50 năm trước, một cuộc thảm sát đã diễn ra, khiến một bé gái trở thành trẻ mồ côi. Hung thủ, ngay lập tức bị bắt giữ.
50 năm sau, một chàng trai tuổi đôi mươi tài năng, đứng trước ngưỡng cửa thành công của sự nghiệp ca hát, đột ngột tự sát không rõ nguyên nhân. Người ông của anh, sau đó không lâu đã bị sát hại một cách bí ẩn.
Mọi bi kịch của quá khứ và hiện tại, đều dẫn bước người ta, tới loài “hoa mộng ảo” nở vàng rực rỡ trong truyền thuyết.
Câu chuyện trinh thám chưa thật trọn vẹn
Hoa mộng ảo, tựa truyện cùng lời dẫn ở phía sau cuốn sách: “Kẻ nào đuổi theo loài hoa mộng ảo, sớm muộn cũng sẽ hủy hoại bản thân mình”, không khỏi khiến không ít độc giả lầm tưởng, đây lại là một tác phẩm mang yếu tố kỳ ảo nữa của tác giả Higashino Keigo. Nhưng, khác với ấn tượng ban đầu, Hoa mộng ảo mà không hề “ảo”, Hoa mộng ảo mà lại thực tế, nghiệt ngã đến khôn cùng. Đó là câu chuyện bi kịch mang tính thế hệ kéo dài không dứt, là những mất mát đau thương người ta phải nén chịu và là hành trình đầy thương tâm con người phải đi để đối mặt với chính nỗi sợ hãi khiến người ta vẫn luôn chạy trốn.
“Hoa mộng ảo”, vốn mang nghĩa danh từ chung dùng để chỉ những loài hoa tạo nên ảo giác nhưng trong cuốn tiểu thuyết của Keigo tiên sinh, đây còn là danh từ riêng, ám chỉ tới loài hoa khiên ngưu vàng từng nở rộ trong lịch sử rồi dần lụi tàn, gần như tuyệt chủng mà không rõ nguyên do. Để trong thời điểm hiện tại, không ít người vẫn đuổi theo giấc mộng khiên ngưu vàng với một niềm mê đắm, khao khát học thuật thuần túy. Và cả những người theo đuổi khiên ngưu vàng chỉ để chấm dứt chuỗi thảm kịch mang tính kế thừa. Mà tiếc rằng, dù với bất cứ lý do nào, lời nguyền hoa mộng ảo, vẫn luôn ứng nghiệm.
Một gia tộc ba đời làm cảnh sát, vẫn luôn truy vết khiên ngưu vàng trong âm thầm nhằm phần nào cứu chuộc sai lầm trong quá khứ. Nhưng rạn vỡ trong gia đình họ chẳng thể hàn gắn, khi người con trai nhỏ trở thành “cá biệt” chỉ bởi hai tiếng “yêu thương” ích kỷ của người thân. Một gia tộc ba đời làm bác sĩ, vẫn luôn đuổi theo khiên ngưu vàng, vì chấp niệm học thuật cùng trách nhiệm loại bỏ “di sản tiêu cực” . Một cô gái, thất bại trong hiện tại và trốn chạy vinh quang quá khứ, bỗng thêm lần nữa mất tất cả: người em họ cô yêu mến, ngưỡng mộ lẫn người ông nội vẫn như một người bạn già lặng lẽ động viên cô. Một chàng trai, luôn cảm thấy nhà không phải là nơi bản thân thuộc về, vô định ở hiện tại, mờ mịt về tương lai. Người cảnh sát gánh trên vai đổ vỡ gia đình cùng kì vọng của người con… Thảm kịch lịch sử, thảm án 50 năm trước, vết máu như vết dầu, loang từ quá khứ tới thực tại, khiến những con người vốn chẳng quen biết bỗng gắn kết với nhau bởi cùng dấu gạch nối bi kịch mang tên hoa mộng ảo – khiên ngưu vàng.
Cái tài của Keigo tiên sinh là thế, từ phần mở đầu tưởng chừng như kết quả của một vụ án, ông lại mở ra liên tiếp những vụ án khác. Từ những dữ kiện ngỡ rằng không chút quan hệ, ông đã khéo léo xâu chuỗi các sự kiện, tình tiết trong một tổng thể tác phẩm khá chặt chẽ xoay quanh một sợi chỉ đỏ xuyên suốt về loài hoa mộng ảo. Bi kịch mang tính kế thừa chính là thế. Vừa là sự truyền đời thế hệ của những cá nhân trong cùng một gia tộc, cũng vừa là sự tiếp nối giữa cá nhân này với cá nhân khác, chỉ cần người đó gắn với cái tên khiên ngưu vàng.
