Bình minh mưa là tên truyện ngắn được đặt cho tập sách từng gây thương nhớ trong lòng nhiều thế hệ có cơ hội tiếp xúc với văn học Nga. Trong lần xuất bản gần đây, truyện được ghép với tuyển tập các bài phê bình của K.Paustovky để thành Bông hồng vàng và Bình minh mưa.
Giữa rừng cổ thụ mang tầm thế giới như làng văn học Nga, người ta vẫn không thể nào bỏ qua một góc nhỏ bình dị nơi đặt chân của Konstantin Georgiyevich Paustovsky (K.Paustovky). Ông vừa là nhà văn, nhà phê bình với phong cách viết riêng, rất dịu dàng, giàu chất thơ.
Bình minh mưa đưa người đọc lạc vào một thế giới quen mà lạ, một thế giới mà bóng tối, cái ác, sự xấu xa dường như cũng bị lu mờ đi trước vẻ đẹp trong sáng của nó. Thế giới ấy được ghép từ truyện ngắn mà mỗi câu chuyện như một bản hoà tấu được tạo nên bởi những thanh âm tốt đẹp nhất của cuộc đời.
Đó là những câu chuyện đơn giản gần như không có cốt truyện
Truyện ngắn của K.Paustovky hầu hết đều không có cốt truyện rõ ràng, không tuân theo nguyên tắc sáng tác truyện ngắn truyền thống với những kịch tính, cao trào căng thẳng. Người đọc được dẫn dắt bởi sự dễ thương, trong sáng của từng con chữ, cùng với sự hồn nhiên, chân thành, ấm áp của từng nhân vật. Mỗi tình huống truyện là một kết cấu được tạo thành bởi những phức cảm thuần thiện, tinh khôi nhất của tâm hồn.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa đại uý Kumin với người thiếu phụ – vợ của bạn mình, để sau đó, hai người chia tay nhau trong màn mưa sớm của bình minh mông lung như những cảm xúc trong lòng anh (Bình minh mưa). Hay đó là lần cô bé hái tình cờ gặp một nhà soạn nhạc nổi tiếng khi đi chơi trong rừng thông, nhiều năm sau, cô được nghe bản nhạc ông viết tặng mình như một món quà tri ân đặc biệt ( Lẵng quả thông). Hoặc cuộc gặp gỡ của cô gái Matxcova và người chiến sĩ bị thương chỉ qua một số điện thoại mà anh tình cờ nghe để rồi gieo vào lòng người những mong muốn về một kết thúc có hạnh phúc (Cầu vồng trắng)…. K.Paustovky dường như không tiếc dùng tất cả những mộng mơ để dệt nên những câu chuyện đẹp mông lung như mộng ảo nhưng giản dị, chân thật và thực tế đến không ngờ.
Nếu các “tình tiết” được nhiều nhà văn sử dụng đắt giá để tạo bước ngoặt trong truyện thì K.Paustovky lại dùng nó để ru hồn người đọc trôi theo những xúc cảm tinh tế dịu nhẹ, mà hẳn ai trong đời cũng từng một lần tình cờ chạm đến. Bởi vậy sẽ thật tuyệt vời nếu được nằm bên hiên nhà vào một ngày nắng nhẹ mùa thu, nhấm nháp một tách trà hoa hồng và dấn bước vào những bài thơ ẩn mình trong các truyện ngắn Bình minh mưa.
… Nhưng, dư âm để lại sau khi đọc khiến ta nghĩ về hương cà phê lưu mãi trên môi
Vì những khoảnh khắc tình yêu mà ai có lẽ cũng từng gặp trong đời
Đừng tưởng truyện ngắn không có cốt truyện. Ngược lại, khi không phải căng não để dõi theo những tình tiết gay cấn, bạn có thời gian chậm rãi đi dạo trong những trang văn đắm mình vào thiên nhiên nước Nga tươi đẹp, vào tâm hồn Nga giản dị, mộc mạc, chân thành có khả năng làm say lòng người. Người đọc làm sao có thể quên khoảnh khắc anh phi công Pasa đặt chân xuống lâm trường và cười rạng rỡ khi biết Masa – cô gái mình tha thiết gặp lại đang làm việc tại đây trong truyện ngắn Cây tường vi.
Làm sao có thể không xao xuyến, không hy vọng một ngày nào hoà bình, anh lính lại trở về ngôi nhà ấm áp của người cha quá cố, trong khu vườn đầy tuyết trắng mùa đông, và gặp lại người thiếu phụ đến ở nhờ đã khiến trái tim anh rung động ngay lần đầu gặp gỡ của trong đoản văn Tuyết.
Dư vị mà nhà văn để lại trong lòng người đọc được tạo nên bởi rất nhiều cuộc gặp gỡ tình cờ, nhiều trong số đó trở thành khoảnh khắc tình yêu mà ta mong rằng sẽ là vĩnh cửu. Những cuộc gặp gỡ tình cờ, những giây phút mà con tim đập lỡ nhịp nhưng không kịp nói ra đó vẫn thường diễn ra quanh ta, có lẽ ai cũng từng một lần nếm trải. Qua ngòi bút của K.Paustovky, những khoảnh khắc đẹp nao lòng ấy trở thành niềm yêu bất tận dành cho cuộc sống mến thương này, khiến tâm hồn người đọc như được gột rửa bởi dòng nước tinh khiết nhất của tình yêu, tình người để trở về với những thanh âm rung lên từ phần trong sáng nhất của tâm hồn.
Không chỉ những khoảnh khắc tình yêu làm ta xao xuyến, người đọc còn đắm mình trong những rung động như cất lên từ sâu trong tâm hồn của các nhân vật. Nhân vật của K.Paustovky thường được tạo hình bởi những cảm giác của họ về thế giới xung quanh. Pêtrốp ( Cầu vồng trắng) hay lắng nghe âm thanh của cây cỏ, của suối nước, và bị lôi cuốn bởi “giọng nữ cởi mở và trong trẻo”; cô bé Varusa ( Chiếc nhẫn thép) ngây thơ đón mùa xuân đến qua hơi ấm mà làn gió thổi vào tóc….
Dường như mỗi nhân vật của K.Paustovky đều để tâm hồn họ ở trạng thái trong trẻo nhất, để những tươi đẹp của đất trời, của tình người phản chiếu vào, rung lên những khúc ca êm đềm, sâu lắng. “Cảm giác chưa có tên gọi đích xác: cái cảm giác lòng ta se lại trước một tương lai chưa biết tõ, trước vẻ đẹp giản dị của đất nước với những dòng sông, những màn sương mù, những đêm sâu thăm thẳm và tiếng liễu rì rào bên sông” của cô gái trẻ Masa trên hành trình của mình ( Cây tường vi). Đó cũng có thể là thời khắc mà “tim Kuzmin se lại” khi chia tay người thiếu phụ trong màn mưa nhẹ lúc bình minh (Bình minh mưa), mà hoàn cảnh và không gian khiến cuộc chia tay này sẽ chỉ “trở thành một trong những kỉ niệm xót xa trong cả đời chàng và đời nàng?”. Để rồi, như dư vị của hương cà phê, những xúc cảm đó vương vấn mãi không tan trong lòng người đọc.
Đọc để thưởng thức vẻ đẹp ngôn ngữ bình dị nhưng có sức lan toả đến không ngờ, để được đi du lịch qua những vùng đất đẹp nao lòng của nước Nga xa xôi
Có không ít người đọc đi đọc lại Bình minh mưa, như kiểu đọc để thuộc lòng một bài thơ yêu thích bởi ngôn ngữ mà K.Paustovky sử dụng quá đỗi trong sáng, giản dị nhưng tiềm ẩn sức mạnh bằng sự cộng hợp của cả âm nhạc và hội hoạ. Đôi khi người đọc tưởng đang nghe một bài hát trữ tình, khi người lính (Bình nguyên tuyết phủ) bối rối trước tình yêu:
“Tại sao nắng chọc thủng những tràng mây ẩm ướt và bọt biển lại chói lọi như tuyết kia tung toé? Tại sao anh xà ích lại hát về người con gái đã đánh cắp trái tim anh mà không hề nói với anh một lời yêu thương? Tại sao những đồi xa vẫn vẳng lại tiếng ì ầm của rừng, còn những giọt mưa hiếm hoi lại nặng nề nện trên mui xe? Tại sao cầu vồng kia lại đổ nhào trên bình nguyên y như một cái cổng trên đường qua biên giới? Có tiếng rì rào nào ồn lên như thế? Chẳng lẽ có một con bọ rùa vàng vừa bay qua cửa sổ? Tại sao tay nàng run rẩy và môi nàng gặng nói? “Chàng là ai? Đáng lẽ không nên nói với em điều đó?”.
Qua những con chữ đơn giản, thiên nhiên, con người Nga hiện lên trong sáng, thân thiện và thật hiền hoà. Đó có thể là khu vườn đầy tuyết mùa đông nơi ngôi nhà cũ của cụ Pôtapốp, hay cảnh hai bên bờ sông với cánh đồng đầy sương bồng bềnh với con đường rực trong sắc tường vi đỏ:
“Những cây tường vi mọc cao lút thành một bức tường dựng đứng. Hoa tường vi nở còn ướt át, đỏ rực như những ngọn lửa đến nỗi những tia nắng nằm trên vùng lá bên những bông hoa tường vi cũng trở nên lạnh lẽo và nhợt nhạt.”
(Cây tường vi)
Hay cảnh con sông Volga chảy lững lờ trong đêm, những ngôi làng nhỏ, những thị trấn xa xôi thanh bình, lặng lẽ. Người đọc được đi du lịch qua những miền quê Nga xa xôi, không phải chỉ để thăm những danh thắng nổi tiếng nước Nga, mà xem một nhà hoạ sĩ ngôn từ đang lưu lại những cảnh đẹp phủ đầy nét mộc mạc, thanh khiết của đất trời với một tình yêu vô bờ bến dành cho những từng vùng đất cuả quê hương mình. Có lẽ phải mến yêu Tổ quốc thiết tha và chân thành thì nhà văn mới có thể viết lên những trang văn ngợi ca một cách tự nhiên mà nồng ấm như thế.