Khi hơi thở hóa thinh không là cuốn tự truyện dở dang của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi, người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi 36, thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của anh.
Chết có gì đáng sợ, dũng cảm đối mặt & chiến đấu với cái chết đó mới là thứ cao đẹp mà không nhiều người làm được. Với Khi hơi thở hóa thinh không, Paul Kalanithi đã cho cả thế giới thấy một cái nhìn đầy chân thực về tình cảnh của một con người văn minh lúc cận kề cái chết. Đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố, từ hy vọng tới tuyệt vọng, từ buồn đau tới sung sướng, và trên tất cả, là một sự nuối tiếc cho một sự nghiệp sắp tới đỉnh cao biểu hiện rõ nhất bằng việc khi anh lìa đời thì đây là một cuốn sách vẫn chỉ còn là bản thảo.
Cũng như nhiều tài năng trẻ khác, Paul vẫn có nhiều ước ao và dự định khi anh trở thành một bác sĩ. Điều ước giản đơn như xây dựng tổ ấm, có một công việc ổn định hay thậm chí là viết một cuốn sách để đời. Tất cả đều là những ước mơ không hiếm gặp. Tôi & bạn, đều đã từng có những giấc mơ như thế.
Với một người bình thường, một tuổi trẻ tràn trề năng lượng chắc hẳn sẽ tuyệt vọng biết chừng nào khi biết mình mắc bệnh. Còn với cương vị là một bác sĩ, hiểu rõ chắc chắn nhất về sự chết và căn bệnh ung thư, thì sự tuyệt vọng còn đến nhanh và quyết liệt hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, kể từ lúc bị chẩn đoán mắc bệnh, Paul đã liên tục hỏi bác sĩ của mình về đồ thị đường cong chết chóc
Nhưng khác với nhiều người lựa chọn buông bỏ, sống một cuộc sống không ngày mai, Paul chọn cách đối mặt dũng cảm hơn. Anh thử nghiệm phương án chữa trị mới, không cần đến xạ hóa trị. Anh quay về với cuộc sống thường ngày của một bác sĩ. Anh bàn với vợ về vấn đề sinh con. Anh chiến đấu với tử thần trong một nỗ lực tột cùng để níu kéo lấy sự sống. Đó không đơn giản chỉ là một sự lựa chọn, đó là thứ ánh sáng hy vọng cho những người cùng cảnh ngộ như anh!
Chiến đấu hay buông bỏ – Lựa chọn nào tốt hơn?
Paul qua đời không lâu sau đó (2 năm) và chúng ta đều biết rằng, với những người mắc bệnh hiểm nghèo, bác sĩ thường đưa ra một con số, chẳng hạn như “Anh còn 18 tháng”…
Tâm lý bình thường của con người, khi chẳng còn gì để mất, chúng ta sẽ dành trọn thời gian còn lại bên cạnh những người thân yêu.
Có những người họ từ chối chữa trị, nằm trên giường bệnh trong đau đớn. Họ chọn cách ra đi trong bình yên, vì phần lớn không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.
Có những người níu kéo chút hy vọng bằng xạ trị, sử dụng hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư, chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng.
Lựa chọn nào trong 2 lựa chọn nêu trên, cũng đều là những quyết định dũng cảm. Paul đơn giản anh còn làm tốt hơn thế. Anh tiếp tục nỗ lực trở về làm một bác sĩ, tăng ca hơn 16 tiếng mỗi ngày ở phòng bệnh với vai trò của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Và thậm chí khi bệnh chuyển biến nặng hơn, anh hoàn thành nốt sứ mệnh của cuộc đời mình qua cuốn hồi ký Khi hơi thở hóa thinh không này.
Chương cuối cùng của cuốn sách, vợ anh đã thay anh hoàn thành nốt, bởi chúng ta đều biết, anh đã ra đi thanh thản bên những người thân yêu, một cái kết dang dở, nhưng đẹp & hùng vĩ.
Tại sao cuốn sách này lại vĩ đại?
