Giễu nhại, sung mãn, và đầy khiêu khích. “Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa được xây dựng trên bối cảnh Cánh mạng Văn hóa, miêu tả sự tha hóa và bản chất bạo lực của con người dưới sức mạnh của quyền lực chính trị và ham muốn tình dục, trong vỏ bọc của Cách mạng và tình yêu Cách mạng. 

“Kiên ngạnh như thủy” được xuất bản lần đầu năm 2000, trong Lời tựa cho lần in năm 2003, nhà văn Diêm Liên Khoa chia sẻ: 

“Trước năm 2001, “Kiên ngạnh như thủy” là tiểu thuyết có vận mệnh tồi tệ nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi, vì khi nó vừa ra đời, đã giống như một đứa trẻ lạc đường lang thang trong mỏ hoang nơi hẻm núi, mang theo sự chát chúa và lỗ mãng mà người khác không thể hiểu nổi trong sáng tác tiểu thuyết để chống chọi lại với mặt trời chói chang, với mưa gió buốt giá và khốc liệt, và cả tia chớp do mưa và tuyết tạo nên.” 

Kien nganh nhu thuy reviewsach.net

Đọc thêm:

Câu chuyện kể từ pháp trường. 

“Trước lúc hành hình uống bát rượu mẹ đưa, thế gian này chẳng có gì đáng sợ. 

Chim gáy mở tiệc mừng cùng tôi kết bạn, ngàn chén vạn ly tự tạc thù.” 

“Kiên ngạnh như thủy” là lời tự sự của Cao Ái Quân, một người tử tù vì tội phản Cách mạng, giết người, thông dâm. Lời tự sự cũng là lời phân trần về sự nghiệp Cách mạng và tình yêu Cách mạng vĩ đại của anh ta với Hạ Hồng Mai. 

Cao Ái Quân sinh ra trong gia đình bần nông, tự xem mình là lực lượng Cách mạng từ trong trứng nước. Năm 1964, tròn 22 tuổi, anh ta nhập ngũ vào binh đoàn xây dựng công trình, trở thành một Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1967, anh ta xuất ngũ, vì muốn về nhà làm Cách mạng. Trên đường trở về quê hương, giống như định mệnh trong “Anna Karenina” của Lev Tolstoy, ở đường ray ngoại ô, Cao Ái Quân đã gặp tiếng sét ái tình với Hạ Hồng Mai, một người phụ nữ đã có chồng con. 

Nhà Cao Ái Quân ở trấn Trình Cương, 89% người ở trấn Trình Cương đều họ Trình, đều là con cháu của Trình nhị phu tử Trình Hạo, Trình Di, những người sáng lập trường phái tư tưởng duy lý Tân Nho giáo. Trình Thiên Thanh, bố vợ anh ta là bí thư chi bộ thôn đầu tiên của Trung Quốc mới sau giải phóng, bởi vì ông ta là bí thư chi bộ thôn và đã hứa sẽ bồi dưỡng anh ta thành cán bộ thôn sau khi xuất ngũ, cho nên Cao Ái Quân mới lấy con gái Trình Quế Chi của ông ta. Cao Ái Quân và Trình Quế Chi có với nhau 2 đứa con. 

Lần này xuất ngũ trở về, Trình Thiên Thanh không hề đả động gì về việc cho Cao Ái Quân làm cán bộ thôn cả. Vì muốn kéo lãnh đạo thôn xuống ngựa, Cao Ái Quân cùng Hạ Hồng Mai bắt đầu thành lập một tổ chức Cách mạng, rao giảng các diễn ngôn Cách mạng mà cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đề xướng, nhằm bài trừ mọi tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ đầu độc nhân dân do giai cấp bóc lột dựng nên, tiêu hủy bốn cái cũ, họ đấu tố lãnh đạo thôn, huy động thôn dân thiết lập một trật tự mới, đập đổ mọi tàn dư phong kiến. Song song quá trình đó, đôi nam nữ này cũng bắt đầu mối quan hệ vụng trộm ngày càng táo bạo, ngày càng điên cuồng.  

“Chúng tôi vừa là một đôi người Cách mạng vĩ đại, vừa là hai kẻ ngoại tình hèn mọn. Vừa là một cặp giác ngộ, vừa là một cặp đắm chìm trong u mê… Trên bến sông ở ngoại ô Trình Cương, trên những mảnh rừng, ruộng nương, trên đường đi họp, trong thung lũng khi kiểm tra sản xuất, nơi nào cũng đều in dấu sự hoan lạc và bi ai của chúng tôi, đều in dấu sự cao thượng và ti tiện của chúng tôi, đều in dấu sự hưng phấn và nhục nhã của chúng tôi. Ánh sáng Cách mạng chói lọi của chúng tôi giống như mặt trời chiếu rọi khắp ruộng nương gò núi của đại đội Trình Cương, tinh thần đê tiện của chúng tôi cũng chảy khắp mọi thôn cùng ngõ thẳm của trấn Trình Cương.” 

