“Con người, rồi chẳng biết sẽ gặp lại nhau lúc nào và ở đâu. Đó là lý do mà ta phải luôn sống hết mình cho từng khoảnh khắc”. Chuyện kể Trăng nghe là một câu chuyện rất khác từ nữ tác giả Shin Kyung Sook. Không rắp tâm viết để người đọc phải nhớ, phải đọng lại điều gì, bà chỉ để những con chữ vẩn vơ như ánh trăng lăn tăn vỗ về, ru đám thị dân bận tối ngày vào giấc ngủ an yên, để rồi ngày mai lại thức dậy, có thêm sức mạnh đánh đu tiếp với cuộc đời. 

Từ tác giả “Hãy chăm sóc mẹ” 

Bạn đọc châu Á biết đến Shin Kyung Sook nhiều nhất có lẽ qua tác phẩm xuất bẳn năm 2009 và đoạt giải Man Asian Literary Prize: Hãy chăm sóc mẹ. Xuất thân từ gia đình nghèo ở nông thôn miền Nam Hàn Quốc, phải tự lên Seoul kiếm sống từ năm 16 tuổi, thế nên những câu chữ của Shin Kyung Sook luôn thấm đẫm những chiêm nghiệm sâu sắc về nỗi lòng những kẻ thị dân bận rộn đến nỗi chẳng còn thời gian cho mình. Bên cạnh Hãy chăm sóc mẹ, những tiểu thuyết khác của bà như Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi hay Cô gái viết nỗi cô đơn… cũng đều có sức ảnh hưởng lớn tới người đọc Hàn Quốc cũng như toàn châu Á.

Lối viết đặc trưng là giản dị nhưng chân thực, sâu sắc, Shin Kyung Sook đã chạm, và kể được những nỗi lòng tội nghiệp nhất của con người buổi hiện đại. Những nỗi lòng mà ai cũng hiểu, nhưng không tài nào thốt ra thành lời, những nỗi buồn nho nhỏ nhưng cứ dần dà chất thành đống nặng nề đè bẹp cả tâm hồn, cho đến khi chúng được Shin Kyung Sook gọi tên. 

Và người ta ấn tượng về một Shin Kyung Sook buồn ám ảnh, và da diết không nguôi, đến nỗi nhiều người mê truyện của bà. Vậy nhưng Chuyện kể Trăng nghe lại là một thử ngiệm rất khác. Ra đời sau muộn, năm 2013, tác phẩm nhẹ như không với hai mươi sáu câu chuyện dịu dàng ném thỏm vào giữa cuộc đời bận rộn.

“Ngẫm lại, những câu chuyện này luôn được viết vào một vài khoảnh khắc nào đó. Khoảnh khắc của bình minh, của chuyến du lịch , những khoảnh khắc diễn ra trong đời sống thường nhật, khi đọc sách, hay khi chúng ta – bạn và tôi – gặp gỡ . Có vẻ như tôi đã kịp ghi lại hai mươi sáu lần lóe lên lấp lánh của những khoảnh khắc mình từng lưu lại một chút trong đời.” 

– Shin Kyung Sook –

Những mẩu nhẹ nhàng ném thỏm vào giữa đời bận rộn

Đó có thể là chuyện về một vị mục sư trẻ tuổi cố gắng đến thuyết phục nhà sư đi nhà thờ ở một ngôi làng nhỏ phía nam Hàn Quốc, một chuyện vừa thấy trên tàu điện, chuyện vô tình gặp người bạn cũ thời tiểu học , chuyện của anh chàng chỉ đi làm part-time và nuôi 41 con mèo; chuyện gọi điện về cho mẹ mỗi ngày sau khi em gái đi Mỹ; lời chào năm mới kỳ lạ từ một tên trộm giữa lúc xỉn; chuyện tự dưng được ai đó ngoài đường khen đẹp; chuyện ông anh rể thích ngoáy mũi; chuyện bỏ thuốc lá; đi nhổ răng; cho mèo hoang ăn; cố giữ cây mộc qua cạnh nhà khỏi bị chặt khi người ta xây bãi đỗ xe; hay chuyện các bà cụ ở tiệm làm răng… Cứ thế, mỗi mẩu chuyện là một mảnh nhặt từ cuộc sống, không đầu không cuối, chuyện như vô tình ai cũng có lúc bắt gặp. Đời bận rộn luôn làm ta quên mất những điều nhỏ nhặt, lúc nào đó tự dưng nhớ đến lại bật cười hay thở dài. Cái cười khiến đời bớt nặng, bớt căng như dây đàn. 

Shin Kyung Sook đã nhặt nhạnh những mẫu chuyện, gom chúng lại, như ánh trăng để dành, như nụ cười cất tạm, lúc đau lòng quá, lúc mỏi người quá, lúc cô đơn quá, lôi ra dùng. 