Nhưng dù được xây dựng với sự sắp xếp tình tiết một cách khéo léo thì tiểu thuyết Hoa mộng ảo vẫn là một cuốn truyện trinh thám chưa thật hoàn hảo. Bởi trong tác phẩm 398 trang ấy, Keigo tiên sinh đã dồn nén quá nhiều chi tiết mà không ít sự việc được ông giải quyết thiếu chiều sâu. Các nhân vật ai cũng nhắc tới sự đáng sợ khi tấm ảnh hoa khiên ngưu vàng hay thông tin khiên ngưu vàng được nuôi trồng thành công phát tán. Nhưng sự đáng sợ ấy lại không xảy đến và nếu xảy đến sẽ thế nào thì cuối cùng vẫn chỉ là bí ẩn.
Đặc biệt, Hoa mộng ảo là tiểu thuyết trinh thám, nhưng vụ án chính của tác phẩm: cái chết của ông cụ Shuji lại được phá bằng những bằng chứng thiếu thuyết phục, từ đó, thủ pháp gây án, xóa bỏ chứng cứ của hung thử cũng trở nên khiên cưỡng. Hung thủ đã sử dụng găng tay trong quá trình tạo dựng hiện trường giả nhưng lại mắc lỗi sơ đẳng ở việc không đeo găng tay khi rửa chiếc cốc uống nước và để nguyên chiếc phong bì nạn nhân đưa cho anh ta trước lúc chết tại hiện trường vụ án?
Cho dù hành động gây án là bột phát song một hung thủ đã cẩn thận đeo găng tay để lau dấu vân tay, tạo hiện trường giả, hẳn khó thể mắc những lỗi trí mạng như vậy.
Đọc thêm: [Higashino Keigo] Ảo dạ – Ảo ảnh đêm đen
Trứng chim cúc cu này thuộc về ai – Tài năng này là của chung hay của cá nhân mỗi con người?
Luận về tài năng và trách nhiệm của một con người
Quả thực, nếu nhìn nhận tiểu thuyết Hoa mộng ảo ở khía cạnh trinh thám, thì đây thật sự là cuốn trinh thám đầy “lỗ hổng” của Higashino Keigo. Nhưng khi nhìn nhận Hoa mộng ảo như một tác phẩm tâm lý xã hội thì đây vẫn là cuốn sách được Keigo tiên sinh gửi gắm những giá trị ý nghĩa, tư tưởng rất đẹp. Về tình cảm gia đình và mối quan hệ giữa những con người sống cùng một mái ấm: thế nào là yêu thương, sẻ chia bí mật, thế nào là lời hứa, là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ. Về mối quan hệ nghiệt ngã giữa khoa học và đời sống vật chất; nghiên cứu nhằm phục đời sống nhưng không có vật chất, không có nguồn vốn, người làm khoa học cũng đành bất lực trước sự đào thải của xã hội. Nhưng đặc biệt, đó là câu chuyện tài năng cùng trách nhiệm của một con người khi đứng trước chính cái tài của bản thân và trước cuộc đời.
Hoa mộng ảo không phải là tác phẩm đầu tiên Keigo tiên sinh nhắc tới hai chữ tài năng, và chắc hẳn, đây cũng không phải là tác phẩm cuối cùng ông đề cập tới vấn đề này. Nhưng ở Hoa mộng ảo, Higashino Keigo đã đi sâu hơn vào khía cạnh, trách nhiệm của một kẻ có tài.
Cha đẻ vũ trụ anh hùng Marvel từng nói: “Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao.” Câu nói này, có lẽ cũng đúng với trường hợp của những người mang tài năng thiên bẩm. Bởi kẻ có tài và nhận thức rõ ràng về tài năng bản thân, lại càng mang ý thức mạnh mẽ về cái tôi, sự tồn tại cá nhân trong cộng đồng. Nhưng cũng chính vì ý thức tồn tại mạnh mẽ như vậy, nên một khi gặp trắc trở, cái tôi bị đánh gục, người đó sẽ càng khó đứng dậy hơn người bình thường khác.
