Là truyện ngắn đầu tay của “thiên tài đã khiến giới tiểu thuyết kinh dị sửng sốt” – Otsuichi, Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi được kể từ điểm nhìn đặc biệt của một xác chết. Với nhịp truyện nhanh và dồn dập, hiện thực dần hiện lên qua 4 ngày không khỏi khiến người ta phải hoài nghi, “nhân chi sơ, tính bản ác” chăng? Ngoài ra, tập sách còn một truyện ngắn có tên Yuko, ẩn sau bức màn kinh dị rùng rợn, là một thứ bi kịch chìm vào biển lửa.
Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi
Ra đời khi tác giả Otsuichi mới 16 tuổi, truyện ngắn đầu tay này của ông đã lập tức giành được giải thưởng JUMP lần thứ 6 cho hạng mục tiểu thuyết Phi hư cấu vào năm 1996. Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi được chia làm bốn phần, theo trục thời gian tuyến tính, dưới ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, trực tiếp trần thuật lại những sự việc đã xảy ra. Và cái “tôi” ấy, lại là một “xác chết”.
Tuy nhiên, trước hết cần phải khẳng định một điều rằng, đây không phải tác phẩm đầu tiên hay duy nhất, chủ thể tự sự là một nhân vật đã chết. Nhưng khác với nhiều sáng tác, khi đặt điểm nhìn trần thuật vào người mất đi sinh mệnh, tác giả thường hướng ngòi bút về linh hồn người ấy. Ở Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi, Otsuichi tiên sinh năm 16 tuổi lại dùng lời nói, phát ra từ chính thi thể của một đứa bé chín tuổi tên Satsuki. Tức, trên thân xác đang dần phân hủy, thối rữa dưới cái nóng mùa hè, đôi mắt trừng vô hồn của đứa trẻ vì rơi từ cành cao xuống đập đầu vào tảng đá; vẫn luôn dõi theo hành trình người anh nó thầm thích và cô bạn thân nhất nó vẫn chơi cùng, giấu xác nó trước cuộc điều tra từ phía cảnh sát lẫn dòng người đổ ra, trong lễ hội mùa hè giữa lúc, pháo hoa rợp trời cùng dòng nước trên nguồn đổ xuống, tràn về ruộng đồng.
Vừa ở dạng xác chết, vừa ở dạng linh hồn, ngôi kể trong Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi bởi thế trở nên cực kì linh hoạt. Là góc nhìn của Satsuki, ngôi kết thứ nhất từ một xác chết đấy. Nhưng cũng lại là ngôi kể thứ ba, góc nhìn toàn tri thấy cả hành động, nội tâm trong cùng một khoảng thời gian của người khác.
Nhịp truyện dồn dập, thời gian văn bản và thời gian sự kiện dồn nén hàng loạt suy nghĩ cũng như quyết định chớp nhoáng của hai đứa trẻ mới trên dưới 10 tuổi. Quá nhiều điều kiện lí tưởng ngỡ như phi lí xuất hiện cho chúng thực hiện chuyến phiêu lưu vừa là điều kích thích mới mẻ với trẻ con, nhưng hơn hết, cũng vừa là thứ tội ác có chủ đích của lứa tuổi, người ta vẫn nghĩ không biết gì hay chỉ như một tờ giấy trắng. Đồng ruộng hiện đang khô cằn, lễ hội pháo hoa người người qua lại, và những người lớn vô tâm, vô tính, chưa một lần xuất hiện suy nghĩ nghi ngờ con trẻ…
Câu chuyện ngắn, bốn phần truyện tương ứng với bốn ngày cùng hàng loạt dạng thức không gian thay đổi theo từng nơi thi thể của tôi – Satsuki bị dịch chuyển tới. Cả dòng thời gian, thu về dạng thời gian hiện thực nhưng mở ra ở đó, là tầng bậc lớp lang theo cấu trúc án lồng án, truyện lồng truyện. Về một vụ bắt cóc trẻ con được công khai trên truyền thông và vụ đứa trẻ đã chết, diễn ra âm thầm. Từ đấy, đủ mọi hoài nghi trỗi dậy, rằng nguyên nhân cái chết của Satsuki, thực sự là tai nạn ư? Và những đứa trẻ, có thể làm những chuyện động trời vượt ngoài ánh nhìn của người lớn vậy sao?
