt yếu tạo nên sự thay đổi dần dần tốt đẹp của xã hội, tưởng như giản đơn nhưng giữa những mông lung cuộc đời nhiều người đã không nhận ra.

Nếu biết trăm năm là hữu hạn, ta sẽ làm chi đời ta?

Ảnh _frombookstohearts_ Nếu biết trăm năm là hữu hạn reviewsachonly
Ảnh: _frombookstohearts_

Phạm Lữ Ân – Kết tinh một tình yêu.

Khi nhắc đến cụm từ “kết tinh một tình yêu”, có lẽ mọi người thường nghĩ ngay đến những đứa trẻ, những mầm non bụ bẫm chào đời trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Nhưng với Phạm Lữ Ân, sẽ không sai nếu gọi bút danh này là “kết tinh một tình yêu” – bởi đây không phải là một tác giả, mà là bút danh chung của đôi vợ chồng Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy.

Phạm Công Luận sinh năm 1961 ở Sài Gòn. Hiện anh công tác tại báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò, đã từng xuất bản nhiều cuốn sách như: “Những sắc màu Nhật Bản”, “Chú bé Thất Sơn”, “Đường phượng bay”, “Sài Gòn – Chuyện đời của phố”, “Trên đường rong ruổi”.

Đặng Nguyễn Đông Vy sinh năm 1979 tại Khánh Hòa. Chị là cựu học sinh của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Khánh Hòa và là cái tên không mấy xa lạ với độc giả của báo Hoa học trò. Các tác phẩm của chị có thể kể đến như: “Hãy tìm tôi giữa cách đồng”, “Làm ơn hãy để con yên” và “Lạc giữa nhân gian”.

Cả hai đều là tác giả có chỗ đứng trong làng văn đương đại Việt Nam với những áng văn riêng. Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy đã kết hợp những sắc màu riêng biệt của bản thân bằng tình yêu và sự thấu hiểu để hòa hợp với nửa kia của đời mình, và cho ra đời những tác phẩm mộc mạc, chân thành và giản dị dưới bút danh Phạm Lữ Ân.

Tuy hai mà một, tuy một mà hai – tác phẩm của Phạm Lữ Ân chứa đựng tình yêu và sự nhìn nhận từ nhiều góc độ, không xung khắc mà vẹn toàn, bổ khuyết cho nhau.

Link mua sách: