Tuyển tập truyện ngắn Một mùa thơ dại là sự hội tụ 4 tác phẩm đã đưa Higuchi Ichiyo lên “đài cao thiên tài” (chữ dùng của Nhật Chiêu): Anh đào đêm (Yamizakura), Đêm mười ba (Jusanya), Khe nước đục (Nigorie) và Một mùa thơ dại (Takekurabe). Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, nhưng tất cả đều cùng chia sẻ chủ đề về người phụ nữ. Với tập truyện này, bà đã mang đến hình ảnh người phụ nữ trong văn học truyền thống Nhật Bản một chân dung, diện mạo nhiều khác biệt và tiến bộ.
Higuchi Ichiyo và “14 tháng kì tích”
Higuchi Ichiyo (1872 – 1896) là nhà văn kiệt xuất của văn học Phù Tang. Khởi nghiệp vào năm 17 tuổi với bút danh Ichiyo, đến đầu năm 1895, bà bắt đầu cho ra đời những truyện ngắn được xếp vào hàng kiệt tác đến mức khoảng thời gian đó được người đời đánh giá là “14 tháng kì tích” trong sự nghiệp sáng tạo của bà. Tuyển tập truyện ngắn Một mùa thơ dại là sự hội tụ 4 tác phẩm đã đưa bà lên “đài cao thiên tài” (chữ dùng của Nhật Chiêu): Anh đào đêm (Yamizakura), Đêm mười ba (Jusanya), Khe nước đục (Nigorie) và Một mùa thơ dại (Takekurabe). Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, nhưng tất cả đều cùng chia sẻ chủ đề về người phụ nữ – một trong những chủ đề trung tâm của truyện ngắn Ichiyo. Những nhân vật nữ vừa là chủ lực trong việc triển khai dòng chảy của cốt truyện, vừa là ngọn nguồn dòng mạch cảm xúc được hình thành trong nội tại tác phẩm. Soi chiếu nhóm nhân vật từ nhiều khía cạnh sẽ cho chúng ta thấy được dấu ấn sáng tạo đặc biệt của phong cách nghệ thuật Ichiyo: sự tinh tế, sắc sảo khi miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật; sự nhạy bén, sâu sắc trong nắm bắt và phản ánh hiện thực; sự hiện đại, tiến bộ về tư tưởng và bút pháp.
Nữ giới – trung tâm của truyện kể
Nữ giới là nhân vật quan trọng trong các sáng tác của Higuchi Ichiyo nói chung và trong các truyện ngắn được tuyển lựa trong Một mùa thơ dại nói riêng. Chiyo (Anh đào đêm), Oseki (Đêm mười ba), Oriki (Khe nước đục), Midori (Một mùa thơ dại) là những nhân vật chính và tất cả đều là nữ. Họ là trung tâm của truyện kể, có chức năng xâu kết mọi thành phần của cốt truyện. Đọc Anh đào đêm, người ta chú mục vào những biến thiên tế vi trong nội tâm của Chiyo khi nàng nhận ra tình cảm đặc biệt của mình dành cho Ryonosuke – người bạn thời thơ ấu. Đêm mười ba lại là câu chuyện của cuộc hôn nhân bất hạnh của Oseki và những tiếc nuối, bâng khuâng của Oseki trước sự tàn suy của anh bạn thuở bé. Trong Khe nước đục, Oriki không chỉ là “con át chủ bài” của quán Kikunoi mà là linh hồn của cả câu chuyện – mối quan hệ của nàng với Yuki Tomonosuke và Genshichi là cốt lõi. Và dẫu thế giới nhân vật trong Một mùa thơ dại đông đúc hơn, rộn ràng hơn, hình ảnh một Midori nhỏ bé, xinh đẹp, kiêu hãnh cùng mối quan hệ của nàng với Shouta và Nobu chính là xương sống của tác phẩm. Để chân dung của họ có thể hiện ra một cách sinh động, Ichiyo đã dành nhiều tâm huyết, bút lực. Họ được miêu tả kĩ về ngoại hình, tính cách, hoàn cảnh, số phận và đặc biệt là tâm lí. Sự phức tạp đến mức nó trở thành “bí ẩn nữ tính” của tâm hồn nữ giới được bà phân tích, miêu tả vô cùng nhẹ nhàng nhưng lại sâu sắc không ngờ. Mọi đổi thay tế vi nhất, những biểu hiện dường như “kì cục” nhất của Chiyo, Midori, Oriki,… được thể hiện rất tinh tế.
