Như một dạng truyền thuyết đô thị, tại đền Nguyệt Hương, ngôi đền cổ kính nằm trong thị trấn nhỏ cách Tokyo hơn một giờ lái xe lưu truyền câu chuyện nếu vào hốc của cây long não khổng lồ ở đền mà thỉnh nguyện thì điều ước sẽ thành hiện thực. Ngôi đền có cây long não quý giá như thế, luôn cần một người gác đền. Và Reito, chàng thanh niên đang lâm vào cảnh túng quẫn thậm chí có thể phải đối diện với cảnh tù tội, nhận được lời đề nghị của một người xa lạ. Rằng người đó sẽ cứu giúp anh, đổi lại, anh phải đến đền Nguyệt Hương và trở thành người gác cây long não.

người gác cây long não reviewsach

Người gác cây long não

Đó là tựa đề cuốn tiểu thuyết ra mắt cùng năm 2020 với Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên của tác giả Higashino Keigo. Và đây cũng là điều Keigo tiên sinh ngầm khẳng định trong tác phẩm này. Rằng điều quý giá ở đền Nguyệt Hương không phải ngôi đền mà chính là cây long não, với lời tương truyền đây là cây thần với phần hốc cây có thể biến điều ước của con người thành hiện thực. Tuy nhiên, dù lời tương truyền đấy có nổi tiếng tới đâu thì tới tận cùng, đền Nguyệt Hương vẫn chỉ là một ngôi đền nhỏ thuộc một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại thành Tokyo. Nên việc thuê hẳn một người gác cây túc trực tại đền vẫn là một điều khá dị thường. Đặc biệt, việc dị thường đấy như càng lên đến đỉnh điểm trong cách thức ngôi đền này hoạt động.

Khi ban ngày khách vẫn có thể vãn cảnh, cầu nguyện bình thường tại đền Nguyệt Hương và cây long não. Nhưng hoạt động cầu nguyện, cầu khấn thật sự lại chỉ diễn ra vào buổi tối, người đến phải đặt lịch trước và hoạt động này được gọi bằng một động từ cụ thể là “thỉnh”. “Thỉnh” mà không phải “cầu”, “khấn”, “vái” hay bất cứ từ gì khác. Mỗi lần như vậy, đền Nguyệt Hương cung cấp cho người đến “thỉnh” một loại nến đặc biệt đủ dùng cho mỗi phiên “thỉnh” theo thời gian đã đặt trước. Đền chỉ thu tiền nến thuộc tùy tâm mỗi người. Điều nữa, việc “thỉnh” cây long não ở đền Nguyệt Hương không phải việc diễn ra thường ngày, mỗi đêm. Và đền Nguyệt Hương cùng cây long não thuộc sở hữu của gia tộc Yanagisawa, một gia tộc lâu đời, phát triển mạnh mẽ trong mảng khách sạn, nghỉ dưỡng.

Tất cả thế giới đó quả thực đều quá đỗi mới lạ đối với người gác cây long não đương nhiệm, Naoi Reito, một thanh niên từng mất phương hướng, sống vô định, thậm chí thiếu chút nữa còn dính vào vòng lao lí. Thế giới làm người gác đền với công việc mỗi ngày, sáng sáng quét lá rụng của cây long não, bảo vệ cây khỏi những tác động xấu từ con người, tối đến chuẩn bị đồ cho khách nếu có lịch “thỉnh” cây, bảo vệ quá trình khách “thỉnh” không bị người khác làm phiền. Đặc biệt là mối quan hệ họ hàng “bác ruột” với gia chủ hiện tại của gia tộc Yanagisawa hùng mạnh – Yanagisawa Chifune; có lẽ, có nằm mơ, Reito cũng chưa từng nghĩ tới.

