Nơi những con sóng bạc đầu xa tít mù khơi, giữa biển cả bao la chứa đầy bí ẩn, một hòn đảo được biết đến với cái tên Đảo Chiến Binh đã mở đầu cho liên hoàng án sau này. Mười con người xa lạ cùng tham gia chuyến đi đến hoang đảo theo lời mời từ cùng một người. Liên tiếp là hàng loạt cái chết đã xảy ra theo kịch bản đã được báo trước, nhưng tuyệt nhiên không ai biết danh tính thủ phạm. Bức màn bí mật tưởng chừng sẽ mãi bị chôn vùi và lãng quên thì bất ngờ được phanh phui bởi chính kẻ thủ ác thật sự đứng đằng sau mọi chuyện.
Thảm sát kinh hoàng nơi đảo hoang diễn ra trong lặng lẽ
Lựa chọn bối cảnh và địa điểm xảy ra các vụ án mạng là một phần rất quan trọng đối với những nhà văn theo nghiệp viết tiểu thuyết trinh thám, điều này cũng không là ngoại lệ đối với Agatha Christie. Trong tác phẩm “Mười người da đen nhỏ”, bà đã quyết định chọn hòn đảo hoang có tên là Đảo Chiến Binh để bắt đầu câu chuyện án mạng ly kỳ, đầy nỗi ám ảnh. Mọi thứ diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ đến nỗi thần không biết, quỷ không hay, chỉ có những người trong cuộc là những kẻ phải chịu đựng sự căng thẳng, hoảng loạn kéo dài.
Vào cuối năm 1930, có 8 người vốn không hề quen biết nhau, họ thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, làm những công việc khác nhau, nhưng điểm chung là họ được mời bởi cùng một người tự xưng là Owen. Họ được đưa đến một hòn đảo từ lâu đã bị bỏ hoang nằm trơ trọi ngoài khơi của vùng Devon. Tại đây, cả 8 vị khách được đón tiếp bởi cặp vợ chồng được thuê làm quản gia là ông Thomas Rogers và bà Ethel Rogers. Mọi thứ diễn ra bình thường ngoại trừ hai chi tiết xuất hiện như một lời gợi ý: bài đồng dao về mười chú lính nhỏ và 10 bức tượng nhỏ đặt trên bàn trong phòng khách. Hầu như chẳng ai mảy may để ý đến những chi tiết này cho đến khi lời buộc tội phát lên từ chiếc đĩa phát nhạc sau bữa ăn tối. Đó là giọng nói của một kẻ mà chẳng ai biết, những tội lỗi của 10 người bị vạch trần, tất cả những tội lỗi này gần như không chịu bất cứ sự trừng phạt nào của pháp luật. Cứ như thế, lần lượt từng người bỏ mạng, cho đến khi không còn một ai sống sót trên hòn đảo hoang vắng này.
Xây dựng bối cảnh vụ án xảy ra là trên một hòn đảo hoang là một mô típ không còn xa lạ, nhiều tác giả hậu bối đã học tập phong cách này để xây dựng các tác phẩm trinh thám của riêng mình, điển hình là Kindaichi với hơn một nửa số tập trong chuỗi series xảy ra nơi hoang đảo, hiện trường khép kín. Vậy nhưng điểm đặc biệt mà Agatha Christie tạo nên ở đây đó chính là không hề có sự xuất hiện của bất cứ một vị thám tử nào với tư cách là người hóa giải vụ án.
Tất cả nạn nhân lần lượt bị giết hại theo một kịch bản đã được định sẵn, tương ứng với bài đồng dao được treo ở mỗi phòng ngủ của 10 người. Mỗi lần một người thiệt mạng là một bức tượng cũng theo đó mà biến mất một cách kỳ lạ. Bao trùm lên toàn bộ câu chuyện là một cảm giác choáng ngộp đến sởn gai óc với những cái chết không thể nào tránh khỏi. Tất cả những con người trên đảo hoang bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau, họ đổ lỗi cho nhau và tự nhận mình không phải là kẻ sát nhân hay có những lỗi lầm trong quá khứ. Họ đã nghĩ đến khả năng một kẻ nào đó có mặt trên đảo và đang âm thầm giấu mình để ra tay thủ tiêu từng người một nhưng đến cuối cùng họ chẳng tìm thấy ai khác. Điều đó càng khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt và đáng sợ đến mức thần kinh của họ luôn trong tình trạng căng lên như dây đàn. Câu chuyện diễn biến theo một trình tự hoàn toàn có dụng ý để dẫn dắt người đọc đi từ những cảm giác khó hiểu ban đầu rồi dần chuyển sang căng thẳng và cuối cùng là khiếp sợ, lo âu đến tột cùng. Agatha Christie đã rất thành công khi dàn dựng bối cảnh vụ án như thế, sự vắng mặt của một người thực thi công lý trong tình huống này là cần thiết để bà có thể truyền tải trọn vẹn những phản ứng tâm lý của con người khi họ đối mặt với tội ác và cái chết, cũng như khắc họa chân thật bức tranh bản chất con người giữa làn ranh giới mong manh của sự sống và cái chết cận kề.
Tiểu thuyết trinh thám mang đậm màu sắc tâm lý
“Mười người da đen nhỏ” không đơn thuần là tác phẩm trinh thám mang đến cho người đọc những cảm giác hồi hộp, căng thẳng từ đầu đến cuối mà hơn hết nó còn khiến ta suy ngẫm về bản chất con người.
