Murakami Haruki có lẽ là nhà văn đương đại viết về cô đơn hay nhất. Bạn đọc trung thành có lẽ vẫn còn nhớ những câu văn cô đơn đến tận cùng trong “Biên niên kí chim vặn dây cót”:
“Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy cô đơn đến nhói lòng. Ngay cả nước tôi uống, không khí tôi thở dường như cũng tua tủa những chiếc kim dài, bén ngót. Những trang sách trên tay tôi lấp lánh kim loại đầy đe doạ như những lưỡi dao lam. Lúc 4 giờ sáng, chung quanh lặng tờ đến độ tôi như nghe thấy tiếng nỗi cô đơn đâm rễ vào thân tôi mỗi lúc một sâu”.
Không có những đêm dài tại thành phố mèo hay xứ sở có hai mặt trăng ở những tập tiểu thuyết dài hơi, “Những người đàn ông không có đàn bà” đưa ta về đô thị Nhật Bản hiện đại, với những con người đời thường cùng nỗi cô đơn hiện sinh của họ.
“Những người đàn ông không có đàn bà” là một trong số ít những tập truyện ngắn phi hư cấu của nhà văn. Gọi là “phi hư cấu” nhưng văn của Murakami vẫn có gì đó huyền bí, ảo mộng như một giấc mơ.
Bảy câu chuyện, bảy trạng huống, bảy người đàn ông, không có ai liên hệ với ai nhưng họ cùng chia sẻ nỗi cô đơn da diết. Thiết nghĩ, nỗi cô đơn của họ không chỉ nằm ở điểm họ “không có đàn bà”, vấn đề là họ không thiếu đàn bà. “Đàn bà” có lẽ chỉ là cái cớ cho sự cô đơn rất lãng mạn mà họ có trong đời sống. “Đàn bà” không phải cái đích của họ, nhưng là một phần không thể thiếu.
Có người chọn cô đơn, có người bị trở nên cô đơn. Nhưng dù ở thế chủ động hay bị động, cô đơn là điều đau đớn nhất xảy đến với họ, cũng là điều họ không mong muốn nhất.
Sự cô đơn của những người đàn ông trong truyện xuất phát từ việc đánh mất hoặc bị lừa dối bởi người đàn bà mà họ yêu thương nhất. Hafuku trong “Drive my car”, Kino trong “Kino”, Todai trong “Cơ quan độc lập”, Kitaru trong “Yesterday” có chung nỗi đau đớn khi bị người phụ nữ mình yêu phản bội. Người đàn ông không tên ngôi thứ nhất trong “Những người đàn ông không có đàn bà” , Habara trong “Scheherazade”, hay Samsa trong “Samsa đang yêu” đều chứng kiến sự biến mất của người phụ nữ mình từng quen biết.
Nhan đề của tập truyện như gợi mở về tình huống của những người đàn ông trong truyện: Họ cô đơn vì không có đàn bà. Rằng cái sự “không có đàn bà” khiến cho họ trở nên đau đớn và thảm hại. Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu hơn nữa, có lẽ không hẳn vậy. Có lẽ việc mất đi đàn bà chỉ là một “cú hích” cho cuộc sống của những người đàn ông kì lạ. Trên thế giới này có rất nhiều đàn ông “không có đàn bà” như những người trong truyện: bị phản bội, bị mất người thân yêu, nhưng rất ít người rơi vào trạng thái “cô đơn” như cách mà Murakami kể trong truyện. Sự kì lạ của những người đàn ông in giấu trong tài năng và tâm hồn của họ. Kino rất hiểu về rượu, anh là một người trầm lắng với những dự định tiềm năng. Anh chứng kiến vợ ngoại tình rồi ngay lập tức một đi không trở lại, không chất vấn, không thù hận, không liên lạc. Kitaru, sinh ra và lớn lên tại Tokyo nhưng lại tự học để nói tiếng địa phương Kansai như một ngoại ngữ; cậu có những suy nghĩ rất quái, một trong số đó là đề nghị cô bạn thanh mai trúc mã hẹn hò với người bạn thân của mình.
