Bí ẩn, sâu lắng, trĩu nặng và hoàn toàn khó quên, thơ của Ocean Vuong tiệp vào người nghe như hơi thở, sự hài hòa ngôn từ có thể cảm nhận được trong từng nhịp đập của sự sống. Tuyển tập thơ “Night sky with exit wounds” ghi dấu ấn đầy rực rỡ của Ocean Vuong – một thiên tài thi ca gốc Việt – trên thi đàn thế giới.

Năm 2016, tập thơ “Night sky with exit wounds” ra mắt độc giả lần đầu và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Năm 2018, tác phẩm được Phanbook phát hành tại Việt Nam với tên gọi “Trời đêm những vết thương xuyên thấu”, do dịch giả Hoàng Hưng chuyển ngữ.

tiemsachdieubong Trời đêm những vết thương xuyên thấu Reviewsach.net
Ảnh: tiemsachdieubong

Đọc thêm review tác phẩm của Ocean Vuong:

“Cách nhìn thế giới của cuốn sách thật đáng kinh ngạc”

Đây là nhận định của nhà thơ Bill Herbert, Chủ tịch hội đồng giám khảo giải T.S Eliot, ông nói thêm rằng: “Night sky with exit wounds” là “Sự khởi đầu chắc chắn một cách thuyết phục, sự tới đích rõ rệt của một giọng nói quan trọng.”

“Night sky with exit wounds” là một tập thơ mỏng nhẹ, được chia làm ba phần lớn, gồm 35 bài thơ độc lập với độ dài ngắn khác nhau, chứa đựng nỗi niềm của một bản dạng văn hóa đa dạng.

“An American soldier fucked a Vietnamese farmgirl. Thus my mother exists.

Thus I exist. Thus no bombs = no family = no me.

Yikes.”

(Trích bài thơ “Notebook Fragments”)

Trần trụi và gai góc.

Cuộc đời của Ocean Vuong và của mẹ anh sẽ không hiện hữu nếu không có chiến tranh. Sự thật đó được trần thuật với một giọng điệu gần như là thản nhiên, thậm chí là thờ ơ, bởi những người trong cuộc đã dùng cuộc đời của nhiều thế hệ để thấu hiểu, để chấp nhận, và khám phá ra rằng họ bước ra từ tâm chấn chiến tranh nhưng họ sinh ra từ cái đẹp. Họ tự chữa lành cuộc đời mình để rồi tỏa sáng theo cách riêng.

Mẹ của Ocean Vuong chỉ biết đúng ba mẫu tự a, b, c, thế đã đủ là niềm cảm hứng cho thi sĩ viết thành bài thơ “The Gift”, trích đoạn:

“a b c  a b c  a b c
She doesn’t know what come after
So we begin again
a b c  a b c  a b c
But I can see the fourth letter:
a strand of black hair – unraveled
from the alphabet
& written
on her cheek.”

Lớn lên như một đứa trẻ không cha, nhưng hình ảnh người cha vẫn bàng bạc suốt cả tập thơ dù chỉ hiện diện trong tâm tưởng tác giả.

“…The face
not mine – but one I will wear
to kiss all my lovers good-night:
the way I seal my father’s lips
with my own & begin
the faithful work of drowning.”

(Trích bài thơ “Telemachus”)

Thơ của Ocean Vuong viết về gia đình, tình yêu, sự cô độc, người tị nạn, người nhập cư, người đồng tính, người truyền thừa ký ức chiến tranh,… những chủ đề lớn của muôn đời và muôn người nhưng theo một lối tư duy ngôn ngữ rất riêng. Suy tư, trầm ngâm, bốc lửa, thậm chí là gợi tình, sức cuốn của Ocean Vuong nằm ở sự truyền tải cảm xúc bằng ngôn từ, tạo nên một sức hấp dẫn rất Ocean Vuong – giống như DNA, là độc nhất.

bookishmornings Trời đêm những vết thương xuyên thấu Reviewsach.net
Ảnh: bookishmornings

Đọc thêm review tác phẩm thi ca:

Tác phẩm khẳng định tên tuổi Ocean Vuong trên thi đàn thế giới.

Trước “Night sky with exit wounds”, Ocean Vuong đã từng xuất bản hai cuốn sách Burnings (năm 2010) và No (năm 2013), đạt được một số thành tựu nhưng chưa thực sự nổi trội.

Đến năm 2016, tuyển tập thơ “Night sky with exit wounds” được Copper Canyon Press xuất bản mới thực sự khẳng định vững chắc vị trí của Ocean Vuong trên thi đàn nước Mỹ nói riêng, và thi đàn thế giới nói chung.

