Dựa trên tập tính sinh sản hết sức đặc biệt của loài chim cúc cu, Higashino Keigo viết lên tiểu thuyết: Kakkou no Tamago wa Dare no Mono – Trứng chim cúc cu này thuộc về ai. Câu chuyện bi thương xoay quanh cuộc đời những tài năng trẻ, được phát hiện qua việc lọc mã gen di truyền mang năng lực thể thao có tên gen F từ cha mẹ chúng.
Chim cúc cu, loài chim có tập tính rất khác so với những loài chim thông thường. Đến mùa sinh sản, thay vì xây tổ, đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con, chim cúc cu đã đến tổ chim chích và gửi những trái trứng của chúng ở đó. Cũng như tài năng con người, theo liên tưởng, nghi vấn của Higashino Keigo-sensei, đó là do cha mẹ di truyền cho con cái, hay thực chất, chỉ là các trái trứng của chim cúc cu, được tạo hóa gửi gắm một cách ngẫu nhiên lên người đứa trẻ? Tài năng ấy, là tài sản chung toàn xã hội, hay là tải sản riêng mỗi người? Và quan điểm, tài năng đi kèm với trách nhiệm xã hội, người mang tài năng phải cống hiến với đúng lĩnh vực của tài năng thiên bẩm ấy, có thực sự đúng đắn, nhân văn?
4cc3de8c68430261f1931fa1a4c6698e
- Thư của Higashino Keigo – “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”
- [Higashino Keigo] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya – Liều thuốc ngọt ngào cho trái tim nồng ấm
Những trăn trở ấy, được Keigo-sensei gửi gắm vào cuốn sách dày tới 440 trang. Và tất nhiên, cũng như nhiều tác phẩm khác của ông, Trứng chim cúc cu này thuộc về ai không đơn thuần chỉ hướng đến vấn đề phát hiện, sử dụng tài năng trẻ, mà ở đó còn chứa đựng nhiều vấn đề nhân sinh khắc khoải: ước mơ, tình bạn, tình cha con, hay cái tâm của một người làm khoa học.
Chất trinh thám quyện hòa cùng chất tâm lý xã hội
Cũng như phần lớn sáng tác của Higashino Keigo, Kakkou no Tamago wa Dare no Mono – Trứng chim cúc cu này thuộc về ai không phải là một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn thuần trinh thám. Mà chất phá án đã được quyện hòa với chất tâm lý, xã hội để tạo lên độ dày dặn cho nội dung, độ sâu cho cốt truyện đồng thời giúp mở rộng trường liên tưởng của độc giả trên nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau.
Thật vậy, nếu xét đến tình huống truyện, có thể nói, Trứng chim cúc cu này thuộc về ai vẫn là một tác phẩm thuộc thể loại trinh thám. Khi trong tác phẩm ấy, có những vụ án đã buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra; có những bí ẩn trong quá khứ buộc người trong cuộc không thể làm ngơ mà phải đóng vai thám tử để tìm hiểu đến tận chân tướng, ngọn ngành sự thật. Đó là bí ẩn đằng sau những lá thư nạc danh đe dọa cô bé Hida Kazami, một vận động viên trượt tuyết trẻ tài năng. Ngay sau những lá thư nạc danh gửi đến là một tai nạn xe bus thảm khốc nơi Kazami tập huấn, thiếu chút nữa đã cướp đi tính mạng cô bé nhưng người đàn ông, tự nhận là fan hâm mộ của cô, Kamijou Nobuyuki, lại không được may mắn như thế. Tai nạn đấy, sự xuất hiện bất ngờ của Kamijou Nobuyuki, buộc người cha của Kazami – Hida Hiromasa phải lật lại câu chuyện thân thế cô con gái. Bởi ông sớm biết từ lâu, Kazami không phải là con gái ruột của ông và sau ngần ấy năm, giờ đã đến lúc, ông không thể mắt nhắm mắt mở làm ngơ trước sự thật được nữa. Vì con gái ông, vì người cha ruột của cô bé hiện đang thập tử nhất sinh trong bệnh viện, vì người vợ đã quá cố của ông, cũng là vì cả người mẹ ruột của Kazami chưa một lần cô bé được gặp.
Và vụ án hôm nay, lại liên đới vụ án trong quá khứ: một người mẹ mất con, vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng một người phụ nữ. Câu chuyện về một vận động viên trượt tuyết trẻ tài năng Hida Kazami, lại liên quan tới một vận động viên cùng trung tâm nghiên cứu phát triển thể thao Shinsei. Các sự kiện, những tưởng không liên quan tới nhau, mà rồi dưới ngòi bút của Higashino Keigo, lại trở nên gắn bó khăng khít, mật thiết, móc nối, logic đến lạ.
