Tiểu thuyết “Trắng” của nữ nhà văn Hàn Quốc Han Kang là tác phẩm phá vỡ mọi ranh giới của thể loại: vừa là tiểu thuyết giàu tự thuật, vừa là tiểu luận, đôi chỗ là thơ, lại có chỗ chỉ đơn giản là một vài dòng ghi chép rất vụn vặt. Cuốn sách mỏng chỉ chưa đầy trăm trang là ‘không gian triển lãm” của một loạt những thứ mang màu sắc “trắng”, là câu chuyện của một người đang cố gắng nói lời tiễn biệt với một phần quan trọng trong mình.
Những ngày tháng sống tại thành phố Warsaw của Ba Lan, Han Kang đã quyết định sẽ viết một thứ gì đấy để “hồi sinh” chị gái của mình: người chị gái đã rời bỏ cuộc sống chỉ sau hai tiếng chào đời. Cô đã dùng hết tất cả những thứ mang sắc trắng có thể gợi lên một thứ hình hài sâu bên trong con người, một thứ không bị huỷ hoại và cũng không thể hoen ố.
Tã quấn, áo sơ sinh, muối, tuyết, trăng, gạo…Tất cả những thứ màu trắng có thể nghĩ ra được đều đã được Han Kang dùng như một phương thức để kết nối sinh linh bé bỏng ấy. Nhìn, nghe, chạm, ngửi, nếm- tất cả giác quan của cô được mở ra cho người chị đã khuất có thể cảm nhận. Cô khao khát được cho chị gái một cuộc sống vì nỗi đau chia lìa chưa khi nào cô được chuẩn bị. Cả cuốn sách như một nghi lễ linh thiêng nho nhỏ cô dành để cầu nguyện cho người đã khuất, cũng là để cầu nguyện cho chính bản thân mình.
Khai thác sắc trắng trong xuyên suốt tác phẩm nhưng cuốn sách không hề đơn điệu một màu. Có những trang viết thấm đẫm tâm khảm sâu bên trong Han Kang, một điều gì đó đau khổ, vỡ nát, tan hoang, một điều gì như là lối đi kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Sự tinh tế và vẻ đẹp trong ngôn từ của Han Kang đã chạm đến đáy cảm xúc của người đọc. Trôi cùng theo những dòng tự sự ấy, cuối cùng người đọc cũng sẽ được biến đổi, “như thuốc mỡ màu trắng bôi lên, như miếng gạc màu trắng đắp vào vết thương”.
Tác phẩm phá vỡ lằn ranh về thể loại
Thật khó để phân loại “Trắng” thành thể loại văn học nào. Tác phẩm ở đâu đó giữa lằn ranh của tiểu thuyết, thơ và hồi kí. Han Kang đã dựng nên một không gian triển lãm nghệ thuật đương đại, với rất nhiều sắc thái khác nhau của màu trắng, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt khi để trống rất nhiều đoạn giữa các trang. Nó khiến người đọc phải thưởng lãm bằng tất cả các giác quan từ nhìn- ngắm- chạm, đến cả tự ý thức xâu chuỗi những sự vật tưởng chừng không liên quan thành một dòng chảy cảm xúc khó nắm bắt hay giải thích bằng lời.
Bước ra khỏi buổi thưởng lãm nghệ thuật ấy, người ta có thể vẽ phác thảo một vài nét rất mơ hồ về những mất mát không hình hài, nhưng lại khó lòng diễn đạt được hết những cảm giác rung động đang khuấy đảo trong lòng. Han Kang là người nghệ sĩ kết nối tâm hồn mình với những điều thiếu vắng bằng cách sử dụng những câu văn ngắn, những từ ngữ đắt giá không thừa không thiếu. Mỗi đoạn mỗi chương đều chỉ trong một không gian nhỏ của trang sách, tựa hồ như một khung tranh cô đọng mọi cảm xúc của tác giả vào đó.
Càng về cuối, khi chuyển từ nhân vật “tôi” sang “cô ấy”, nữ tác giả càng bộc lộ rõ tính siêu thực trong không gian nghệ thuật của mình. Những cảm xúc ban đầu xuất phát từ cảm nhận cá nhân khá rõ ràng cụ thể dần được chuyển hoá thành những hình ảnh mang đầy tính biểu tượng như “đảo ánh sáng”, “rải rắc”, “sự tĩnh lặng”. Có thể thấy tác giả đã sử dụng nỗi đau của mình để khai thác và biến hoá nó, trở thành một nghi lễ đầy tính trừu tượng với những từ ngữ có thể khơi mở giác quan, dẫn đến một trải nghiệm rất mới lạ và độc đáo cho văn học đương đại.
