Ba nữ bác sĩ trẻ, mang ba tâm thế khác nhau khi bước vào bệnh viện Embarcaredo thực tập và làm việc. Giữa những bất công giới tính họ phải gánh chịu cùng lịch làm việc dày đặc, ba người nhanh chóng làm quen, trở lên thân thiết. Họ đã nghĩ, tình bạn ấy là mãi mãi, cho đến khi hàng loạt biến cố xảy đến, một người đã ra đi thì họ cay đắng nhận ra: “Không có gì là mãi mãi, không có gì là mãi mãi cả.”
Con người là sinh vật bé mọn và mối dây liên kết giữa con người với cuộc đời, con người với chính con người, mong manh đến đáng thương
59cda63464af2a67c33487abad252c59
Nothing last forever, cuốn tiểu thuyết được Sidney Sheldon viết vào năm 1994, đúng như tựa đề “Không có gì mãi mãi” đã tái hiện một cách chân thực, thậm chí nghiệt ngã những điều vốn tưởng chừng tươi đẹp, vĩnh cửu trong cuộc sống mà cuối cùng lại là hóa thành mong manh nhất của cuộc đời. Để rồi người ta cay đắng nhận ra, chẳng có thứ gì là bất biến, chẳng có thứ gì là trường tồn với thời gian. “Mãi mãi” vì thế chỉ là một trạng từ hết sức phiếm chỉ khiến con người càng thêm hoài nghi vào thời gian, vào cõi lòng bản thân cùng những người xung quanh.
Trước hết, sự mong manh đó thể hiện ở một kiếp người. Pascal từng ví rằng con người bất quá chỉ là một cây sậy mềm yếu nhất trong vũ trụ, một chút hơi, một giọt nước cũng đủ để giết được người. Và sự bé mọn của sinh mệnh con người, không đâu biểu hiện rõ hơn tại các bệnh viện, nhất là những bệnh viện lớn ở tuyến đầu hay các bệnh viện làm việc 24/24, thu nhận mọi bệnh nhân kể cả những ai cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn như Embarcaredo – một bệnh viện cũ kỹ, lâu đời tại thành phố San Fransisco.
Embarcaredo – nơi làm việc của ba nữ bác sĩ: Taylor, Kat, Honey, là không gian, bối cảnh chính diễn ra gần như toàn bộ tình tiết, sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đời các nhân vật. Bệnh viện cổ kính đó đã chứng kiến những phép màu ở quá trình người bác sĩ cứu chữa bệnh nhân khỏi bàn tay tử thần. Nhưng cũng tại đấy, bao kiếp người nhỏ bé đã ra đi hay phải sống đời tật nguyền vĩnh viễn bởi đủ mọi nguyên do: bệnh tật, tuổi già hay thậm chí nguyên nhân còn xuất phát từ chính sai lầm người y sĩ. Từng trang văn của Sidney Sheldon như thấm đẫm một thứ hiện thực đau đớn: Con người vốn yếu đuối và khi đứng trước bánh xe tàn khốc của số phận, ai cũng bình đằng như nhau.
Một anh chàng khỏe mạnh, hay nói hay cười cũng có thể bị tai nạn mà suýt chút nữa mất đi tính mạng. Một ông lão cả tuổi trẻ đào hoa, phong lưu đến khi về già cũng chẳng thể chiến thắng nỗi đau của căn bệnh ung thư lẫn nỗi cô độc khi phải bên cạnh những kẻ khác máu tanh lòng ông phải coi là gia đình. Hay một chàng trai lạc quan, tươi vui với tương lai rộng mở sau khi xuất viện cũng có thể vì sai lầm của bệnh viện: truyền nhầm túi máu chứa virus HIV trong ca phẫu thuật mà cánh cửa phía trước như đóng sầm lại trước mắt anh. Nhưng có phải chăng, chính vì mối dây liên kết giữa con người với cuộc đời mong manh như vậy mà sự sống và giá trị sống lại càng thêm ý nghĩa. Và cũng vì thế, những bác sĩ biết trân trọng từng sinh mạng dầu là nhỏ nhất như bác sĩ Taylor lại càng thêm trân quý?
