“Kỹ nghệ lấy Tây” viết về phụ nữ dưới thế lực đồng tiền – chấp nhận bán rẻ bản thân, làm nô lệ cho những dục vọng thấp hèn – là sản phẩm của xã hội lai căng thời Pháp thuộc.

Vũ Trọng Phụng viết “Kỹ nghệ lấy Tây” khi vừa mới 22 – ở cái ngưỡng cửa cuộc đời mà đa phần giới trẻ thời nay thường phải đối mặt với ba chữ thất (thất học, thất nghiệp, thất tình) – thì ông đã lăn xả trên văn đàn Việt Nam hơn 3 năm và ngòi bút được đánh giá là đã “chín”.

Giữa buổi giao thời, chứng kiến những đám cưới Tây – Ta, đã đặt ra cho tác giả những câu hỏi: Những cuộc phối hợp của một số đông phụ nữ nước nhà với những người Tây phương, liệu có đáng là những cuộc nhân duyên hẳn hoi không? Hay đó chỉ là, chỉ hao hao giống, chỉ đáng gọi là một thứ “kỹ nghệ”?

Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để tác giả đi viết một thiên phóng sự với cái nhan đề “Kỹ nghệ lấy Tây”.

Mãi đến một buổi sáng kia, một me Tây trước vành móng ngựa đã nói một câu khiến cho công chúng quên khuấy đi mình đang ở chỗ trang nghiêm, tưởng dè lúc đó đương xem hát bội mà thích chí cười ồ. Còn hai ông biện lý và chánh án thì ngẩn người nhìn nhau rồi mỉm cười.

  • Tên là gì?
  • Nguyễn Thị Ba.
  • Bao nhiêu tuổi?
  • Hăm nhăm.
  • Làm nghề gì?
  • Trước lấy một ông phó đoan, sau lại lấy một ông…
  • Im! Nghề gì chứ ai hỏi chồng!
  • Sau lấy một ông cập-ten.
  • Không có nghề phải không? Vô nghề nghiệp (quay lên quan toà). Sans profession.
  • Việc gì mà vô nghề nghiệp?
  • Thế làm nghề gì?
  • Làm nghề gì? Làm nghề… làm nghề lấy Tây!

b8f3afba9f5baf2f8298a5def28f91e4

Trước câu trả lời táo tợn của thị, cái mỉm cười của hai ông quan tòa làm Vũ Trọng Phụng khó hiểu quá xá. Sao thị kia dám sưng sưng như thế? Hay là có nghề lấy Tây thật? Mà sao hai ông quan tòa lại chỉ mỉm cười? Chỉ tha thứ? Hay là hai Ngài đã hiểu lời khai ấy không sai với sự thực đó chăng?

Bởi muốn hiểu hàm nghĩa của cái cười mỉm đó, văn sĩ họ Vũ xông xáo lên đường, bắt chuyến xe đến Thị Cầu – nơi có 300 lính lê dương đóng đồn thì ít ra cũng phải chế tạo được 350 me Tây – để phỏng vấn và tìm những tư liệu sống, để viết nên “Kỹ nghệ lấy Tây”.

Kĩ nghệ lấy tây - NXB Văn Học

Hành trình đi tìm nguyên do cái cười mỉm của hai ông quan tòa.

Phạm Thế Ngũ từng nói rằng, đọc những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, “ta thấy công phu điều tra, khiếu quan sát, sự lịch duyệt của tác giả.”

Tác phẩm “Kỹ nghệ lấy Tây” gồm 10 chương, trừ chương cuối là phần kết luận, thì xuyên suốt 9 chương còn lại là quá trình điều tra, thu thập tài liệu của tác giả.

Trong chuyến đi đến xóm Thị Cầu, tác giả đã được trông thấy hẳn hoi một cuộc “ly dị” chồng với một buổi cưới chồng của bà Kiểm lâm, đã được rõ cái tâm sự phân vân của cô con lai Suzanne, đã được nghe một đoạn đời lấy 9 người vợ của Đi-mi-tốp, đã được mục kích bà Đội Tứ, người chôn các me, con sư tử mất ngôi, dạy dỗ con em ấy cái “tuých” cho khỏi bị chạy làng… Cũng thấy được một cảnh mà tác giả gọi là “ghê gớm” của mẹ con bà Ách Nhoáng.

Bằng tài ăn nói khôn ngoan, có phần láu lỉnh theo phương phâm “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, bởi vì một anh chàng làm báo trẻ tuổi và yếu ớt lại lăn lóc ở chỗ có những ông chồng cả ghen người Âu châu, thì thật sự có nhiều điều nguy hiểm.

