Được coi là một trong những nhà văn tiên phong cho sự cách tân của văn học thời hiện đại và hậu hiện đại, văn chương Franz Kafka bên cạnh những đột phá mạnh mẽ về mặt thi pháp, nghệ thuật; các tác phẩm của ông còn đặc biệt gần gũi mà hướng tới những vấn đề mang tính nhân sinh, phổ quát. Có thể nói chăng, Kafka là một nhà văn hiện đại của những kiếp đời bé mọn.
Franz Kafka – cuộc đời và tiểu sử
Franz Kafka sinh năm 1883 trong gia đình một người Do Thái tại Praha, khi ấy là một phần của đế quốc Áo – Hung. Từ lúc nhỏ, Kafka là một cậu bé rụt rè và nhút nhát. Theo nguyện vọng của người cha – Hermann Kafka cùng gia đình, ông đã thi và đi học chuyên ngành Luật tại Đại học Karl ở Praha, hứa hẹn tương lai sẽ trở thành một luật sư danh tiếng. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1906, cậu bé Kafka – khi này đã trở thành chàng thanh niên Franz Kafka vào làm việc trong ngành bảo hiểm hơn 10 năm.
Mặc dù đi theo nguyện vọng gia đình trong việc chọn nghề và suốt quá trình làm việc, Kafka luôn tận tâm với công việc nhưng niềm đam mê văn chương luôn thôi thúc ông viết. Kafka bắt đầu dành quỹ thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình cho việc viết văn và ông luôn cảm thấy hối tiếc vì đã dành nhiều thời gian cho “công việc hàng ngày”.
Ông bắt đầu có những truyện ngắn được đăng báo nhưng khi còn đương thời, văn chương của Kafka không được đông đảo công chúng bạn đọc công nhận và ông không thể xuất bản được một cuốn tiểu thuyết vào thời điểm đó.
Kafka mất năm 1924, sau bảy năm ông phát hiện mình mắc bệnh lao – một trong tứ chứng nan y bấy giờ – vào năm 1917. Trước khi qua đời, ông đã giao toàn bộ bản thảo của mình cho người bạn thân là Max Brod và dặn Max Brod hãy tiêu hủy chúng. Nhưng Max Brod đã không làm vậy. Một thời gian sau khi Kafka mất, chính Max Brod là người đã giúp ông đưa những tác phẩm này đến với công chúng. Vụ án, Lâu đài, Kẻ mất tích,… cùng các tác phẩm nổi tiếng khác của Kafka lần lượt được xuất bản.
Đọc thêm Hóa Thân – Một áng văn siêu thực ẩn chứa nhiều tầng nghĩa
Franz Kafka – Ám ảnh về mặc cảm nỗi đau
Theo dịch giả Đinh Bá Anh, người đã dịch cuốn sách: Thư gửi bố của Kafka đã nói trong sự kiện mở đầu Festival Kafka ở Hà Nội, Kafka là một người luôn mang một mặc cảm tội lỗi rất lớn với gia đình. Trong tương quan với người cha, người đàn ông trụ cột trong gia đình, thì ông luôn cảm thấy mình không làm được như vậy. Cảm giác thua thiệt tạo nên mặc cảm tội lỗi và với Kafka, “viết văn là viết văn trong ý thức về tội lỗi”.
Bởi thế, kiểu nhân vật mang mặc cảm tội lỗi thường xuyên trở đi trở lại trong văn chương của Kafka. Từ những lá Thư gửi bố tới những cuốn tiểu thuyết như Vụ án, Lâu đài; từ truyện vừa Hóa thân đến những truyện cực ngắn như Trước cổng pháp luật, Người canh gác; độc giả đều sẽ dễ dàng bắt gặp những nhân vật luôn lo âu rằng bản thân mắc lỗi, bản thân phạm phải tội lỗi nào đó.