Nhạc đỏ và nhiệt tình Cách mạng trở thành thuốc kích dục liều mạnh, khiến họ điên rồ đến mức biến thái, đánh mất cả nhân tính. Họ múa may cuồng loạn trong quyền lực và tình dục, rồi cuối cùng trở thành vật tế máu cho xã hội quyền lực đó. 

Ngay cả khi linh hồn của Cao Ái Quân đã lơ lửng trên trấn Trình Cương, anh ta cũng không hối hận về hành động của mình, công lý chính thức ở đây không cứu chuộc ai, tinh thần của Cao Ái Quân là một mâu thuẫn không chịu giải quyết. 

Kien nganh nhu thuy reviewsachonly

Giễu nhại diễn ngôn Cách mạng. 

“Thực ra lúc đó, mọi người đều rất mơ hồ, nhưng cho dù đi về đâu, làm cái gì, họ đều nhân danh Cách mạng.” 

Trong “Kiên ngạnh như thủy”, Diêm Liên Khoa mô tả Cách mạng Văn hóa là một chiến dịch được phát động bằng lời nói và được thực hiện bằng lời nói, người dân thuộc lòng những câu nói của Mao Trạch Đông trong Mao ngữ lục, thuộc lòng như vẹt. Ngôn ngữ công thức của Cách mạng Văn hóa ám ảnh tâm trí và phát ngôn của các nhân vật, trích một cuộc trao đổi điển hình ở trấn Trình Cương đã diễn ra: 

“Người họ Trương nhìn thấy người họ Lý liền chào hỏi nhau như thế này: “Về đấu tố giáp – Anh đã ăn cơm chưa?” 

Người kia đáp: “Tiết kiệm cánh mạng – Tôi ăn cơm rồi!” 

Người kia hỏi: “Phải phá tư lập công – Anh ăn cơm gì đấy?”  

Trả lời: “Không phá không lập – Ăn dê già, ăn canh khoai lang.” 

Cuộc đối thoại tâm thần phân liệt như vậy! Người ta luôn nói về Cách mạng trong nhiều tình huống vô nghĩa và thừa thãi. Làm mọi thứ nhân danh Cách mạng, nhưng thực tế là để mưu cầu quyền lực cá nhân hoặc biện minh cho những việc làm sai trái của mình, thậm chí là giết người. 

“Kiên ngạnh như thủy” nắm bắt tình trạng giống như “tiêu chảy chữ nghĩa” (logorrhea) khi nói về Cách mạng và thói đạo đức giả của thời Cách mạng Văn hóa. Tác phẩm giễu nhại về việc một hệ tư tưởng có thể dễ dàng bị bóp méo để thỏa mãn mong muốn cá nhân như thế nào. 

Kien nganh nhu thuy reviewsach.net Diem Lien Khoa

“Kiên ngạnh như thủy” (2000) và “Người tình phu nhân sư trưởng” (2004) 

Nhìn bề ngoài, hai tác phẩm này của Diêm Liên Khoa khá là tương đồng. Đều lấy bối cảnh từ buổi bình minh của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976) tại thời điểm cao trào sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông, với cốt truyện về người lính thời bình đặt trong một tình yêu trái luân lý, một cuộc thông dâm nhân danh Cách mạng. Đồng thời, cũng đều gây ra nhiều tranh cãi về phương diện ngôn ngữ và tính dục của tiểu thuyết sau khi ra mắt. 

Tuy nhiên, việc triển khai nội dung và đi đến kết thúc câu chuyện đã tạo nên bản sắc riêng của mỗi tác phẩm. 

Điểm đặc trưng nhất có lẽ là, khi mà đôi nam nữ chính trong “Kiên ngạnh như thủy” bật lên ham muốn tình dục bởi chính sự linh thiêng của Cách mạng được truyền tải từ các ca khúc nhạc đỏ, thì đôi nam nữ chính trong “Người tình phu nhân sư trưởng” lại nổi lên khát khao tột cùng bằng cách xúc phạm sự linh thiêng đó thông qua việc xé ảnh và sách Mao ngữ lục, hay đập vỡ tượng thạch cao Mao Trạch Đông. Đây có lẽ là sự khác biệt quyết định việc “Người tình phu nhân sư trưởng” bị cấm ở Trung Hoa đại lục, còn “Kiên ngạnh như thủy” thì không, dù cả hai đều phạm cả vào vấn đề chính trị lẫn sắc giới. 

Một điểm dị biệt khác phải kể đến là cái kết của mỗi câu chuyện. Trong khi cặp đôi của “Kiên ngạnh như thủy” có kết cục bị đánh chết tươi, bởi vốn dĩ họ chỉ là những người nông dân không quyền không thế; thì vụ việc của “Người tình phu nhân sư trưởng” lại được dàn xếp ổn thỏa một cách hoàn hảo, vì đó thực chất là một âm mưu để ông lớn có con nối dõi mà thôi. 

Dù tương đồng hay dị biệt, có thể nói rằng, “Kiên ngạnh như thủy” và “Người tình phu nhân sư trưởng” là những “nghịch tặc” dũng cảm phơi bày trần trụi màn kịch nhân sinh đầy máu và nước mắt trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, một trong những trang đen tối nhất của lịch sử Trung Hoa.