“Hoàn cảnh”, hai chữ định hình cuộc sống con người, vì hoàn cảnh mà đôi khi chẳng có lựa chọn nào khác. Với “Người tình”, Marguerite Duras đưa người đọc cảm nhận rõ thế nào là sức ảnh hưởng của “hoàn cảnh” đối với cuộc đời của mỗi người, cụ thể là một cô gái mới mười lăm tuổi. Vì cuộc sống xa xứ nghèo khổ, vì những ám ảnh của bà mẹ và của người tình, chính nhân vật trong truyện – tác giả, đã đi qua quá nhiều nấc thăng trầm so với cuộc sống của một cô gái đương tuổi thiếu niên.
b93b7aeb75b2ef4401fa4533b49546bd.js”>
Cuộc sống ám ảnh của Duras ở Sa Đéc (Vĩnh Long) cùng với gia đình của mình
Khi con người rời xa quê hương, họ ít nhiều đều cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Duras không còn cha ở bên cạnh, ông chọn trở về Pháp để ra đi. Ở lại Việt Nam cùng với mẹ và hai anh trai của mình, tuổi thơ của cô hiện lên ngột ngạt qua từng con chữ. Vì nghèo khổ, vì cô đơn, mẹ của Duras luôn đặt cô vào khuôn khổ bà sắp xếp sẵn. Qua những tự sự của nhà văn, bạn đọc cảm nhận sự dồn nén của nhân vật – con người khi mất tự do thường sẽ vẫy vùng. Cái nghèo đói đã làm mẹ Duras và cả cô ấy mệt mỏi, không chỉ có thế, trong cô còn là sự hỗn tạp của những cảm xúc như thù ghét hay xót thương người mẹ làm nghề giáo.
Những người mẹ, bằng một cách nào đó, họ luôn dành sự ưu tiên cho con trai cả. Đây là lối mòn suy nghĩ từ Đông sang Tây của các bà mẹ, điều này làm Duras và anh kế của cô đau khổ, vì người anh cả chỉ mang lại nợ nần và giả tạo. Theo lời nhà văn, giữa cái nóng hừng hực ở xứ miền Tây sông nước xa lạ chốn Đông Dương, sự đói khổ nhưng luôn tỏ ra thanh cao một cách đáng thương của người mẹ, cùng với sự áp đặt nặng nề khi bà gạt phăng giấc mơ viết lách của con bé, đã làm những trang đầu quyển sách ngập trong sự mỏi mệt, bức bối và giằng xé của người con gái.
Người tình xuất hiện
Trên một con phà đang sang sông vào một ngày nắng nóng, người tình của nữ nhà văn xuất hiện cùng với một chiếc limousine đen sang trọng và người tài xế mặc đồ trắng. Khác với ngôi thứ nhất khi tác giả xưng hô để kể về mẹ và chính mình, những câu chuyện về người đàn ông Trung Hoa này luôn được kể lại bằng ngôi thứ ba. Duras gọi bản thân là “cô” và người đàn ông kia là “anh”.
Những trang truyện về cuộc tình này luôn có gì đó ngăn trở, dù tác giả chẳng nói về bản thân mình là bao. Duras nói cô yêu tiền của “anh”, nhưng trong lòng người thiếu nữ mới lớn lại có nhiều điều giằng xé, một thứ cảm xúc mới lạ chớm nở trong tâm hồn khô cằn của cô. Cảm xúc ấy mạnh mẽ đến mức như ra bật ra khỏi trang sách. Nữ nhà văn nói về lần mời thuốc làm quen của “anh”, về cuộc làm tình đầu tiên và những cuộc làm tình đều đặn sau này. Và trong từng hành động của người đàn ông đó, có một chi tiết mà Duras miêu tả rất kỹ lưỡng, đó là sự run rẩy của “anh” trong những lần nói về tình yêu.
Khác với sự nâng niu và né tránh của người đàn ông ba mươi mốt tuổi, Duras đã thẳng thừng từ chối ngay từ đầu: “Anh hãy làm tình với em như cách anh làm với bao người đàn bà khác”. Vì những tự sự về người tình này được viết theo ngôi thứ ba, người đọc mơ hồ cảm thấy nữ nhà văn đến với “anh” chỉ vì tiền, nhưng những trang giấy tiếp về sau đã cho thấy chuyến phà định mệnh ấy thật sự là khởi đầu cho thứ tình cảm của hai con người dễ bị tổn thương. Cô gái mới mười lăm, mang trong mình bao suy tư muộn phiền, nghĩ rằng cuộc đời thật tẻ nhạt, nhưng khi đối mặt với thứ cảm xúc dễ chịu thì không dễ tiếp nhận. Có lẽ vì vậy đến khi đánh mất cảm xúc đó, cô mới hiểu và tiếc nuối.
