“Chiến tranh và hòa bình” là một trang sử thi xuất sắc của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, ra đời lần đầu vào năm 1865 và hoàn thiện năm 1869. Bên cạnh “Anna Karenina”, “Chiến tranh và hòa bình” được đánh giá là kiệt tác của Lev Tolstoy, cũng như đưa nền văn học cổ điển của nước Nga nói riêng và thế giới nói chung lên một tầm cao mới.

Chiến tranh và hòa bình - Review sách-2

Nếu Andrey Bolkonsky là hình mẫu của chàng công tước tràn đầy khát khao và lý tưởng…

Điều thú vị là nguyên mẫu cho vị công tước đầy khát vọng này lại đến từ người họ hàng của chính tác giả, Sergey Volkonsky, một vị anh hùng lẫy lừng trong cuộc chiến tranh Ái quốc 1812 – 1815 và về sau liên quan đến cuộc Nổi dậy Tháng Mười Hai. Bất ngờ hơn nữa, nữ công tước Maria Bolkonskaya, mẹ của chàng, được lấy hình tượng từ mẹ tác giả và cha tác giả lại là nguyên mẫu cho cha của chàng, ngài Bá tước Nikolai Bolkonsky.

Chiến tranh và hòa bình - Reviewsach.net

Chàng công tước Andrei là một trong những nhân vật được xây dựng công phu nhất trong tiểu thuyết, và chàng đóng vai trò là đối trọng về mặt triết học. Xuyên suốt hai phần ba thời lượng tác phẩm, chàng ta là một con người có phần hoài nghi và vỡ mộng trong cuộc hôn nhân của mình vì những gì chàng cho là sự ngây thơ và trong sáng của vợ mình. Chàng được miêu tả là một người vô thần, thường xuyên hoài nghi về đức tin tôn giáo mạnh mẽ của Maria, em gái mình.

Andrei nhập ngũ và phấn đấu để đạt được chức vụ cấp cao vì niềm tin mãnh liệt rằng lịch sử được viết nên bởi những kẻ mạnh. Chàng ta mơ ước được chỉ huy quân đội và mong muốn có thể biến những kế hoạch không tưởng của mình thành hiện thực. Andrei được cho là rất tôn trọng Napoleon, vì quan điểm của chàng về các sự kiện lịch sử là ý kiến của một số nhân vật quan trọng được Napoleon thể hiện rõ nhất. Trong khi nằm thương trên chiến trường Austerlitz, Andrei được gặp Napoleon và nhận ra bản chất của vị anh hùng mà lâu nay vẫn kính trọng. Hóa ra đó là một kẻ phấn khích tột độ trước cảnh tàn sát đẫm máu kia. Chàng dần mất niềm tin vào vị thế của những nhân vật cầm đầu so với toàn thế giới.

Sau khi trở về nhà và biết tin vợ qua đời, Andrei trở nên hoài nghi hơn, thờ ơ với chiến tranh và chính trị. Trận Austerlitz khiến chàng thấy được sự hỗn loạn nơi chỉ toàn khói lửa và máu, cùng sự bất lực ở cả những con người vĩ đại trong việc thay đổi cục diện của sự kiện lịch sử. Dốc hết sức lực vào việc dạy dỗ con trai mình, chàng chỉ làm việc dưới quyền cha mình vì ông muốn như vậy. Một thời gian sau, từ chuyến viếng thăm của Pierre Bezukhov – người gần đây đã gia nhập Hội Tam Điểm – cố gắng giải thích triết lý của mình cho Andrei lúc này hãy còn bi quan và vỡ mộng, chàng ta nhận ra rằng cuộc đời vẫn chưa kết thúc. Mặc dù triết lý của Pierre không thuyết phục nổi bản thân, chàng lại tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình.

Andrei lấy lại ý chí sống và trở nên lạc quan hơn. Trong thời gian này, chàng cũng trở nên nhân hậu hơn, thể hiện rõ qua việc giải phóng nông nô của mình và nỗ lực cải thiện điều kiện sống của họ, nhờ vào ảnh hưởng từ suy nghĩ mà Pierre bày tỏ với chàng. Suy ngẫm về những trải nghiệm của mình tại Austerlitz, chàng tin rằng để ngăn chặn sự hỗn loạn trên chiến trường mà chàng đã trải qua, cần phải thay đổi luật lệ quân đội bấy lâu nay.