Làm người gác cây long não, không lo chỗ ăn chỗ ở, cũng không lo chuyện tiền bạc, có lẽ với Reito lúc đó, dù nhàm chán cũng là công việc anh không cần động tâm suy nghĩ quá nhiều. Mặc cho Reito hoàn toàn mù mờ với mọi điều về bà bác mới xuất hiện, bản chất thật sự của việc “thỉnh”, cả ý nghĩa sâu xa trong công việc “gác cây long não” anh đang làm.

Dù vậy, những mảnh đời, những số phận, những kiếp người đến gửi gắm tâm tư vào việc “thỉnh” cây, dần dần khiến Reito không thể mãi bàng quan. Cuộc gặp gỡ với cô gái có tên Yumi, với cậu ấm Soki nhà Oba, cả những cá nhân khác trong gia tộc Yanagisawa anh chạm mặt khi đi theo bác Chifune… đều làm Reito nảy sinh những suy nghĩ riêng.

Rằng cuối cùng, “người gác cây long não”, là anh đang gác điều gì đây? Cây thần, truyền thuyết ước gì được nấy hay chính “thỉnh nguyện” của con người gửi gắm vào hốc sâu cây long não đền Nguyệt Hương?

người gác cây long não review

Lời thỉnh nguyện

“Thỉnh” cây long não là một công việc linh thiêng và gần như mang tính truyền kiếp giữa những con người có chung dòng máu, huyết thống. Mỗi người khi tìm đến đền Nguyệt Hương đều mang theo nguyện ước, tâm sự, tình cảm hay những suy nghĩ khó lòng giãi bày với người khác, nương nhờ theo cây long não mà gửi đến cho người họ yêu thương. Nên việc “thỉnh”, cách “thỉnh”, quy định cho quá trình “thỉnh” cùng sự chuẩn bị cho một buổi “thỉnh” cây long não là tương đồng. Song người “thỉnh” cây “thỉnh” điều gì, lại thuộc về phần cá nhân và riêng tư nhất của mỗi cá nhân đó.

Lời thỉnh nguyện vọng vào hư không, tan trong hốc cây long não, lưu giữ mãi theo năm tháng, tới người đến sau đón nhận. Sự tiếp nối ý chí, tình cảm đó, như sự tiếp nối của huyết thống, cũng như tình thân vậy.

Nhưng không phải ai cũng có thể thấu hiểu rằng “thỉnh” cây long não là công việc như thế nào, ý nghĩa thật sự của việc “thỉnh” ra sao và “thỉnh” để làm gì. Nên đi sâu hơn về giá trị, ý nghĩa thật sự của việc “thỉnh” cây, không hẳn ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận mà tin ngay được điều tưởng chừng chỉ như những lời tương truyền thần kì của một dạng truyền thuyết đô thị đi đâu cũng thấy.

Người đến thỉnh cây, người thân của họ, và bản thân người gác cây long não, dường như đều có chung suy nghĩ đó.

Nhưng dù người ta có tin hay không, có là bao lâu đi chăng nữa, “thỉnh nguyện” vẫn ở đó, khắc tạc vào hốc cây long não, lưu giữ theo thời gian. Tựa ý niệm của người đã khuất, được kế thừa, tiếp nối nơi người còn sống. Tựa những khúc mắc không thể tháo gỡ, nhờ cây long não như phía trung gian, gỡ bỏ cho mối quan hệ giữa con người với con người.

Nội tâm con người vốn luôn phức tạp, yêu thương không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng nói ra bằng lời. “Thỉnh nguyện” vì thế còn như cách con người trao đi và đón nhận yêu thương. Cũng là một cách người ta đối diện với người thân mà cuộc sống thường nhật, vì khoảng cách thế hệ, vì rào cản cái tôi, họ đã chẳng thể đối diện một cách thẳng thắn. Đồng thời cũng là một cách người ta đối diện với chính mình, với tình cảm thật sự vẫn luôn phong kín trong ẩn ức bản thân. Để trưởng thành, để nhận ra “nỗ lực sống từng phút giây, đá lăn đến thì né qua, nước tràn tới thì nhảy tránh, tránh không được thì gắng bơi, cùng lắm là thả mình trôi theo dòng. Được đến đâu cố đến đấy, cho tới cuối đời” nghe chừng là lối sống tích cực nhưng thực chất chỉ là suy nghĩ của người “được chăng hay chớ.”

