“Hễ sướng thì hét lên” là một tiểu thuyết tân tả thực của Trì Lợi, dùng nghệ thuật thấu thị các mẩu vụn vặt đời thường để phác họa lên chiều sâu suy tư về thân phận con người. Tác phẩm đoạt cúp Mao Đài dành cho giải Văn học Nhân Dân năm 2003.
Một nhan đề dễ gây hiểu nhầm.
Ra mắt lần đầu vào đầu năm 2003, “Hễ sướng thì hét lên” của Trì Lợi gây xôn xao dư luận vì tên gọi tưởng như quá “thô tục”. Trước những phản ứng khác nhau của độc giả và báo giới, tác giả bày tỏ “chỉ muốn lột tả tất cả về một người đàn ông”, một người đàn ông Trung Quốc lớn lên trong giai đoạn Cách mạng văn hóa và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới.
“Hễ sướng thì hét lên” thực chất là một câu cách ngôn được in trên vỏ bao diêm trong hành trang của những người lính Mỹ thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam những năm 1970.
Theo bách khoa toàn thư, “cách ngôn” là một khái niệm triết học, là một cách biểu lộ ngắn gọn của một quy tắc hoặc nguyên tắc đạo đức cơ bản, bất chấp việc phụ thuộc khách quan hay chủ quan vào triết lý của một người, thường mang tính giáo dục đồng thời thúc đẩy các hành động cụ thể.
Trì Lợi lý giải:
“Đó là một câu cách ngôn tràn đầy khí thế, là trạng thái tinh thần mà mọi bậc tu mi nam tử đều mong muốn. Cái đàn ông Trung Quốc cần chính là tinh thần này, nhân tính, tự do, kiên định, cách mạng, bi tráng.”
Mà cái trạng thái tinh thần đầy khí thế đó – nhân vật chính Biện Dung Đại của tiểu thuyết “Hễ sướng thì hét lên” hoàn toàn không có, vì anh ta tôn thờ sự im lặng.
Đọc thêm:
- Trường An loạn – Giễu nhại chuyện đời.
- Hảo nữ Trung Hoa – Cuốn hồi ký đẫm nước mắt.
- Thiên Táng – Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng.
- Người tình phu nhân sư trưởng – Sách viết ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới!
Câu chuyện về một người đàn ông tôn thờ sự im lặng.
Cuốn tiểu thuyết hơn 200 trang xây dựng trên một kết cấu độc lạ, từ phần “Mở đầu” tóm gọn 40 năm cuộc đời của Biện Dung Đại, về sau triển khai ra ba chương theo hướng quan hệ xã hội của anh ta: Một, với bố với quan hệ huyết thống với người phụ nữ đánh giày; Hai, với Hoàng Tân Lối với hôn nhân với con trai; Ba, với cơ quan với Uông Kỳ với thế giới bên ngoài.
Biện Dung Đại là một người đàn ông bất hạnh: không có mẹ, sống với người cha chuyên quyền gia trưởng, đèo bòng cô em gái bị bệnh thần kinh, nhất là cuộc hôn nhân xuất phát từ sự nhầm lẫn đã gây ra bao nỗi muộn phiền.
Từ nhỏ anh đã phải chịu đựng áp lực của người cha độc đoán nên hình thành thói quen luôn luôn lắng nghe, vâng lời và chịu trận. Năm 13 tuổi, trong một đêm bố đi công tác xa nhà, Biện Dung Đại đã đốt bỏng lòng bàn tay trái bằng cả một nắm nến đang cháy rực mà không hề kêu la, mặc cho cơn đau dữ dội. Từ lần đó, anh tìm được thứ vũ khí để đối mặt với tất cả những cười nhạo ức hiếp, bao gồm cả những trừng phạt bạo ngược của cha: dùng sự im lặng cao quý chống lại tất cả.
Anh nuốt ấm ức vào lòng, dồn sức cho công việc. Anh ta từng có lúc được tôn vinh như một hình ảnh mẫu mực của tấm gương có nhiều sáng kiến. Anh ta muốn chôn vùi nguồn nhựa sống khát khao để tỏ ra là một người đàn ông chân chính, biết kiểm soát mình. Cho tới một ngày, cơ quan giải thể, anh ta bị mất việc làm, về “một cục”.
Với cha, anh là đứa con bất hiếu, với vợ anh là kẻ vô dụng, với bạn bè anh nhận được sự thờ ơ, với công việc anh bị gạt ra ngoài. Bước qua sinh nhật 41, Biện Dung Đại trơ trọi là một kẻ thất nghiệp đáng thương hại – sau khi đã làm hết thảy mọi việc không thể chê trách theo quan niệm của xã hội.
Hình hài nguyên sinh của xã hội.
Biện Dung Đại có người cha xuất thân từ nông thôn nhưng đã cố gắng cả đời để con trai mình là người thành thị. Cha của Biện Dung Đại là tổ hợp mâu thuẫn của tự ti và tự tin, ông ta chê người thành thị nhưng lại bất chấp mọi cách để con trai mình lấy vợ thành thị, ông ta luôn tự cho mình là đúng với cái quyền tuyệt đối can dự vào cuộc sống của con trai, vì ông sinh nó ra và ông nuôi nó lớn.
Nhưng nói cho cùng thì, cha Biện cũng là một người đàn ông bất hạnh: vợ bỏ đi, một mình bươn trải nuôi hai con. Một người nông dân cố gắng bám trụ lại thành phố, làm việc trong cửa hàng sách nhưng không nhận được sự tôn trọng thật tâm từ đồng nghiệp, thường xuyên phải đi lấy cơm nước phục vụ họ, lại nhịn nhục để họ chê cười, đôi khi ông cũng có hành vi trả thù đầy xảo trá. Ông thắt lưng buộc bụng húp cháo loãng để nuôi con. Nhưng gần hết đời người ông cũng chỉ là một ông già nghèo khổ sống trong một căn hộ chật chội, u ám, hôi hám với người con gái không bình thường.
