“Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình. Những cạnh sắc ấy, nếu ông cứ giữ cho nó sắc mãi thì chúng ta có thể tin ở tương lai văn nghiệp ông. Vườn văn Việt Nam thiếu những bông hoa lạ, thiếu những nghệ sĩ táo bạo, thiếu những bản thể đặc biệt.” – Trích lời tựa tuyển tập “Đôi lứa xứng đôi”, nhà văn Lê Văn Trương viết.
Kiệt tác “Chí Phèo”
“Chí Phèo” được nhà văn Nam Cao đặt tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, nhưng có lẽ nhằm gây chú ý cho công chúng đương thời, nhà văn Lê văn Trương khi viết lời tựa cho tập truyện đã đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”. Về sau, khi in lại truyện này trong tuyển tập “Luống cày” (tập truyện của 4 tác giả: Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân) tác giả Nam Cao đổi tên truyện của mình thành “Chí Phèo”.
Xem thêm tác phẩm Việt Nam danh tác
- Tố Tâm: Cánh hoa sa mưa
- Ai hát giữa rừng khuya – Gương mặt lạ trong Việt Nam danh tác
- Số đỏ: Đứa con đáng tự hào của “Ông vua phóng sự đất Bắc”
- Truyền kì mạn lục: Chuyện về người con gái Nam Xương
“Chí Phèo” kể về cuộc đời người nông dân lương thiện bị lưu manh hóa.
Chí là một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng, may mắn được người ta nhặt về nuôi rồi trở thành canh điền nhà kỳ mục Bá Kiến ở làng Vũ Đại. Vì ghen mà Bá Kiến đẩy Chí vào ngục giam. Bảy, tám năm sau Chí trở về làng gây sự với kẻ đã khiến mình đi tù, nhưng lại bị viên kỳ mục này lợi dụng, Chí trở thành tay chân của Bá Kiến, trở thành kẻ chuyên nghề đâm thuê chém mướn. Suốt vài chục năm liền Chí chìm trong những cơn say, làm việc ác trong lúc say, đến nổi không biết rằng mình đã trở thành một con quỷ dữ trong làng.
Một ngày kia, sau một cuộc rượu say sưa, trên đường về nhà, giữa vườn chuối trên bãi sông, Chí bỗng thấy một người đàn bà. Chí gặp Thị Nở, sau buổi đêm ấy, sau cơn sốt ngày kế tiếp, sau bát cháo hành nghi ngút khói, cuộc đời Chí lần đầu tiên tỉnh táo sau bao nhiêu năm say…
Chí thèm lương thiện, nhưng tất cả dường như đã muộn rồi.
Câu chuyện xây dựng thành công sự xung đột vô cùng quyết liệt của hai nhóm người thuộc hai tầng lớp trong xã hội thực dân nửa phong kiến: nhóm cường hào, vai vế bề trên gồm những Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo… và nhóm cùng đinh lưu manh hóa gồm những Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ… Nhóm cường hào cai trị, bòn rút đám đông dân quê, lại cũng cạnh tranh, sát phạt nhau… Chính vì vậy, nhóm cùng đinh lưu manh hóa đã được bọn cường hào sử dụng làm công cụ để trừng trị lẫn nhau và áp chế dân làng.
Truyện “Chí Phèo” khái quát một hiện tượng xã hội ở làng quê Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ vẫn luôn cưỡng lại quá trình tha hóa đó, ngay cả khi bị vùi dập nhân hình, nhân tính.
“Chí Phèo” là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Ngoài ra cũng rất mới mẻ bởi nghệ thuật ngôn ngữ đặc sắc của Nam Cao. Bằng ngôi thứ ba vô hình, biết tuốt, lời văn như kẻ đứng bên trong nhân vật, hoặc đứng kề nhân vật, khiến cho việc mô tả các biến động tâm lý nhân vật trở nên hết sức sinh động. Những cơn say của Chí Phèo, dòng suy nghĩ của Chí, sự chuyển hướng bất ngờ từ suy nghĩ sang hành động… Tất cả những mảnh vụn đều trở nên liền mạch, có lý, sáng tỏ và dễ hình dung.