Gregor Samsa (nhân vật chính trong truyện vừa Hóa thân) khi thức dậy và thấy mình biến thành con bọ, điều đầu tiên anh ta ý thức không phải việc tại sao bản thân lại biến thành bọ mà ý thức đầu tiên của anh ta là ý thức tội lỗi của một nhân viên không thể đi làm. Hay nhân vật tôi trong Người canh gác: “Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy”. Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”
Cùng mặc cảm tội lỗi, những mặc cảm về nỗi đau cũng là tầng sâu ẩn ức trong văn chương của Kafka. Bản thân Kafka đã mang quá nhiều đau thương: nỗi đau bệnh tật, mối quan hệ với người cha có phần nghiêm khắc và tàn nhẫn, thân phận người Do Thái,… Mặc cảm tội lỗi kéo dài dẫn đến những nỗi đau về mặt tinh thần tạo nên cảm giác hổ thẹn rợn ngợp.
Không chỉ vậy, thời đại Kafka sống là một thời đại đầy biến động; bản thân ông đã làm việc trong ngành luật, bảo hiểm hơn 10 năm, tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp nên càng thêm hiểu thấu nỗi đau xã hội. Những trang nhật kí của Kafka tràn ngập những dòng viết về thân thể và bệnh tật. Những tác phẩm của ông tràn ngập hình ảnh kiếp người bé mọn, cô đơn, lạc lõng trong chuyến hành trình bất định của cuộc đời: một anh chàng tên K tìm đường vào “lâu đài” trong vô vọng; bác nông dân đến trước cửa pháp luật và đã chết ngay trước cửa pháp luật.
Trang văn của Kafka không cốt dùng sự trúc trắc trong ngôn ngữ để thu hút độc giả mà ông đã dùng chính những trải nghiệm về tâm hồn, thể xác của ông trong những mối tương quan đa chiều khác nhau của cuộc sống đương thời để tái hiện lên bức tranh một xã hội với tất cả bất ổn và sự bất công đè nén lên các kiếp người bé mọn.
Văn chương Kafka trong tương quan các môn khoa học liên ngành
Nghiên cứu về Kafka từ lâu đã không còn gói gọn trong việc vận dụng lí thuyết văn chương mà đã mở rộng ra những phân môn liên ngành khác, đặc biệt là tâm lí học và triết học. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn hướng Kafka đến lĩnh vực chính trị và tôn giáo.
Xét về khía cạnh tâm lí, nhiều nghiên cứu văn chương cùng nhà tâm lí học đã vận dụng lí thuyết phân tâm học để phân tích tiểu sử của Kafka cùng sự ảnh hưởng của tuổi thơ đến văn chương của ông; biểu tượng giấc mơ trong tác phẩm của Kafka hay sự thể hiện “cái tôi” và “cái siêu tôi” của Kafka ở tác phẩm. Phân tâm học đã tạo điều kiện, môi trường để đi sâu vào những ẩn ức về tuổi thơ, nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần.
Như qua các tác phẩm của Kafka, đặc biệt là cuốn Thư gửi bố, hiện lên mối quan hệ giữa cha – con sâu sắc. Và soi chiếu dưới góc nhìn tâm lí, dưới ánh sáng phân tâm học, Thạc sĩ tâm lí học lâm sàng Phạm Lê Hoàng Minh đã nói rằng Thư gửi bố, không đơn giản là sự “đổ tội” của một người con đối với người cha độc đoán mà cao cả hơn là sự chuộc tội, cứu rỗi dành cho chính hai cha con. Cũng bởi thế, không nên áp đặt phức cảm Ơ-đíp lên mối quan hệ cha – con Kafka để nghiên cứu bởi đó là một sự khiên cưỡng khi đến cuối cùng, Kafka luôn giữ sự tôn trọng, tình thương của mình dành cho cha.
Bên cạnh tâm lí học, các tác phẩm cùng chính bản thân Kafka cũng được soi chiếu dưới góc độ triết học, đặc biệt là triết học hiện sinh. Triết học hiện sinh, chủ nghĩa hiện sinh có chung niềm tin rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể con người — không chỉ là chủ thể tư duy, mà là cá thể sống, cảm xúc, và hoạt động.