Ngay từ đầu, không ai biết được hung thủ thật sự đứng sau mọi chuyện là ai khi trên đảo chỉ có 10 người nhưng tất cả đều chết. Mọi suy luận, phán đoán từ phía cảnh sát đều trở nên vô nghĩa, câu hỏi lớn nhất khiến tất cả trăn trở đó là làm sao giết chết 10 người và biến mất khỏi hòn đảo mà không để lại một chút dấu vết? Tuy nhiên, đáp án Agatha Christie đưa ra lại đơn giản hơn rất nhiều vì vốn dĩ một trong số 10 người đó chính là kẻ sát nhân. Nhưng ngay sau đó, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là kẻ sát nhân bệnh hoạn ấy có động cơ gì để giết người trong khi chính hắn vốn chẳng quen biết gì với các nạn nhân? Tuy 10 nạn nhân không có quan hệ gì với nhau, nhưng 9 người trong số họ từng là những kẻ giết người theo một cách nào đó và tội ác của họ mãi là một ẩn số không tòa án nào có thể đem ra xét xử.
Khi con người đứng trước những lời buộc tội, họ thường có xu hướng trốn tránh và biện minh. Cả 10 người có mặt trên hòn đảo, tất cả từng gây ra tội ác trong quá khứ, như Anthony từng lái xe đâm chết hai đứa trẻ, Armstrong là một bác sĩ vô đạo đức khi giết chết bệnh nhân do say rượu trong lúc phẫu thuật, hay Lombard đã nhẫn tâm bỏ lại 21 người tùy tùng khiến họ phải chết đói. Mỗi người cứ thể được xướng tên với một tội trạng tương ứng và phản ứng của tất cả bọn họ là cố gắng chống chế và bao biện cho mình.
Tuy nhiên, sâu thẳm trong nhận thức, họ ý thức rất rõ những hành động của mình và khi lời buộc tội vang lên cũng là lúc tòa án lương tâm bên trong mỗi người trỗi dậy. Có những người tỏ ra như mình rất ổn và không hề lo sợ điều gì, nhưng thực chất nỗi ám ảnh của những ký ức đen tối vẫn đeo bám và gặm nhắm tâm trí họ. Cứ như thế, bầu không khí trở nên ngột ngạt và khiếp đảm hơn bao giờ hết với những cái chết diễn ra theo kịch bản được báo trước.
Có thể nói Agatha Christie là bậc thầy trong việc lột tả chân thật tâm lý nhân vật. Tuy các nạn nhân đều được đặt trong bối cảnh bao trùm là chết chóc và tai ương không lường trước, nhưng cách phản ứng của mỗi người lại khác nhau với những diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp. Sự lựa chọn các nhân vật với những địa vị, độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau cũng là một dụng ý tinh tế mà nữ nhà văn cố tình đưa vào. Mục đích là giúp người đọc có cái nhìn bao quát về bản chất con người với những mặt tính cách khác nhau và sự đa dạng, phong phú về mặt nhân tính. Thay vì mô tả cảm giác hoảng sợ tột cùng, khiếp đảm bao trùm lên tất cả các nhân vật, Agatha Christie lựa chọn mô tả trực diện cho từng nhân vật, từ đó người đọc có thể hình dung trọn vẹn bức tranh nhân cách một con người.
Tội ác là thứ mà con người không thể chối bỏ
Cái chết diễn ra đan xen là nỗi sợ hãi ngày càng dâng cao tột độ cùng với đó là những xung đột nội tâm của các nhân vật, những ám ảnh hãi hùng hòa cùng nỗi khiếp sợ, kèm theo đó là những phản kháng mạnh mẽ, những lý lẽ rạch ròi cho mỗi hành vi hoặc là buông xuôi, lo lắng, những đớn đau không lối thoát và cả sự mặc nhiên. Tất cả đều mô tả chân thật và sống động thứ mà con người gọi là tội ác.
Trong cuộc đời mỗi con người luôn có những lầm lỗi lớn nhỏ khác nhau, dù cho bản thân không muốn thừa nhận nhưng dấu vết tội lỗi vẫn mãi ám ảnh dai dẳng trong tâm trí họ. Có những tội ác diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ tưởng chừng như chỉ có trời biết, đất biết. Những tội ác có thể là âm thầm, không có gì là chắc chắn để pháp luật có thể can thiệp, nhưng chính lương tâm, bản ngã trong mỗi con người sẽ là vị thẩm phán công tâm nhất. Có thể hung thủ là kẻ giết người, cuồng sát bệnh hoạn nhưng thực tế khuất sau câu chuyện trinh thám ly kỳ về tội ác lại chính là những xung đột tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác, giữa công lý và sự xấu xa mà mỗi người cần phải suy ngẫm.
“Mười người da đen nhỏ” – kiệt tác văn học thuộc thể loại trinh thám
Agatha Christie – Nữ hoàng trinh thám nổi tiếng khắp thế giới, là một cây bút lão luyện trong dòng tiểu thuyết trinh thám, bà nổi tiếng với những tác phẩm như “Án mạng trên sông Nile”, “Chuỗi án mạng A.B.C”, “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông”… Hầu hết các tác phẩm của bà đều mang đến cho người đọc cảm giác hồi hộp, tràn ngập khẩn trương với mong muốn được biết cái kết của câu chuyện. Độc giả hiếm khi đoán được cái kết đến khi lật đến trang cuối cùng. “Mười người da đen nhỏ” là một trong những tác phẩm trinh thám kiệt xuất của Agatha Christie, hội tụ đầy đủ nét văn phong độc đáo của bà với nhiều tình tiết ly kỳ, lôi cuốn, đậm đặc chất trinh thám nhưng không kém phần nhân văn. Tác phẩm đã được công chúng đón nhận rộng rãi và được đánh giá là một tiểu thuyết hình sự xuất sắc và nổi tiếng nhất của bà, một kiệt tác văn học thuộc thể loại trinh thám vang bóng mọi thời đại.