Sau cuộc gặp gỡ Natasha Rostova, chàng trở nên say mê sự sôi nổi và rực lửa của nàng, trái ngược với cuộc sống của chàng sau cái chết của vợ. Chàng cầu hôn nàng nhưng cha chàng không chấp thuận, và ông gợi ý rằng Andrei nên đợi một năm và điều trị vết thương ở nước ngoài. Trong thời gian Andrei vắng mặt, Natasha tự hủy hoại danh dự bản thân từ sự việc phản bội và bỏ trốn cùng Anatoly Kuragin. Thế nhưng, Andrei đã nhân từ để tha thứ cho nàng, song cũng không thể quay lại được nữa.

Khi trở lại quân đội, Andrei nhận ra rằng những suy tưởng ​​trước đây của chàng về các sự kiện lịch sử là sai lầm, rằng tiến trình của các sự kiện lịch sử không thể  quyết định chỉ dựa vào một vài cá nhân – như chàng đã nghĩ trước trận Austerlitz, cũng không phải bởi các quy luật (chàng đã cố gắng thay đổi) chúng vận hành, mà bởi cả quyết định và hành động của từng người. Chàng áp dụng cùng một quan điểm lập luận về lịch sử mà chính Tolstoy đã thể hiện xuyên suốt câu chuyện. Vì lý do này, chàng từ chối gia nhập bộ tham mưu của Kutuzov để tiếp tục chỉ huy trung đoàn của mình, nơi chàng cảm thấy hành động của mình cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, so với việc cố gắng thay đổi tiến trình của các sự kiện từ xa.

Tại nhà thương ở Borodino, Andrei gặp Kuragin, người mà chàng luôn muốn trả thù. Tuy nhiên, khi chứng kiến ​​cảnh Kuragin chịu thương nặng nề, chàng nhận ra ý nghĩa của sự tha thứ và tình yêu thương tuyệt đối. Khi vết thương lòng đã lành, chàng bắt đầu tin rằng tình thương mà chàng dành cho kẻ thù cũ Kuragin chính là tình yêu được mô tả trong Kinh Phúc âm. Từ sự kiện này, chàng bắt đầu hồi phục và gặp lại Natasha và thừa nhận rằng chàng yêu nàng ta thiết tha hơn bao giờ hết. Sau khi trải qua một giấc mơ song song với cái chết rồi lại thức tỉnh trong một thực tại mới, ngọn lửa sống trong lòng chàng dần dần lay lắt và cuối cùng là chàng qua đời.

… và Natasha Rostova là nàng quý tộc với ngọn lửa sức sống mãnh liệt…

Cùng với Andrei Bolkonsky, nàng bá tước tiểu thư Natasha Rostova là một trong những nhân vật trọng điểm xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Nàng là cô con gái thứ ba của bá tước Ilya Rostov và phu nhân Natalya Rostova. Điều thú vị là nguyên mẫu của nàng lại chính là Tatiana Behrs – chị dâu của Tolstoy, và nữ Bá tước Sofia Tolstaya – vợ của nhà văn.

Ngoại hình của Natasha ở đầu tiểu thuyết được mô tả như sau:

“Một cô gái mắt đen, miệng to, xấu xí nhưng hoạt bát, với đôi vai rộng rất trẻ con, co lại, di chuyển trong vạt áo sau khi chạy nhanh, với những lọn tóc đen buông lơi ra sau gáy, cánh tay trần gầy gò và đôi chân nhỏ trong chiếc quần ống rộng bằng ren và giày hãy còn chưa xỏ hết…”

Theo dòng sự kiện xuyên suốt tác phẩm, Natasha Rostova từ một cô bé hồn nhiên sống trong bầu không khí yêu tràn ngập tình yêu thương nay trở thành một cô gái quyến rũ, luôn nhạy cảm với mọi việc xảy ra xung quanh mình. Vẻ đẹp tự nhiên, tinh thần sống hết mình, kết hợp với vẻ đẹp nội tâm của nàng trở thành đối trọng với vẻ đẹp kiêu sa mà lạnh lùng của những quý cô thời bấy giờ. Ở Natasha thưở thiếu thời, Tolstoy thể hiện sự hiểu biết của mình về hình tượng người phụ nữ lý tưởng như sự hòa hợp giữa thể xác và tinh thần. Oái oăm thay, hình ảnh của nàng lại mang dấu ấn sự thù địch của Tolstoy đối với những ý tưởng mới về giải phóng phụ nữ đương thời.

