Táo bạo và dịu dàng. Nỗi đau và tình yêu. Chấn thương và chữa lành. Với tuyển tập “Time is a mother”, Ocean Vuong đã không đợi cơn mưa ngớt mà chọn khiêu vũ dưới cơn mưa, cảm nhận mọi xúc cảm một cách mãnh liệt và trọn vẹn nhất, bằng những áng thơ trong sự khám phá của bậc thầy ngôn từ.
“Time is a mother” ra mắt độc giả năm 2022, là tập thơ mới nhất của Ocean Vuong sau khi đã ghi dấu ấn rực rỡ và được giới phê bình đánh giá cao qua tập thơ “Night sky with exit wounds” năm 2016 và tiểu thuyết “On earth we’re briefly gorgeous” năm 2019.
Đọc thêm review tác phẩm của Ocean Vuong:
- Night Sky with Exit Wounds – Thoát kén hóa đẹp xinh!
- Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – Từ những bóng ma lượn lờ giữa giấc mơ Mỹ?
Táo bạo và dịu dàng.
Trả lời Vietcetera., Ocean Vuong đã có lý giải khá thú vị về tựa đề “Time is a mother”:
“Ở Mỹ, nhiều người không muốn nói trắng từ “motherfucker”, nên họ thường dừng ở chữ “mother”. Ví dụ thay vì “Time is a motherfucker” thì họ nói “Time is a mother”. Đây là một cách nói tránh để thể hiện sự phản kháng. Nó hàm ý sự mệt mỏi, như thể ai đó đã bị đánh bại. Theo mình biết thì người Việt mình cũng có cách cảm thán tương tự, như chỉ dùng một từ “đ*” chẳng hạn.
Và trong tiếng Anh, người ta thường ví von thời gian như một người đàn ông. Father time stops for no one (Thời gian chẳng chờ đợi ai). Trong khi thực ra, thời gian là một người mẹ hơn là một người cha. Thời gian, với khả năng giữ trong lòng nó mọi thứ đang diễn ra ở đây lúc này, thật sự là một người mẹ. Vì vậy tựa đề này có thể hiểu theo 2 nghĩa.”
Nếu không có sự chủ động phân tích hàm ý tựa đề của tác giả, đoan chắc rằng đa phần độc giả đến với “Time is a mother” sẽ chỉ tiếp cận khía cạnh dịu dàng thôi, nhất là khi biết được thông tin người sinh ra anh đã ra đi mãi mãi. Với sự khám phá ranh giới mong manh giữa thanh và tục ngay từ tựa đề, Ocean Vuong như muốn thoát vòng, muốn phá cách.
Hành trình tìm kiếm sự sống sau dư chấn của cái chết.
Rose, mẹ của Ocean Vuong, đã qua đời vào tháng 11 năm 2019 vì ung thư vú. Ocean Vuong đã viết “Time is a mother” khi đang để tang mẹ, đó cũng là quãng thời gian cả thế giới đang chìm đắm trong sự tàn phá bởi đại dịch Covid–19. Tác phẩm, vì thế, được tác giả xem là hành trình tìm kiếm sự sống sau dư chấn của cái chết. Và “Dear Rose”, có lẽ là xương sống của toàn bộ cuốn sách.
“Let me begin again now
that you’re gone Ma
if you’re reading this then you survived
your life into this one if
you’re reading this…”
(Trích bài thơ “Dear Rose”)
“Time is a mother” là tuyển tập gồm 28 bài thơ, khơi gợi 28 không gian, khám phá và diễn giải nhiều chiều kích của sự vắng mặt vĩnh viễn và sự hiện diện liên tục, trong tư cách cá nhân và cộng đồng. Dù rằng những nỗi ám ảnh trong sáng tác của Ocean Vuong về chiến tranh, tị nạn, đồng tính, tình yêu, nỗi đau, cái chết… là hoàn toàn không mới, nhưng mỗi lần xuất hiện chúng lại mang một nguồn năng lượng khác biệt nhờ sự sáng tạo không ngừng trong hình thức và cách chơi đùa ngôn từ của tác giả.
“Oh no. The sadness is intensifying. How rude.
Hey [knocks on my skull], can you get me out of here?”
(Trích bài thơ “Beautiful short loser”)
Làm thế nào để có thể viết về nỗi buồn mà vẫn hàm chứa được sự hài hước? Đó là điều Ocean Vuong đã làm. Đây là một cuộc đàm thoại của chủ thể trữ tình và giọng nói bên trong của chính mình. Buồn đau, bất lực, hài hước, và tự chế giễu. Hành động được bọc trong ngoặc vuông hướng dẫn và mở ra trí tưởng tượng của người đọc thay vì chỉ nói “I knock on my kull”, dành một khoảng dừng trong tường thuật cho hành động. Tạo cảm giác không hề đơn điệu, sinh động và sáng tạo.