“Trắng”- Câu chuyện về nghi thức thanh tẩy bằng ngôn từ
Sau tất cả, “Trắng” gợi lên một hình thái rõ ràng của việc viết lách và sử dụng ngôn từ: Han Kang đã dùng ngôn ngữ để thanh tẩy những ẩn ức và đau đớn còn ẩn hiện trong mình. Viết lách không đơn thuần là kể chuyện hay truyền đạt suy nghĩ. Viết lách vừa là chất xúc tác lại vừa là phương thức để thanh tẩy tâm hồn, giúp con người tìm được bản ngã và những điều tốt đẹp trong đời.
Trong những ngày tháng lang thang trên đường phố Warsaw, bằng cách cố gắng mô tả và cắt nghĩa hết những thứ mình cảm nhận, Han Kang đã hoàn thành nghi thức tưởng nhớ và hồi sinh chị gái, đồng thời cũng thanh tẩy và gạn lọc được hết những điều đau đớn còn sót lại trong lòng. Sự thanh tẩy thiêng liêng ấy đã giúp Han Kang tìm kiếm được sức mạnh nội tại, chấp nhận sự mong manh của kiếp người và nỗ lực xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn.
“Trắng” là cuốn sách với nhiều chiêm nghiệm về sự sống và sự chết, là một cách đọc thấu nội tâm và sức mạnh từ tâm trí con người. Đọc “Trắng” cũng là đọc thứ văn chương theo chủ nghĩa hiện đại đầy sự tự do trong nội tại và khao khát bộc lộ bản ngã ra bên ngoài. Đến cuối cùng, có thể hiểu rõ một điều rằng: màu trắng là sự bắt đầu và cũng là điểm kết thúc tất cả mọi thứ trên đời. Không gian nghệ thuật ấy khép lại nhưng cũng mở ra cho người đọc rất nhiều chiều không gian khác nhau của cảm xúc. Một cái chạm khẽ của nghệ thuật, đưa đẩy con người ta đến những rung cảm thi vị trong đời.
“Đôi khi cái cảm nhận thời gian bỗng cứa vào sắc lạnh…Suốt thời gian tôi dừng mọi việc đang làm để chống lại cơn đau, từng giọt thời gian rơi xuống hệt như những viên đá quý được hợp thành bởi vô vàn lưỡi dao lam. Dường như chỉ cần lướt nhẹ qua là đầu ngón tay ứa máu. Tôi cảm nhận rõ rệt, mình đang hít sâu từng hơi thở để sống tiếp từng giây…”
Đôi nét về tác giả Han Kang
Han Kang sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Yonsei, cô bắt đầu ra mắt văn đàn với tư cách một nhà thơ. Năm 1994, cô ra mắt truyện ngắn “Mỏ neo đỏ”, giành giải sáng tác dành cho tác giả trẻ của báo Seoul Shinmun và chính thức bắt đầu sự nghiệp văn chương. Trong suốt gần ba mươi năm sự nghiệp, Han Kang đã giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá cả trong và ngoài nước. Đặc biệt phải kể đến giải thưởng Man Booker International năm 2016 dành cho tác phẩm “Người ăn chay”. Năm 2018, tiểu thuyết “Trắng” của cô tiếp tục lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng này.
Han Kang là một trong những thế hệ nhà văn đầu tiên được hưởng chế độ dân chủ hóa tại Hàn Quốc. Do đó, cô có thể tìm tòi tiếng nói nội diện bên trong con người một cách tự do, không ngại kiểm duyệt. Cũng chính vì thế văn chương của cô luôn cố gắng nhìn sâu vào từng chi tiết bên trong cuộc sống và thế giới nội tâm con người, không ngại khai thác từng chi tiết, dù nhỏ hay tăm tối nhất.
Một số tác phẩm tiêu biểu phải kể đến của cô là Your Cold Hand (2002), The Vegetarian (2007), Breath Figting (2010). Trong đó cuốn The Vegetarian- Người ăn chay cũng đã được xuất bản tại Việt Nam.