Theo mô tả trong tiểu thuyết, Natasha “không được thông minh cho lắm”, bởi lẽ nàng rất dễ xúc động, một cách tự nhiên và tự phát, phản ứng nhanh đến mức quên mình, hiểu biết trực quan và không thật lý trí về mối tương quan giữa con người với nhau, cũng như mối liên hệ giữa con người và tâm hồn. Nàng là một người con gái giàu lòng trắc ẩn và là một người chị chu đáo. Nàng hay giúp đỡ mọi người, cả người quen lẫn người lạ, là một tấm gương điển hình về tình yêu thương hiệu quả giữa người và người . “Bản chất cuộc đời của nàng chính là tình yêu” – đây là cách Tolstoy miêu tả nhân vật nữ chính của mình. Chính tác giả đã nhấn mạnh rằng sự hiểu biết thực sự về các giá trị cuộc sống, sự gắn kết tình dân tộc mà Pierre Bezukhov và Andrei Bolkonsky đạt được nhờ những nhiệm vụ đạo đức phức tạp nhất, thực ra là hoàn toàn bẩm sinh và tự nhiên đối với Natasha. 

Xuyên suốt tác phẩm, nàng đóng vai trò là hiện thân của Andrei. Đồng thời, giống như bao nhân vật khác của Tolstoy, nàng cũng có xu hướng mắc sai lầm. Mong ước được hạnh phúc là một điều rất tự nhiên, nhưng chính điều ấy vô tình khiến cho Natasha trở nên ích kỷ – điều này được thể hiện qua tình cảm say mê của nàng dành cho Anatoly Kuragin.

Trong thế giới quan của Tolstoy, chính những thử thách tâm lý khó nhằn đã mang lại sức mạnh tinh thần cho các anh hùng. Đặc biệt là sau cái chết của Công tước Andrei, Tolstoy mô tả rằng chính những trải nghiệm của nàng là lý do giúp nàng vực dậy tinh thần: “Và cả ba lý do khiến tinh thần suy sụp của cô đều mang trong mình những lý do để hồi sinh.” Thông qua nàng Natasha, Tolstoy thể hiện sức mạnh nội tâm mãnh liệt và kiên cường.

Kết truyện, Natasha trở thành là một người vợ và người mẹ của gia đình, toàn tâm toàn ý chăm lo cho chồng con.

Trong hệ ý thức văn hóa Nga, hình ảnh nàng Natasha Rostova chủ yếu gắn liền với những cảnh kinh điển trong tiểu thuyết như buổi khiêu vũ đầu tiên của Natasha, buổi khiêu vũ truyền thống của người Nga tại nhà họ hàng và những người bị thương được Natasha nhường tất cả xe ngựa trong cuộc sơ tán khỏi Moscow. 

…thì Pierre Bezukhov tượng trưng cho hành trình tìm kiếm chân lí cho riêng mình

Nếu chàng công tước Andrei Bolkonsky và tiểu thư Natasha Rostova được lấy cảm hứng từ chính các thành viên trong gia đình, chàng bá tước Pierre Bezukhov lại có nguyên mẫu từ chính bản thân tác giả ngoài đời. Không chỉ là một trong ba nhân vật chủ chốt xuyên suốt tác phẩm, chàng ta còn là người bạn thân thiết cũng như đóng vai góp phần khai mở ý tưởng cho Andrei Bolkonsky và Natasha Rostova.

Lần đầu tiên xuất hiên, Pierre Bezukhov được mô tả như sau là một thanh niên “cao lớn hơn bất kì người đàn ông nào khác trong căn phòng này”, với “đầu cắt ngắn” và “đeo kính”. Chàng ta sở hữu nét thông minh và tinh ý, đồng thời lại rụt rè khiến anh ta trở nên khác biệt so với những chàng công tử khác. Ngược lại, mỗi khi nở nụ cười, vẻ nghiêm túc thậm chí có phần u ám đã biến mất và thay vào đó là một gương mặt khác xuất hiện – trẻ con, tốt bụng, thậm chí có phần ngờ nghệch và dường như đang cầu xin sự tha thứ.

Mở đầu tác phẩm, Bezukhov là một chàng trai trẻ vừa trở về từ Pháp để tìm cơ hội thăng tiến sau mấy năm học ở nước ngoài. Dẫu là một con người vui vẻ và tốt bụng, chàng ta lại vụng về và lạc lõng bất chấp những nỗ lực giao du với tầng lớp thượng lưu Nga. Dù vô cùng thông minh, chàng ta lại không được lý trí như người bạn thân Andrei của mình. Chính sự lạc lõng và mất phương hướng đã đẩy chàng ta sa ngã vào những bê bối lớn nhỏ, kết quả là bị đuổi khỏi Saint Peterburg sau trận ẩu đả với cảnh sát.