Thông qua thân phận nhân vật nữ, tác giả muốn truy vấn nhiều vấn đề về tâm lý, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là chế độ gia trưởng và sự phân biệt bất bình đẳng về giới tính đối với nữ giới. Xem người phụ nữ là nạn nhân, xây dựng những hành trình sống bất hạnh, Ichiyo tỏ rõ sự đồng cảm và thấu hiểu với họ song không biến họ thành đối tượng của của lòng thương cảm, xót xa mang tính ủy mị. Giọng điệu trần thuật trong các truyện ngắn này không thuần nhất một màu sắc trữ tình mà pha lẫn ít nhiều sự hài hước, trào phúng nhẹ nhàng. Viết về phụ nữ, phản ánh đời sống của phụ nữ, Ichiyo không rơi vào kiểu văn chương lãng mạn, trữ tình, không lấy việc mô tả những vặt vãnh trong đời sống thường nhật làm mục tiêu mà từ những điều tưởng như bé nhỏ đó phơi bày ra những vấn đề lớn lao hơn rất nhiều. Hay nói cách khác, nhân vật nữ chính là hình tượng mà ở đó tài năng, tư tưởng, tình cảm của Higuchi Ichiyo hội tụ và thể hiện rõ ràng nhất.
Thương nhớ thời thơ ấu và sợ hãi sự trưởng thành
Người phụ nữ trong văn học Nhật thường mang vẻ đẹp và thân phận của cánh hoa anh đào trong gió. Nhân vật nữ của Higuchi Ichiyo không tách mình ra khỏi truyền thống đó nhưng cũng không bị khuôn định vào mẫu thức quen thuộc ấy. Mỗi một nhân vật nữ trong sáng tác của bà là một điển hình, một chân dung sinh động và mang vác mỗi nỗi đau khác nhau. Họ có thể là bé gái ngây thơ hoặc những phụ nữ trải đời, già dặn; họ có thể là tiểu thư con nhà giàu có hoặc là con gái trong một gia đình lao động nghèo; họ có thể thầm lặng, kín đáo, duyên dáng hoặc cũng có khi kì quặc, đỏng đảnh, bất cần; họ có thể nhẫn nhịn, chịu đựng hoặc có khi mạnh mẽ, phản kháng; họ có thể rất trẻ trung, xinh đẹp nhưng cũng có thể già cỗi, tàn phai;… song vượt qua mọi “có thể” khác biệt ấy, họ gặp nhau ở chung một điểm: họ đều bất hạnh. Và một trong những nguyên nhân chính đẩy họ vào tình thế bất hạnh đó, là tình trạng đối xử bất bình đẳng đối với nữ giới.
Trong các mối quan hệ trên, bạn bè là mối quan hệ đồng đẳng duy nhất. Trong Anh đào đêm, Đêm mười ba, Một mùa thơ dại, Ichiyo dành cảm hứng cho những tình bạn thời thơ trẻ của các nhân vật chính: Chiyo và Ryonosuke, Oseki và Kousaka Rokunosuke, Midori với Shouta và Nobu. Tình cảm giữa các nhân vật thật ngây thơ, chân thành, trong sáng, thân thiết và bình đẳng khi họ còn thơ bé. Song khi dần tiến đến ngưỡng cửa trưởng thành, khi giữa họ nảy sinh một thứ tình cảm khác: tình cảm nam – nữ, thì bắt đầu từ đây, vẻ đẹp của tình bạn năm nào dần biến mất, hạnh phúc cũng theo đi, chỉ còn lại những đổ vỡ, mất mát và dự cảm đau thương khi nhìn về tương lai.
Cái giá của sự trưởng thành đối với người phụ nữ trong truyện ngắn Ichiyo thật sự rất đắt. Cái họ có thể giữ lại được có lẽ là nhan sắc, nhưng họ phải giã từ hạnh phúc của những tháng ngày vô ưu, tự tại. Chiyo không thể hồn nhiên vui vẻ bên người bạn thời thơ ấu, Oseki phải trở thành vợ, thành mẹ, Oriki sớm bước chân vào chốn bùn nhơ, Midori phải vấn tóc kiểu Shimada và chuẩn bị trở thành geisha như chị gái của mình. Nhưng không thể không lớn lên, họ lặng lẽ để lại một mùa thơ dại và miễn cưỡng bước vào ngưỡng cửa trưởng thành – nơi mất mát, bất hạnh đang chờ họ như đó chính là định mệnh của đời họ – những con người sinh ra để trở thành phụ nữ. Con đường hạnh phúc của các nhân vật nữ là gì? Đó là lấy được người chồng tốt, sinh được đứa con trai cho chồng. Hạnh phúc đó suy cho cùng, hoàn toàn thụ động, phụ thuộc và bị quyết định bởi nam giới.
Những Chiyo, Midori, Oseki hay Oriki là điển hình cho thân phận những người phụ nữ ở những hoàn cảnh, địa vị, chức phận khác nhau. Tình trạng thấp kém của họ trong các mối quan hệ không đồng đẳng lẫn đồng đẳng vì họ là nữ giới khiến cho phần lớn cuộc đời người phụ nữ là hành trình mang “thân phận” và tiến dần đến bi kịch. Dẫu trong giới hạn trải nghiệm sống của mình, Higuchi Ichiyo chỉ mới đề cập đến những thân phận nữ giới ở tầng lớp thấp, song nếu nhìn vào xã hội Nhật Bản trong các tác phẩm văn học khác và trong các nghiên cứu xã hội học về Nhật Bản, vẫn có thể thấy đó là thân phận chung của người phụ nữ Nhật Bản, những người mà Ruth Benedict đã gọi họ, (ít nhất là trong nửa phần đời đầu tiên của người phụ nữ), là “những bông hoa chỉ biết cúi đầu”.