Đặc biệt, sự bé nhỏ bất lực của con người trước bánh xe số phận không chỉ thể hiện ở các bệnh nhân. Tại xã hội thu nhỏ nơi bệnh viện Embarcerado ấy, sự khắc nghiệt còn hằn sâu lên từng số phận của người y, bác sĩ. Họ đã đánh đổi không chỉ là thời gian, công sức, máu cùng nước mắt mà còn là hạnh phúc gia đình, sức khỏe, tuổi trẻ, thậm chí cả tuổi thọ lẫn an nguy bản thân chỉ để làm công việc thầm lặng cứu chữa cho người bệnh. Các y bác sĩ, họ phải làm việc liên tục không ngừng nghỉ, vừa đóng vai trò người chữa trị vết thương thể xác, cũng vừa giữ vai trò chữa trị vết thương tinh thần người bệnh. Những ca trực, đi tua của họ kéo dài liên miên 36 thậm chí 48 tiếng đồng hồ. Chẳng thế mà gia đình bác sĩ Tom Chang đã tan vỡ khi anh không có đủ thời gian dành cho người thân từ đấy đẩy anh đến bước tuyệt vọng. Tom Chang tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ. Hay bác sĩ Taylor đã phải đứng trước tòa án, chịu sự chất vấn cho những hành động đúng với y đức người y sĩ nhưng trong hệ thống bệnh viện vẫn còn quá đỗi quan liêu, hành động ấy lại là lệch chuẩn…
Bởi thế, có thể nói chăng, bác sĩ là người tranh đấu với tử thần nhưng chính mối dây liên kết giữa họ với con người, với cuộc đời lại vô cùng mỏng manh, yếu ớt. Guồng quay công việc quá hối hả khiến cho cuộc sống người bác sĩ chỉ còn gói gọn xung quanh các mối quan hệ ở bệnh viện: bệnh nhân, đồng nghiệp, cấp trên… Và bản thân họ, quay cuồng trong công việc như vậy cũng không thể tự chăm lo cho chính mình một cách trọn vẹn, vậy sao có thời gian, để vun đắp cho những mối quan tâm khác đây? Có phải chăng đó cũng trở thành một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến cho không ít bác sĩ đã bị dòng xoáy công việc, cuộc dời, tham vọng làm tha hóa.
Cho nên 457 trang của tiểu thuyết Không có gì mãi mãi vừa thể hiện tính vô mang của thời gian, sự hữu hạn của đời người, sự bất định trong mối liên kết giữa con người với cuộc sống mà đồng thời tác phẩm còn vừa thể hiện những hiện thực cay đắng, nghiệt ngã về nghề y, ngành y lẫn y đức người bác sĩ. Nhịp truyện nhanh, dồn dập, đan xen liên tiếp hiện thực – quá khứ lẫn điểm nhìn trần thuật đặt lên từng nữ bác sĩ không ngừng thay đổi cùng khối kiến thức chuyên ngành được truyền tải qua từng trang sách đã khiến cho Nothing last forever – Không có gì mãi mãi vừa cuốn hút ở cốt truyện, tình tiết song cũng vừa thâm trầm ở nội dung, ý nghĩa.
Không có gì mãi mãi và tiếng nói vì nữ quyền của Sidney Sheldon.
Có thể dễ dàng nhận thấy một điều, trọn văn nghiệp sáng tác của Sidney Sheldon, ông đã luôn cố gắng nói lên tiếng nói vì nữ quyền, đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Các nhân vật nữ trên trang văn của ông đều thông minh, xinh đẹp, sắc sảo, ngoan cường. Nhưng thật sự, hiếm có tác phẩm nào tiếng nói vì nữ quyền ấy lại được thể hiện rõ ràng, mãnh liệt và đa dạng ở cả ba nhân vật nữ như trong Không có gì mãi mãi.
