Nếu hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày bạn nhìn thấy người bạn thân nhất của mình bị sát hại, bạn có muốn ghi chép lại diễn biến của toàn bộ câu chuyện – ngay cả việc liên quan đến một con mèo chết trong ngày hôm ấy, nhằm giúp bản thân không thể nào quên?
“Ác ý” là câu chuyện trinh thám về cái chết của một nhà văn nổi tiếng Hidaka Kunihiko dưới góc nhìn của hai nhân vật có gắn bó mật thiết với tiến trình điều tra – nhà văn Nonoguchi Osamu, “bạn thân” đồng thời là người đầu tiên phát hiện ra cái chết của nhạn nhân, và cảnh sát Kaga, người trực tiếp tham gia điều tra, phá án.
Xuyên suốt tác phẩm, tác giả liên tục thay đổi góc nhìn từ Nonoguchi đến Kaga và ngược lại. Từ những ghi chép súc tích, rành mạch của người bạn nhà văn Nonoguchi, sau đó là những nhận định hết sức sắc sảo của cảnh sát Kaga.
Cũng là thẩm vấn, là bằng chứng, là thời gian ngoại phạm, của người bạn thân, của vợ nạn nhân … tất cả rõ ràng mạch lạc – giống như bao tác phẩm khác – những khiến độc giả hoàn toàn rơi vào ảo tưởng rằng bản thân đang có một cái nhìn hết sức toàn diện về tội phạm đang xảy ra.
Thế nhưng khác với những tác phẩm trinh thám thông thường, từng bước vạch mặt kẻ thủ ác và đưa hắn ta ra ánh sáng vào phần cuối của tác phẩm, chỉ qua chương thứ hai, “Ác ý” đã cho ta biết hung thủ giết Hidaka là ai – qua suy luận chính xác của chàng cảnh sát Kaga.
Nhưng lần này, mục đích của tác phẩm không chỉ là tìm ra tội phạm mà còn phải tìm ra động cơ thực sự ẩn nấp đằng sau nó. Cũng chính bởi chàng cảnh sát Kaga, dù đã tìm ra hung thủ, nhưng về động cơ, vẫn chất chứa rất nhiều nghi ngờ chưa có lời giải đáp.
Vì sao Nonoguchi lại ghi chép lại những việc ấy, vì đơn giản là bản năng của một nhà văn, hay còn những lý do nào khác? Những ghi chép đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật, có còn những ẩn ý nào dưới lớp vỏ ghi chép ấy hay không? Hung thủ tưởng chừng như rõ ràng mười mươi kia liệu có phải là hướng đi đúng đắn của anh cảnh sát Kaga? Động cơ thực sự của hung thủ là gì?
Qua từng lời kể, lý trí và cảm xúc của độc giả sẽ được lên xuống, trồi sụt theo từng thông tin được hé lộ, bóc tách hết lớp này đến lớp khác.
Nên tin gì, không tin gì càng trở nên khó đánh giá qua từng chương truyện. Độc giả lờ mờ đoán ra rồi lại lo lắng bị tác giả dắt mũi thêm một lần nữa. Cách dẫn dắt, những bước rẽ ngoặt bất ngờ của tác giả khiến việc phán đoán – một bản năng khi đọc truyện trinh thám của bất kì ai cũng phải kiêng dè.
Cảm giác lớn nhất khi đọc truyện, chắc chắn sẽ là: Bị lừa, bị lừa và có thể, vẫn sẽ bị lừa.
Bạn cứ tưởng đó là một vụ án đơn giản ư,
Không, không hề!
Mãi đến khi gấp sách lại, có lẽ độc giả mới phải suy nghĩ thực sự một lần nữa về cái tên “Ác ý”, về mối liên hệ, ý nghĩa của nó với toàn bộ bức tranh tội phạm này, như một dòng sông ngầm, chảy suốt từ những dòng đầu tiên, tới những trang cuối cùng, ẩn trong từng con chữ, chơi đùa với chúng ta mà ta không chút nào hay.
Và cũng như hầu hết các tác phẩm khác của mình, truyện của Higashino Keigo không chỉ là về một cá nhân, một vài mối quan hệ đơn lẻ mà trong đó, luôn ẩn chứa một vấn đề lớn lao hơn, bao trùm hơn, và lần này chính là bạo lực học đường. Dù tác giả không thực sự đi sâu hay đào xới kĩ càng vùng đất ấy, nhưng dấu ấn của nó vẫn thấp thoáng trong suốt câu chuyện mà ban đầu tưởng chừng không chút liên quan này.
Nhưng tất nhiên, đây không hoàn toàn là một câu chuyện u tối, xuyên suốt tất cả, tâm hồn đẹp đẽ, vươn lên từ quá khứ đau buồn, khát khao tìm kiếm sự thật của chàng cảnh sát Kaga đã soi sáng cho cả quá trình tìm kiếm dòng sông ngầm “ác ý”. Nhờ những con người như vậy, sự thực mới có thể được đưa ra ánh sáng, để xót thương những con người tốt đẹp bị cái ác vùi dập, để trừng trị hiện thân của cái ác đó một cách thích đáng nhất.
Hãy đến với “Ác ý” của Higashino Keigo, theo chân chàng cảnh sát, để cảm nhận sức mạnh của từng câu chữ , để bản thân bị lừa, rơi xuống và chìm vào sự lạnh lẽo trong dòng sông ngầm của ác ý không tên.