Thú tội là một trong 10 cuốn sách bán chạy nhất năm 2009 được sáng tác bởi Minato Kanae. Tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Nhật này bán được 3 triệu bản và được dựng thành phim chỉ 1 năm sau đó. Một cuốn sách được đánh giá là ớn lạnh & tàn nhẫn về đề tài giáo dục học đường, tâm lý tuổi mới lớn.
Thời trung học phổ thông được coi là “tuổi thanh xuân” của rất nhiều người, tươi tắn về những mối tình học trò đẹp đến mức mà nếu coi quãng thời gian này giống như một “cơn mưa rào” thì hầu hết chúng ta sẵn sàng quay lại để được “ướt mưa” thêm một lần nữa.
Vậy còn thời trước đó, tuổi mới lớn, tuổi dậy thì thì sao? Có nhiều người nhớ về cái thời “không còn là trẻ con, nhưng cũng chưa hẳn là người lớn” đó nữa không? Ở cái tuổi học sinh cấp 2, không ít cô cậu học trò đã nổi loạn, biến đổi tâm lý & nhân cách. Điều này được thể hiện một cách hoàn hảo đến rợn người trong tác phẩm Thú tội của Minato Kanae.
Nếu bạn đang nghĩ cuốn sách này bắt đầu vẽ nên những vụng dại ngây ngô của tuổi mới lớn như là tụ tập đánh nhau với đám học sinh cùng trường hay là cùng nhau phì phèo khói thuốc, rủ nhau xem phim đen…thì bạn đã nhầm.
Bởi cuốn sách nói về giết người. Là học sinh cấp 2 cố ý giết chết một đứa bé. Hơn nữa đứa bé này lại là con của cô gái chủ nhiệm.
Xem thêm review sách của Minato Kanae
Tất cả vì N: Bức tranh đượm buồn về tình yêu u mê & tội lỗi
Lời thú tội của cô giáo
Như cái tên của cuốn sách, 6 chương vẻn vẹn hơn 200 trang sách chỉ nói về thú tội. Lần lượt là tường thuật của cô giáo, lớp trưởng, bà mẹ học sinh B, rồi đến lời tự sự điên loạn của B, di chúc của A & cuối cùng khép lại bằng cuộc gọi của cô giáo cho học sinh A. Tất cả mọi lời thú tội đều bắt đầu xung quanh câu chuyện về Manami, con gái của cô giáo.
Một đứa bé ngây thơ 1 tuổi vụng trộm mang bánh mỳ tới gần bể bơi của nhà trường nơi mẹ dạy để cho chú chó lang thang khỏi bị đói.
Một đứa bé đáng nhẽ ra đã có một tuổi thơ êm đềm, một cuộc sống thần tiên. Có một người mẹ mẫu mực, người cha tuyệt vời.
Thế nhưng 2 học sinh của cô giáo Moriguchi đã khiến điều đó vĩnh viễn chỉ còn là quá khứ. Giết chết rồi dìm xuống bể bơi dàn dựng thành một vụ tai nạn!
Và cô giáo biết rõ điều đó.
Cô giáo sẽ trả thù. Khi mà luật pháp sẽ nhẹ tay với những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên, cô quyết định tự tay xét xử trong buổi học cuối cùng năm lớp 7. Buổi xét xử trên thực tế diễn ra trong nỗi bàng hoàng của tất cả học sinh cũng như khiến cho độc giả “ớn lạnh”.
Với những người yêu thích truyện trinh thám ắt hẳn sẽ đọc đoạn đầu này & nghĩ ngay tới cái kết, đoán rằng trên thực tế thì cô giáo sẽ không tiêm máu vào sữa để các bạn kia uống chỉ để trả thù. Có lẽ cô chỉ để đe doạ gây ám ảnh tâm lý cho những kẻ đáng bị nhận trừng phạt vì đã gây ra tội ác không thể tha thứ!
Đến khi đọc đến những dòng văn tự sự của bạn lớp trưởng ở chương 2, rất có lẽ nhiều độc giả sẽ nghĩ rằng phán đoán về việc cô giáo giả vờ báo thù là hoàn toàn đúng đắn. Bởi thực tế thì không ai bị nhiễm HIV cả. 2 bịch sữa mà 2 bạn học sinh kia đã uống thực tế không hề bị bơm máu vào!
Nhưng một lần nữa nhà văn Minato Kanae lại khiến tất cả phải ngã ngửa, và đó là lý do Thú tội xứng danh là một trong những cuốn sách bán chạy nhất, thậm chí còn được dựng lại thành phim.
Nhà truyền đạo chân chính
Xuất hiện vô cùng mờ nhạt trong cuốn sách, chỉ được điểm danh vài lần nhưng lần nào anh ấy cũng gây sốc. Lời thú tội sau cùng của cô giáo đã chỉ ra rằng, lý do bịch sữa không có nhiễm máu HIV là bởi vì đã bị đánh tráo. Người đánh tráo, nhà giáo sĩ tốt bụng, không ai khác chính là anh chồng của cô, người cha của đứa trẻ. Anh ấy tha cho kẻ thù, bởi anh tin rằng 2 đứa trẻ tuổi mới lớn ấy có thể trở thành một con người tốt trong tương lai.
Chúng ta đánh giá cao sự vị tha của anh, còn về phương diện tiên đoán tương lai & nắm bắt tâm lý tuổi mới lớn thì có lẽ anh đã nhầm. Bởi hai học sinh mà anh nghĩ là sẽ trở thành người có ích cho xã hội, một người thì không vượt qua nỗi ám ảnh tâm lý, tự tay đâm chết mẹ ruột của mình. Người còn lại, suýt nữa đã đặt bom nổ chết học sinh toàn trường!
