Chàng trai Ryota Hayama trầm tính, lặng lẽ luôn trốn mình vào thế giới nội tâm, không gian trên những trang sách viết về cái chết.
Cô gái Koharu Uemura nhiệt tình, hay nói, hay cười.
Họ là bạn học cùng lớp thời phổ thông nhưng họ sẽ mãi như hai đường thẳng song song bởi sự khác biệt tính cách cho đến ngày ra trường, nếu như hai người không vô tình bị ghép cặp, trong phần thi nhảy bao bố ở ngày hội trường. Và từ “Bao gạo mở ra tương lai”, là ngày mai với những bữa cơm họ cùng chờ đợi. Dẫu cho tương lai ấy, có nghiệt ngã hay bất định đến đâu chăng nữa.
Cái chết
Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi, có thể nói, trước khi là “câu chuyện tình đắng cay ngọt ngào”, thì cuốn tiểu thuyết này của Maiko Seo, là một câu chuyện mang nặng nỗi ám ảnh về cái chết. Cái chết trải dài trên trang văn. Ngay từ những ngày đầu đôi bạn trẻ Hayama và Uemura bắt đầu thân quen qua việc kết đôi trong trò chơi nhảy bao bố, đến lúc họ xác nhận tình cảm dành cho nhau, cả tới khi họ chia lìa và đến tận giai đoạn, những tưởng họ đã có được hạnh phúc dưới mái nhà nhỏ, họ cùng vun đắp tương lai gia đình.
Cái chết thường trực, xuyên suốt tác phẩm và quấn riết lấy nhân vật. Người anh “hoàn hảo” với Hayama ra đi vì bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn quá trẻ vào thời điểm Hayama chỉ là một cậu nhóc học cấp 2. Khiến một cậu bé mới bước vào tuổi mới lớn, phải sớm mang nỗi hoài nghi về sinh mệnh, sự sống. Để cho một cậu thiếu niên chớm bước vào tuổi trưởng thành, đã bắt đầu kiếm tìm ý nghĩa hai chiều sống – chết qua từng trang sách.
Hayama trầm lặng, Hayama u ám, Hayama đắm chìm vào thế giới riêng của cuộc đời những con người xa lạ, bất kể đó là ai, chỉ cần là sách viết về cái chết. Vì anh mất phương hướng, vì mãi không thể cắt nghĩa được giá trị cuộc sống lẫn ý nghĩa sinh mệnh mong manh của con người giữa cuộc đời. Hayama nhạy cảm, Hayama sâu sắc, Hayama trưởng thành trước tuổi, bởi mãi quẩn quanh trong câu lớn nhỏ cuộc đời, cả cụ thể lẫn trừu trượng. “Tôi muốn biết một câu trả lời thẳng thắn hơn nữa. Tôi muốn biết những ngày tháng khổ sở này sẽ tiếp diễn đến khi nào, và làm thế nào để cảm giác đè nặng trong lòng này giảm bớt.”
Và Hayama u ám đến thế, trầm lặng chìm sâu vào đau thương đến vậy, đã dần bị nguồn năng lượng tưởng không bao giờ vơi cạn của cô gái Koharu Uemura hay nói, hay cười cuốn hút. Cho đến khi, Uemura hiện lên dưới ngòi bút của tác giả Maiko Seo, cũng là một cá nhân, thuộc cùng “thế giới” với Hayama. Rằng, cũng như Hayama, Uemura sớm mất người thân và đằng nụ cười của cô, là nỗi cô đơn cùng khát khao “trân trọng người thân” đến đớn đau.
Cho nên, trong thế giới của những con người như bị cảm thức về “cái chết” nhấn chìm, họ tìm tới nhau như tìm về một sự thấu hiểu, đồng điệu cho tâm hồn. Hay ngay từ đầu, chính họ đã vô tình bị đối phương cuốn hút, bởi cùng quá khứ và hiện tại, mỗi người đều không thể thoát khỏi ám ảnh “cái chết”. Họ cần có nhau, cho dù đối phương không phải “một người giống như mặt trời.” Vì họ là những con người thuộc về một thế giới dị biệt, mà kẻ ngoại lai khó lòng bước vào. Thế nên đâu thể vô trách nhiệm rằng chỉ cần “một tình yêu mới” là xóa nhòa tất thảy kí ức, kỉ niệm cùng những cảm xúc nhỏ nhặt mà tinh tế họ đã dành riêng cho nhau, giữa nỗi phức cảm về một cái chết mơ hồ đeo bám?
Thật vậy, cái chết mơ hồ trong quá khứ, rồi hiện hình ở hiện thực. Mối quan hệ giữa Hayama và Uemura chưa khi nào, chưa bao giờ thoát khỏi cảm thức của “cái chết” muôn hình vạn trạng đó. Một dạng ám ảnh nơi ẩn ức con người đã đi sâu vào cuốn tiểu thuyết Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi và vốn đã hằn sâu trong tâm thức người dân Nhật Bản lẫn văn chương xứ sở này.
Người ra đi là sự kết thúc sinh mệnh của bản thân người đó. Nhưng thương tổn, hoài nghi, day dứt thì lại mãi hằn sâu trong nội tâm người ở lại. Để người ta nỗi ám ảnh khôn nguôi cùng niềm khao khát hơn hết thảy, đi đến tận cùng chân lí về sự sống, cái chết lẫn ý nghĩa tồn tại của cá nhân bé nhỏ giữa cuộc đời rộng lớn. “Nhưng sinh mệnh là một thứ lớn lao. Nó trọng yếu tới mức có thể dễ dàng thay đổi tính cách, cuộc sống và nhân sinh quan của một con người.”