Ý thức kháng cự và sự trỗi dậy
“Những bông hoa chỉ biết cúi đầu” ấy, không phải không có lúc ngẩng lên và cất tiếng nói của riêng mình trong các truyện ngắn của Ichiyo. Đêm mười ba được xem là một sự “đứt đoạn” mạnh mẽ và tiến bộ của bà trong đề tài về người phụ nữ cũng như cách bà xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong sáng tác của mình. Oseki là nhân vật nữ duy nhất trong 4 truyện ngắn nhận thức rõ nhất tình trạng tồi tệ của bản thân, do đó nàng cũng có sự kháng cự rõ ràng, mạnh mẽ nhất. Đau khổ trong tâm hồn đã chuyển hóa thành hành động phản kháng cụ thể. Các nhân vật nữ khác của Ichiyo trong tập truyện này đa số cảm nhận được nỗi đau khổ của mình, song họ chỉ vô thức chuyển hóa nỗi đau khổ đó ra bên ngoài thành những hành động, xúc cảm khó hiểu: họ tự oán trách mình và làm khổ những người yêu thương họ. Với Oseki, đây là một quyết định dũng cảm, mang tính bước ngoặt đối với đời nàng: nàng sẽ được trở về làm con gái nhà Saitou. Điều nàng chống lại, là thái độ gia trưởng của Isamu, và sâu xa hơn, là chống lại chế độ gia trưởng như là tàn dư của chế độ phong kiến thời Minh Trị. Oseki thực sự là nhân vật “nữ quyền nhất” trong thế giới nhân vật nữ của Higuchi Ichiyo.
Nàng quyết định ly hôn bằng cả lý lẽ của lý trí và sự mạnh mẽ trong tình cảm và tưởng như không gì có thể làm lay chuyển ý chí của nàng. Một quyết định đã được trù bị sau “trăm lần, ngàn lần suy đi nghĩ lại và khóc kiệt nước mắt” như vậy, đáng nhẽ ra phải được thực hiện một cách quyết liệt, song thực tế, nó được tiến hành một cách chậm rãi, rụt rè và rất âm thầm để rồi cuối cùng nàng quyết định trở về nhà chồng, tiếp tục làm “vợ Harada”, làm “mẹ Tarou” và vĩnh viễn xem như nàng đã chết.
Những phản ánh của Ichiyo về ý thức phản kháng và sự trỗi dậy của tư tưởng nữ quyền thông qua Oseki và Ohatsu là một tham chiếu đáng giá cho hiểu biết của chúng ta về phụ nữ thời Minh Trị. Dù rằng họ thất bại, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy người phụ nữ đã bất đầu thức nhận rõ ràng hơn về thân phận, ý thức được cần phải tự mình vùng thoát khỏi thân phận mang tên “nữ giới”. Đây hoàn toàn có thể được xem là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử nữ quyền, vì “sự thống trị của nam giới neo chắc vào vô thức của chúng ta đến mức ta không nhận thấy nó nữa và phù hợp với những trông đợi của chúng ta đến mức ta khó mà xét lại nó” (Pierre Bourdieu 2017).
Nhận xét về Higuchi Ichiyo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có viết: “Nàng viết cả thơ và truyện với một lối văn hầu như là cổ điển, không có dấu vết gì của ảnh hưởng Tây phương. Nhưng các nhân vật của nàng đã bắt đầu rất mới trong ý thức và cả trong tâm lý” (Higuchi Ichiyo 2016 : 8). Đó là những con người đã bắt đầu thức nhận thân phận cay đắng và xót xa khi là người phụ nữ. Sự thức nhận đã trở thành tiền đề cho những phản ứng mang tính bộc phát nhưng đáng khích lệ khi họ bắt đầu dám cất lên tiếng nói kháng cự, dám hành động để phản đối chế độ gia trưởng, phản đối tình trạng trọng nam khinh nữ cố hữu lâu nay. Điều kì lạ là Higuchi Ichiyo đã xây dựng và thể hiện những vấn đề xã hội mang tính phê phán, đấu tranh ấy bằng một lối viết mềm mại, tinh tế, nhẹ nhàng và đầy mỹ cảm. Truyện ngắn của bà, vì vậy vừa có thể đánh thức những truy vấn nhân sinh, lại vừa có thể khơi gợi nên những xúc cảm thẩm mỹ trong lòng người đọc từ thời Minh Trị đến cả hôm nay.