Giả dạng danh tính bằng cách đánh cắp thông tin cá nhân là một mối nguy hại đã được tác giả Miyuki Miyabe vạch trần thông qua câu chuyện gắn mác trinh thám mang tên Kasha này.
Lại thêm một cuốn sách gắn mác trinh thám, huyền bí. Và lại thêm một lần nữa các độc giả yêu mến truyện trinh thám bị lừa. Kasha không phải là câu chuyện mang yếu tố phá án, logic & trinh thám để thoả mãn những độc giả có chỉ số IQ cao.
Thế nhưng tôi vẫn quyết định review lại cuốn sách của tác giả Miyuki này, và tạm gác nó vào chuyên mục Văn học Nhật-tiểu thuyết tự sự. Tại sao lại review, bởi đơn giản là vì cuốn sách có nội dung khá hay, cho dù không phải là một hành trình phá án hoành tráng như nhiều người trông chờ.
Kasha là câu chuyện về một vụ giả mạo danh tính liên hoàn
Sếp tôi đã bật ngửa khi lần đầu tiên ông biết được tên thật của tôi. Vì rõ ràng trong CV tiếng anh của tôi, để tên không dấu & dĩ nhiên mọi người đều nhầm. Ngay cả bạn khi đọc cái tên của tôi khi nhìn thấy lần đầu tiên, chắc cũng không ngoại lệ mà đọc nhầm nó.
Thật may là ít ra thì tôi cũng không dối lừa ai, chỉ là họ tự hiểu nhầm mà thôi, thế nên sau này tôi vui vẻ khi bị “gọi nhầm tên”. Thậm chí tôi còn lấy cái tên đó mặc định thành tên của mình.
Vậy, sẽ như thế nào, nếu bạn phát hiện vợ sắp cưới của mình sử dụng một cái tên giả?
Chắc chắn sẽ sock nặng như anh chàng Jun trong câu chuyện Kasha này.
Thậm chí anh ta sau khi nghe thám tử Honma giải thích, đã không thể tin được & cho rằng vị thám tử này đã bịa chuyện để lấy tiền của anh.
Nhưng đó là sự thật, cái cô gái Shoko mà anh hẹn hò bấy lâu thực chất có một cái tên khác, và thậm chí đã từng sống một cuộc đời rất khác.
Và khi cô ta biến mất, anh Jun tội nghiệp thậm chí còn không thể gặp lại một lần.
Xuyên suốt Kasha là hành trình tìm ra sự thật của vị thám tử Honma, bóc trần những miếng bánh cuối cùng về cô gái mất tích, mà thực chất cô ta đã chạy trốn vì đã đóng giả một người hoàn toàn khác.
Mặc dù kết cấu truyện hợp lý, nhàm chán & không hề bất ngờ, một câu chuyện điển hình của văn học Nhật. Mạch truyện nhẹ nhàng đến buồn ngủ có thể làm fan trinh thám phải chửi thề, tuy nhiên nếu chỉ nhìn nó dưới góc nhìn của một độc giả yêu thích đọc sách, thì đây là một cuốn tiểu thuyết chương hồi khá hay.
Tôi chỉ muốn sống một cuộc đời khác
Shoko giả mạo, hay đúng hơn là Kyoko Shinjo cuối cùng đã bị vạch trần. Thế nhưng câu chuyện về cuộc đời của cô ta thật sự đau đớn. Bị chìm trong đêm tối tuyệt vọng, cô ấy mong muốn sống một cuộc đời khác, thế nhưng tạo hoá trớ trêu đã khiến cho cô không được toại nguyện.
Có thể nói Kyoko vĩnh viễn không thể trở thành một người khác được.
Không phải vì tay cô đã nhuốm máu, nên cô phải trả giá. Mà bởi vì chạy trốn bản thân thực sự chưa bao giờ là một canh bạc thành công, cho tất cả mọi người.