Như cô gái Rino, vận động viên bơi lội thiên tài, thậm chí, Rino còn là niềm hi vọng giành được suất tham dự Olympic. Tuy nhiên tất cả đã khép lại trước mắt cô gái mới tuổi đôi mươi khi cô không thể điều khiển nổi bản thân mỗi lần thi đấu. Cô sợ nước, cô sợ quá khứ, cô sợ cả ánh nhìn của những người xung quanh, Rino chọn chạy trốn. Như chàng trai trẻ Sota tài năng với sự nghiệp nghiên cứu năng lượng hạt nhân vốn tương lai đang rộng mở, bỗng một ngày, hai vụ nổ hạt nhân ở Fukushima xảy ra như đóng sập cánh cửa anh đang đi. Và hơn cả, là những người “giỏi”, nhưng từ chữ “giỏi” ấy để bật lên thành “tài năng”, “năng khiếu thiên bẩm” thì không thể. Bởi vậy, họ cứ mãi trong một vòng luẩn quẩn, dằn vặt của kiếm tìm chỗ đứng, khẳng định cái tôi đồng thời… đố kỵ với những người có tài thật sự.
Keigo tiên sinh quả thực đã đặt ra những vấn đề rất hay xoay quanh hai chữ “tài năng” này. Thế nào là người có tài? Sự khác biệt giữa “giỏi” và “năng khiếu”? Nghĩa vụ của người mang trong mình tài năng thiên bẩm? Để từ đó, ông dần khẳng định, bản thân người mang tài năng thiên bẩm, đã là một tồn tại khác biệt trong cuộc đời. Bởi thế, điều những người ấy phải đối mặt trước hết, không phải là ánh nhìn của người đời, mà là đủ dũng khí để đối diện với chính cái tài họ nắm giữ. Chối bỏ, phủ định, trốn chạy đều không phải cách giải quyết mà ngược lại, đó chính là sự đối xử nghiệt ngã, ích kỉ với những người xung quanh, người yêu thương họ, những người “giỏi” mà không có tài và nhất là với chính “cái tôi” ẩn sâu trong tim họ.
Tài năng càng lớn, trách nhiệm, nghĩa vụ gánh trên vai càng cao. Dù trách nhiệm đó khó khăn, vất vả, trên con đường họ thực hiện có thể sẽ thật nhiều vấp ngã; nhưng tuyệt đối, đừng bao giờ bỏ cuộc. Bởi đó vốn là phân công công việc mà tạo hóa đã ban cho những người mang tài năng thiên bẩm. “Trên thế giới này vẫn có những di sản tiêu cực đó Sota.” Takami dịu dàng đáp. “Nếu như chúng có thể tự nhiên biến mất thì cứ để nguyên như thế là được. Nhưng nếu không thì phải có người đứng ra gánh lấy trọng trách này đúng không?”
Đọc thêm Ma thuật bị cấm – Cái tâm & cái tầm của người làm khoa học
[Higashino Keigo] Phương trình hạ chí – Một bước sa chân, người thân lãnh đủ
Loài hoa mộng ảo giữa lòng thực tại
Hoa mộng ảo – khiên ngưu vàng, loài hoa từng nở rộ trong lịch sử rồi dần biến mất trong đời sống. Loài hoa “ma quỷ” đưa người ta tiến gần hơn tới “mộng ảo”, nhưng cũng hủy hoại con người mãi chìm đắm vào “ảo mộng”. Hoa khiên ngưu vàng, một loài hoa có thật, nhưng ở tiểu thuyết Hoa mộng ảo, loài hoa này còn mang thêm giá trị biểu tượng khác.
Biểu tượng cho “tâm ma” của con người sinh ra từ lòng tự ti, ganh ghét, đố kỵ, từ ước mơ vượt quá tầm với mà hóa thành ảo vọng… khiến người ta không từ thủ đoạn để đạt mục đích. Khiên ngưu vàng nếu được sử dụng hợp lý, dược tính của loài hoa này sẽ rất hữu ích trong y học. Nhưng nếu gắn liền với “tâm ma” con người, khiên ngưu vàng lại trở thành loài hoa “ma quỷ” mê hoặc lòng người. Hoa mộng ảo, như thực như hư, như tượng trưng cho chính cuồng vọng ẩn sâu trong góc khuất tăm tối trái tim mỗi người.
Vì thế lời nguyền hoa mộng ảo: “Kẻ nào theo đuổi loài hoa mộng ảo, sớm muộn cũng sẽ hủy hoại bản thân mình”, sẽ còn ứng nghiệm ở hiện tại, dù khiên ngưu vàng có tuyệt chủng. Bởi trong lòng đã sẵn “tâm ma”, đã chìm sâu vào ảo mộng, thì dù không có chất dẫn khiên ngưu vàng, kẻ đó cũng sẽ tự hủy hoại trong chính mộng ảo hắn xây dựng lên.
Mọt Mọt