Hay đơn giản, chỉ để những con người vốn yếu đuối trước cái chết chứa đựng đầy sự bí ẩn vĩnh hằng, tìm đến, gắn bó, nương tựa lẫn nhau chờ đợi một ngày mai, bình dị nhất, lại đến.
Ngày mai
Như đã nói, Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi, là câu chuyện, trước hết tạo tác lên từ ám ảnh cái chết. Nhưng tổng thể tác phẩm vẫn là ngày mai, tương lai của những kiếp người bé mọn, vẫn luôn cố gắng sống trọn một số kiếp mong manh. Chặng đường phía trước với họ, có thể còn lắm trắc trở. Và để đến được “ngày mai” đó, không khỏi có những phút giây, khoảnh khắc họ cũng đã làm tổn thương người khác, làm thương tổn chính bản thân lẫn người họ yêu thương.
Nhưng bởi ngày mai đó gắn với “hi vọng” nên trang viết Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi, dù có khắc khoải với đủ mọi dằn vặt, bất định, hoài nghi trong nỗi buồn đau kí ức khôn dứt thì đây vẫn là tác phẩm rất mực dịu dàng ở cách, người ta đối đãi lẫn nhau. Có thể với độc giả, quyết định của những Hayama hoặc Uemura có thể nghiệt ngã hay mang phần nào đấy, là tồi tệ. Nhưng sau tất cả, cách người ta mạnh mẽ, dứt khoát đối diện với từng mối quan hệ, dám nói, dám chịu, dám theo đuổi, dám đương đầu hướng đến hạnh phúc còn xa vời sau tất thảy nỗi khổ đau, cũng đủ để nói rằng, mỗi nhân vật Maiko Seo xây dựng lên, đều dũng cảm, kiên cường như thế nào.
Ngày mai đó, còn bao chứa cả những ngọt ngào của quá khứ, một quá khứ mang cô độc, buồn bã thì cũng lưu dấu đấy những giây phút ngọt ngào để người ta nhớ, thương, trân trọng đến cả khi trưởng thành. “Trường học chẳng thiếu những điều ép buộc và những chuyện vô duyên khác. Nhưng đó cũng là nơi rất êm dịu. Bữa trưa lâu rồi mới ăn cùng mọi người thật ngon, cuộc trò chuyện giữa chúng rất vui vẻ, dù nội dung chỉ toàn những chuyện vô thưởng vô phạt.” Để rồi, chẳng phải, chính bao phút giây êm dịu về một kí ức đã xa mà vẫn khiến người ta nhớ nhung, luyến tiếc, níu giữ mỗi cá nhân mang nặng ẩn ức “cái chết” còn đứng vững trên trần thế cho một mai, họ trở về bên nhau với bao yêu thương vẫn dang dở đấy ư?
Và ngày mai đó, chính là tương lai bất định phía trước. Chẳng ai biết được “ngày mai” sẽ ra sao và điều ấy, khiến người ta hoảng hốt, lo sợ khi hiện thực họ đang sống, lại quá đỗi đắng cay. Nhưng chẳng phải, con người vẫn sống, sau mọi vết thương tâm hồn, là để hướng đến ngày mai đấy hay sao? Sống cho bản thân, cho người họ yêu thương, cho cả một quá khứ nhiều đau buồn họ đã kiên cường vượt qua để có thể nhìn thấy tương lai phía trước. “Hai người mới là một đôi vợ chồng trẻ, có hợp sức lại cũng chẳng mạnh mẽ gì. Vì chẳng mạnh mẽ gì, nên sẽ không có thử thách quá lớn nào đến với hai người đâu.”
Bằng lối viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm qua ngôi kể thứ nhất được đặt vào chàng trai Ryota Hayama, tác giả Maiko Seo đã viết lên những dòng văn Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi bình yên, giản dị tựa chính hơi thở cuộc sống này. Dù có biến động, thì nhịp sống vẫn chảy trôi và con người, lại quá đỗi nhỏ bé trước guồng quay cuộc đời.
Song dù nhỏ bé hay mang nhiều mặc cảm, ngờ vực hơn nữa, người ta vẫn có quyền được yêu, được sống, được hi vọng một ngày mai ánh lên trong đôi mắt người họ yêu thương. Cuộc sống vốn không công bằng nhưng cũng lại rất bình đẳng với tất cả. Bởi cuộc đời sẽ không vì bạn sống thế nào, mà đối xử với bạn thiên vị hơn người khác. Nhưng, mỗi người đều có thể trở nên đặc biệt, với một người khác. Và trước biến động số phận, con người bé nhỏ, có quyền tin tưởng, cũng có quyền tin tưởng.
Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi, tựa sách bình dị mà gợi tả lạ. Ngày mai đó, chẳng phải điều gì cao xa. Chỉ cần là bữa cơm đơn thuần, tượng trưng cho hai tiếng gia đình, tình thân, cũng đủ cho người ta “hi vọng”. Rằng, giữa cuộc đời vô thường, người ta chẳng hề cô độc.