“Những câu chuyện nhẹ như không mà tôi đã kể trước cho Trăng nghe đây, nếu có thể , tôi cũng hi vọng sẽ mang lại cho bạn nụ cười vui vẻ. Một ngày xuân đi tìm phòng trọ, một lúc nào đó ngồi chỉnh sửa hồ sơ lý lịch, hay những khi cảm thấy chỉ đơn độc một mình , bận lòng bởi những câu chuyện ngoài ý muốn, tự trách mình sao lại như thế, hoặc khi suy nghĩ muốn từ bỏ dân trào trong bạn… tôi hi vọng 26 câu chuyện này cũng như ánh trăng len lỏi, giúp bạn tỏa sáng”

Mùa xuân năm 2013

Shin Kyung-Sook 

review sach chuyen ke trang nghe cover
Ảnh: @nhanambooks

Con người và cuộc sống sẽ luôn làm ta bất ngờ 

Chẳng cố tình giáo điều hay để lại bất cứ lời nhắn nào, những mẩu chuyện trong Chuyện kể trăng nghe vẫn tự nhiên gieo vào lòng ta một bài học nho nhỏ về cách sống nhẹ hơn mỗi ngày. 

 “- Sao con lại bảo bố không quan tâm con? Con định tiếp tục cư xử kiểu trẻ con ấy đến bao giờ hả?

-Bố nói là bố quan tâm con? Vậy thì bố có nói con nghe được tên một đứa bạn thân của con không?

Đúng, phải thế chứ. Nghe cuộc đối thoại giữa hai bố con, tôi tự động buông tiếng thở dài thườn thượt. .. có vẻ bị câu hỏi bất ngờ của con làm cho cứng họng, chồng tôi im lặng. nhưng chẳng mấy chốc chồng tôi liền phản công:

– Thế à, con gái! Vậy con biết bạn thân của bố tên gì không?

Phụt! Chồng tôi cũng không phải dạng vừa đâu, tôi đang đắc thắng thì lại cứ ngỡ mình nghe nhầm.

-Bố nghĩ con không biết chắc!

-Vậy nói xem nào?

-Chú Kim Chong Ho!

 

À, bạn thân từ thuở đại học của chồng tôi…Khác với khí thế hừng hực lúc kéo tay con vào phòng , vẻ mặt ỉu xìu chán nản của chồng tôi khi bước ra, tôi cũng ỉu xìu và ngồi phịch xuống sàn phòng khách.”

(Trích Thuở Ấu Thơ – Tr. 99-100)

Vẫn biết, con người càng hiện đại lại càng mong manh bởi bao quanh là hàng tỷ thứ khiến ta tự dưng khó ở: chuyện gia đình, chuyện công việc, học hành, hướng nghiệp cho con cái, vài người hàng xóm khó chịu, đau ốm vặt, hay thậm chí chỉ một cơn mưa cũng dễ làm ta bực mình và tổn thương. Nhưng khi ta lắng tai nghe một cuộc hội thoại, lặng lẽ quan sát một người thân, viết một cái bưu thiếp hay một lá thư, gọi một cuộc điện thoại về quê cho mẹ…lòng ta tự nhiên bình yên lại, và ta nhận ra điều bất ngờ đẹp đẽ hơn trong chính cuộc sống của mình. Đó chính là những điều mà Chuyện kể Trăng nghe đem lại. Giống như điều nhà Phật vẫn dạy: hãy học cách sống từng giây phút mỗi ngày, hãy nhìn sâu quán chiếu vào một đóa hoa đang nở, một chiếc lá đang rơi và ta tìm thất hạnh phúc, thấy niết bàn ngay trong khoảnh khắc ấy.

Bỗng Y nghe thấy tiếng nói chuyện của một bà cụ vọng vào.

Bà cụ 1: Này này! Tôi nghe nói Giêsu chết rồi đấy.

Bà cụ 2: Gì cơ?

Bà cụ 1: Bị đóng đinh mà chết đấy.

Y vểnh tai lên. Giêsu? Giêsu mất năm 33 sau Công nguyên á? Lẽ nào đến bây giờ bà cụ mới biết ngài ấy đã mất sao?

Bà cụ 3: Tôi biết thế nào cũng sẽ như thế mà. Nếu ông ta không để râu tóc rối bù rồi chân trần trên đường đi vòng quanh khắp nơi suốt cả ngày như vậy thì đã không phải chịu cảnh bị đóng đinh rồi.

Hả? Y hoàn toàn quên mất bản thân mình đang nhổ răng, quên luôn cả những âm thanh phát ra khi nằm trong phòng khám.

Bà cụ 4: Nhưng Giêsu là ai thế?

Không khí trầm xuống một lúc

Bà cụ 5: Xem nào… tôi cũng không rõ, nhưng nhìn cô con dâu tôi suốt ngày cứ gọi “thưa Cha”, “Cha của chúng con” nên tôi nghĩ có lẽ là ông thông gia nhà chúng tôi đấy.

Rốt cục Y không thể kìm được, ngồi bật dậy cười ngặt nghẽo. Y nhỏm người lên vươn tay giật khẩu trang của vị bác sĩ nha khoa. Gương mặt ẩn dưới lớp khẩu trang của vị bác sĩ cũng đang cười, khóe miệng kéo rộng đến mang tai.”

(Trích Những cụ bà đáng yêu – Tr.159-160)

Gấp lại, cuốn sách mỏng, nhẹ, nữ tính và ngẫu hứng, như một câu chuyện vu vơ chúng ta kể cho nhau nghe hàng ngày. Một cuốn sách có thể đọc đi đọc lại, hoặc lôi ra đọc một mẩu bất kỳ, vào bất cứ lúc nào. Đời đã là một cuốn tiểu thuyết dài, cuốn ta vào hết ngày này qua ngày khác, thì một cuốn sách mà chẳng ép bạn phải đọc hết ngay một mạch, tự dưng lại trở thành thú vị.

Giang Tạ