Cáp treo tình yêu (Koi no gondora) cuốn tiểu thuyết như một thử nghiệm mới mẻ của Higashino Keigo trên mọi phương diện từ chủ đề, đề tài, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật, trong bối cảnh tên tuổi ông đã quá nổi danh, đồng thời những đỉnh cao trong sự nghiệp của Keigo-sensei, phần lớn đã tập trung trong những năm cuối 9x, đầu 2000.
Những thể nghiệm mới của Higashino Keigo
Trước hết, cần phải nói rằng, Koi no gondora – Cáp treo tình yêu, đúng như tựa đề, cuốn sách chỉ là những mẩu chuyện tình yêu đầy màu sắc, muôn hình muôn vẻ: hạnh phúc, trọn vẹn, viên mãn có; đau đớn, khổ đau, nghiệt ngã cũng có. Nhưng tuyệt nhiên, tác phẩm ấy không dính dáng chút gì đến thể loại trinh thám, điều tra, phá án. Vì thế, nếu bạn kiếm tìm ở Cáp treo tình yêu một câu chuyện chứa những cú twist liên tục, khiến bạn đi từ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác như Phía sau nghi can X, Ác ý; hay một câu chuyện tạo nên bầu không khí đặc quánh đêm đen như Bạch dạ hành hay chứa đựng day dứt ám ảnh như Thư; hoặc ẩn chứa vấn đề vĩ mô như Thánh giá rỗng, Phương trình hạ chí… thì chắc chắn một điều, bạn sẽ phải thất vọng.
Nói như thế để thấy, tiếp cận Cáp treo tình yêu, độc giả trước tiên cần giữ một thái độ không mang định kiến, trung lập hết sức và hãy tạm thời quên đi, cái danh mà trước nay vẫn thường gán cho Keigo tiên sinh: “tác giả viết truyện trinh thám”. Để thấy rằng, ở sáng tác này, Higashino Keigo đã có những thể nghiệm để làm mới bản thân trên hầu khắp mọi khía cạnh: từ chủ đề, đề tài đến cách thể hiện chủ đề, đề tài đó, cách tạo dựng nhân vật tới cách đặt điểm nhìn trần thuật của tác phẩm.
Về đề tài, thật sự, rất hiếm thấy hay có thể nói là gần như không có một tác phẩm của Keigo-sensei lại chỉ gói gọn trong đề tài tình yêu như Koi no gondora. Đó là những câu chuyện tình yêu cá nhân hết sức vụn vặt, nhỏ nhặt gắn liền với một khu trượt tuyết: vùng núi suối nước nóng Satozawa; gắn liền với những chiếc cáp treo chuyên chở tình cảm, và cũng chở cả bao bí mật của những người đang yêu. Đó có thể là câu chuyện về tình cảm gia đình gắn liền với niềm yêu thích một bộ môn thể thao. Đó có thể là sự đơn phương của một chàng trai tốt bụng nhưng lại như luôn vô duyên với phụ nữ. Đó có thể là những phản bôi, tan vỡ, tái hợp của một cặp đôi khi người đàn ông đã từng phản bội người phụ nữ. Hay đó cũng có thể là sự tác hợp của bạn bè đến với cặp đôi khác, vẫn dùng dằng chưa quyết…
Vẫn với kết cấu quen thuộc trong sáng tác của Higashino Keigo: kết cấu truyện lồng truyện, tạo cho tác phẩm một cấu trúc vòng cung, trùng điệp, đầu cuối tương ứng: hình ảnh cáp treo xuyên suốt tác phẩm, mở ra không gian sáng tác và cũng khép lại những câu chuyện nhỏ vụn vặt. Nhưng ở Cáp treo tình yêu, độc giả thấy được một Higashino Keigo, đang trên đường đổi mới chính mình. Ở đây, tác giả đã cố gắng tập trung vào một đề tài thường nhật hết mực. Không gian truyện gần như gói gọn ở một địa điểm; thời gian truyện, dẫu có nhắc tới quá khứ cũng là một quá khứ gần của nhân vật chứ không kéo dài quá xa. Nên có thể nói, chí ít, Cáp treo tình yêu vừa mang tới những cảm xúc khác nhau qua từng chương, từng câu chuyện của một nhân vật; song cũng vừa mang tới nét lạ lẫm về một Higashino Keigo đã gần gũi, đời thường trong một áng văn nhẹ dịu, ít bất ngờ đến thế.
Chính vì đề tài, cách triển khai cốt truyện như vậy mà hệ thống nhân vật trong Cáp treo tình yêu cũng được thu hẹp lại. Và ở đó, đều là những cá nhân hết sức đời thường. Họ không gắn với bất kỳ một vụ án nào, họ chẳng phải nghi can, chẳng phải hung thủ hay nạn nhân của một án mạng nào đấy cần phải tìm lời giải đáp. Họ sống một cuộc sống đời thực, yêu ghét, hận thù, đơn phương, tin tưởng, hi vọng rồi thất vọng. Vì thế, mỗi cá nhân, mỗi con người xuất hiện trên trang văn của Higashino Keigo trong Cáp treo tình yêu, như trở nên gần gũi, đời thực hơn. Bởi một sự thật, con người chúng ta, trong nhịp chảy đời sống thường nhật, đâu dễ dàng để liên đới trực tiếp tới một vụ án mạng nào đấy.