Việc đi phỏng vấn, lấy thông tin, ghi lại các cuộc trò chuyện, mà ở trong đấy tác giả đóng vai trò gợi mở, luôn ở trong tâm thế “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, cốt để lấy thông tin và ý nghĩ chân thực của các đối tượng, đã thổi vào sự dí dỏm hài hước trước một tác phẩm mang nội dung khá nặng nề là tệ đoan xã hội.

“Cái giường của một me tây cũng như cái dùi khui của một thầy cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viên Việt Nam. Trong cái kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên giường.”

Sự trào phúng càng đưa tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đi xa hơn, khiến ông có thể nhìn những đau thương qua lăng kính trào lộng, tạo thêm một sức mạnh, một sức đau đớn xót xa mới mà các tác giả cùng thời chưa đạt được.

Để rồi khi hiểu được cái mỉm cười của hai ông quan tòa, tác giả vẫn buông câu bông đùa chua chát: “Vả lại, nói nhiều mà làm gì? Sự thật bao giờ lại không là sự thật.”

Sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Dưới thời thực dân nửa phong kiến, Nho giáo bị thất thế nhưng vẫn ngự trị ngấm ngầm, kết hợp với làn sóng phương Tây cưỡng ép xâm nhập, đã tạo nên những sự thay đổi đầy lố lăng, kệch cỡm, một xã hội văn minh rởm đời…

Làm báo, Vũ Trọng Phụng có phong cách của nhà báo. Ông nói thẳng, nói thực. Ông tả chân. Vũ Trọng Phụng dám đưa ra những vấn đề cấm kỵ nhất của xã hội Việt Nam dưới thập niên 30 – 40 của thế kỷ XX, đó là vấn đề tính dục, vấn đề đồng tình luyến ái, vấn đề mãi dâm… Ông cũng không ngại đi vào những vùng thâm u nhất của xã hội để điều tra sự thật: xã hội cờ bạc, xã hội lấy Tây, xã hội làm điếm, xã hội con sen…

“Kỹ nghệ lấy Tây” tập trung phản ánh hiện thực một cách chân thực về tất cả các khía cạnh của cái xã hội lấy Tây đó.

Gọi chung chung là xã hội lấy Tây, kỹ nghệ lấy Tây, bởi vì người thợ làm nghề này có cả đàn bà lẫn đàn ông. Các me đã chia chồng Tây ra làm ba hạng theo chất lượng (số tiền nhận được) giảm dần: xi-vin, cô-lô-nhần và lê dương. Còn các anh đàn ông thì coi cô vợ đầm lai như một cái mỏ vàng.

Ở cái thời buổi mà đồng tiền có sức mạnh vạn năng. Ở cái xã hội mà công lý không nằm bên lẽ phải mà nó nghiêng hẳn về phía có túi tiền nặng hơn. Thì con người cũng thay đổi theo xã hội, bị tha hóa dưới thế lực đồng tiền. Họ không sống theo luân thường đạo lý, nhân nghĩa hay liêm sỉ nữa, họ đặt đồng tiền lên đầu quả tim. Và dĩ nhiên trong cái thế sự đó, ái tình là một thứ xa xỉ, yêu đương mà không có tiền quả là cái thứ tình ngu muội.

Vì lẽ đó, nghề lấy Tây thỏa mãn sự thiếu tiền của người An Nam và sự thiếu tình dục của người Tây phương trên đất thuộc địa. Có cung có cầu thì có giao dịch có thị trường. Có cả sự cạnh tranh nhau của những người trong cuộc từ những bà mai cho đến những thằng Tây, me Tây. Có các cuộc ngã giá theo quan niệm “thuận mua vừa bán”.  Xuất hiện những cảnh dạy nghề, học nghề, dắt mối ăn tiền. Một xã hội thật lố lăng!

Những me Tây đó, từ thời còn non tươi mơn mởn đến khi hoa tàn ít bướm, cuộc đời đó họ có gì? Chỉ là những tháng ngày bị chà đạp trong vũng bùn vật chất và làm nô lệ cho dục vọng thấp hèn của bọn lính Tây, bị đối xử như đĩ điếm. Phải chăng, lấy Tây là nghề mại dâm trá hình đang núp bóng dưới một xã hội được cho là văn minh?

Tấm lòng nhân đạo của văn sĩ tả chân họ Vũ.

Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Điều quan trọng nhất đối với một cây bút hiện thực chủ nghĩa không phải là đi thực tế dài hay ngắn, được “tham quan” nhiều hay ít. Điều quyết định là tấm lòng có nhập cuộc hay không, tâm huyết có để vào những điều mình tìm hiểu và thuật kể hay không.”