Ngay cả Shoko “thật” cũng thế. Việc ao ước trở thành một ai đó có cuộc đời tốt đẹp hơn là không sai, thế nhưng chỉ ao ước và hành động vũng vẫy thôi thì chưa đủ. Có lẽ đó là một thông điệp khá hay mà tác giả gửi gắm.
Nạn cho vay nặng lãi, và bài học cho những kẻ yêu thích thẻ tín dụng
Nguồn cơn của tội ác đã rất rõ ràng trong tác phẩm này. Vì sao Shoko phải tuyên bố phá sản cá nhân. Tất cả khởi đầu từ việc các ngân hàng dễ dãi cho vay qua thẻ tín dụng. Tiếc thay là những con mồi non dại không biết kiềm chế chi tiêu cuối cùng đã không thể trả được lãi cộng dồn. Họ buộc phải vay nặng lãi, và sau đó thì phá sản.
Trường hợp của Kyoko thì thê thảm hơn. Gia đình cô, bố mẹ cô bị truy sát, mẹ cô bị ép phải “làm nô lệ tình dục” đến mức phát điên. Còn cô, dù có trốn chạy nợ nần của cha mẹ bằng một cuộc hôn nhân với một anh chàng giàu có cũng không thể nào thoát được lưỡi hái oan nghiệt của số phận. Thật đau đớn cho chồng của cô khi nghe Kyoko lục lọi những tờ báo và luôn miệng lẩm bẩm “bố ơi, bố hãy chết đi” (để bọn con có thể tuyên bố nợ nần không liên quan gì đến con nữa). Thật là không còn gì để bình luận.
Tiêu tiền bằng thẻ tín dụng, thật không dễ dàng như người ta thường nghĩ. Hãy tiêu dùng thật khôn ngoan, đó là lời cảnh báo nghiêm khắc của tác giả người Nhật đến độc giả. Đừng quên, bối cảnh mà tác phẩm đưa ra là năm 1992, tức là đã rất lâu rồi so với thời đại 2017 này. Tuy nhiên, những bài học cũ ấy của người Nhật, chưa bao giờ là cũ đối với người Việt chúng ta, nhất là khi thẻ tín dụng đã và đang bắt đầu được thịnh hành.
Những điểm trừ của tác phẩm
Ngoài vài yếu tố giáo dục kể trên, thì tác phẩm có rất nhiều điểm trừ.
Tác phẩm lừa người đọc. Thật không dễ chịu chút nào khi đưa ra lời khẳng định này. Lời giới thiệu ngoài bìa gợi cho độc giả nghĩ về một câu chuyện trinh thám huyền bí. Thực tế thì lời văn chậm rù thiếu sức sống & toàn bộ cảnh tình tiết trong truyện, không có lấy một chi tiết kỳ bí nào. Đây thực sự là một điểm trừ rất lớn cho tác phẩm.
Có lẽ là fan trinh thám không nên chọn đọc mua cuốn sách này. Miyuki là nhà văn rất nổi tiếng của Nhật, nhưng đoạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực tiểu thuyết thì còn nghe được, chứ trinh thám thì thật là thảm hoạ.
Điểm trừ kế tiếp là cái kết.
Có lẽ vì không còn gì bất ngờ hay đại loại là “lật kèo”, chuyện vô cùng quen thuộc trong văn học trinh thám, nên tác giả chấm dứt câu chuyện khi người ta mong muốn nó được kể tiếp nhất.
Thậm chí nhân vật được cho là phản diện, Kyoko, cũng không có một trang nào để biện minh cho lỗi lầm của mình. Không được phản kháng, nghe thật là bi thương.
Dù nhiều điểm chưa đạt đến thế, song Kasha vẫn là một cuốn sách có giá trị, có thể làm các mọt sách có thêm một buổi chiều thi vị bên tách cafe cuối tuần.
Thư giãn, với Kasha thì được.