Những cuốn sách mở ra với một khởi đầu không kết thúc. Những người đọc lạc lối trong thế giới những con chữ để ngỏ, hòng truy vấn một bản nguyên đích thực cho sự đọc của chính mình. Những cuốn sách nhập nhằng vào nhau và hoán đổi lẫn nhau. Những sự đọc đan chéo vào nhau và vặn xoắn với nhau… Tất cả, qua tài năng hư cấu đầy mới lạ và lôi cuốn của Italo Calvino, đã từng bước dẫn dắt người đọc vào mê cung mà ông tạo ra cho chính sự đọc (vừa nói chung vừa nói riêng). Từ đó muôn vàn bước dò dẫm, muôn vàn câu hỏi được đặt ra, mà chìa khoá đầy quyền năng, ngay từ đầu, đã nằm trong tay Người đọc.
Trò chơi?
Có người nói trong “Nếu một đêm đông có người lữ khách”, Italo Calvino đã giăng ra một trò chơi cho người đọc bước vào. Thật ra, ai đã từng làm quen với Italo Calvino (1923-1985), một trong những nhà văn lớn nhất của Ý thế kỷ XX, đều sẽ biết rằng bước vào thế giới của ông là bước vào một thế giới duy nhất được tạo lập dành riêng cho sự đọc. Đó là nơi không có giới hạn cho trí tưởng tượng và khả năng hư cấu của con người, là nơi mà bản chất của thế giới và của loài người được khám phá ở góc độ hoang sơ và hoang đường nhất của nó. Những bất ngờ thú vị là không bao giờ thiếu trong những thế giới chưa từng biết này. Và ở “Nếu một đêm đông có người lữ khách” – kiệt tác lúc cuối đời của ông – cũng vậy.
Một cuốn sách mở ra, một thế giới mở ra. Nhưng khi cuốn sách này mở ra, người đọc bàng hoàng thấy nó đã mở ra thế giới của mình- thế giới bên ngoài cuốn sách. Nhưng có đúng như vậy không? À, không phải. Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai “Bạn” không phải chỉ chúng ta. Nhưng ở đây còn có Người đọc nào khác để tác giả đối thoại, ngoài chúng ta? Hành trình đọc của người đọc – trên thực tế – được bắt đầu bằng việc dõi theo hành trình đọc của một Người đọc giả định khác (rốt cuộc là chúng ta hay không phải chúng ta?) trong cuốn sách. Và cuốn sách mà người đọc thực giở ra lại chứa trong đó mười cuốn sách do Người đọc giả định giở ra, mỗi cuốn bị cắt ngang ở phần mở đầu vì nhiều lí do khác nhau, cộng thêm một cuốn sách nữa – cuốn sách về chính Người đọc trong cuốn sách.
Những bức tường bị phá vỡ, những ranh giới bị vượt qua, và người cầm cuốn sách này lên bỗng nhiên thấy mình hoán đổi cho một Người đọc khác, sự đọc của mình vừa là nó vừa là những sự đọc khác, cảm thấy mình vừa là tác nhân vừa là đối tượng của sự đọc cũng như cách mà những thế giới của những cuốn sách lồng vào nhau và lồng vào thế giới của mình… Thực và ảo trở thành không đáng kể dưới bàn tay ma thuật của Italo Calvino – tiểu thuyết gia ưa những huyền thoại, đan dệt nên một mạng lưới trò chơi đầy những mảnh ghép, những nếp gấp, những nhiễu loạn và bí ẩn như những sợi tơ nhện giăng mắc và kết nối tất cả những thế giới được đọc và không được đọc, được khai lộ và mãi mãi chìm dưới tầng tầng lớp lớp những ảo ảnh – thực tại của con người.
Những thế giới để ngỏ
Điểm qua mỗi tựa sách lần lượt được khai mở trong cuốn tiểu thuyết này, người đọc dễ dàng nhận ra sự khác nhau về nhân vật, bối cảnh, tình huống, cốt truyện… của chúng. Nếu đọc kĩ hơn từng truyện, mỗi độc giả đều có thể nhận ra trong chúng những loại tiểu thuyết mà ít nhiều mình từng quen thuộc.
“Nếu một đêm đông có người lữ khách” mở ra với hình ảnh mù mịt của một sân ga tỉnh lẻ và một “tôi” với chiếc va li nhằm tráo đổi với một chiếc va li khác (để thực hiện một nhiệm vụ mật nào đó).
“Ở ngoại vi thành Malbork” đưa ta đến một bếp ăn ở nông trại, nơi một cậu bé chuẩn bị lên đường để đổi chỗ (mà theo cậu là đổi cả bản ngã và cuộc sống) với một cậu bé khác ở một nơi xa xôi.