Vũ Trọng Phụng đạt được còn hơn thế, nhờ cái tài tả chân với vốn từ thăng hoa sống động, mà trên hết là cái tâm với nghề.

Tác giả mượn cái cười mỉm của hai ông quan tòa làm điểm khởi phát cho thiên phóng sự thêm phần ý vị. Nhưng qua cách đặt câu hỏi sau khi nghe mụ me Tây trả lời, sao thị lại dám sưng sưng như thế? Ông tỏ rõ một thái độ lên án và phê phán nghề lấy Tây này, có là cái vinh dự chi mà thị lại dám táo tợn thừa nhận một cách hiển nhiên như vậy?

Nhưng khi tiếp cận những mảnh đời me Tây ở xóm Thị Cầu, xâm nhập vào từng số phận con người, thái độ nhà văn dần có sự thay đổi. Ở cái xóm me Tây ấy có nhiều me Tây, mỗi người mỗi cảnh. Có người đáng trách, nhưng cũng có người đáng thương. Có những mảnh đời là nạn nhân của sự phụ tình, của những lễ nghi Nho giáo phong kiến, để rồi bước đường cùng phải bán rẻ thân mình cho bọn lính Tây.

Vũ Trọng Phụng vạch rõ một bộ mặt xấu xí của xã hội, giữ thái độ cương quyết bài trừ tệ đoan. Nhưng ông vẫn thể hiện lòng cảm thông cho số phận con người. Đặc biệt dành lòng quan tâm sâu sắc cho số phận của những đứa trẻ con lai vô thừa nhận.

Kĩ nghệ lấy Tây review
Ảnh:ashleedoan

Những đứa con tinh thần mang gen trội của Vũ Trọng Phụng. 

Phùng Tất Đắc có đề lời tựa cho “Kỹ nghệ lấy Tây”, trong đó có ghi:

“Được cái vinh dự sống trong một thời cục độc nhất của lịch sử, nhà cầm bút há chẳng nên tiến thẳng vào trung tâm thời cục mà tìm tòi, xem xét, suy nghĩ, ghi chép những sự trạng người trước chưa ai gặp thấy, những sự trạng người sau không thấy nữa, những sự trạng chỉ riêng mình được mục kích mà thôi?”

Trang viết này vào thời các cụ thì không sai, nhưng ở tương lai của các cụ, chính là khoảng thời gian từ đó đến bây giờ thì coi bộ còn thiếu chính xác, thiếu chính xác ở chỗ – “những sự trạng người sau không thấy nữa” – khi mà có vài sự trạng thời này vẫn xảy ra, dẫu có biến tấu râu ria nhưng bản chất vẫn như cũ.

“Kỹ nghệ lấy Tây” được viết năm 1934, sau 85 năm, tác phẩm này vẫn “sống” – là “sống” chứ không phải chỉ tồn tại.

“Kỹ nghệ lấy Tây” của Vũ Trọng Phụng không chỉ có giá trị nhất thời, không chỉ là tệ đoan xã hội dưới thời Pháp thuộc, mà còn có giá trị dưới mọi thời. Bởi vì, chỉ cần đổi tên “Kỹ nghệ lấy Tây” thành “Kỹ nghệ lấy Mỹ”, thế là ra đời một phóng sự viết về hoàn cảnh phụ nữ thời 1954 -1975 ở miền Nam, hay “Kỹ nghệ lấy Đại Hàn” hoặc gộp luôn thành “Kỹ nghệ lấy ngoại quốc” là nên một thiên phóng sự đầy tính thời sự nóng bỏng cho năm 2019.

Cũng không phải riêng “Kỹ nghệ lấy Tây”, những thiên phóng sự khác của ông, thậm chí là tiểu thuyết, như “Số đỏ”, “Làm đĩ”, “Giông tố”, “Lục xì”… đều là những đứa con tinh thần có gen mạnh, gen trội. Dù thời gian có trôi, xã hội có thay đổi, chúng vẫn có khả năng tự tái sinh, những tệ đoan mà tác phẩm viết đến vẫn còn là những ung nhọt của hiện tại, những tính cách mà nhân vật thể hiện vẫn còn hiện diện trong một bộ phận người đương thời.

Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, như mở một con đường tư tưởng xuyên sâu vào sự lầm than của kiếp người, của sự người bóc lột người, nó tồn tại ở bất cứ nơi nào, thời nào, nó sâu sắc khốc liệt hơn dưới những chế độ độc tài mà pháp luật dừng lại ở vùng ngoại cảnh.

Victor Hugo – đại văn hào Pháp đã từng nói:“Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.” Vũ Trọng Phụng đã không phải bẻ và vứt bút đi, thiên chức của ông đã được hoàn thành một cách trọn vẹn. 

:

Duyên