Và kì lạ hơn là, họ đã biến cô đơn thành một phần của cuộc sống, gặm nhấm cô đơn như một thức uống đắng ngắt mà quyến rũ. Họ lãng mạn hoá, nghệ thuật hoá sự cô đơn. Hafuku tìm đến người đã từng ngủ với vợ mình, đóng vai một người bạn nhập tâm đến độ thực sự muốn làm bạn, trở nên “nửa diễn nửa như không diễn”. Hay nói cách khác, Hafuku đạt đến đỉnh cao của nghiệp diễn, cũng như đỉnh cao của “nghệ thuật cô đơn”.
Hay như Todai trong “Cơ quan độc lập”, khi biết mình bị người đàn bà lừa cả tiền lẫn tình, đã bỏ đói bản thân để về con số “0”. Mỉa mai làm sao, khi chính Todai là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ, người thay đổi hình dạng của vô số những người phụ nữ nay cũng phải trải qua một cuộc “lột xác” ngoạn mục về nhân hình nhân dạng. Những người đàn bà bỏ đói bản thân để trở về “0”, để trở nên xinh đẹp, Todai cũng bỏ đói bản thân về “0” nhưng là để biến mất khỏi cõi đời. Todai đã trải qua những gì mà không ít phụ nữ đã phải trải qua để trở nên con người mà họ mong muốn. Todai “chết vì yêu”. Có lẽ đó là cái kết cho Todai – kẻ đào hoa, tên “sát gái” đầy tinh ranh và thấu hiểu tâm lí phụ nữ.
Tinh thần nhân văn của Murakami nằm ở đó. Nhà văn không cố đào sâu vào nguyên nhân của sự kiện, không phân biệt đúng – sai, không đổ lỗi, không phê phán, không phàn nàn. Không có người đàn bà phản bội nào bị lên án, không có người đàn ông sát gái nào chịu sự chỉ trích. Tất cả chỉ tập trung vào sự cô đơn của họ. Trên hết, Murakami không coi sự cô đơn là một khiếm khuyết – như cách mà người đời thường nhìn vào một người bị phản bội, bị lừa dối hay mất người yêu, ông coi cô đơn như sự đau khổ tuyệt vời, một môn nghệ thuật kén người thưởng thức.
Thật khó để nói về nỗi cô đơn của những người đàn ông trong truyện khi đang ở vị trí của một người phụ nữ. Nỗi cô đơn của đàn ông thực rất khác nỗi cô đơn của phụ nữ. Nhưng cô đơn là nhân loại tính, sẽ rất khiên cưỡng nếu nói cô đơn cũng phân biệt giới tính. Hơn tất thảy, “Những người đàn ông không có đàn bà” không chỉ nói về nỗi cô đơn của những người đàn ông, tập truyện nói về nỗi cô đơn của nhân loại – nỗi cô đơn khi bị lừa dối và đánh mất những người thân yêu nhất trên cõi đời. Trong cả tập truyện, không chỉ có những người đàn ông cô đơn mà còn có những người đàn bà cô độc. Trong “Drive my car”, đó là người vợ đã mất của Hafuku: cô cũng đã mất đứa con gái nhỏ của mình, cô có lẽ đã không thể chia sẻ tâm tư với chính người chồng mà mình yêu thương, tin tưởng nhất. Đó cũng là Misaki, nữ tài xế trẻ tuổi bị cha ruồi bỏ, lại mồ côi mẹ. Hay trong “Scherazade”, Scherazade hẳn cũng cô đơn khi ở một mình trong những căn nhà mà cô đột nhập khi còn thuở thiếu niên, mơ màng nhớ về tiền kiếp làm một con cá mút đá dập dờn trong làn nước trong vắt. Tất cả đều cô đơn, đều có những tâm sự xưa nay chỉ biết giữ cho mình nay được nhà văn trải ra trên giấy. Và cái hay của Murakami Haruki là chỉ nói một phần tâm sự. Phần còn lại, chính là chỗ để bạn đọc phát huy năng lực thấu cảm.