Tuy vậy, trong cuốn sách 440 trang này, chất trinh thám, phá án vẫn không quá đậm đặc. Bởi plot twist của câu chuyện cũng không quá khó đoán, rất dễ để hiểu về thân thế của Kazami hay thủ pháp gây án của hung thủ hoặc nguyên do tai nạn đã xảy đến với Kamijou. Chưa kể, gần kết truyện, một lá thư – lá thư của con trai Kamijou Nobuyuki – Kamijou Fumiya được gửi tới cho Hida, kể lại toàn bộ câu chuyện, chẳng khác gì như đóng sầm sự liên tưởng, đồng phá án của độc giả vậy. Điều đó, quả thực hiến thấy trong các sáng tác của Higashino Keigo, một tác giả, luôn để muôn vàn khoảng trắng trong cốt truyện, kết truyện để người đọc, có thể đồng sáng tạo với tác giả, từ đấy mà khắc sâu thêm ấn tượng về tác phẩm trong lòng độc giả.
Nhưng cách Keigo-sensei dẫn truyện, khép mở vấn đề cùng một cấu trúc truyện kết cấu khá chặt chẽ giữa diễn tiến các sự kiện mà Trứng chim cúc cu này thuộc về ai vẫn là một cuốn tiểu thuyết đầy cuốn hút. Nhất là khi chất trinh thám nhiều lúc chìm sâu, để quyện hòa hoặc nhường chỗ cho chất tâm lý, xã hội.
Quả thực, khai thác tâm lý của các tuyến nhân vật vẫn luôn là điểm mạnh của Keigo-sensei. Những dòng tâm trạng miên man, bất tận giữa khổ đau, giằng xé, dày vò, dằn vặt của một người cha như Hida Hiromasa khiến ta nhói lòng. Song đồng thời, người đọc cũng lại thấy có phần đồng cảm với khát khao kiếm tìm chân lý khoa học và khẳng định được lý thuyết đó bằng thực nghiệm thực tế của một nhà khoa học trẻ Yuzuki. Hay đó là tâm lý đầy bất đồng của một chàng trai trẻ đang ở tuổi dậy thì như luôn thiếu động lực trong mọi vấn đề, khi đứng giữa một bên là giấc mơ, một bên là vấn đề cơm áo gạo tiền; một bên là khát vọng với một bên là khả năng cậu có thể thực hiện…
Để rồi từ đó, Keigo-sensei gợi lên những vấn đề đầy nhức nhối trong xã hội, buộc độc giả phải nghĩ để tự tìm cho mình một câu trả lời: Trong công tác đào tạo trẻ, những con số, lý thuyết khoa học đóng vai trò ra sao? Khai thác tài năng trẻ như thế nào là hợp lý? Tài năng có đi liền với ước mơ của đứa trẻ không? Tài năng đấy là tài sản chung của gia đình, bố mẹ, của một tổ chức, một quốc gia hay vốn dĩ, nó chỉ thuộc về riêng đứa trẻ mà thôi? Cũng như trái trứng của chim cúc cu, gen F trội về năng lực thể thao, vốn chỉ là trái trứng được tạo hóa, gửi nhờ vào bố mẹ đứa trẻ để gửi đến thế hệ sau. Còn trái trứng khi đã nở, biến thành chú chim đủ lông đủ cánh, chúng sẽ tự tìm con đường tự do cho bản thân chúng. Bởi có những điều, càng cưỡng cầu lại càng gây đến bi kịch.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò – Chế Lan Viên)
Tình thương của cha mẹ bao la như trời biển, điều này đã xuất hiện, trở đi trở lại rất nhiều lần trên trang văn của Keigo-sensei. Nhưng có lẽ, chưa có tác phẩm nào điều này lại thể hiện rõ như tiểu thuyết Trứng chim cúc cu này thuộc về ai. Bởi ở tác phẩm này, Higashino Keigo đã xây dựng lên hàng loạt nhân vật, họ là những người đàn ông, những người vừa mang trách nhiệm của một người cha, vừa mang trách nhiệm của một người mẹ với đứa con của họ. Vì vậy, tình thương họ đứa trẻ, vừa “như núi Thái Sơn”, lại cũng như “nước trong nguồn chảy ra”; không phô trương, không ồn ào nhưng vẫn nặng nỗi niềm, nỗi niềm đấng sinh thành, sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả cuộc đời còn lại cho con cái.
Đó là Hida, nhân vât trung tâm câu chuyện, một vận động trượt tuyết tài năng, đã từng ôm giấc mộng vô địch Olympic nhưng rồi giấc mộng không thành. Ông vốn định gửi gắm lại giấc mộng đó cho người con gái như kế thừa không chỉ tài năng mà còn cả tâm nguyện của ông: Kazami. Nhưng vận mệnh trớ trêu, nghiệt ngã đã để ông biết được, Kazami không phải con gái ông, và người con của ông, đã mất trong những ngày tháng ông vô tâm tập luyện, lưu đấu xa nhà.