Michiko Kakutani, nhà phê bình văn học được nhiều giải thưởng (kể cả Giải Pulitzer loại Phê bình), cựu trưởng ban điểm sách cho tờ New York Times, đã cảm kích khi đọc thơ của OceanVuong bởi vì:

“Độ chính xác căng dãn gợi nhớ đến tác phẩm của Emily Dickinson, kết hợp với nhận thức sâu sắc như Gerard Manley Hopkins về âm thanh và nhịp điệu của từ ngữ.”

Tác phẩm “Night sky with exit wounds” đã mang về cho Ocean Vuong cơn mưa giải thưởng: Giải Felix Dennis năm 2017 – giải thưởng được mệnh danh là “Oscar trong lĩnh vực thi ca” cho tập thơ đầu tiên hay nhất; Giải T.S. Elliot năm 2017 dành cho thơ viết bằng Anh ngữ xuất bản lần đầu tiên ở Anh hoặc Ái Nhĩ Lan; Giải Withing năm 2016 về thơ (cùng với những thi sĩ LaTasha N. Nevada Diggs, Layli Long Soldier, và Safiya Sinclair); Giải Forward cho loại tập thơ đầu tiên (first collection); Giải Thom Gunn cho Thơ Đồng tính; Giải Tưởng niệm Stanley Kunitz được trao bởi Tạp chí Điểm Thơ Hoa Kỳ và American Poetry Review…

Bên cạnh đó, gương mặt, tên tuổi cùng những vần thơ của Ocean Vuong cũng trở nên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông, nhật báo và tạp chí như Atlantic, Granta, Harper’s, the Nation, the New Republic, the New York Times, the New Yorker, the Paris Review, the Village Voice… Anh được giới thiệu trên đài truyền thanh Quốc gia trong chương trình NPR’s All Things Considered, được BuzzFeed ghi tên vào danh sách 32 nhà văn người Mỹ gốc châu Á thiết yếu, và được tạp chí Foreign Policy bình chọn là một trong 100 tư tưởng gia toàn cầu hàng đầu của năm 2016.

Ngoài ra, tác giả Ocean Vuong còn được một số học bổng hoặc tài trợ của Học viện Thi sĩ Hoa Kỳ, cùng những Viện Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ khác như Civitella Ranieri, Elizabeth George, Lannan và Poetry.

Ocean Vuong – từ một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có gen di truyền chứng khó đọc đến một nhà thơ và một học giả có khả năng khám phá lại vẻ đẹp ngôn từ của ngôn ngữ Anh, “Night sky with exit wounds” là minh chứng rực rỡ cho hành trình thoát kén hóa đẹp xinh của tác giả.

epilogue.book.girl Trời đêm những vết thương xuyên thấu Reviewsach.net
Ảnh: epilogue.book.girl

Cảm giác được tự do khi đọc thơ Ocean Vuong.

“Một nghìn người đọc sách, sẽ thấy một nghìn Hamlet khác nhau.”

Giới mộ điệu hẳn không còn xa lạ với câu nói này, cũng nhờ vậy mà trước bất kỳ một tác phẩm nào, mỗi cá nhân đều dễ dàng mang tâm thái cầu thị để tiếp thu góc nhìn của từng cái “tôi” khác, từ đó có thể mở rộng và làm phong phú thêm suy nghĩ của bản thân.

Đến với thơ của Ocean Vuong, có vẻ như quan điểm trên được áp dụng ở mức độ cao nhất nhờ sự “mở cửa” của chính tác giả:

“Viết một cuốn sách cũng giống như thiết kế một căn phòng. Lúc mình xây, mình muốn xây nó kiểu gì cũng được. Nhưng khi xong rồi, thì mình phải đi ra, để người đọc đi vào, để họ tự do sống trong đó theo cách mà họ muốn. Tất cả những gì họ cảm nhận sẽ đều đúng và thật. Mình không thể kỳ vọng rằng họ phải hiểu mình theo một cách nhất định.”

Ocean Vuong viết thơ theo thể tự do và dành cho người đọc một quyền tự do tuyệt đối khi đọc tác phẩm của anh. Không gò bó theo bất kỳ mực thước hay khuôn khổ nào. Không phán xét, không kỳ vọng, không đúng – sai, không phải – trái, mọi cảm nhận và suy nghĩ đều tùy thuộc vào mỗi độc giả.

Có lẽ bởi cảm giác thực sự tự do ấy mà đọc thơ Ocean Vuong là một trải nghiệm đầy xúc cảm khó quên.