Đôi khi lòng tốt nếu đặt không đúng chỗ, sẽ lại gây ra một tai hoạ khôn lường như vậy đấy
Lòng tốt của một người mẹ – Mù quáng, vô cùng mù quáng
Nếu như lòng từ bi của nhà truyền đạo sẵn sàng tha cho những kẻ đã giết con mình có thể khiến độc giả cảm thấy ấm áp, thì sự hi sinh mù quáng của người mẹ học sinh B cho đứa con ngây dại lại khiến chúng ta thêm xót xa.
Nuôi dạy con cái chưa bao giờ là việc dễ dàng với những người phụ nữ giàu tình cảm và thiếu sự nghiêm khắc cần thiết. Với Mẹ của Nao – học sinh B trong lời thú tội mở màn, thì niềm yêu thương con cái đã giết chết bà và huỷ hoại chính đứa con Naoki mà bà yêu thương nhất. Tất cả những gì bà ấy làm là phủ nhận mọi lỗi lầm của người con, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí tình yêu mù quáng ấy còn xót xa đau đớn hơn khi chính miệng người con khẳng định “con, chính con đã giết đứa bé ấy”, bà vẫn một mực không tin, và rồi khổ sở hơn, bà còn định tự sát cùng đứa con “Naoki của mẹ”!
Tất cả tội ác đều bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình, chân lý ấy muôn đời vẫn đúng. Quan tâm, nuông chiều hay nghiêm khắc với con cái bao nhiêu là đủ, bài toán ấy vẫn khiến mọi đấng sinh thành phải đau đầu nhức óc.
Nuông chiều con cái quá thì không tốt. Vậy nếu bỏ rơi con thì sao?
Câu trả lời : sẽ lại có thêm nhiều học sinh A ra đời.
Wanatabe – Thiên tài lạc lối
Học sinh A, kẻ đã lên kế hoạch giết đứa bé con gái của cô giáo. Kẻ đã chế tạo quả bom để tự sát cùng với học sinh toàn trường. Kẻ đã giết chết chính bạn gái của mình và nhét xác vào tủ lạnh. Chừng đó câu từ vắn tắt đủ để mô tả về câu học sinh lớp 8 có trí tuệ thiên tài nhưng tâm lý điên loạn.
Cậu đáng thương, tạo vỏ ngoài kiêu ngạo bất cần đời để che giấu một nội tâm yếu đuối. Cậu khinh thường tất cả những lũ học sinh ngu ngốc cùng lớp, bởi chúng dám chê cười những phát minh thiên tài của cậu. Đồng hồ đếm ngược, “ví chống trộm”, máy phát hiện nói dối…chẳng ai quan tâm.
Cậu làm tất cả mọi thứ chỉ để tìm kiếm sự công nhận, từ một người mẹ đã bỏ rơi cậu để ra đi tìm sự nghiệp. Cậu sống với người cha không có tình thương, bỏ con cái sống một mình ở một nơi hoang vắng, không gần gũi để dìu dắt cậu trưởng thành.
Và hậu quả, với tâm lý lệch lạc do lỗi lầm của những người lớn, cậu hiểu một cách méo mó rằng thế giới này quan tâm tới những “tin shock, tin hot” như là kẻ giết người hàng loạt, hơn là những phát minh thiên tài. Và để được mẹ chú ý, cậu phải giết người, phải lên báo, phải trở thành đề tài truyền thông bàn tán.
Xót xa, ớn lạnh rùng mình khi đọc những “di chúc” do thiên tài lạc lối này kể lại. Có lẽ cuốn sách này sẽ khiến cho những bậc phụ huynh phải nhìn lại cách giáo dục của chính mình. Ở cái tuổi dậy thì, tâm lý một đứa trẻ rất dễ bị méo mó nếu như không được chỉ đường đúng đắn. Sẽ có rất nhiều học sinh A như Wanatabe ra đời, sẽ có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra, nếu như bậc cha mẹ không dạy con, thương con đúng cách. Có lẽ đây cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc của tác giả Minato khi viết nên cuốn sách Thú tội tuyệt vời này!
Thế nhưng, bên cạnh những cái hay, Thú tội vẫn còn đó một điểm trừ đáng tiếc : cái kết tàn nhẫn cho những kẻ gieo gió phải gặt bão. Đánh lừa độc giả để gây nên sức hút dồn dập & khó cưỡng, nhưng cái kết u ám sẽ rất khó để trở thành một giáo trình nhập môn về giáo dục tuổi mới lớn.
Có lẽ sẽ tuyệt vời hơn, nếu như quả bom được cô giáo mang đi đông lạnh để nó không phát nổ, thay vì thổi bay mất một toà nhà cao tầng!
Vài nét về tác giả Minato Kanae
Minato là nữ tác giả chuyên viết về tiểu thuyết tâm lý nổi tiếng của Nhật Bản. Bà bước vào sự nghiệp văn chương khá muộn, khi đã sang tuổi 30, nhưng cuốn tiểu thuyết đầu tay Thú tội của bà đã lọt vào danh sách 10 tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2009 với hơn ba triệu bản. Năm 2010, Thú tội được chuyển thể thành phim điện ảnh và lọt vào danh sách đề cử giải Oscar dành cho phim nổi tiếng nước ngoài.