Thuộc lớp tác giả trẻ vẫn luôn canh cánh, day dứt về bản ngã con người, nhất là những người trẻ giữa cuộc đời ồn ã, trong không gian phố thị ngột ngạt, trong mối tương quan với “bên trong” – “bên ngoài” cùng việc tìm tòi, đổi mới bản thân trong mỗi sáng tác; tập truyện ngắn 2 người trong 1 ngăn tủ, dường như đã tái hiện trọn vẹn một Phát Dương như vậy ẩn sau tầng sâu con chữ. Những con chữ như cũng đè nén sự ngột ngạt của “một thế giới chật chội, giả tạo và không còn tương lai”, nơi mà người ta muốn tồn tại, ai cũng giấu kín cái “tôi” phía sau những lớp mặt nạ cầu kì rồi mải miết đến quên cả bản thân theo guồng quay cuộc sống vội vã.
Cảm thức về không gian phố thị ngột ngạt
Phần lớn các câu chuyện trong tập truyện ngắn 2 người trong 1 ngăn tủ được Phát Dương xây dựng qua bút pháp hiện thực huyền ảo, với những sáng tạo huyền thoại về tương lai loài người hàng ngàn năm sau hay những điều kì ảo xảy đến trong chính cuộc sống đời thực con người vẫn đang làm việc, sinh tồn mỗi ngày. Tuy nhiên, dẫu bao trùm lên trang viết lớp màn kì ảo sau vô vàn câu chuyện mang đậm sắc huyền thoại, dẫu Phát Dương đã tạo lập lên hàng loạt thế giới, vừa mang nét gần gũi với đời thực, vừa lạ lẫm trong sự sáng tạo văn chương của riêng tác giả, thì tới tận cùng, hiện hữu trên trang viết của mỗi truyện ngắn trong 2 người trong 1 ngăn tủ một cách đặc biệt rõ nét, chính là cảm thức cực kì dồn nén về không gian phố thị ngột ngạt như đang bóp nghẹt mỗi cá nhân, khiến người ta ngày một trở nên méo méo, vô hình vô dạng.
Không gian phố thị ấy hiện hữu một cách trực tiếp trong hai tiếng “thành phố”. Và hiện hình của “thành phố” trong các truyện ngắn ở tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ cũng hết sức đa hình đa dạng. “Thành phố” hiện hữu trong căn phòng làm việc chật hẹp, nơi người ta đang ngày ngày bào mòn sức lực vì một công việc. “Thành phố” hiện hữu trong căn phòng trọ chật hẹp, nơi người ta nhận ra, bản thân đang dần bị thay thế và chính mình, đang dần mục ruỗng, đang dần đánh mất “gương mặt”. “Thành phố” hiện hữu trong những phân xưởng, nơi người ta làm việc tới gần như bán mạng để rồi nhận về, chỉ là sự đào thải khi cơ thể đã kiệt quệ… “Thành phố mà, điền vào chỗ trống liên tục. Chỗ trống thì ít, người chờ được điền thì đông, dằng dặc xếp hàng.”
“Thành phố” xa xăm trong khắc khoải, khát khao của con người. “Thành phố” là không gian rộng nơi người ta làm tất cả để sinh tồn, để giữ một chỗ đứng, một vị trí như sự khẳng định cho việc con người ta đã “tồn tại”. Tuy nhiên, “thành phố” cũng là không gian hẹp của những cá nhân đang dần dần, bỏ lại sau lưng hết thảy quá khứ, kí ức, cảm xúc, bản ngã… để như hóa thân thành những bản sao tương tự nhau không chỉ trên khía cạnh ngoại hình mà còn trên khía cạnh hành động. Tất cả đều cắm cúi, đều vội vã, đều hối hả; tất cả, đều y hệt nhau.
Và “thành phố” còn là không gian viễn tưởng cho một tương lai, thế giới rất rất lâu về sau, khi người ta phải sống trong những chiếc lồng, khi người ta phải sống trong những căn phòng như những chiếc tủ chật chội. Trường liên tưởng của tác giả trẻ Phát Dương càng thêm mở rộng thì không gian phố thị trên trang viết của anh, lại càng như thu hẹp tới cực hạn.
Quả tình, cảm thức về không gian phố thị chật hẹp và ngột ngạt xuyên suốt qua từng truyện ngắn như trở thành cảm thức chủ đạo của cả tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ. Thứ cảm thức không khỏi khiến người đọc cảm thấy nhức nhối. Không thể vượt thoát, không thể phá bỏ, hiểu hết thảy mà chẳng thể đủ dũng khí mà tiến ra khỏi “thành phố”. Nhức nhối tới xót xa. Nhức nhối đến bất lực.
Bởi “ráng ở lại thành phố, nha con!”, cũng như đã trở thành tâm nguyện, niềm ao ước mang tính truyền đời vậy.
“Bên trong” và “bên ngoài”
Với cảm thức mãnh liệt về không gian phố thị ngột ngạt, chật hẹp, có thể nói, trong tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ, tác giả Phát Dương đã đặc biệt chú trọng vào khía cạnh khắc họa lên vùng “nội vi” ở từng truyện ngắn. Khoảng không “bên trong”, trước hết chính là không gian phố thị, con người Ở trong thành phố. Người ta “ở trong”, tách biệt với “ngoài kia” và bản thân con người đã như hòa làm một với “bên trong” phố thị đến nỗi người ta chẳng buồn đặt ra nghi vấn về vùng “ngoại vi”, đến nỗi người ta không còn muốn bước chân ra “bên ngoài”, đến nỗi người ta như muốn cắt đứt mọi mối liên hệ với “ngoài kia” để được hoàn toàn trở thành một phần của cộng đồng “ở trong”.
Cũng như vậy, “bên trong” còn thu hẹp về khu vực những căn phòng người ta làm việc, sinh hoạt và hơn nữa, là vùng nội tâm, ẩn ức con người vẫn luôn tránh né nhìn sâu tới tận cùng cái tôi bản thân mà người ta đã muốn quên lãng. Khoảng không “bên trong” đấy thuộc về những gì riêng tư nhất, tựa vùng Tàn tích hố đen thăm thẳm người ta đã gửi về đó những gì mang dáng hình quá khứ mà người ta chẳng còn muốn nhớ về. Nhưng dù có muốn lãng quên hay không còn muốn nhớ tới, thì khoảng không “bên trong” kia vẫn luôn tồn tại, ở đó vì đấy, là một phần tạo tác lên cái tôi bản thể con người. Dù người ta có thoát li cái tôi bản ngã thì tới một thời điểm, người ta vẫn phải đi vào “bên trong”, đối diện với chính mình, cái “bản thể” người ta đã muốn rời bỏ ấy.
Đối lập với vùng “nội vi” là vùng “ngoại vi” đầy rộng mở. “Bên trong” phố thị ngột ngạt, “bên ngoài” phố thị rộng lớn với những hiện hữu chân thực và cả những hiện hữu người ta không hề hay biết. Vì ai biết, đằng sau lớp trần có những con Cá voi và cam kia, là vũ trụ bao la thế nào. Vì ai biết, một người phải rời khỏi ngăn tủ khi có người thứ ba xuất hiện, thế giới ngoài chiếc tủ khổng lồ có chốn cho người đó nương thân hay không. Vì cũng ai biết, ở “bên trong” quá lâu, lãng quên bản ngã, thu mình vào một vùng an toàn, tiện nghi, khi bước ra “bên ngoài”, người ta sẽ phải đối diện trước bao điều xa lạ, mà thứ xa lạ trước hết, là chính bản thân họ.
Cũng có khi, “bên trong” – thành phố, “bên ngoài” – thế giới ngoài thành phố đảo chiều trong truyện ngắn Phát Dương sáng tác. Ấy là khi, anh tạo dựng lên vùng không gian núi rừng biệt lập, những Khách sạn trên lưng mèo cô lập con người với thế giới “ngoài kia” và thành phố, trở thành một hiện hình xa ngái của khoảng không “bên ngoài” vô định.
Thật sự, với sự phức tạp trong việc đan cài, chồng chéo hàng loạt khoảng không “bên trong” – “bên ngoài”, Phát Dương đã tạo nên tính phức điệu và cả tính liên kết cho những câu chuyện ngắn gần như mang nội dung độc lập trong tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ.
“Không có quy định nào cấm người trong thành phố ra thăm người nhà bên ngoài. Nhưng, không có cuộc viếng thăm nào cả. Chỉ có bên ngoài tha thiết gặp. Cũng chẳng ai cấm người bên trong dọn ra. Họ chỉ cấm người bên ngoài.”
Tuy nhiên, những người sống ở “bên trong”, liệu còn đủ dũng khí hay một khắc lắng lại, để nhớ về “cái tôi” chính mình đã đánh mất mà nảy sinh niềm khao khát ngỡ chừng đầy giản đơn rằng, bước chân ra “bên ngoài”, ngắm nhìn thế giới.
“Mặt nạ cuộc đời” và một thế giới “không còn tương lai”?
Cùng với cảm thức phố thị, nỗi day dứt về “mặt nạ cuộc đời” cũng là thứ ấn tượng đầy nhức nhối mà tác giả Phát Dương đưa đến cho độc giả qua tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ. Chừng như, bất cứ cá nhân nào anh xây dựng, đều dày công khoác lên gương mặt hàng loạt Mặt nạ khác nhau nhằm che giấu đi bản thể với những cảm xúc chân thực nhất. Người ta vứt bỏ cái tôi để hòa nhập vào cộng đồng. Người ta giấu kín bản ngã để làm hài lòng những cá thể trong cộng đồng. Theo guồng quay cuộc sống, Mọt dần ăn mòn gương mặt cá nhân và biến từng cá thể, thành những bản sao Nhân bản, ai cũng như ai, tự ti, dối trá, hèn nhát và “giả tạo.”
“Trên phố tràn ngập những nụ cười. Ai cũng cười, vui vẻ, rạng rỡ, hạnh phúc. Nhưng nào có ai biết dưới lớp mặt nạ đó có bao nhiêu nụ cười thật sự tồn tại.”
Lí thuyết kịch được tác giả sử dụng triệt để trong mỗi truyện ngắn, từ đó, Phát Dương đã biến những không gian phố thị, và rộng hơn là hàng loạt thế giới văn chương anh xây dựng như thành những “sân khấu khổng lồ, nơi ai cũng đang cố diễn cho tròn vai vui vẻ để nhận “cát-xê.”
Nhưng cuối cùng, những thế giới “vô nghĩa lí”, bức bối và luôn chông chênh, chao đảo trong bờ vực sụp đổ đó có thật sự “không có tương lai” không?
Đành rằng, mỗi tác phẩm trong tập truyện 2 người trong 1 ngăn tủ đều chứa đựng những cảm thức ngột ngạt rất chung về những “thành phố” chật chội và con người chỉ mãi mải miết trốn chạy sau lớp “mặt nạ” kì công.
Tuy nhiên, tới tận cùng, có lẽ 2 người trong 1 ngăn tủ không phải tác phẩm được tạo tác lên từ sự bi quan cùng cực đến mức nhìn nhận thế giới “không có tương lai” của tác giả. Bởi sau hết thảy, người ta vẫn tỉnh thức mà hoảng loạn, mà sợ hãi, mà day dứt và họ đã có thời khắc trở lại, trở lại soi chiếu bản thân, trở về với cái tôi họ đã bỏ bẵng phía sau. Và khi chiếc đồng hồ cát cuộc đời con người vẫn luôn chảy những lớp cát xuôi đầy vô tình thì sự tỉnh thức nào, dẫu muộn màng, hẳn cũng là điều đáng trân trọng.
*Đọc thêm: 100 cửa sổ mở ra thế giới nhiệm màu của trẻ thơ
Mọt Mọt