Vậy, có lẽ chăng, với Kazami, ở Hida vừa tình yêu thương của ông vừa có ý nghĩa như một người cha thật sự bởi cô bé đó, là tất cả những gì vợ ông để lại cho ông. Kazami là hiện thân của giấc mơ vẫn còn dang dở của vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp trong quá khứ Hida Hiromasa. Nhưng đồng thời, với Kazami, cảm xúc của Hida cũng vừa là nỗi hối hận khôn cùng về những vô tâm ông đã gây ra trong ký ức; để hiện tại, con người đó như muốn chuộc lỗi trong mâu thuẫn, lo sợ về một ngày sự thật nghiệt ngã sẽ hiện ra trước ánh sáng. Mà khi sự thật phơi bày, ông ấy mất tất cả.
Tuy nhiên, giữa muôn vàn giằng xé nội tâm, những ích kỷ của một con người mang đầy đủ thất tình lục dục, Hida vẫn là một người cha sống đầy trách nhiệm với cô con gái, dẫu không cùng máu mủ song ông vẫn yêu thương rất mực. Chịu đựng, hi sinh và cũng thương yêu rất nhiều. Lời nguyện cầu cuối cùng của ông, quặn thắt như thốt lên từ tâm can một người cha già, sẵn sàng đánh đổi tất cả vì tương lai của con: “Nếu như ông trời có giáng đòn trừng pahtj xuống đi chăng nữa… Thì xin chỉ giáng tội xuống mình tôi thôi – Hida nghĩ. Chim non, con của cúc cu chẳng có tội gì cả. Không thể có bất kỳ điều gì xảy đến với Kazami. Nếu có, thfi dù có phải hy sinh tính mạng, Hida cũng quyết ngăn lại.”
Hay đó còn là hình ảnh một người cha khác: Torigoe Katsuya, cũng đã sẵn sàng đánh đổi tương lai của chính mình để lấy lại đôi cánh, tương lai tự do theo đuổi mơ ước của người con trai Shingo. Katsuya, người đàn ông ngỡ rằng vô dụng, vụng về đó, vậy mà lại chất phác và cũng là người thấu hiểu tâm nguyện con trai mình hơn ai. Ông hiểu, Shingo không hứng thú với trượt tuyết băng đồng, đam mê của cậu nhóc đó, là được sống với niềm đam mê, khao khát âm nhạc. Và Katsuya đã hi sinh, chấp nhận đánh đổi.
Hoặc đó còn là một người đàn ông như Kamijou. Mắc sai lầm trong quá khứ, bị chính đứa con trai của mình thù ghét, nhưng ông ta, đến cuối cùng vẫn tìm mọi cách, để cứu sống sinh mệnh cho con mình.
Quả thực, không ai thấu hiểu nỗi lòng con cái bằng bậc làm cha làm mẹ. Nhất là những người đàn ông vừa phải mang thiên chức người cha, vừa phải mang chức vụ người mẹ đối với đứa trẻ. Các ông bố, có thể khô khan, không giỏi diễn đạt, không giỏi biểu lộ tình cảm trước con cái. Nhưng tình thương họ dành cho đứa con, dẫu còn tấm bé hay khi đã trưởng thành, vẫn là thứ tình thương mênh mông, cao tựa “Thái Sơn”, rộng như trời biển. Cũng như những trái trứng chim cúc cu, khi đã nở, đã đủ lông đủ cánh, chúng sẽ sống cuộc đời riêng của chúng. Nhưng loài chim chích, vẫn chăm sóc và dõi theo, kể cả lúc chim cúc cu con, đã vỗ cánh bay đi.
Trứng chim cúc cu này thuộc về ai, vị trí trong sự nghiệp sáng tác của Higashino Keigo
Được viết vào năm 2010, trong khoảng thời gian chục năm được đánh giá là thời kỳ đỉnh cao trong văn nghiệp của Higashino Keigo, nhưng thực sự, trước những tác phẩm nổi trội về mọi mặt như Phía sau nghi can X, Bạch dạ hành, Ác ý, Thư, Đơn phương…, Kakkou no Tamago wa Dare no Mono – Trứng chim cúc cu này thuộc về ai có phần lép vế hơn nhiều. Cuốn sách dày 440 trang, nhiều phân đoạn có phần lan man, plot twist không quá gay cấn, cũng không quá khó để đoán biết kết quả; kết lại hàng loạt vụ án quá khứ tới hiện tại chỉ trong một bức thư, cũng thật khó để độc giả hoàn toàn hài lòng.
Nhưng đến cuối cùng, đây vẫn là một tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo văn chương của Higashino Keigo ở cách tác giả khẳng định nghệ thuật xây dựng cấu trúc tác phẩm cùng khắc họa cá tính, tâm lý nhân vật, đặc biệt trong hình ảnh của những người cha, những người mang thân phận “gà trống nuôi con” mà đứa con ấy lại mang theo “trái trứng của chim cúc cu”. Từ đó, Keigo-sensei lần nữa khẳng định được tài năng cũng như sức viết khỏe, sức sáng tạo dồi dào của ông trên mọi thể loại, với mọi mảnh đời khác nhau trong cuộc sống.