Cho nên, với truyện vụ án, ta có thể đồng cảm với nhân vật, cuốn hút theo hành trình truy tìm sự thật của một vụ án song lại rất khó để đặt bản thân vào vị trí một người trong cuộc. Nhưng ở Cáp treo tình yêu thì khác. Người đọc có thể rất dễ nhìn thấy bóng hình người cũ phụ bạc trong hình ảnh Kota, một người đàn ông “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” trong hình ảnh Mizuki, một anh chàng ngờ nghệch trên mọi phương diện tình trường như Hida… Vì vậy, có thể không có một nhân vật đặc biệt nổi trội hẳn lên như các tác phẩm trước đấy, nhưng với Cáp treo tình yêu, Higashino Keigo đã ngày càng tiệm cận trong việc đi gần hơn tới đời sống cùng muôn mặt con người.
Đổi mới không có nghĩa là hoàn toàn thành công.
Thông thường, khi độc giả đã quá quen với phong cách sáng tác của một tác giả, hoặc khi mặc nhiên gắn tên tuổi tác giả đó với một thể loại riêng biệt, thì sẽ rất khó để dễ dàng tiếp nhận một tác phẩm mới, trái ngược hoàn toàn với phong cách trước giờ của con người ấy. Và chính bản thân tác giả đó, trong lần thử nghiệm đầu tiên, cũng chẳng thể đảm bảo sẽ tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, thành công trên mọi phương diện. Trường hợp của Koi no gondora – Cáp treo tình yêu cũng như vậy. Để rồi, chúng ta – những độc giả khi đã giữ thái độ trung dung nhất đón đọc cuốn sách sẽ đủ khoan dung mà không phủ nhận sạch trơn mọi cố gắng, nỗ lực của Keigo-sensei trong việc đổi mới bản thân; song cũng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra những thiếu sót ở tác phẩm gần 300 này.
Một điều dễ nhận thấy, Cáp treo tình yêu, dẫu đã kéo đề tài về gần với đời sống cùng tâm lý thực của con người nhất, thì đây vẫn như một dạng bình mới rượu cũ trong kho tàng sáng tác đồ sộ mang tên Higashino Keigo. Nói như thế không có nghĩa mâu thuẫn với những gì đã viết ở phía trên; bởi dẫu đã cố gắng đổi mới thì một cây viết gạo cội như Keigo-sensei hẳn từ lâu đã hình thành một phong cách sáng tác cố định cũng như một lối mòn ở tư duy nghệ thuật.
Chính vì thế, ở Cáp treo tình yêu dù đề tài, không gian tác phẩm được thu hẹp lại thì vẫn có nét tương đồng rất lớn với những sáng tác khác của Higashino Keigo, đặc biệt là Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya. Vẫn là kết cấu: mỗi chương là một câu chuyện riêng biệt song mọi liên hệ cuối cùng lại quy về một địa điểm như mối cơ duyên tiền định của tạo hóa.
Tuy nhiên, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya sử dụng cách trần thuật như vậy và thành công, bởi Keigo-sensei đã xây dựng lên đủ muôn mặt kiếp người với những số phận khác nhau, trong những chiều không gian, thời gian khác nhau mà hình ảnh tiệm tạp hóa Namiya hiện lên chỉ mang ý nghĩa một địa điểm trung chuyển hiện tại – quá khứ – tương lai. Còn với trường hợp của Cáp treo tình yêu, Keigo-sensei sử dụng cách kể như thế với đề tài, không gian hẹp vô hình chung khiên cốt truyện bị xé nhỏ. Thêm việc tác giả vẫn giữ lối viết vừa muốn đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, vừa muốn tạo khoảng trắng bất ngờ để độc giả liên tưởng lại càng làm cho tình tiết truyện tủn mủn, nát vụn.
Đặc biệt, nếu chỉ viết riêng về tình yêu, không mở rộng đề tài, không gắn liền cốt truyện với một vụ án nào đấy; quả thực, bút lực của Higashino Keigo có phần khá yếu. Người đọc vẫn thấy trên trang sách những chi tiết mang đậm đặc trưng cảnh sắc, văn hóa, con người Nhật Bản. Song tình tiết truyện lại có phần nghèo nàn, cách triển khai tâm lý, tình cảm nhân vật có phần non nớt, muốn đào sâu vào nội tâm con người mà chẳng thể đi được tới tận đáy sâu những xúc cảm của một cô gái đang yêu, một anh chàng cục mịch nhút nhát, một anh chàng đào hoa hay xúc cảm một người phụ nữ bị phụ bạc… Có lẽ, đây chính là tác phẩm dễ khiến độc giả cảm thấy thất vọng nhất về cách Higashino Keigo khai thác, miêu tả tâm lý nhân vật.
Xem thêm:
[Higashino Keigo] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya – Liều thuốc ngọt ngào cho trái tim nồng ấm
Từ Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya đến Cáp treo tình yêu và những sáng tác tiếp theo.
Có thể nói chăng, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là phát hiệu mở đầu và tới Cáp treo tình yêu, Higashino Keigo đã thực sự có những bước đi thử nghiệm đầu tiên nhằm đổi mới sáng tác của chính mình. Điều này là cần thiết với một tác giả viết nhiều, viết khỏe trên nhiều vấn đề xã hội như Keigo-sensei. Và thể nghiệm, có thể thành, có thể bại, song dẫu thế nào, vẫn là tín hiệu đáng mừng với fans của Keigo tiên sinh, những ai vẫn đang hóng chờ các sáng tác mới lạ, đột phá hơn nữa đến từ vị tác giả gạo cội này của nền văn học (trinh thám) hiện đại Nhật Bản.