Người gác cây long não, người gác những thỉnh nguyện

Và người gác cây long não, cũng phải là người thấu triệt câu chuyện đằng sau lời “thỉnh nguyện” ấy hơn bất kì ai. Để “thỉnh nguyện” không còn đơn thuần là một việc tâm linh mang màu sắc kì bí mà để “thỉnh nguyện”, có thể trở thành sự thấu hiểu, động lực cho người ở lại, tiếp nối ý chí người đã khuất, trong đời sống còn lắm uẩn khúc này.

Tất nhiên, bởi nội tâm con người phức tạp nên không phải ai tìm đến cây long não đền Nguyệt Hương cũng mang một cái tâm trong sáng. Nhưng thật sự, nhờ “thỉnh nguyện” trao gửi qua gốc cây long não mà có rất nhiều trái tim, tâm hồn được cứu rỗi, để bước tiếp về tương lai.

người gác cây long não

Âm vọng của tình thân

Từ việc gác cây long não, cuộc sống vốn khép kín theo lối sống được chăng hay chớ của chàng trai Reito dần mở rộng đến những mối quan hệ khác nhau và bản thân một kẻ từng bị ví với thứ “sản phẩm lỗi” như anh, cũng có thể tận lực suy nghĩ, cảm nhận, hành động vì người khác. Vì cô gái Yumi đang lạc lối trong mối quan hệ với người cha cùng hành động đáng ngờ của ông mỗi lần rời nhà tới đền Nguyệt Hương. Vì cậu ấm Soki đang lạc lối với sự kì vọng quá lớn của người cha đã khuất cùng nhóm người ủng hộ cậu tại doanh nghiệp nhà Oba. Và vì người bác Chifune mãi tận lúc Reito trưởng thành hiện tại, anh mới thật sự có ý thức, cũng dần dần tiếp nhận, bản thân anh có một người bác từng mạnh mẽ, tài giỏi đến như thế.

Yếu tố kì ảo làm tiền đề cho sự phát triển của câu chuyện. Nhưng khắc sâu trong tiểu thuyết Người gác cây long não này, lại không phải yếu tố kì ảo đấy mà là những câu chuyện nhỏ, lồng trong câu chuyện lớn. Về quá trình một người gác cây long não, hiểu thấu chính bản thân anh, quá khứ mà chưa từng bất cứ ai nói cho anh biết. Về công việc anh đang làm, cũng như chạm được đến nội tâm khuất khúc người ta vẫn phong kín dưới lớp băng trôi.

Những điều không thể nói trực tiếp bằng lời, người ta gửi lại hốc cây long não.

Tuy nhiên, chẳng cần đến sự linh thiêng của cây long não, người ta vẫn có thể hiểu được lòng nhau qua ánh mắt, cử chỉ, hành động và sự quan tâm. “Cứ thẳng thắn nói chuyện với nhau cũng truyền đạt được.”

Bởi càng là người thân, dường như lại càng khó sẻ chia với nhau những tình cảm ẩn giấu, càng khó để nói lời yêu thương, lời cảm ơn hay xin lỗi.

Nhưng cũng càng là người thân, thì chẳng phải càng dễ mở lòng để ra, có những điều không cần nói, cũng có thể cảm nhận được.

Âm vọng tình thân, khắc tạc trong hốc cây long não, ngân vang trên trang viết của tác giả Higashino Keigo mà thức tỉnh lương tri con người giữa cuộc sống bộn bề khiến gắn kết tình thân như dần rạn vỡ này vậy.

*Đọc thêm:

Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên – Cái chết giữa lòng đại dịch
Xoắn ốc vô hình và phần cá nhân, riêng tư nhất của Giáo sư Yukawa.

Mọt Mọt