Là một tác giả trẻ luôn khắc khoải những chuyện xưa cũ trong cảm thức hết sức mong manh, tinh tế mỗi khi nhắc đến kí ức, kỉ niệm, yêu thương; truyện ngắn của Lê Ngọc, tựa những trang tản văn anh viết, bảng lảng nỗi day dứt về những kiếp người bé mọn đi dọc dài thời gian trong xã hội cùng niềm hoang hoải về chữ tình, về chữ người và chữ đời. Mà tập truyện ngắn Mùa gió ngang vai, đã như thu trọn lại, đặc trưng trong sáng tác của cây viết trẻ này.
Không gian kí ức
Có thể nói, trọn vẹn 12 truyện ngắn trong tập truyện Mùa gió ngang vai đã được tác giả Lê Ngọc tạo tác lên từ những miền không gian kí ức bàng bạc. Bất kể câu chuyện đó có được xây dựng trong dòng thời gian thực tại thì xen giữa dòng thời gian thực tại đó, vẫn là mạch ngầm kí ức không ngừng chảy trôi, khi âm ỉ nhức nhối, khi trỗi dậy cuộn trào vào khoảnh khắc, có cơn gió vô tình gợi nhắc, khơi lên những xao động trong quá khứ ngỡ chừng ngủ yên kia.
Đó là kí ức về những năm tháng đau thương của chiến tranh hằn sâu vào tâm thức mỗi con người từng trải trên mảnh đất hình chữ S này. Chiến tranh đã lùi xa mà kí ức của tháng ngày binh lửa, đớn đau, mất mát ấy vẫn chẳng hề nguôi ngoai, vẫn mãi như vết sẹo dẫu có kết vảy vẫn không thôi nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời. Là Gương mặt chiến tranh của những chàng trai, cô gái đã ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, khi tương lai phía trước còn rộng mở với những yêu thương còn chưa kịp gửi trao, khi bên họ vẫn còn những người thân nuốt ngược dòng nước mắt nhìn họ lên đường. Họ ra đi, và họ đã gửi lại thân xác trên những tuyến đường, gửi lại tuổi trẻ cho độc lập Tổ quốc hôm nay. Họ, người ra đi. Và họ, những người còn ở lại nhớ về những người ra đi ấy trong tiềm thức, cho người ra đi về thể xác, song vẫn sống trong nỗi nhớ khôn nguôi ở kí ức người ở lại. Lặng thầm nhớ, lặng thầm thương, lặng thầm khắc khoải. Lặng im quá khứ nở hoa.
Đó là kí ức một thời ấm áp với đủ mọi hi vọng của tháng ngày con người vẫn còn nhiều khao khát, mộng mơ mà người ta được bảo bọc trong những thương yêu có khi còn nhiều vụng dại. Để rồi trong buổi hôm nay nhiều đắng cay, người ta sống giữa sự cô đơn, xa cách, sống giữa những rạn vỡ của các mối quan hệ ngỡ chừng bền chặt nhất,… người ta lại nhớ về đoạn kí ức đó, mà càng thêm hoài tiếc, và càng thêm xót xa. Để rồi những đối lập giữa quá khứ ngọt ngào, tươi đẹp với hiện tại u buồn cũng lại như chiếc mỏ neo, níu giữ con người với cuộc đời này. Để người ta tiếp tục sống và tồn tại cho yêu thương đã xa, để người ta có thể mở lòng mà thấu hiểu, cảm thông cho chính cả nỗi khổ đau của người khác. Nên Vợ hiền có lẽ không đơn thuần chỉ là tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Và giữa đời còn lắm khuất khúc, Có đáng hay không, cũng là câu hỏi chỉ người trong cuộc mới có thể tự trả lời.
Và đó là kí ức được đắp bồi từ mạch nguồn văn hóa đang chảy gữa dòng hiện thực. Kí ức được đắp bồi ngay ở thực tại từ chính sự chở che, thương yêu giữa con người với con người, giữa những cá nhân mà trước đó họ chỉ là những người xa lạ hay họ vốn chẳng hề có liên hệ máu mủ. Cũng những kí ức đó, trở thành điểm tựa Dưới mái hiên nhà, để con người, bất kể là trẻ nhỏ hay những ai đã trưởng thành, ngay giữa thời khắc ngỡ chừng đơn độc nhất, có thể Giật mình xốn xang mà hiểu rằng, họ vốn không cô đơn giữa đời rộng lớn này.
“Cái quý giá nhất đời người là ký ức, nhất là ký ức về người thân.”
Kí ức tựa “chiếc hộp”, dần phong kín theo thời gian. Nhưng tất thảy, chỉ chực chờ một “mùa gió” thổi mà trở về, khiến người ta không khỏi nao nao nhớ, nao nao thương, nao nao trong nỗi bâng khuâng day dứt.
Phận người bèo bọt
Trong không gian kí ức phủ lên trang văn tập truyện ngắn Mùa gió ngang vai một màu bàng bạc, những phận người bèo bọt hiện lên bảng lảng như khóm Hoa xuyến chi “mọc dại ven đường. Nghe tên mỹ miều mà muốn người chà đạp. Ai thích dẫm thì dẫm. Họ vô tình ngang qua, tiện chân bước đâu thèm ngó ngàng.”
