Địch Công Kỳ Án là series trinh thám kể về những vụ án được phá bởi thần thám Địch Nhân Kiệt, một vị quan có thật ở triều đại Võ Tắc Thiên (Trung Quốc). Điều đặc biệt của series quan án này là tác phẩm được viết dưới ngòi bút của ông Robert van Gulik tác giả người Hà Lan. Hoàng Kim Án là tập 1 của series, cũng là vụ án đầu tiên của Địch Nhân Kiệt kể từ khi ông nhậm chức quan huyện ở chốn Bồng Lai.
Một điều dở của vài tác phẩm trinh thám phá án đó là cả một cuốn sách chỉ có duy nhất 1 vụ án mạng, mặc dù thời gian kể từ khi phát sinh vụ án đến lúc kết thúc cũng vẻn vẹn 5 tháng, 10 tháng hay thậm chí là nhiều năm. Đó là điều khá vô lý với những cảnh sát hình sự vốn liên tục phải tiếp nhận nhiều vụ án dồn dập cùng lúc. Thậm chí trên thực tế, nhiều vụ án còn chẳng liên quan gì đến nhau. Và nếu bạn yêu thích hiện thực này thì hãy ngược dòng lịch sử, quay về chốn quan phủ huyện Bồng Lai, nơi mà quan huyện Địch Công phải liên tục phá nhiều vụ án cùng lúc, được miêu tả khá tỷ mỉ ngay trong cuốn sách đầu tiên chấp bút bởi học giả Hà Lan, Hoàng Kim Án.
Xét về độ bất ngờ, hấp dẫn cũng như sự thẳng thắn chia sẻ toàn bộ tình tiết vụ án thì Hoàng Kim Án nói riêng & trinh thám Trung Quốc nói chung kém xa so với các tác giả Nhật. Trong cuốn Hokkaido mê trận án hay Tokyo Hoàng đạo án, tác giả thậm chí còn thách thức độc giả phá án cùng, bởi tác giả Soji Shimada không ngần ngại tiết lộ toàn bộ vụ án, hack não người đọc. Ngược lại, Hoàng Kim Án lại hiếm khi thể hiện được điều này. Khi Địch Công sau một thời gian dài xuyên suốt vụ án xảy ra, kết tội hung thủ, độc giả bất ngờ nhưng không phải bởi vì phá án, mà bởi nhiều tình tiết được quan phủ lấy làm chứng cứ phá án, không hề được phơi bày trong những trang sách trước đó.
Vậy nên, Hoàng Kim Án không thực sự dành cho khán giả khó tính, thưởng thức thì được, nhưng để khen lấy khen để về một cái kết đặc sắc, e là không đạt yêu cầu cần phải có của một cuốn sách trinh thám cổ điển điển hình.
Án chồng án
Tác giả tiết lộ, mỗi series Địch Công sẽ cho ra mắt ít nhất 3 vụ án lồng ghép với nhau để tăng độ chân thực. Hoàng Kim Án mở màn giới thiệu về cái chết của vị quan phủ tiền nhiệm, kế đến là vụ án mất tích của tân nương Cố phu nhân, sau đó là hàng loạt những tình tiết li kỳ bí ẩn kéo về một án mạng khác, án mạng tại sơn trang hẻo lánh & xác chết biến mất.
Tưởng chừng những vụ án chẳng liên quan gì đến nhau nhưng qua con mắt của Địch Nhân Kiệt, độc giả cũng có thể hình dung được dây mơ rễ má của từng vụ án để khi vén bức màn bí mật lên, mọi khúc mắc trước kia đều được cởi nút thắt một cách khá nhẹ nhàng.
Về mặt logic, việc tìm ra phương án để giết chết vị quan phủ trong phòng kín thật phi thực tế khi mà phương diện vật lý, tốc độ rơi của chất độc vào chén trà khi thả từ trên cao xuống sẽ tạo nên một động năng đủ lớn khiến nước trà bắn vọt ra ngoài. Chưa kể, thật khó để có thể căn chuẩn đường rơi tự do của chất độc đã được treo sẵn. Ngoài hạt sạn này ra, các tình tiết án chồng án trong truyện khá hợp lý & ở mức độ nào đó, có thể chấp nhận được.
Giá trị về mặt nội dung của Hoàng Kim Án
Đọc xong tác phẩm được trình bày theo lối chương hồi, pha lẫn tư duy phương Tây lẫn văn học phương Đông này, độc giả sẽ có thêm một góc nhìn mới hơn về văn hoá chính trị của nước láng giềng. Ở cái thời mà nhiều nước phương Tây còn chìm trong phong kiến lạc hậu, Trung Hoa đã khá dân chủ khi bổ nhiệm quan. Chỉ cần thi đậu kỳ thi văn chương để giữ chức Tri Huyện trong vòng 3 năm, trước khi được đề bạt thăng quan tiến chức. Về hành trình cũng như những công việc thường ngày của quan huyện, cái nét văn hoá của Trung Hoa cổ được tác giả tô vẽ và thể hiện hết sức độc đáo. Quan huyện đảm đương gần như toàn bộ công việc hành chính, quân sự, hình sự nên được xem như là “phụ mẫu” của dân. Bởi thể nên huyện nào mà được một vị quan tốt điều hành, huyện xứ đó chắc chắn sẽ phát triển kinh tế mạnh mẽ, an ninh tốt đẹp là đương nhiên.
Đôi nét về tác giả Robert van Gulik
Robert van Gulik sinh ra tại Zutphen, Hà Lan. Ông là một viên chức ngoại giao và từng làm việc nhiều năm tại Trung Quốc & Nhật Bản. Trong thời gian công tác, ông say mê tìm hiểu ngôn ngữ và văn hoá châu Á. Nhờ vậy Gulik trở thành nhà đông phương học đúng nghĩa uyên bác, nhạc công đàn tranh & là tác giả của nhiều cuốn sách về văn hoá phương đông.
Địch công kỳ án, series quan án về Địch Nhân Kiệt gồm 16 tập là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Mặc dù gắn mác trinh thám phá án song điểm nhấn của series này lại chính là giới thiệu những nét văn hoá, kinh tế, chính trị, ẩm thực đặc biệt của Trung Hoa thời Đường.