Thế nhưng cuộc sống của Pierre thay đổi sau khi cha chàng qua đời và chàng trở thành người thừa kế duy nhất trrong gia tộc Bezukhov. Chàng là đứa con ngoài giá thú của Bá tước Kirill Bezukhov, và vị thế xã hội thay đổi từ công tước lên bá tước. Cảm giác bất lực, cùng với ham mê sắc đẹp đã khiến chàng kết hôn với nữ bá tước Hélène nhạt nhẽo nhưng vô cùng xinh đẹp, và đó là cuộc hôn nhân mà người cha ích kỷ của nàng, công tước Vasily, đã sắp đặt để tìm kiếm cơ hội vơ vét tài sản từ nhà Bezukhov. Phát hiện vợ mình có tình nhân bên ngoài, chàng ta cầm súng bắn chết tình địch và kết quả là chịu án lưu đày.

Mặc dù có cuộc sống chỉ toàn ăn chơi sung sướng nhưng chàng luôn không hạnh phúc, luôn băn khoăn câu hỏi: “Sống là gì? Chết là gì? Điều gì đúng và cái gì sai đây?” rồi lại bế tắc khi không tìm ra câu trả lời. Sau chuyến vượt ngục thành công, chàng gia nhập Hội Tam Điểm cốt để tìm kiếm đáp án bấy lâu nay, song về sau cũng nhận ra sự giả tạo và vô nghĩa của việc này. Chán ngán thế giới quý tộc kiểu cách và giả tạo, chàng ra trận và chứng kiến tinh thần đánh giặc sục sôi và những hy sinh oanh liệt của nhân dân Nga trong trận Borodino, chàng đã dần nhận ra nhiều điều mới mẻ và bắt đầu con đường khai sáng cho bản thần. 

Kế hoạch ám sát Napoléon bất thành, chàng bị bắt cùng với các tù binh khác. Tại đây chàng gặp Platon Karataev – một người nông dân hiền lành, mang đặc trưng tính cách của người Nga điển hình. Chính bác đã giúp Pierre hiểu hơn về cuộc sống và là người mà Pierre kính trọng nhất trong cuộc đời. Khoảng thời gian quý báu ấy đã giúp Pierre hoàn toàn được khai mở – Chàng đã ngộ ra tất cả những điều cần hiểu trong cuộc sống cũng như trả lời được câu hỏi mà bấy lâu chàng kiếm tìm. Chàng trở nên điềm tĩnh hơn, thấu hiểu cuộc sống và con người, trở thành con người được tất cả mọi người yêu quý và kính trọng, kể cả những kẻ xưa kia thù ghét chàng hay chỉ lợi dụng chàng. 

Kết thúc tác phẩm, sau khi kết hôn với Natasha năm 1813, chàng là hội viên của hội kín tiền thân cho Cách mạng tháng Chạp. Cùng với Andrei Bolkonsky, Pierre Beezukhov là biểu tượng cho những người anh hùng chân chính của nhân dân Nga trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc đầy máu lửa mà oai hùng.

Không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến tranh nằm yên trên những trang giấy…

Là tiểu thuyết lịch sử, “Chiến tranh và hòa bình” hàm chứa hai thông điệp lớn. Thứ nhất, tác phẩm đã đề cập tới một giai đoạn lịch sử của nước Nga vào thời gian trước và sau cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Nga chống lại sự xâm lược của đạo quân Napoleon Bonaparte xuyên suốt giai đoạn 1812-1815. Thứ hai, đại văn hào Lev Tolstoy đã lí giải tại sao lịch sử đã diễn ra như vậy và chứng mình những gì ông tin tưởng. Chẳng phải những “anh hùng” đã tạo ra “thời thế” và kiểm soát được định mệnh con người, ông tin rằng đó là do “sự tác động” của quần chúng, của khát vọng dân tộc.