Ba cô gái, ba bác sĩ làm việc ở bệnh viện Embarcaredo, mỗi người một mặt tính cách, tình cảm cùng nỗi đau quá khứ khác nhau. Họ là những con người riêng biệt trên trang văn Không có gì mãi mãi, và riêng biệt trong cả thế giới nhân vật nữ do Sidney Sheldon tạo ra trước đấy cùng sau này. Không quỷ quyệt, tâm cơ như Kate trong Người đàn bà quỷ quyệt; cũng không truân chuyên chìm nổi trong cuộc đời như một cuộc phiêu lưu lớn giống Tracy Whitney ở Nếu còn có ngày mai; Taylor, Kat, Honey là những cô gái bình dị hơn nhiều. Họ sống trong một không gian hẹp (bệnh viện Embarcaredo), hầu như chỉ tiếp xúc với hai nhóm người: đồng nghiệp và bệnh nhân nên những nỗi đau của họ là vết thương hằn dấu nơi quá khứ, khoét sâu trong hiện tại.
Đó là Taylor, một nữ bác sĩ xinh đẹp, đầy tự trọng đã tan nát trong hi vọng về tình yêu với một con người không xứng đáng với kì vọng của cô. Đó là Kat, một cô gái da đen đã oằn mình lên để vượt qua ám ảnh tâm lý tuổi thơ bị người cha dượng xâm hại cùng ánh nhìn kì thị sắc tộc của những người xung quanh để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ. Và đó còn là Honey, cô gái trẻ dịu dàng luôn muốn làm vui lòng người khác nhưng cay nghiệt thay cô lại sinh ra trong một gia đình xuất sắc đến nỗi chỉ có người khác tìm đến làm vui lòng họ.
Đứng trước ba nữ bác sĩ đó, lần nữa độc giả nhận ra, họ có thể là những thầy thuốc giỏi, cứu sống nhiều sinh mạng nhưng dường như, họ lại bất lực trong việc chữa lành các vết thương nhức nhối nơi trái tim, tâm hồn. Đặc biệt, trước khi là bác sĩ, họ cũng là những cô gái, những người phụ nữ như bao phụ nữ khác, khao khát yêu và được yêu.
Bởi thế, tiếng nói vì nữ quyền trong Không có gì mãi mãi, trước hết thể hiện ở khía cạnh Sidney Sheldon đã khắc họa trên trang văn những nhân vật hết sức đời thường với những cảm xúc, nỗi đau mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng có. Họ thấu hiểu, yêu thương, chở che, bao bọc đồng nghiệp, bệnh nhân, gia đình bằng trái tim, tấm lòng của “bản năng làm mẹ” vẫn luôn thường trực nơi tâm hồn nữ giới. Họ đã trao đi rất nhiều quan tâm và thương yêu, vì thế, bản thân những người phụ nữ đó cũng đáng nhận được tình yêu đích thực để cuộc sống của họ bớt cô đơn, và cũng để họ biết rằng bên cạnh họ vẫn còn người biết trân trọng giá trị tự thân mà họ có.
Cùng với việc lên tiếng đòi quyền hạnh phúc, đòi quyền sống, hơn cả, Không có gì mãi mãi còn là tiếng nói của Sidney Sheldon đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội Mỹ những năm 90 của thế kỷ XX. Bất kể đó là người da trắng hay da màu, mang xuất thân giàu sang hay có phần thấp kém.