Truyện “Chí Phèo” hầu như được giới nghiên cứu và giới mộ điệu nhất trí xem là một kiệt tác, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, đồng thời là kiệt tác đỉnh cao của văn xuôi tự sự Việt Nam những năm 1930 – 1945.
“Chí Phèo” xuất hiện trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy cùng với hai tác phẩm khác của Nam Cao là “Sống mòn” và “Lão Hạc”, bằng cái tên “Làng Vũ Đại ngày ấy” được sản xuất năm 1982 bởi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Vai Chí Phèo do NSƯT Bùi Cường đảm nhận – cũng là nhân vật đưa tên tuổi của ông sống mãi với thời gian. “Làng Vũ Đại ngày ấy” là một bộ phim nổi tiếng được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ XX.
Nghệ thuật thoát ra từ những kiếp lầm than
Điểm lại xuyên suốt sự nghiệp văn chương của Nam Cao, có thể khẳng định rằng ông đã luôn giữ được những “cạnh sắc” nguyên sơ như thuở ban đầu. Văn phong, tư tưởng và nghệ thuật của ông được định hình từ rất sớm, có lẽ vì vậy mà kiệt tác “Chí Phèo” đã ra đời ngay từ cuốn sách đầu tay.
Tuyển tập truyện ngắn “Đôi lứa xứng đôi” là sản phẩm đầu tay của Nam Cao, ra mắt bởi NXB Đời Mới tại Hà Nội vào năm 1941, gồm 7 truyện:
- Đôi lứa xứng đôi (Chí Phèo)
- Nguyện vọng
- Hai khối óc
- Giờ lột xác
- Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình
- Ma đưa
- Cái chết của con Mực
Xuất bản trong giai đoạn mà cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra khốc liệt, sự chú ý của người đương thời hầu như đều tập trung vào chiến trận từ châu Á tới châu Âu, có lẽ vì thế mà tập truyện “Đôi lứa xứng đôi” khá im ắng trong dư luận văn học nghệ thuật thời bấy giờ.
Phải gần hai mươi năm sau đó, thời kỳ miền Bắc phục hồi các vết thương chiến tranh, đất Hà thành được hòa bình, các giá trị thực sự trong sáng tác của Nam Cao mới được thừa nhận rộng rãi trong giới sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học.
Nếu “Chí Phèo” khai thác đề tài người nông dân bị nhóm cường hào áp bức đến tận cùng, bị lưu manh hóa thành công cụ gieo rắc tội lỗi dẫn đến kết cục đồng quy vô tận để giải thoát bản thân; thì “Nguyện vọng” là sự bế tắc của một nhà giáo nghèo với một mộng tưởng xa vời khi đất nước còn long đong; “Hai khối óc” là tình yêu tuyệt vọng giữa kẻ giàu người nghèo; “Giờ lột xác” là nỗi quằn quại của giới trí thức dưới chế độ cũ, đau đớn của thời kỳ lột xác – mà ánh sáng cách mạng là chất dẫn để thời kỳ đó kết thúc trong niềm hân hoan; “Cái chết của con Mực” cũng là trang viết về nỗi lòng lực bất tòng tâm của người trí thức nghèo trước thời cuộc; riêng hai truyện “Ma đưa” và “Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình” thuộc loại truyện ma, trong đó Nam Cao ghi lại những nét thuộc đời sống tâm linh, tâm thức dị đoan của người dân các làng quê thời đấy.
Nhân vật chính đều là những “kiếp lầm than” phản ánh đời sống bần hàn của người dân Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Nhật và thực dân Pháp trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thông qua những tấn bi kịch của người nông dân và người trí thức trong xã hội cũ thể hiện trong từng tác phẩm, Nam Cao thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới hai vấn đề lớn của con người là quyền được sống lương thiện và điều kiện để phát huy tài năng để sống một cuộc sống có ích, có ý nghĩa. Nam Cao không chỉ đồng tình với khát vọng sống lương thiện mà còn cổ vũ cho khát vọng được cống hiến, được sáng tạo của người trí thức, người nghệ sĩ chân chính.