Với Paul, đây chỉ đơn giản là công việc cuối cùng của anh, và cũng là một ước mơ giản dị thời tuổi trẻ. Viết lách!
Nhưng anh không kể bằng giọng văn não nề, than thở ỉ ôi về sự bất hạnh của chính mình.
Nuối tiếc, có. Nhưng than thở bi kịch thì không
Và mặc dù là hồi ký kể về căn bệnh ung thư của chính mình, song bác sĩ Paul dành hẳn phần lớn cuốn sách để viết về những suy tư trăn trở của một bác sĩ, nói về cái chết. Lạnh lùng, nhưng đầy ám ảnh.
Anh kể về những lần thất bại của mình, chứng kiến rất nhiều sự ra đi của bệnh nhân trong nước mắt của người chứng kiến
Anh cũng kể về sự lạnh lùng của khoa học, nói lên chính kiến của bản thân về nghề bác sĩ. Dao thầy thuốc, đó là một trách nhiệm đầy thiêng liêng!
Và nói về sự chết, là nói về những triết lý nhân sinh quan, khoa học & tôn giáo hòa quyện. Ở đó, qua lời văn của tác giả, không mượt mà nhưng không đến mức khô cứng, vừa đủ để độc giả hình dung, suy tư, trăn trở. Như cách anh đã từng!
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Paul ra đi nhưng sách của anh thì còn mãi với cuộc sống này. Liên tục nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất (best-seller), những bài học & triết lý sống của anh sẽ liên tục được truyền đạt tới các bạn trẻ, vốn cũng đang trăn trở về đường đi cho sự nghiệp của chính họ.
Và trên hết, không chỉ riêng người trẻ, mà bản thân mỗi chúng ta rồi sẽ đều hiểu được rằng, đã sống là phải sống miệt mài, chiến đấu không hối tiếc. Cho đến hơi thở cuối cùng. Đến khi hơi thở hóa thinh không…thì thôi!
<Reviewsach.net>
Review từ độc giả Ngọc Anh: Khi hơi thở hóa thinh không – Lúc cái chết là câu trả lời cho sự sống
“When breath becomes air” – “ có một khoảnh khắc, một điểm lùi, khi tổng hợp của tất cả trải nghiệm thu gom lại đều héo mòn đi bởi những vụn vặt đời thường. Chúng ta không bao giờ thông thái được như khi chúng ta sống trong khoảnh khắc này…” Lật mặt trước và mặt sau của quyển sách, như chính cái nghĩ đen của nó, tôi đã thấy một sự ngậm ngùi, xót xa, buồn bã, day dứt, âm ỉ, và vấn vương một điều gì đó quá rõ ràng nơi từng câu chữ. Để đến lúc đọc xong, yên lặng nhìn lại tổng thể, lần đầu tiên không thèm lên goodreads để viết cảm nhận, không muốn gì và cũng chẳng muốn nhìn thẳng rằng đằng sau tấm lưng ấy thật sự là gương mặt của một người ra sao. Tất cả đế đó, đã là một câu chuyện đau lòng.