“Cúi mình trên triền dốc” là những cảm nhận dưới dạng nhật kí của một quý ông trong quá trình điều dưỡng sức khỏe tại một thành phố cảng nào đó, tại đây ông giúp đỡ công việc theo dõi đài khí tượng và gặp gỡ với một tiểu thư thích vẽ tranh.
“Không sợ gió hay chóng mặt” là câu chuyện về tình yêu oan nghiệt của một người lính bí ẩn và một cô gái điếm bí ẩn, giữa một thành phố hỗn loạn vì sự giằng co của các thế lực quân sự.
“Nhìn xuống bóng tối đang dần dày đặc” theo chân một kẻ sát nhân trong quá trình tìm cách thủ tiêu cái xác của người đứng đầu một băng đảng lớn – kẻ đã khiến cho nửa đời trước của hắn phải sống trong khốn khổ.
“Trong mạng lưới những đường xoắn xuýt” kể về một ông giáo sư già mang nỗi ám ảnh về những hồi chuông điện thoại, để rồi bị những hồi chuông ấy kéo vào một vụ bắt cóc mà ông không liên quan.
“Trong mạng lưới những đường giao cắt” lại mang đến câu chuyện về một triệu phú xảo quyệt luôn luôn chiêm nghiệm về cuộc sống từ những chiếc gương, để rồi giữa những thủ đoạn mà ông và những đối thủ của ông giăng ra giữa chốn thương trường, ông bị bắt cóc bởi một bên thứ ba mà ông không hề hay biết.
“Trên thảm lá sáng ánh trăng” mang vẻ đẹp Nhật Bản đầy tinh tế và nhục cảm, với chuyện tình nhiều khuất tất của một chàng thanh niên với cả vợ và con gái của vị giáo sư mà anh thụ giáo.
“Quanh huyệt mộ trống” tạo ra không khí rất đặc trưng nơi vùng đất của người da đỏ với những yêu hận tình thù và những trận quyết chiến đẫm máu trong quá khứ hãy còn chưa ngủ yên đeo đẳng theo câu chuyện của anh chàng Nacho trên hành trình truy tìm nguồn cội.
Và cuối cùng, ”Câu chuyện nào dưới kia chờ đoạn kết của mình” mở ra một thế giới siêu thực, nơi việc nhân vật chính xóa đi sự tồn tại của thế giới bên ngoài trong tâm tưởng trở thành thực tế – để rồi trong chới với anh đã tìm mọi cách để gặp lại người tri kỉ của mình.
Điều đặc biệt là mặc dù mang những nội dung khác nhau và khơi gợi nên những chiều kích khác nhau trong vốn sống và vốn đọc của độc giả, tất cả những câu chuyện trên – theo một cách nào đó, đều mang đậm chất “Italo Calvino”. Đó là những tình huống oái ăm và kì lạ, những nhân vật, bất chấp tuổi tác, địa vị, dân tộc và hoàn cảnh sống, đều phải lạc lối và giãy giụa trong sự vần xoay không thể hiểu nổi của chính cuộc đời mình. Và rồi giữa cái thế giới chân thực mà đầy hư hoảng ấy, họ sẽ tái ngộ lại bản ngã hay mải buông đời mình vào dòng chảy của xa lạ và hư vô? Điều này không thể biết được, bởi không câu chuyện nào trong những câu chuyện trên có kết thúc. Chúng luôn dừng lại ở sự chuẩn bị, ở niềm đón đợi, ở vạch bắt đầu, mà theo cảm nhận của nhân vật Người đọc là “luôn ở khúc hấp dẫn nhất”.
Nói cách khác, chỉ trong vòng vài mươi trang ngắn ngủi, Italo Calvino ném chúng ta vào một câu chuyện, để chúng ta bị cuốn theo cái không khí đặc trưng của câu chuyện ấy, dẫn chúng ta đến nút thắt quyết định nhất rồi a lê hấp! – ném chúng ta ra ngoài.
Bất cứ ai yêu những câu chuyện có lẽ đều hiểu việc bị cắt ngang khi tâm hồn đã bắt đầu “bén rễ” vào câu chuyện ấy là khó chịu đến mức nào. Nhân vật Người đọc xuyên suốt tác phẩm cũng như vậy. Có thể nói, chuyến hành trình không tưởng của anh từ trang đầu đến trang cuối, suy cho cùng, cũng chỉ vì thôi thúc muốn nối lại những sự đọc còn dang dở. Một câu chuyện chưa kết thúc sẽ mở ra một câu chuyện khác, cứ như vậy cho đến mãi mãi. Như một trò chơi chưa được giải quyết, như một câu hỏi chưa có câu trả lời, sự đọc chưa hoàn tất có một hấp lực của riêng nó mà trong cuốn tiểu thuyết của Italo Calvino, hấp lực ấy đã khiến cho tất cả những sự khó chịu thăng hoa thành một trải nghiệm đọc có một không hai.