“toy boat
toy leaf dropped
from a toy tree
waiting
waiting
as if the sp-
arrows
thinning above you
are not
already pierced
by their own names”
(Trích bài thơ “Toy boat”)
Ocean Vuong bắt đầu “Toy boat” với lời đề tặng “For Tamir Rice”, để tiếc thương cậu bé da đen 12 tuổi đang chơi với một khẩu súng đồ chơi thì bị một người cảnh sát da trắng bắn chết, sự việc đã diễn ra vào tháng 11/2014 ở bang Ohio, Mỹ. “Toy boat” lấy hình ảnh đồ chơi là thuyền thay vì súng, phản ánh sự trớ trêu tàn nhẫn và đòi hỏi một góc nhìn nghiêm túc đầy tang thương.
“Enough. Time is a mother. Lest we forget, a morgue is also a community center. In my language, the one I recall now only by closing my eyes, the word for love is Yêu. And the word for weakness is Yếu. How you say what you mean changes what you say. Some call this prayer. I call it watch your mouth. When they zipped my mother in a body bag I whispered: Rose, get out of there. Your plants are dying. Enough is enough…”
(Trích bài thơ “Not even”)
Love là “yêu” và weakness là sự “yếu” đuối. Nỗi đau là sự diễn dịch cuối cùng của tình yêu. Cái chết cướp đi người thương yêu, chỉ còn nỗi đau ở lại, và khi nhận ra rằng dẫu người không còn nhưng tình yêu ấy là bất diệt, thì nỗi đau sẽ dai dẳng cho đến phút cuối đời. Tiếng Việt trở thành một chất liệu quý giá trong thơ của Ocean Vuong, như anh từng chia sẻ: “Với mình, nếu không có tiếng Việt, thì mình không có tiếng.” Dõi theo hành trình sáng tạo của Ocean sẽ không khó để nhận ra sự chăm sóc, bảo vệ và tôn trọng cái rễ Việt Nam của nhà thơ người Mỹ gốc Việt này.
Những bài thơ trong “Time is a mother” tranh luận triệt để rằng thế hệ sau của cộng đồng nhập cư trong những trải nghiệm độc đáo và không hoàn hảo, là người Mỹ và tiếp nhận văn hóa của cha mẹ, có thể cho phép bản thân trở thành một gốc rễ ổn định và sinh sản cho tương lai. Ranh giới giữa cuộc đời và nghệ thuật của Ocean Vuong quấn lấy nhau, anh sáng tạo để bảo tồn gốc rễ, trước mọi điều hướng dẫn sự ngược lại.
“… Pink Rose Hồng Mom
are you reading this dear
reader are you my mom yet
I cannot find her without you …”
(Trích bài thơ “Dear Rose”)
Bằng cách nói chuyện với mẹ trong “Dear Rose”, Ocean Vuong giao tiếp với người đọc, và người đọc trở thành cầu nối, một mối liên kết trong không gian và thời gian được hình thành, nơi mẹ thân yêu của anh hiện diện mãi mãi.
Tác phẩm đáng tự hào nhất của Ocean Vuong.
Ocean Vuong gọi “Time is a mother” là cuốn sách đáng tự hào nhất của bản thân, vì anh đã không thỏa hiệp với bất cứ điều gì. Lý do của bước ngoặt này là gì? Vì mẹ anh đã mất rồi.
Lúc mẹ còn sống, anh viết là vì mẹ. Anh thường đắn đo sau trước. Thậm chí, khi đã xong tất cả và chuẩn bị xuất bản, anh từng có cảm xúc muốn bỏ hết và viết lại từ đầu, vì cảm thấy chưa đủ tốt. Anh ví cuốn sách đầu tiên giống như cậu học trò ngoan, đứng trong vòng an toàn và đang cố chứng tỏ mình xứng đáng.
Nhưng mẹ anh đã mất rồi. Sau nỗi mất mát lớn lao nhất đời ấy, anh không quan tâm và anh nghĩ anh không cần quan tâm đến việc người khác nghĩ gì. Không cần cố gắng làm vui lòng một ai hay cố chứng tỏ mình xứng đáng với điều gì. Ocean Vuong trở về với chính mình, được là chính mình, tâm hồn anh khai phóng và tự do, tò mò và tham vọng, đầy dũng cảm đối diện với nỗi đau.
Anh viết và chạm đến tận cùng của sự viết. Đó là cách “Time is a mother” ra đời.