Như con chim trước khi chết, lao vào bụi gai và cất lên tiếng hát vĩnh biệt, tiếng hát đẹp nhất mà nó từng hát. Câu chuyện này cũng là bài ca của một người sắp ra đi…
Khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi
“Khi hơi thở hóa thinh không” là một quyển sách đặc biệt. Sự đặc biệt của nó không chỉ nằm ở nội dung cao cả mà nó biểu đạt, mà nằm ngay câu chuyện đằng sau của tác giả Paul Kalanithi. Một tác phẩm văn học có chiều sâu là tác phẩm ẩn chứa một thông điệp sâu sắc, người nghệ sĩ lấy chất liệu từ hiện thực đời sống khách quan, dưới lăng kính của bản thân mà thổi hồn vào tác phẩm, đem cái triết lý được trải nghiệm suốt cả cuộc đời để tìm kiếm những con người đồng điệu. Dưới lớp vỏ của ngôn từ, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc triết lý của cuộc đời, của sự sống và cái chết. “Ai dạy cho con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống”, triết lý của tác phẩm không phải giáo điều cũ kĩ, không phải bài diễn văn về triết lý nhân sinh, mà từ câu chuyện của một người mà làm triệu người rơi nước mắt. Những câu chuyện về người làm ngành y cố gắng cứu chữa bệnh nhân, cách các tác giả đấu tranh với thần chết để níu trọn sự sống cho người bệnh đã là một câu chuyện cũ, ở đây, vẫn đề này được tiếp nhận một cách mới mẻ và thực tế hơn. Chính tác giả cũng là một bác sĩ, ở tuổi 35, chính anh cũng nhiều lần trải nghiệm sự giao thoa giữa sự sống và cái chết, vì vậy, cái cách trần thuật trong tác phẩm cũng gần gũi và “trần trụi” hơn nhiều. Trong tác phẩm, anh vừa là bác sĩ, bất ngờ hơn, đau đớn hơn, anh cũng là một bệnh nhân, một bệnh nhân hiểu rõ trọn vẹn quá trình “héo mòn” của mình, một người “giúp theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt”.
Bằng cách đảo ngược dòng trần thuật, từ việc mô tả cảm xúc khi nhận được xét nghiệm “Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối của chương trình nội trú, trong suốt sau năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biêt: ảnh chụp là của… chính tôi.” rồi hồi tưởng cái khoảng thời gian ngày xưa ấy, cái khoảng thời gian thơ ấu khi tác giả được mẹ mình, thông qua những tác phẩm kinh điển, mà gieo vào những hạt mầm của triết lý, của đạo đức, về cuộc sống về cuộc đời. Đến lúc, hoang mang giữa một ngã tư đường trở thành một nhà văn hay theo nghiệp y nối tiếp truyền thống gia đình, tới thời điểm trở thành một trong những bác sỹ phẫu thuật thần kinh vượt trội và cuối cùng là kết thúc trên giường bệnh của một bệnh nhân mà sự sống chỉ kéo dài một vài năm. Dòng trần thuật này cũng là một điểm cộng trong cách hành văn của tác giả. Không theo dòng thời gian đơn thuần, sự việc nào xảy ra trước được kể trước, cách hành văn này khiến tác giả gây ấn tượng hơn trước chuỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời của tác giả, góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của Paul cũng như khiến những triết lý trong tác phẩm có một cơ sở rõ ràng, chứ không đơn thuần là sự “ngộ nhận” hay trải nghiệm suông.
Cái chết không phải là sự kết thúc của một cuộc đời, nó chính là kết thúc của một khởi đầu.
Tôi, đi theo hành trình của tác giả, là đi theo chuỗi những ngày dài đấu tranh với cái chết. Cái chết, ung thư, có đáng sợ? Cái chết liệu có phải sự kết thúc? Hay đơn giản, cái chết chính là kết thúc của một khởi đầu.Cái chết trong tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất . Mặc dù trong tác phẩm, xuất hiện rất nhiều từ ngữ chuyên ngành y học, tuy nhiên bằng ngòi bút văn chương của bản thân, tác giả đã đưa ra một cách nhìn đơn giản nhất nhưng cũng triết lý nhất về cái chết. Là một bác sĩ, tác giả nhận thức mình đã và đang mang trên mình một cái ách nặng nề về trách nhiệm trọng đại, về cái sự cao cả của một chiến binh chiến đấu hết mình dẫu biết phải hy sinh trên chiến trường đầy ác liệt. Chính tác giả cũng hiểu được một cái đạo lý vốn không công bằng của cuộc đời “Cho dù bạn có hoàn hảo, nhưng nhân gian thì không.” ,như một lẽ tự nhiên, cái chết sẽ luôn chiến thắng hả hê trước bao nỗ lực níu giữ chân người bệnh.Dù biết rằng cuộc sống vốn dĩ ăn gian, tất cả sẽ thua cuộc trước bánh xe của cuộc đời nhưng điều đó không cho phép tác giả buông tay, hay ngừng nghỉ chiến đấu. Sẽ chẳng có ai đạt đến được sự hoàn hảo, nhưng “ bạn có thể tin vào đường tiệm cạn của những gì mình không ngừng hướng tới.”
Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra. Paul đối mặt với cái chết, “cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỉ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.” có lẽ đôi tay cầm dao mổ đã hóa thinh không , nhưng chính anh cũng mở ra một cánh cửa mới về văn chương – một phần con người anh. Paul chọn văn học để làm cuộc sống của mình thêm ý nghĩa, dựa vào những câu chữ mà viết nên một triết lý nhân sinh.“Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước. Văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi. Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?” Giữa sự sống và cái chết, Paul như một chiến binh sừng sững, giữa chiến trường an nguy mà không sờn, anh hũng như một vị thần dũng mãnh. Bởi, chính anh hiểu trọn vẹn được rằng, sự sống không đo bằng tháng năm mà bằng những khoảnh khắc mình đang sống. Song hành cùng tác phẩm của mình, Paul đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về cái chết. Văn học đem đến cho người đọc nhiều điều hơn là câu chữ, một tình cảm ta chưa có, một cảm xúc ta đã có. Văn học là một khối cầu nhiều màu sắc của cuộc đời, qua những ánh sáng phản quang mà kiến tạo một cuộc sống muôn hình vạn trạng. Nếu như Paul nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn bình thường, cái chết khiến Paul gục ngã, chính bản thân anh trầm mình vào những đau thương của một linh hồn dần bị cái chết dẫn dắt thì “Khi hơi thở hóa thinh không” đã không làm thổn thức bao tâm hồn giữa dòng đời chênh vênh. Trong sự chòng chành của cuộc đời, Paul đã nương mình theo một điểm tựa, sống là để cống hiến, sống sao cho lòng không hối hận, dù ngay cái chết đã cận kề sau từng ngưỡng cửa, vẫn vươn mình đón những ánh nắng sớm mai. Tác phẩm viết vể cái chết, nhưng không làm người đọc cảm thấy sợ hãi. Tác phẩm viết về cái chết mà làm lòng người thổn thức. Nó đặt ra những suy nghĩ trong lòng người đọc. “Khi hơi thở hóa thinh không” đã làm trọn vẹn thiên chức của một tác phẩm văn học, nó nhìn về cái bi lụy của cái chết để tìm ra cái ánh sáng của sự sống. Cái chết đóng lại cuộc đời của một người bác sĩ, nhưng cái tuổi 35 ấy lại sống trọn giữa thế thái nhân sinh, để trái tim của cuộc đời người bác sĩ tài hoa ấy vẫn ngàn năm còn đập những nhịp đập rung rinh trước cuộc đời. Tác phẩm lấy một đề tài về cái chết, viết về cái chết nhưng lại giúp tác giả níu trọn sự sống, cái sự sống khi tìm ra ý nghĩa cuộc đời.
Phải chăng, chỉ khi con người giả từ sự sống để hòa vào vòng tay cõi chết thì chúng ta mới đứng tại làn ranh đó để nhận ra ý nghĩa cuộc đời, mới vứt bỏ mọi phù phiếm, đi sâu vào nội tâm mình và sống trọn vẹn khi còn có thể. Paul không thuyết giáo, không hô hào, mà chỉ dung đôi dòng tâm sự. Tựa như bầy tôi của khoa học những cũng là đứa con của văn chương, tác giả đã lựa chọn chân thành với người đọc khi đối diện với cái chết của chính mình, để người đọc sống cùng anh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời dù thời gian của chính anh đã sắp ngừng trôi, để khi câu chuyện qua đi, trong lòng người vẫn còn dư ba súc tích.Paul nhận ra rằng: “Hầu hết chúng ta đang sống với sự nhận biết thụ động về cái chết – đó là điều xảy ra với bạn và những người xung quanh bạn. Nhưng chúng tôi (các bác sĩ) được đào tạo để chủ động giao chiến với cái chết, vật lộn với nó – và trong lúc làm điều đó, trực diện với câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời”.