Trong chủ nghĩa hiện sinh, xuất phát điểm của cá nhân được đặc tả bởi cái từng được gọi là “thái độ hiện sinh”, hay một tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý. Và theo dõi các tác phẩm của Kafka, không ai không dễ dàng nhận ra, một thế giới “vô nghĩa và phi lí” mà tác giả tạo dựng: người biến thành bọ, lâu đài càng đi càng trở nên xa vời, “cửa pháp luật”… Có thể nói chăng, chân lí của chủ nghĩa hiện sinh đậm đặc trong văn chương của Kafka.
Ngoài ra, các nhà triết học đã mở rộng cấp độ so sánh, liên hệ giữa trường hợp của Kafka đến với những lí thuyết triết học khác, không chỉ gói gọn trong chủ nghĩa hiện sinh. Như PGS.TS Verita Sriratana đến từ Đại học Chulalongkorn, Thái Lan đã nhìn nhận Kafka dưới triết lí triết học của ba triết gia đương đại tiêu biểu cho: Gunther Ander, Vaclav Havel, Donna Haraway trong tọa đàm “Triết học trong nghệ thuật của Franz Kafka”.
Và càng mở rộng nghiên cứu về Kafka và văn chương của ông trên nhiều chiều kích, càng mở ra những cái nhìn mới mẻ hơn về các tác phẩm vốn tưởng rất quen thuộc với độc giả.
Đọc thêm: Lâu đài – Văn học phản ánh số phận con người
Vụ án – những sáng tạo huyền thoại của Franz Kafka
Hành trình, dấu ấn của văn chương Franz Kafka trong văn học Việt Nam
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu từng nhận định: Kafka đến với Việt Nam muộn hơn James Joyce, Marcel Proust nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng đến các nhà văn Việt Nam hơn hai nhà văn trên. Và dấu ấn của Kafka thể hiện đậm nét ở trong hầu khắp loại hình văn học: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết.
Độc giả dễ dàng tìm thấy được sự tha hóa của con người được thể hiện trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, thơ của Văn Cao, thơ của Hoàng Huynh, tác phẩm của Tạ Duy Anh, Bùi Hoàng Vị, Phạm Thị Hoài, Bùi Ngọc Tấn; một thế giới vô nghĩa và phi lí trong văn chương của Tô Hải Vân…
Lí giải tại sao Kafka lại có thể được đón nhận và tạo được sức ảnh hưởng ở Việt Nam như thế, trước hết, có lẽ các tác phẩm của Kafka khá dễ đọc. Dễ đọc ở đây không phải là sự dễ dãi trong nội dung hay câu chữ mà là việc Kafka không cốt lấy sự trúc trắc trong ngôn từ, ngữ pháp để tạo nên điểm đặc sắc của tác phẩm. Mà những sáng tác của ông cuốn hút bởi tầng sâu ý nghĩa ẩn giấu dưới những ngôn từ đầy giản dị. Thêm vào đó, những gì ông truyền tải, nội dung trong các tác phẩm của ông thật sự phù hợp với bối cảnh xã hội, con người Việt Nam đương đại nói riêng, phù hợp với tâm lí con người nói chung. Chẳng vậy mà, nhà văn Phạm Thị Hoài đã nói rằng Kafka là nhà văn của Việt Nam.
Franz Kafka mất vào năm 1924, tức cách nay đã 134 năm nhưng đến ngày nay, sáng tác của ông vẫn mang tính nhân văn, tính thời sự sâu sắc. Và có lẽ, thời gian có qua đi, lớp bụi thời gian phủ mờ trên trang sách nhưng những triết lí, những số phận và thế giới văn chương mà Franz Kafka đã xây dựng sẽ còn mãi trường tồn.
Mọt Mọt