“Chiến tranh và hòa bình” là một thiên anh hùng ca, giống như trường ca Odyssey của Homer, với khối lượng nhân vật đồ sộ, hàng ngàn tiểu tiết như một bách khoa toàn thư, đào sâu tới các khía cạnh của đời sống con người. Với lòng tự hào dân tộc, tác giả đã kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc Nga, nhận ra những gì được coi là nét riêng biệt và giá trị cốt lõi của người Nga. Lev Tolstoy muốn cho độc giả nhận thấy sự ra đời của nước Nga – một quốc gia đa sắc tộc với vô số phong tục tập quán khác nhau – hoàn toàn có thể đứng lên chống lại kẻ thù chung của cả đất nước. 

Dọc theo từng trang sách của câu chuyện, từ những cuộc rượu chè xa hoa hay những buổi yến tiệc linh đình của giới thượng lưu, cho tới cách mà giới quý tộc và tướng lĩnh bàn về chiến thật đánh trận. Một điều quan trọng về quan điểm của tác giả là kết quả của trận chiến không phụ thuộc về cách hành quân thiên tài, tướng lĩnh xuất sắc, hay chiến thuật đỉnh cao mà nằm ở tất cả mọi thứ và tác giả dùng cách ví von nói như thế này: Sự thành bại của trận chiến không nằm ở những thứ mà bọn họ nói, không nằm ở chiến thuật, cách hành quân thiên tài, tướng lĩnh kiệt xuất, các sự việc, lệnh được cấp trên yêu cầu mà nó là tất cả những thứ khác. Đó là tiếng hô “Ura !” (Xung phong) của hằng hà sa số chiến sĩ trước thời khắc “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những người dân thành Moscow sẵn sàng thiêu cháy cả thành để vây hãm quân thù. 

Có lẽ cả câu chuyện tương tự như phép tính vi tích phân vậy, nó là tổng hòa của tất cả thành phần nhỏ tạo nên kết quả chứ không phải là chiến thuật thiên tài, đường lối xuất chúng hay tướng lĩnh thiên tài gì cả. Kinh ngạc hơn nữa, tác giả đã khái quát một sự thật không thể nào phũ phàng hơn: Vĩ nhân về cơ bản cũng là nô lệ cũng dòng chảy của lịch sử mà thôi.

…Mà còn là niềm tự hào của nền điện ảnh thế giới

Bộ phim “Chiến tranh và hòa bình” là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Liên Xô do vị đạo diễn huyền thoại Sergey Bondarchuk dựng nên. Đây là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Xô Viết được trao giải Oscar cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” và đó chính là thành quả cho bảy năm trời ròng rã tham gia chỉ đạo và sản xuất.

Bondarchuk và ê-kíp làm phim đã hoàn thành 4 tập “Chiến tranh và hòa bình” với thời lượng 390 phút, vừa hoành tráng, vừa mang đậm tính sử thi, khắc họa thành công tính cách con người Nga trong cả thời chiến lẫn thời bình. Cả một dàn diễn viên danh tiếng của điện ảnh Xô Viết góp mặt trong tác phẩm này, trong đó 2 diễn viên chính là Vyacheslav Tikhonov – đóng vai Công tước Andrei Bolkonski – và Lyudmila Savelyeva vào vai nữ chính Natasha. Điều thú vị là vị đạo diễn nổi tiếng khó tính và gắt gỏng Sergey Bondarchuk lại thủ vai chàng công tước Pierre Bezukhov.

Trong lịch sử nền điện ảnh Liên Xô, “Chiến tranh và hòa bình” được ghi nhận là bộ phim có kinh phí cao nhất. Theo số liệu của báo Lao động Nga đăng tải, kinh phí để làm tất cả 4 tập phim “Chiến tranh và hòa bình” lên đến 100 triệu rúp (1 rúp khi đó tương đương khoảng 1 USD). Số tiền này hoàn toàn lấy từ ngân sách nhà nước.

Bộ phim được khởi quay vào ngày 7-9-1967 bên tường Tu viện Novodevichy. Trận Borodino – trường đoạn trung tâm của tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” – còn được biết tới với tên Trận chiến Moscow, giữa quân đội Pháp do Napoléon chỉ huy và quân đội Nga dưới sự thống lĩnh của Đại tướng Kutuzov diễn ra tại khu vực Borodino, ngoại ô Moscow ngày 7-9-1812. Trận đánh kéo dài chỉ trong một ngày và được coi là trận chiến lớn thứ 3 và đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon, với sự tham gia của hơn 250.000 binh sĩ của cả hai phía và số thương vong ít nhất lên đến trên 7 vạn người.  