Tình yêu là thứ tình cảm chân thành nhất, cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa
Trong tác phẩm, chúng ta không chỉ cảm thấy ngưỡng mộ một trái tim mạnh mẽ của Paul, mà còn trân trọng những người cùng anh đi suốt những khó khăn của cuộc đời. Câu chuyện không chỉ là bài ca của sự dũng cảm, của nghị lực mà còn là một khúc tình ca về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, về thứ tình cảm gia đình không thể xóa nhòa. Dù mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn, dù con người dần trở nên bất lực trước sự trớ trêu của cuộc đời, không đồng nghĩa người ta chỉ cô độc một mình. Paul có được sự mạnh mẽ ấy vì bên anh còn có một gia đình, một tình yêu giúp anh vững bước trên con đường níu giữ sự sống. Tình yêu khiến con người ta trở nên mạnh mẽ, trở nên dũng cảm, và trở nên tham lam, tham lam vì sự sống, tham lam vì những người mình yêu. Lucy, vợ của Paul, đã trải lòng mình trong đoạn viết tưởng nhớ những ngày cuối cùng bên chồng, đó là: “Chúng tôi hiểu rằng, bí kíp để kiểm soát một căn bệnh thập tử nhất sinh lại chính là yêu thương – để có thể bị tổn thương, để có lòng tử tế, để bao dung và để biết ơn”. Chính Paul cũng đã thì thầm với đứa con gái chưa biết gọi tiếng cha của mình: “Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”
Tiêu đề của quyển sách khiến tôi trằn trọc, rồi suy nghĩ mãi. Một tác phẩm hay là một tác phẩm gợi mở nhiều điều để người đọc tiếp nhận, nó là một tiếng gọi cho lòng người chứ không phải một bài diễn văn về giá trị của cuộc sống. “Khi hơi thở hóa thinh không” là một nhan đề đầy gợi mở, chỉ bảy chữ mà khiến lòng người bai dư ba bão táp. Nó như một lời đề từ cho cả tác phẩm, giúp người đọc một phần đoán ra giá trị mà tác phẩm muốn thể hiện. Quả thật, khi cầm quyển sách trên tay, đọc cái tiêu đề trên nền xanh ấy, chính bản thân cũng nhói lên một nhịp. Không phải vì cái hình ảnh người bác sĩ, không phải từ cái câu chữ in trên bìa sách, mà là vì cuộc đời của người bác sĩ tài hoa Paul Sudhir Arul Kalanithi.
Phải chăng, cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Hãy sống như thể, ngày mai bạn phải chết?. Như Paul đã nói, “Even if i dying, until i actually die, im still living”.
“Khi còn sống ai cũng như nhau, thế nhưng có những cái chết đau đớn hơn tất cả” – Bill Gate ông đã nhận định như thế. Bill Gates tiếp lời: “Tôi không biết bằng cách nào mà Kalanithi đã có sức mạnh để viết nên cuốn sách này khi sức khoẻ cậu ta rất yếu. Thế nhưng, tôi mừng vì cậu ta đã làm được. Suốt cả cuộc đời, Kalanithi đã cống hiến cho y tế, khoa học cùng việc viết sách. Đọc cuốn hồi kí kia, tôi mừng vì được chứng kiến một phần nhỏ câu chuyện đời của Kalanithi”.
Đấy là mấy ý nghĩ mà tôi nhận ra được từ cuốn sách. Nếu ghi rành mạch rõ ràng quá, thì đâm thô vụng. Nên tôi viết những điều mình suy nghĩ ra, còn cốt lõi đọc sẽ thấy ngay mà. Tôi tin, đọc quyển sách, bạn sẽ khóc.
Vì vậy, hãy sẵn sàng. Ngồi xuống. Bỏ điện thoại sang một bên. Để xem dũng khí là thế nào. Để ngừng lại, chuẩn bị lắng nghe và trải nghiệm cuộc đối thoại của một tâm hồn đặc biệt.