Thay vì đắm chìm vào thế giới hoàn chỉnh được tạo ra từ ngòi bút của tác giả, người đọc chỉ nhìn thấy một góc của thế giới ấy và tự lấp đầy nó bằng trí tưởng tượng của riêng mình. Sự sáng tạo trở nên hoàn toàn “mở”, nơi trí tưởng tượng của tác giả và độc giả giao thoa, đối thoại với muôn vàn khả thể khác nhau.
Và thay vì một cuốn tiểu thuyết, chúng ta có muôn vàn cuốn tiểu thuyết ở dạng tiềm năng, tạo thành cuốn tiểu thuyết vô hạn của cuộc sống và của thế giới tâm hồn tự cổ chí kim của loài người, nơi mà niềm hứng khởi “sáng tạo lại” thế giới còn là một nguồn sống không bao giờ vơi cạn. Không phải tự nhiên mà cuốn sách này luôn nhắc tới những tiểu thuyết sản xuất hàng loạt và những sự đọc máy móc, áp đặt. Chúng tước đi sự tươi mới của văn chương và niềm vô tư của sự đọc, từ đó tước đi trạng thái “sống” của quyển sách và bản thân việc đọc sách. Có thể nói, “Nếu một đêm đông có người lữ khách” chính là một thể nghiệm của Italo Calvino trong việc tìm lại niềm vui, sự sống động và sức mạnh đích thực của sự đọc.
Và vì vậy, Người đọc là một nhân vật không thể hoàn hảo hơn cho cuốn tiểu thuyết này.
Người đọc và sự đọc
Hành trình của Người đọc, suy cho cùng, là chuyến hành trình tìm kiếm một sự đọc toàn bích. Anh là một người đọc lí tưởng cho sự toàn bích ấy: anh yêu những câu chuyện, bị thu hút bởi thế giới giữa những trang sách và cả những thế giới không được đọc ra, anh theo đuổi đến cùng cái kết của những câu chuyện mà anh đang đọc đến độ bị cuốn vào những việc khó khăn, rối rắm, thậm chí nguy hiểm. Bổ sung cho anh là Người đọc nữ, Ludmilla, cô gái luôn kiên trì một sự đọc vô tư trong bất kì hoàn cảnh nào, trái ngược với cô em gái của cô – người không coi việc đọc như một sự khám phá lại thế giới đã biết để tìm thấy trong đó một thế giới chưa biết, mà chỉ đơn thuần là khẳng định lại những gì đã biết (có lẽ chính vì thế mà cô luôn xuất hiện với những mô thức và những bộ đồng phục).
Thấp thoáng trong câu chuyện của họ là kẻ làm sách giả với mạng lưới xuyên quốc gia của hắn cùng cái mục đích kì lạ là chứng minh rằng tất cả mọi thứ đều có thể là hư ngụy, giả trá,… Câu chuyện của họ xoắn xuýt vào nhau. Sự đọc của họ va chạm và tranh đấu với nhau. Đến cuối cùng, bất cứ bộ đồng phục nào cũng có thể bị lột ra, để lộ một khát khao chân thật.
Những âm mưu đánh tráo, ngụy tạo không thể đánh bại được sự đọc vô tư, không chỉ đơn thuần là đọc một quyển sách hữu hạn mà còn là “đọc” một thế giới vô hạn, “đọc” những tâm hồn, “đọc” những tình yêu còn sống và còn cựa mình trong giao động bất tận của những khả thế, nơi mỗi khắc đều có một thế giới được sinh ra bên ngoài những thức nhận thường tình của con người.
Đọc, trong sự cô đơn tuyệt đối của nó, trong sự chân thực và hư ảo tuyệt đối của nó, là một cách trở lại chính mình để mà trọn vẹn với chính mình. Phải chăng vì thế mà vô tình hay hữu ý, câu chuyện về những Người đọc lại là câu chuyện duy nhất được hoàn thành trong cuốn tiểu thuyết này? Nhưng là hoàn thành hay là hoàn nguyên, khi mà câu chuyện bắt đầu với cuốn sách “Nếu một đêm đông có người lữ khách” trong tay Người đọc và kết thúc với chính cuốn sách ấy trong tình trạng “sắp” đi tới những trang cuối? Ngay cả với câu chuyện này nữa, Italo Calvino cũng đem đến cho người theo dõi ông dư vị và niềm hứng thú của một cái gì đó sắp bắt đầu. Cũng như cuộc sống luôn luôn là bắt đầu. Và đọc, luôn luôn là một hành trình mới.