Lịch sử loài ong của Maja Lunde là một tiểu thuyết môi trường, nó kể câu chuyện về loài ong và cả câu chuyện của loài người trong quan hệ gia đình và trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên. Trong cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích về loài ong được lồng ghép trong 3 câu chuyện với những chi tiết hấp dẫn và kịch tính. Và những gì mà cuốn sách truyền tải chắc chắn thú vị hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta khi mới nhìn vào bìa sách.
3a0299c7c46547367171185d23590e27
Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách khoa học tự nhiên viết về loài ong với những mô tả và nghiên cứu đầy học thuật thì cuốn sách này sẽ khiến bạn thất vọng, đừng bị cái tên của nó đánh lừa. Những đặc tính của loài động vật đặc biệt này chỉ như lớp phông nền, được lồng ghép trong 3 câu chuyện để mang tới khúc ca ca ngợi nghệ thuật nuôi ong, tình cảm gia đình ấm áp cũng như cảnh tỉnh con người trước những tác động khôn lường mà họ đang gây ra cho môi trường sinh thái.
Ba câu chuyện riêng rẽ hội tụ trong một đường dây gắn kết
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện cá nhân của 3 con người ở 3 lục địa khác nhau: Châu Âu, chây Mỹ, châu Á; có tính đại diện cho xã hội loài người. William – một nhà tự nhiên học sống tại Anh, dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu về loài ong và để sáng chế ra một loại thùng nuôi ong tiên tiến. George – một người nuôi ong tại Hoa Kỳ kiên định nuôi ong bằng phương pháp truyền thống với những thùng ong nuôi tự đóng. Và Đào – một công nhân người Trung Quốc làm việc thụ phấn bằng tay cho cây, công việc mà đáng lẽ do loài ong đảm nhiệm. Ba câu chuyện ở không gian và thời gian khác nhau, với những nhân vật khác nhau, được kể đan xen nhưng bằng ngòi bút tài tình của tác giả, chúng đan cài chặt chẽ vào nhau, vẫn đảm bảo tính liền mạch và có sự kết nối mật thiết.
Ba câu chuyện xảy ra tại 3 mốc thời gian khác nhau: William – 1851, George – 2007 và Đào – 2098. Tiến trình ấy kể về câu chuyện của loài ong từ khi chúng còn sinh sống và phát triển rất thuận lợi trên trái đất cho đến khi con người nhận ra sự sụt giảm ngày một nhiều hơn của loài động vật này bởi những tác động tiêu cực từ chính họ. Và loài người không thể làm gì để khắc phục, hay nói đúng hơn là chỉ cố gắng nửa vời; cho đến khi mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa, điều tệ hại nhất đã xảy ra, loài ong hoàn toàn biến mất trên thế giới.
Sự biến mất của sinh vật nhỏ bé ấy có ảnh hưởng quá lớn đến đời sống con người, không có ong để thụ phấn, khan hiếm lương thực trở thành khủng hoàng toàn cầu. Ngay cả ở nơi Đào sống – khi con người đã phải lao động cật lực để thụ phấn bằng tay cho cây cối 12 giờ mỗi ngày thì lượng lương thực họ sản xuất ra cũng không đủ để phục vụ nhu cầu của chính họ. Dân số sụt giảm nhanh chóng, người ta phải hy sinh những người già, những em nhỏ phải tới những cánh đồng từ khi lên 8 tuổi để học cách làm công việc giúp chúng và đồng loại có thể tiếp tục sinh tồn – thụ phấn cho cây. Học hành lúc này không còn ý nghĩa gì nữa khi mà chúng còn không có nổi một cái bụng no!
Lời cảnh tỉnh cho con người trước thực trạng tàn phá thiên nhiên
Câu chuyện của Đào – câu chuyện của tương lai là giả tưởng, nhưng rõ ràng khi lật từng trang sách, chúng ta không thể lướt qua vì cho là bất khả, là viển vông. Thay vào đó, nó bắt ta phải dừng lại, phải suy ngẫm và phải nhìn lại những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Lạm dụng thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến hiện tượng Rối loạn sụt giảm bầy đàn – CCD và theo đó là sự biến mất hoàn toàn của loài ong. Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với nó và nhiều nguy cơ khác: trái đất nóng lên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm trắng… Dân số thế giới không ngừng tăng lên đi cùng với đó là những tác động tiêu cực của con người tới môi trường tự nhiên. Nếu chúng ta không thật sự đánh giá nghiêm túc về những gì đang xảy ra và có những nỗ lực kịp thời để khôi phục hệ sinh thái – những gì mà con người đã và đang tàn phá, thì viễn cảnh u tối trong câu chuyện của Đào hay thậm chí tệ hơn nữa là điều tất yếu sẽ xảy ra.
“Để sống trong thiên nhiên, cùng thiên nhiên, chúng ta cần tách mình ra khỏi bản chất tự nhiên của chính mình… Giáo dục là để thử thách chính chúng ta, để thử thách tự nhiên, thử thách bản năng của chúng ta…” Đúng vậy, con người cần chế ngự được bản năng của mình để học cách cùng chung sống với thiên nhiên, bởi chắc chắn sự phát triển dựa trên việc dẫm đạp lên tự nhiên chỉ là sự phát triển giả dối!
Bức tranh về tình cảm gia đình gắn bó, thiêng liêng
Đi cùng với câu chuyện về sự tồn vong của loài người là câu chuyện gia đình của từng nhân vật, câu chuyện muôn thuở về những xung đột giữa hai thế hệ, câu chuyện về những kỳ vọng và tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Có lẽ tình cảm ấy là thứ tình cảm thiêng liêng và mãnh liệt nhất nên tác giả đã dùng nó làm sợi chỉ dẫn lối để đưa tới lối thoát, tìm ra hy vọng cho câu chuyện và cho cả loài người. Chính vì đứa con trai bé bỏng của mình mà Đào bất chấp mọi khó khăn và hiểm nguy để đi tìm câu trả lời mà cô cần được biết, và cũng chính nhờ nó mà cô có đủ sức mạnh và quyết tâm để nói ra điều đúng đắn mà cô tin là mình phải làm để cứu vãn mọi chuyện. Bởi vậy mà niềm hy vọng đã được thắp sáng lên cho con người, cho thế hệ tương lai.
Lối viết chuyện của Maja Lunde sẽ khiến bạn khó rời khỏi những trang sách đầy lôi cuốn và có sức ám ảnh. Câu chuyện đem đến một kết thúc mở, hơi hụt hẫng cho độc giả nhưng rõ ràng mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa, những mối quan hệ gia đình được hàn gắn, những sai trái được sửa chữa dần dần, để hai từ cuối cùng của tác phẩm trở nên đầy thuyết phục và lay động người đọc: “Hy vọng”
Lịch sử loài ong là một câu chuyện cảm động ca ngợi sự tuyệt diệu của thiên nhiên, tôn vinh tình cảm gia đình và đem đến cho chúng ta niềm hy vọng. Bất chấp những sai lầm, bất chấp những tăm tối con người phải trải qua, cuối cùng chúng ta vẫn có thể trở lại con đường đúng đắn và gây dựng lại từ những mất mát và tàn lụi.
: