Rồi sẽ tới ngày, robot thay con người đảm nhiệm mọi vị trí trong quá trình sản xuất? Rồi sẽ tới ngày, con người phải nhường chỗ cho robot bởi những tính năng tối ưu về sức lao động của robot vượt xa con người? Hay sẽ đến một ngày, robot thay con người điều hành xã hội và bản thân con người lại tự hoạt động giống với những robot được lập trình? Những vấn đề đó, từ lâu đã trở thành câu hỏi nhức nhối khi các cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ diễn ra vào thời hiện đại. Để rồi lần nữa, ta bắt gặp vấn đề đó trên trang viết của tác giả Higashino Keigo, trong tác phẩm thuộc thời kỳ sáng tác đầu của ông: Trái tim của Brutus.
“Chạy tiếp sức”
Đây vốn là một khái niệm dùng trong bộ môn điền kinh khi các thành viên trong một đội điền kinh thay phiên nhau hoàn thành các phần của đường đua và lần lượt truyền tay nhau một cây gậy cho tới khi người chạy cuối cùng về đích. Và thuật ngữ này đã nhanh chóng được mở rộng, sử dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống. Thậm chí, thuật ngữ đó còn trở thành cái tên khái quát lên toàn bộ kế hoạch giết người gần như hoàn hảo được nêu ra ngay ở những chương đầu của cuốn tiểu thuyết Trái tim của Brutus.
Ba người đàn ông, ba cá tính gần như trái ngược, làm việc tại những vị trí khác nhau trong Công ty công nghiệp nặng MM. Cả ba bình thường gần như không có sự tương tác qua lại nhưng cuối cùng họ lại ngồi với nhau, cùng thống nhất một kế hoạch giết người khi ba người có chung một mục tiêu: người phụ nữ Amamiya Yasuko và cái thai trong bụng cô ta. Kế hoạch đó được xây dựng như một cuộc “chạy tiếp sức” với từng chặng đường mà ba người đàn ông sẽ đóng vai trò là vận động viên vận chuyển cây gậy – cái xác của Yasuko trên mỗi chặng đường đấy.
Tuy nhiên, kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo đó đã đi chệch hướng hoàn toàn theo quỹ đạo ban đầu họ tính toán khi kẻ chủ mưu, cũng là người tập hợp cả ba – Nishina Naoki, bị giết chết một cách bí ẩn. Cuộc “chạy tiếp sức” ngỡ rằng vậy mà bị gián đoạn. Nhưng không, nó vẫn diễn ra, bởi hai người còn lại: Suenaga Takuya và Hashimoto Atsushi vẫn tiếp tục tiến hành các bước đã vạch ra ban đầu. Sự đổ bể kế hoạch giết người của ba người đàn ông, việc hai người còn lại vẫn tiếp tục đường chạy tiếp sức ban đầu đã đẩy chính tình tiết cốt truyện Trái tim của Brutus như trở thành một đường chạy tiếp sức dài giữa các nhân vật với nhau: Suenaga Takuya – hung thủ thật sự sát hại Nishina Naoki – nhóm cảnh sát điều tra vụ án đứng đầu là thanh tra Sayama Souichi. Trên đường chạy của mình, Takuya vừa phải tìm kẻ mang “chữ D” bí ẩn, vừa phải giải quyết mối hậu họa tiềm tàng mang tên Yasuko, vừa phải đối phó với những màn hỏi cung của cảnh sát, vừa phải tiếp tục thực hiện “Japanese Dream” của anh ta. Với hung thủ thật sự, hắn vừa phải che giấu hành tung, cũng vừa phải liên tục quan sát hành động của những bên liên quan. Còn với cảnh sát, họ là những người thể hiện rõ nhất chặng đường chạy tiếp sức trên hành trình truy tìm chân lý, đưa ra ánh sáng toàn bộ bí ẩn của những vụ án mạng liên tiếp diễn ra.
Tất cả, tạo lên hình thức truyện lồng truyện, án lồng án và cả cuốn sách như một đường chạy tiếp sức rộng lớn, nơi các nhân vật truyền tay cây gậy mang tên bí ẩn của sự thật. Có người đi được tới cái đích cuối cùng, có người lại chỉ có thể tiến được tới nửa chừng mà phải dừng chân. Nhưng thứ đợi chờ những con người đó đến cùng vẫn chẳng phải vinh quang, chẳng phải hoa hồng, cũng chẳng có vòng nguyệt quế mà chỉ là bi kịch diệt vong. Bí ẩn nối tiếp bí ẩn, các góc khuất từ quá khứ kéo dài đến hiện tại chỉ mang lại đau thương cho con người. Và tình yêu hay một mối quan hệ được tạo dựng từ sự kiêu ngạo, ích kỷ, vụ lợi… sẽ chỉ khiến con người ta đường cùng tuyệt diệt cùng thương tổn cho người ở lại mà thôi.
Trái tim của Brutus hay trái tim của một con người.
Brutus, tên con robot Takuya sáng tạo ra. Nó chưa được đưa vào sử dụng chính thức, mới đang trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện. Và Brutus cũng chỉ được nhắc tới thoáng qua trong tác phẩm, Vậy nhưng, một nhân vật tưởng chừng mờ nhạt, xuất hiện thoáng qua lại trở thành tựa đề cuốn tiểu thuyết hơn 300 trang. Câu hỏi đặt ra, vậy vì đâu Higashino Keigo lại quyết định như thế. Và việc ông nhắc tới “trái tim” với một sinh vật vô tri vốn hoạt dựa trên những lệnh được lập trình sẵn như Brutus liệu có phải là khập khiễng?
Sự thật điều này không hề mâu thuẫn hay xa rời nội dung cốt truyện mà trái ngược, lại gắn bó cực kì mật thiết với những gì Keigo tiên sinh thể hiện trên trang sách. Trái tim của Brutus, cũng là câu trần thuật đầy ẩn ý, vừa mang nghĩa cảm thán, vừa mang nghĩa nghi vấn của Munakata với Takuya: “Chúng vẫn chỉ là những khối thép. […] Ngay cả nó cũng chỉ như thế thôi. Không có trái tim.” Đồng thời, đó cũng là câu trả lời mang tính khẳng định của Takuya trước câu nói trên: “Cần gì phải có trái tim!”
Robot không có trái tim, chỉ hoạt động theo lệnh được lập trình. Nó không có cảm xúc, không có hỉ nộ ái ố, không biết than vãn hay mệt mỏi. Và với Takuya, một cỗ máy thiếu đi thất tình lục dục sẽ không bao giờ biết phản bội. Nhưng có thật vậy chăng? Cỗ máy ấy, bởi không có lý tính mà tùy vào tay người sử dụng, nó có thể là công cụ lao động hoặc cũng có thể là công cụ giết người. Trái tim của Brutus, lòng trung của robot nằm ở đâu khi chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thao tác, một lỗi nhỏ phía lập trình hay chỉ cần sang tên đổi chủ, hậu họa cũng có thể khôn lường. Con người trao cho robot sự hoàn hảo trong từng chuyển động, sức lao động vượt trội nhưng lại chẳng thể trao cho chúng một trái tim ấm nồng đập vì hai tiếng yêu thương dầu có là dạng robot tối tân nhất.
Từ đó, vấn đề tiếp tục được mở rộng khi câu chuyện “trái tim” không còn dừng lại ở những đối tượng vô tri mà đã hướng tới chính con người, những kẻ dùng trí tuệ, thậm chí là cả tình cảm để tạo nên từng con robot, đặt tên cho chúng. Những kẻ đấy bên ngực trái vẫn vang lên nhịp đập con tim song con tim đó có được làm từ máu nóng hay nó đã chai lỳ thành đá, thành sắt thép trước sự ích kỷ vụ lợi, trước guồng quay số phận, thời cuộc?
Một chàng trai sinh ra, trưởng thành trong bạo hành, gồng mình lên, tự biến bản thân thành một cỗ máy để tìm chỗ đứng trong xã hội. Một phó tổng giám đốc mà cuộc sống tài, tiền, địa vị gần như đều ở mức viên mãn nhưng luôn khao khát có một người con trai “nối dõi”. Những cảnh sát, phải liên tục tiếp xúc với các vụ án lớn nhỏ không khỏi khiến họ dần rơi vào lối mòn tư duy mà dễ dàng rơi vào những cái bẫy hung thủ giăng ra nhằm làm rối loạn cuộc điều tra.
Đặc biệt, đó là những công nhân ngày ngày làm việc với robot, tới phân nửa thời gian một ngày gắn liền với dầu máy như đã đánh mất đi không chỉ là bản năng xác thịt cơ bản nhất của một con người mà còn như đánh mất đi cảm xúc. Họ dần hóa mình thành một cỗ máy trong một hệ thống lạnh lẽo thiếu hơi người, vắng tình người. Những con người ấy không khỏi khiến ta liên tưởng tới người công nhân trong bộ phim Thời đại tân kỳ công chiếu vào năm 1936 của vua hề Charlie Chaplin, cũng bị máy móc hóa trong thời đại công nghiệp hóa. Chỉ là, bi kịch của người công nhân trong Trái tim của Brutus, trong thời đại robot lên ngôi, còn nghiệt ngã hơn Thời đại tân kỳ nữa.
Vốn xuất thân là một kỹ sư có bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, có lẽ, hơn ai hết, tác giả Higashino Keigo là người hiểu rõ sự tác động của thời đại công nghệ, của ngành công nghiệp nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng robot tới đời sống con người nói chung, người công nhân nói riêng. Chẳng vậy mà vấn đề Keigo tiên sinh đặt ra trong tác phẩm của ông lại càng thêm phần day dứt. Trái tim của Brutus hay trái tim của con người? Robot Brutus đấy hay chính con người đang dần trở thành những con robot vô tri vô giác mất đi trái tim rồi dần dần chìm sâu vào màn “đêm trắng” chẳng thấy ngày mai.
Những kiếp người lần hồi đi vào màn “đêm trắng”
Nếu là fan của Higashino Keigo hay đơn thuần chỉ là nghe danh của ông, hẳn chẳng ai là không biết tới hai tác phẩm như làm nên tên tuổi Keigo tiên sinh: Phía sau nghi can X và Bạch dạ hành. Đặc biệt là Bạch dạ hành, cuốn tiểu thuyết ra đời vào năm 1999 đó thực sự gây ám ảnh với độc giả với hình ảnh “đêm trắng” bao trùm lên hai nhân vật Ryoji – Yukiho cùng khát vọng được “bước đi dưới ánh mặt trời của hai con người đấy.
Vậy nhưng, ngay từ cuốn tiểu thuyết Trái tim của Brutus viết trước đó 10 năm, hình ảnh “đêm trắng” cùng “ánh mặt trời” đã manh nha xuất hiện. Đó là nguyện ước của Yasuko, là ý nghĩ thoáng qua của Takuya, và có lẽ, cả biết bao cá nhân khác trong tác phẩm. Như Hoshiko vẫn luôn trái tính trái nết như chỉ muốn khẳng định cái tôi dưới ánh sáng. Như Naoki, đến cuối cùng hẳn anh vẫn muốn đứng dưới vầng dương, được làm chính mình sau nỗi hận thù với người cha ruột. Hoặc như những người công nhân liên tục phải “trải qua những đêm dài chỉ có 30 con robot vô cảm bầu bạn”, khát vọng lớn nhất của họ, có lẽ chỉ là thoát khỏi bóng đêm lạnh lẽo để trở về với ánh sáng mặt trời, tái hòa nhập với cuộc sống ấm áp mang hơi thở sự sống mà thôi.
Nhưng những con người đó, càng vẫy vùng lại như càng chìm sâu thêm xuống màn “đêm trắng” đặc quánh: “Ánh sáng màu trắng vụt qua trước mắt Takuya rồi biến mất.” Bởi vậy, có thể nói chăng, sau những khía cạnh về nội dung, cốt truyện, tình tiết, xây dựng nhân vật, yếu tố trinh thám quyện hòa cùng yếu tố đời sống xã hội… làm nên nét đặc sắc riêng cho tiểu thuyết Trái tim của Brutus, sáng tác này cũng như viên gạch đặt nền cho thành công của Bạch dạ hành sau này trong việc khắc họa lên các kiếp đời, lần hồi đi vào “đêm trắng.”