Những tự sự cuối cùng của nữ nhà văn
Đến mãi khi xấp trang còn lại của quyển sách đã mỏng, nhà văn mới nói nhiều hơn về chính bản thân mình, một cách trực tiếp. Duras thể hiện tình yêu của mình với người anh thứ – người anh trai luôn yêu thương cô thay vì chửi bới như người anh cả; Duras kể về nỗi ám ảnh thuở bé, kể về mẹ già bằng một chất giọng trìu mến yêu thương thay vì những vật vã giữa hai mẹ con trong kí ức ở Sa Đéc, và kể về người tình khi cả hai quyết định chia xa. Cuộc chia tay nằm trong khoảng tầm hai đến ba trang giấy cuối cùng, khi anh quay mặt đi để né tránh trong lần chào tạm biệt, và cũng tại chiếc limousine ấy mà anh chăm chú nhìn cô trên chuyến tàu trở về Pháp, và lần đầu tiên, nữ nhà văn nói về nỗi đau của mình, cô khóc. Cuối cùng, quyển sách kết thúc bằng sự liên lạc qua điện thoại của cả hai khi “hoàn cảnh” đã chẳng thể đổi thay con người thêm một lần nào nữa.
Điểm sáng: tuy “gián tiếp” nhưng mà lại “trực tiếp”
Cái hay về nghệ thuật trong “Người tình” là lối kể chuyện ngôi thứ ba không mang lại góc nhìn khách quan như định nghĩa về vai trò của nó, mà nó lại thể hiện cảm xúc chủ quan của Duras một cách rõ nét hơn. Bằng những chi tiết nhỏ bé như đồ vật trong căn phòng, bãi cỏ khô bị cháy vì nóng ở sân sau, chúng như là bằng chứng chứng minh nữ nhà văn đã mãi chẳng thể quên về “lần đầu”. Những lời tâm sự mà “anh” nói với tác giả, tất cả được khái quát chung bằng cụm từ “lời thì thầm”, những cụm từ này cứ xuất hiện mãi ở các trang sách, điều đó chứng tỏ ký ức của nữ nhà văn chẳng thể nào phai về người tình.
Bên cạnh đó, những phép so sánh đặc biệt khác như người anh thứ bất tử trong nữ nhà văn dù anh ta đã ra đi ở tuổi hai bảy, hay cách mà người đàn ông Trung Hoa yêu cô như yêu con gái, tất cả đều cho thấy sự cảm nhận sâu sắc và thấm thía của một cô gái còn đang tuổi dậy thì. Sự thay đổi ngôi kể của Duras, sự biến chuyển bất ngờ của những mẩu chuyện không theo mốc thời gian nào cả, những hình ảnh so sánh sẽ gây khó dễ cho người đọc nếu họ chưa từng trải qua cảm giác đó, tất cả đã tạo nên một “Người tình” tuyệt tác.
Nhớ mãi về một cuộc tình
Không đơn thuần chỉ là tình cảm đôi lứa nam nữ, “Người tình” đưa người đọc đến một góc nhìn khác của một gia đình người Pháp khổ sở ở Việt Nam, tâm tư của một cô gái mười lăm tuổi rưỡi chẳng thể đưa ra lựa chọn theo đúng ý mình trong cái “hoàn cảnh”. Nhưng có lẽ “Người tình” đã vẽ nên một bức tranh đẹp ở vùng Sa Đéc sông nước khó quên cho độc giả, khi mà một cô gái mười lăm tuổi rưỡi và người đàn ông ba mươi mốt tuổi yêu nhau chân thành; khi mà đằng sau một người mẹ ám ảnh và khổ đau luôn chất chứa tình thương con, và cả những hình ảnh ẩn dụ mà có lẽ người đọc khó mà lý giải được mỗi khi Duras nói về tâm trạng của mình, nhưng tất cả, sẽ ghi mãi trong tim đọc giả một cách bền chặt tựa như chúng được khắc ghi trên đá.
/
- XqSdSem2″ target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/XqSdSem2
- hs3PER2Z” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/hs3PER2Z