Tranh cãi về đề xuất bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa
Cuối năm 2017, Nguyễn Sóng Hiền – lúc ấy là nghiên cứu sinh tiến sĩ trường ĐH Newcastle (Australia) – nêu quan điểm nên đưa tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình Ngữ Văn 11. Nguyễn Sóng Hiền lập luận:xf
“Chí Phèo chẳng đại diện cho ai cả. Anh ta chỉ đơn giản là một đứa trẻ không được giáo dục, bị lưu manh hóa. Nếu nói rằng Chí đại diện cho tầng lớp nông dân bị áp bức thì thật là “tội nghiệp” cho nông dân mình quá.
Trong thời gian làm thuê cho Bá Kiến, Chí vẫn được xem là con người trong xã hội ấy, người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Sau khi bị Bá Kiến đẩy đi tù vì ghen, Chí mới tha hóa. Khi Chí say, Chí chửi người đẻ ra Chí chứ đâu chửi xã hội. Sống trong xã hội hiện đại, một đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh ấy, chưa chắc đã có cách xử sự khác hoặc cuộc đời khá khẩm hơn. Đó là một thực tế đau lòng phải chấp nhận.
Chí Phèo phải bị phê phán vì hành vi cưỡng bức Thị Nở. Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.”
Đọc được tin, bà Trần Thị Hồng (con gái nhà văn Nam Cao) bày tỏ rằng, bất cứ một tác phẩm văn học nào được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh chắc chắn phải được hội đồng biên soạn mổ xẻ nhiều góc cạnh, cân nhắc kỹ lưỡng, qua nhiều khâu, và tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, các nhà phê bình văn học.
“Anh Nguyễn Sóng Hiền nói tác phẩm không có tính giáo dục là ý của cá nhân anh Hiền. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi nghe được ý kiến trái chiều về tác phẩm.” – Bà Hồng chia sẻ.
Bởi đây là “ý kiến trái chiều” hiếm hoi về tác phẩm được coi là kiệt tác của nền văn học trước năm 1945, từ một người có học thức cao, nên khiến dư luận khá xôn xao ở thời điểm đó.
Khách quan thì, bất cứ một tác phẩm văn học kinh điển nào, ngoài giá trị văn học, chúng còn có giá trị lớn lao về mặt lịch sử, “Chí Phèo” cũng không ngoại lệ. Và khi phân tích các tác phẩm đó, cần đặt chúng vào thời gian lịch sử nơi chúng thuộc về, có thế thì mọi giá trị và tư tưởng mới tìm được vị trí đúng sáng.
Với “Chí Phèo”, Nam Cao không chỉ viết về một cuộc đời bị lưu manh hóa và quá trình cưỡng lại sự phi nhân hóa đó, mà còn vẽ lại cả một thế hệ, một xã hội với những tầng lớp, những đau khổ mà người dân Việt Nam phải chịu đựng dưới ách thống trị thực dân, thấu được những điểm mù lịch sử, học sinh thời nay sẽ hơn bao giờ hết cảm thấy biết ơn Cách mạng Tháng Tám, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nền hòa bình hiện tại đến nhường nào. Đây là một trong những giá trị giáo dục.
“Chí là kẻ xấu” ? Không. Chí luôn khát khao thiện lương và thèm được thiện lương. Chí chỉ rạch mặt, chỉ ăn vạ, chỉ đáng sợ… khi Chí say, khi men rượu kiểm soát hành vi, Chí trở thành kẻ liều. “Thế đấy: cái nghề đời hiền quá cũng hóa ngu, ở đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng nó ấn cho đến không còn ngóc đầu lên được.”