Hãng phim Mosfilm đã phải thành lập cả trung đoàn kị binh để phục vụ cho việc dựng cảnh. Theo yêu cầu của đạo diễn, Bộ Nông nghiệp đã cung cấp 900 con ngựa các loại. Khung cảnh các trận chiến được quay vào tháng 12 tại thành phố Mukachevo. Đối với các cảnh quay trận chiến Borodino, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã huy động vài chục nghìn chiến sĩ tham gia. Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thương mại, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô đã phải tăng số lượng nguyên vật liệu cần thiết để may các loại áo bành tô của quân đội Nga thời đó, bởi vì các loại phục trang lịch sử không đủ để trang bị cho các diễn viên chính và diễn viên quần chúng.

Một số cảnh quay buộc phải làm đi làm lại đến 30 – 40 lần do chất lượng của phim không cao. Do độ nhạy của phim kém, nhiều khi phải chiếu sáng trường quay ngay cả ban ngày. Các khẩu súng đại bác được bắn bằng đạn cao su và cuồn cuộn bốc lên những cột khói đen như cuộc giao tranh thực sự. Cuối cùng công sức của tập thể đoàn làm phim đã được đền đáp: Giải Vàng Liên hoan Phim quốc tế Moscow và sau đó là giải Oscar giành cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất.

Tác phẩm còn được ghi vào Sách kỷ lục Guinness thế giới bởi đã huy động số người tham gia trong các cảnh quay trận chiến lên đến hơn 120.000 người. Trường đoạn quay đại cảnh trận Borodino với 1.500 diễn viên quần chúng, sử dụng tới 23 tấn thuốc nổ, 40.000 lít dầu hỏa để làm khói lửa đã quay xong, nhưng khi đem đi tráng thì đạo diễn nhận đực tin như sét đánh: thước phim bị hỏng rồi ! Bondarchuk gần như phát điên lên và thế là ông buộc quay lại đại cảnh đó…

Ranh giới thiện và ác – Bài học không bao giờ bị lãng quên

Cũng như Việt Nam, người Nga đã trải qua bao cuộc chiến tranh đau thương và khốc liệt; song họ sẵn sàng cầm súng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc của mình cũng như giáng những đòn chí mạng cảnh cáo kẻ thù, rằng kẻ địch sớm muộn cũng sẽ tan nát về phương diện này hay phương diện khác, nếu họ cố gắng và cố tình chọc giận con gấu Nga hãy còn ngủ yên.

Đã là chiến tranh thì không chỉ có xương máu và khói lửa, hai từ ấy còn hàm chứa cả sự mất mát và thê lương. Bởi lẽ đó mà “Chiến tranh và hòa bình” trở thành bài học đắt giá về cái giá trị đắt đỏ đến vô giá của hai chữ “hòa bình”. “Hòa bình” ở đây không chỉ là của riêng một quốc gia hay một dân tộc nào đó, hai chữ ấy còn ám chỉ sự bình yên trong cuộc sống và quyền được tự do của mỗi con người.

Chính Lev Tolstoy đã từng phát biểu như thế này:

“Mưu cầu chân thiện mỹ nhưng đừng bao giờ mơ mình sẽ thành công nhanh chóng hoặc đáng kể. Bởi bạn càng dấn sâu vào quá trình đó, chuẩn mực của bạn càng cao. Nhưng chính quá trình mưu cầu cuộc sống tốt đẹp ấy cũng đã đáng để ta sống rồi”

Có thể “Chiến tranh và hòa bình” là một hành trình dài để độc giả đào tận sâu những gì xấu xí và tàn nhẫn nhất ẩn trong tâm hồn con người. Mặt khác, cuốn tiểu thuyết lại là một chặng đường vĩnh cửu để mọi người có thể tin tưởng rằng dẫu bao trùm chung quanh chỉ toàn thứ bóng tối âm u và nặng nề, vẫn sẽ có một bước ngoặt tích cực hay một tia ánh sáng hy vọng vẫn còn đang chờ đợi ai đó nắm lấy rồi thắp lên thật mạnh mẽ.

Không chỉ là một thiên sử thi bi tráng, “Chiến tranh và Hòa bình” chính là bài thuyết giảng tuyệt vời về cách nhìn nhận cuộc sống cũng như thấu hiểu bản chất con người. Nếu ai đó nhìn vào thế giới này với tâm thế cởi mở, tâm thái bình tĩnh cùng tinh thần nhân ái và vị tha, hẳn thế giới ấy hóa ra không chỉ toàn những điều tệ hại và tiêu cực mà thậm chí còn có vô số khía cạnh để sống và tận hưởng nữa.