Là những người phụ nữ thuộc thế hệ trước và cả những người phụ nữ sống trong buổi hôm nay đã luôn hi sinh, lãng quên đi chính bản thân mà sống vì trách nhiệm thế hệ, mà sống vì nguyện vọng của người khác. Họ là nạn nhân của chiến tranh tàn khốc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, những cô gái cũng như những chàng trai, đã để lại thân xác, tuổi trẻ trên những tuyến đường làm nên chiến thắng. Theo những biến động lịch sử và thời đại, họ trôi dạt cùng dòng xoáy thời gian những năm binh lửa và đã đánh mất rất nhiều, người thân, người yêu, thậm chí là sinh mạng, cho Ngày trở về.
Để rồi, trong thời bình, người phụ nữ vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân từ những đè nén của bao phán xét, định kiến cay nghiệt của người đời. Về hai tiếng “đàn bà”, về hai chữ “phụ nữ” trong đủ các mối quan hệ. Có đáng hay không, thật khó tìm câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, dám hi sinh, dám yêu và dám sống bất kể hoàn cảnh, hẳn cũng chính là sự mạnh mẽ của loài Hoa xuyến chi bên đường, những bông hoa dại tưởng mong manh là thế mà kiên cường khôn cùng.
Và rộng hơn, phận người bèo bọt trên trang văn tác giả Lê Ngọc, trong tập truyện ngắn Mùa gió ngang vai còn là chính muôn mặt kiếp người bé mọn sống đời bình thường mà ẩn chứa muôn vàn khuất khúc hiện hình giữa cuộc sống này. Là người trẻ trong cuộc sống mưu sinh nơi đất khách, thấm thía thế nào về nỗi cô độc và sự chênh vênh trước cơn biến động dữ dội của cuộc sống ngày đại dịch. Là con người nói chung cùng những mối quan hệ thường trực với trách nhiệm công việc, trách nhiệm cộng đồng, gia đình, người thân và chính bản thân họ giữa guồng quay cuộc sống đang dần kéo người ta ra xa những gì là giản dị, gần gũi, bền chặt nhất.
Đi sâu đến những kiếp người bé mọn trong xã hội, khai thác hàng loạt mâu thuẫn trong những mối liên kết ngỡ rằng bền vững giữa con người với con người, đi sâu vào tầng sâu ý thức, thâm nhập tới tận vùng ẩn ức để gợi lên những gì là mong manh, mơ hồ, day trở trong lòng người; tập truyện ngắn Mùa gió ngang vai và tác giả Lê Ngọc đã đưa đến cho độc giả, chút gió lạnh se sắt trước hiện thực cuộc sống với số phận con người còn lắm gập ghềnh, khổ đau. Nhưng tái hiện cuộc sống với muôn khía cạnh, kể cả những khía cạnh đầy gai góc còn hiện hữu với cái nhìn rất mực nhân đạo cùng lòng tin vào tình người, lại là cái tình, cả tấm lòng Lê Ngọc gửi gắm qua con chữ, tới phận người bèo bọt giữa đời nghiệt ngã, đắng cay này.
Những trang truyện ngắn, tựa trang tản văn thấm đẫm xúc cảm
Như đã nói, truyện ngắn của Lê Ngọc cũng như những các trang tản văn anh viết, luôn thấm đẫm cảm xúc. Thứ cảm xúc được chưng cất từ ánh nhìn của một người cầm bút luôn khắc khoải trong dòng hồi ức, hoài niệm quá khứ, một quá khứ dẫu còn nhiều thiếu thốn nhưng lại ăm ắp sự ấm áp tình thân với những người thân mà trong buổi hiện tại, người ta chỉ có thể nhớ về bằng tất cả nỗi nhớ thương, hoài tiếc. Thứ cảm xúc được ủ men từ ánh nhìn của một người cầm bút buổi hôm nay song lại có vốn hiểu biết cùng niềm trân trọng rất mực tới văn hóa, lịch sử dân tộc, về những gì là đau thương quá khứ đã qua vẫn đang hiện hữu ngay tại thời bình tựa vết sẹo dài vắt dọc chiều thời gian vậy. Thứ cảm xúc, hơn cả được cô đọng lên từ tấm lòng một cây viết đã yêu thương, trân quý con người thế nào, để mà có thể đồng cảm ngay cả khi con người tưởng chừng chỉ rặt bao tính xấu xa, ích kỉ. “Con người vốn dĩ chẳng ai tàn nhẫn với ai, chỉ khi đã nếm trải hết những đớn đau đến độ phát điên thì mới vậy.”
Văn chương Lê Ngọc giàu cảm xúc, và trong một tập truyện ngắn, ở mỗi câu chuyện, anh có sự đa dạng ngôi kể, đa dạng điểm nhìn trần thuật bên cạnh sự đa dạng phương thức trần thuật. Bên cạnh yếu tố tự sự, truyện ngắn của Lê Ngọc nói chung, tập truyện Mùa gió ngang vai còn có sự đan xen cả thơ và hình thức thư tín trong cách xây dựng, triển khai cốt truyện lớp lang, khúc triết giữa hai chiều không – thời gian quá khứ – hiện thực, giữa những chiều không gian làng quê – phố thị, bên trong – bên ngoài… Nhưng với giọng văn như sự thủ thỉ, tâm tình, phải chăng, mỗi truyện ngắn đa sắc thái đó đều được đúc rút từ chính cái “tôi” của tác giả, một cái “tôi” đa sầu, đa cảm, giàu ưu tư?
Để sau cơn gió lạnh se sắt, Mùa gió ngang vai đưa cả những cơn gió ấm áp của kí ức và yêu thương trở về.
Mọt Mọt