Cái xã hội mà công lý nằm trong tay kẻ có quyền và kẻ mạnh, đã ép buộc Chí phải trở thành kẻ liều. Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân, đời không cho Chí có cơ hội làm anh hùng, thì Chí phải liều mới có thể được sống.
Chí Phèo là nhân vật của thời đại, là hình tượng đáng thương của người nông dân vốn thiện lương dưới chế độ thực dân nửa phong kiến bị ép vào đường cùng, đó là quy luật “con giun xéo mãi cũng quằn.” Đây là một trong những giá trị nhân đạo.
Nam Cao là nhà văn hiện thực kiệt xuất, đồng thời là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Chủ nghĩa nhân đạo lấy con người làm gốc, con người với tất cả mọi nhu cầu chính đáng, năng lực trần thế và hiện thực.
Nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học, cây bút biên dịch thông tin văn học nghệ thuật Lại Nguyên Ân viết:
“Điều đáng kể là Nam Cao không chỉ mô tả những nông dân lưu manh hóa như những con người bị tha hóa, mất nhân tính, trở thành những công cụ gieo rắc tội lỗi, gieo rắc sự kinh hoàng vào đời sống làng quê. Ở nhân vật Chí Phèo, như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, Nam Cao đã cho thấy cả xu thế tha hóa, vật hóa, phi nhân hóa ở những nông dân lưu manh hóa, lại cũng cho thấy cả sự cưỡng lại quá trình vật hóa, phi nhân hóa ở những nông dân ấy. Việc Chí Phèo đến nhà Bá Kiến đòi “được làm người lương thiện”, rồi biết rằng không thể nào xóa đi những tội lỗi mình từng gây ra theo lệnh viên kỳ mục ấy, Chí xông đến giết lão rồi tự sát – hành vi ấy được nhiều nhà nghiên cứu xem như biểu hiện sự cưỡng chống quyết liệt trước xu thế tha hóa ấy của người nông dân, của con người nói chung.”
PGS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới, thẳng thắn cho rằng quan điểm đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách Ngữ văn lớp 11 của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, là không đáng bàn.
Vài nét về Nam Cao
Nam Cao (1917 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, không những là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ XX, mà còn là một chiến sĩ, liệt sĩ. Trước Cách mạng, ông là nhà văn hiện thực lớn. Sau Cách mạng, ông là một nhà báo kháng chiến. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX.
Nam Cao đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại 60 truyện ngắn, 1 tiểu thuyết. Các tác phẩm của nhà văn Nam Cao nói chung, trong tuyển tập truyện ngắn “Đôi lứa xứng đôi” nói riêng, điển hình là “Chí Phèo”, thuộc dòng văn học hiện thực mang hơi thở của thời đại, có giá trị văn học, lịch sử, giáo dục và nhân đạo vô cùng to lớn trong kho tàng văn học nước nhà.
Quan điểm sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng
Trước Cách mạng, Nam Cao có hai quan điểm sáng tác chính. Một là, văn chương phải chân thực, phản ánh đúng bản chất cuộc sống. Hai là, văn chương cần sáng tạo. Giao thoa giữa hai quan điểm ấy, văn chương phải phản ánh cuộc sống nhưng không nên sao chép y nguyên hiện thực cuộc sống, nhà văn cần phải sáng tạo dựa trên trách nhiệm và thiên chức của người cầm bút.
“Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia thốt ra từ những kiếp lầm than.” – Trích “Giăng sáng” (1942) – Nam Cao.
Ở tập truyện ngắn đầu tay này, Nam Cao tập trung khám phá xã hội làng quê người Việt, cụ thể là làng xã miền Bắc, nơi mà sự phân tầng xã hội đã chia thành những nhóm người, những loại người, từ những dân làng vô danh, người nông dân, nhà giáo nghèo, viên chức nhỏ đến bọn cường hào, địa chủ… mà nhân vật chính thường là người nông dân và người trí thức nghèo. Những nhân vật trong văn của Nam Cao đều rất đời, được lấy cảm hứng từ chính những con người mà ông từng tiếp xúc.
Duyên