Được sáng tác vào năm 1994, bối cảnh tác phẩm lại xảy ra ở một bệnh viện cổ kính với một hệ thống đầy quan liêu, dường như bao bất công, kì thị đều tích tụ ở Embarcaredo. Đồng nghiệp nam xung quanh Taylor, Kat, Honey từ đầu đã không coi họ là “bác sĩ” mà chỉ có ý coi thường, khinh miệt họ. Bệnh nhân cũng không tin tưởng vào “đàn bà làm bác sĩ”. Và cả xã hội khi ấy cũng có cái nhìn đầy phán xét định kiến trước việc một phụ nữ nắm giữ sinh mạng con người. Đến nỗi, các cô đã phải cay đắng thốt lên: “Nhiều người trong số họ chẳng muốn ta làm việc đâu. Họ chỉ muốn ta lên giường với họ thôi. Thật không công bằng. Đàn bà luôn bị coi là thấp kém cho đến khi chứng minh được năng lực của mình. Đàn ông thì ngược lại. Họ được coi là giỏi giang cho đến khi tự phô này là những thằng ngốc.”
Vì thế, chấp niệm của Taylor hay của Kat trong việc những người xung quanh có coi họ là “bác sĩ” hay không cũng chính là chấp niệm cùng sự khắc khoải nhân sinh của chính tác giả Sidney Sheldon. Bởi một người phụ nữ chỉ có thể sống cuộc đời trọn vẹn khi họ có đủ cả quyền tự do, quyền hạnh phúc và quyền được bình đẳng như những người đàn ông khác.
Xem thêm:
Không có gì mãi mãi, nhưng có một điều mãi mãi, đó là tình yêu thương.
Không phải một tác phẩm thuần trinh thám, các cuộc điều tra của Taylor hầu như đều là tự phát; đặc biệt tình tiết truyện cũng có không ít lỗ hổng nhất là phần kết quá chóng vánh với việc phiên tòa thu hút ánh nhìn của cả thành phố mà khép lại chỉ sau lời khai của một nhân chứng đột nhiên xuất hiện. Nhưng Không có gì mãi mãi quả thực vẫn là tác phẩm đầy cuốn hút của Sidney Sheldon. Một cuốn sách với không ít đoạn văn miêu tả sex một cách khá trực tiếp, thậm chí là trần trụi. Một cuốn sách với hàng loạt sự kiện dồn dập diễn ra, nhiều sinh mạng đã ra đi, thậm chí có cái chết còn xảy đến vô cùng đau đớn, nghiệt ngã như cái chết của Kat.
Những yếu tố đó, tất cả như để tái hiện trọn vẹn đau thương, vụn vỡ người trong cuộc phải gánh chịu. Và hẳn cả không ít độc giả đọc Không có gì mãi mãi đã không chỉ hoài nghi về hai chữ “mãi mãi” mà còn hoài nghi về tính thiện, tình thương giữa người với người giữa đường đời nhiều cám dỗ, cũng lắm trái ngang, định kiến.
Thế nhưng, đến cuối cùng, điều tác giả Sidney Sheldon hướng đến, phía sau tựa đề Không có gì mãi mãi, vẫn còn điều mãi mãi tồn tại, đó là tình yêu thương: Tình yêu thương giữa những người bạn chân chính, sẵn sàng làm tất cả để tìm ra sự thật, đòi lại chút công bằng cuối cùng nhằm an ủi linh hồn người đã khuất. Tình yêu thương giữa những trái tim thật sự yêu nhau, biết cảm thông, tin tưởng, cùng nhau hướng đến tương lai. Tình yêu thương hay cũng chính là y đức mà người bác sĩ dành cho mỗi bệnh nhân. Và đó còn là tình yêu thương sâu kín, lòng trân trọng người tài của một người vừa là thầy, cũng vừa là đồng nghiệp.
Tất cả, làm cho Không có gì mãi mãi những tưởng là một tác phẩm đầy cực đoan trong tư tưởng mà rồi đến những trang cuối cùng, độc giả mới thật vỡ òa, đây chính là cuốn sách của những thương yêu ấm áp, hi vọng tốt đẹp được gửi trao về tương lai.
:
Mọt Mọt