Nữ sĩ Trì Lợi đã đề cập đến khá nhiều số phận khác: nữ nhân viên vệ sinh vì mưu sinh mà sẵn sàng dụ dỗ đàn ông mua dâm; người phụ nữ đánh giày thật thà, cởi mở nhưng cũng vì hoàn cảnh mà phải làm giấy tờ giả; Biện Uyển Dung – một cô bé ngoan ngoãn dễ thương như búp bê nhưng bị cưỡng dâm từ năm 12 tuổi nên không bao giờ được ra ngoài nữa, cô bị nhốt đến ngốc, hoặc giả biến cố đầu đời đã làm cô không muốn tỉnh táo đối diện với cuộc đời nữa.
Thông qua thân phận của nhiều lớp người mà sự khốc liệt của hiện thực đã chạm vào mọi ngõ ngách, tác giả phần nào phơi bày xã hội Trung Quốc đương đại với hình hài nguyên sinh của nó.
Thân phận người đàn ông trong xã hội đương đại Trung Quốc.
Nhà văn đề cập đến một chủ đề khá mới mẻ – thân phận người đàn ông trong xã hội đương đại Trung Quốc – bằng một thứ ngôn ngữ gãy gọn xóc nảy đậm chất Trì Lợi và một thể loại gắn liền với tên tuổi của bà – tiểu thuyết tân hiện thực.
Biện Dung Đại, như bao người đàn ông Trung Quốc khác, sinh ra và lớn lên mang bên mình trọng trách mà gia đình và xã hội giao phó. Giao phó một cách hết sức tự nhiên, tự nhiên như việc anh ta sinh ra là một thằng đàn ông, mà đã một thằng đàn ông thì phải như này như nọ như lọ như chai thì mới đúng với bổn phận của một thằng đàn ông đối với gia đình và xã hội vậy.
Biện Dung Đại trở thành trí thức xã hội, dẫu không đủ điểm vào trường mà cha Biện mong muốn và nhận một trận đòn dữ, nhưng dù sao thì anh ta cũng là người trí thức tốt nghiệp đại học. Trí thức có vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội, được đào tạo cơ bản nên họ có trách nhiệm với nghề, tràn đầy nhiệt huyết dựng xây quê hương. Nhưng những ước vọng cao đẹp đó đa phần đều bị khinh khi khi đứng trước tiền và quyền, dẫn đến nhiều tổn thương, dằn vặt.
Biện Dung Đại đã bị xã hội xua đẩy ra ngoài rìa, dập tắt cả những khát vọng nhỏ bé, anh trở nên lầm lũi, lạc lõng giữa dòng đời tấp nập. Đó là một cuộc sống khó khăn, chán chường, mệt mỏi mà nếu cứ im lặng nhẫn nhịn thỏa hiệp thì càng dễ bị đào thải.
Đối với một người bị ép vào tình trạng luôn phải mang bộ mặt im lặng từ thuở bé như Biên Dung Đại, khi buồn không dám khóc, khi giận không dám tranh cãi, khi vui không dám cười, khi thích không dám nói, khi ước mơ không dám theo đuổi… luôn tự huyễn hoặc, tự ảo tưởng, tự ru mộng để chiều theo mọi người xung quanh, thì cái chí khí “hễ sướng thì hét lên” chưa bao giờ là cần thiết đến như thế!
Điều mà Biện Dung Đại nói riêng và đàn ông Trung Quốc nói chung cần chính là tinh thần này: nhân tính, tự do, kiên định, cách mạng, bi tráng.
Rốt cuộc, Biện Dung Đại cũng quyết định sẽ bỏ lại Biện Dung Đại của ngày xưa, để lên đường với một Biện Dung Đại hoàn toàn lột xác: Một Biện Dung Đại dám sống vì bản thân mình! Một Biện Dung Đại không nhịn nhục, không tự ti, không bó buộc, sẵn sàng hét lên để bộc lộ niềm vui sướng!
Hiểu thêm về tác giả Trì Lợi.
Trì Lợi sinh năm 1957 tại Hồ Bắc.
Thời thanh niên bà theo học ngành Y, từng là bác sĩ tại Phòng Y tế, huyện Vũ Cương, thành phố Vũ Hán.
Năm 1983, để hoàn thành giấc mộng văn chương từ thuở bé, bà quyết định bỏ ngành Y để thi vào lớp tại chức khoa Văn, Đại học Vũ Hán. Năm 1987, bà tốt nghiệp về làm biên tập viên cho Liên hiệp văn học thành phố Vũ Hán. Năm 1990, bà được điều sang Viện văn học Vũ Hán, theo đuổi con đường viết văn chuyên nghiệp. Năm 1995, bà nhậm chức Viện trưởng Viện văn học. Năm 2000, bà được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp văn học thành phố Vũ Hán.
Trì Lợi được đánh giá là nữ nhà văn xuất sắc của trào lưu Tân hiện thực Trung Quốc với bút lực dồi dào và giọng văn sắc sảo. Bà đã được trao hơn năm mươi giải thưởng văn học các loại, trong đó phải kể đến Giải thưởng văn học Lỗ Tấn.
Trì Lợi cũng là nhà văn hiếm hoi mà hầu hết các tiểu thuyết đều là best-seller từ suốt 20 năm nay ở đại lục, nhiều tác phẩm được dịch ra các thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, Nhật, Hàn… Một số tác phẩm của Trì Lợi còn được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và thu hút sự chú ý lớn từ công chúng và dư luận.