Câu chuyện khơi mở, từ bài đồng dao “Mắt lồng, mắt lồng, chim trong lồng”, khép lại cũng với âm thanh văng vẳng của bài đồng dao đậm chất ma mị ấy. Và cấu trúc án lồng án cùng thứ kết cấu đầu cuối tương ứng, đã biến Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi, trở nên như một vòng lặp đáng sợ của một thứ tội ác, mang tính tuần hoàn.
Khi mà, “nhân chi sơ, tính bản ác.” (Chữ dùng của Tuân Tử)
Yuko
Mặc dù thuộc cùng cuốn sách với Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi, nhưng Yuko lại là một truyện ngắn độc lập có bối cảnh, nội dung, nhân vật, tình tiết hoàn toàn riêng biệt. Rằng sau chiến tranh, cô bé Kiyone mất cả gia đình, đã đến làm việc cho vợ chồng nhà văn Masayoshi, hiện đang sống trong một trang viên rộng lớn. Tuy nhiên, với hoàn cảnh luôn không thấy bóng dáng mợ chủ Yuko cùng việc chứng kiến tận mắt căn phòng rùng rợn của cậu chủ Masayoshi, tất thảy thúc đẩy Kiyone gây nên bi kịch thảm khốc.
Cả câu chuyện điểm nhìn trần thuật gần như đều được đặt trên mình cô bé Kiyone đương tuổi mới lớn. Kiyone làm việc, Kiyone quan sát mọi thứ, Kiyone tò mò và rồi hành động… Xuyên suốt 5 phần truyện đầu, độc giả như bị cuốn theo ánh nhìn chủ quan của cô bé ấy, mà lầm lạc trong những suy tưởng kinh dị. Cho tới khi, điểm nhìn chuyển dịch tới Masayoshi và câu chuyện mở ra ở đấy, không chỉ là đau thương quá khứ mà còn chứa đựng cả toan tính cùng thứ nghiệp báo truyền đời.
Không dồn nén hành động, thời gian trong sự giới hạn dung lượng như Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi, song Yuko lại mang theo âm hưởng ma quái bảng lảng của một thời kì lịch sử đã qua. Về một nước Nhật thời hậu chiến, những căn bệnh thuộc tứ chứng nan y vẫn đủ sức hủy hoại một con người. Nơi miền quê với đầy rẫy những dè bỉu, định kiến, bia miệng thiên hạ có thể cô lập người ta đến mức biến họ, trở thành một tồn tại vô hình giữa cộng đồng. Và những câu chuyện tựa một dạng truyền thuyết lưu truyền chốn thôn dã, nhưng con người sống buổi hiện tại, lại phải trả thứ oán nợ vừa vô hình, vừa vô lí.
Đồng thời, bầu không khí cổ kính toát ra từ trang viên nhà Masayoshi, từ nghề làm búp bê truyền thống hiện lên qua thư phòng Masayoshi, quá khứ của cô bé Kiyone, từ những cung cách có phần trọng lễ tiết, thảm kịch mang tính nghiệp báo ở truyện ngắn Yuko, vẫn chứa đựng sự mê hoặc tới những ai, đam mê thể loại truyện bi kịch mang màu sắc kinh dị, lịch sử này.
Và nếu như, Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi là thứ bi kịch tàn khốc, lạnh lùng như chứa đựng một phần nào đó bi quan của tác giả về nhân tính con người thì Yuko lại là thứ bi kịch tình yêu cay đắng đến nghiệt ngã. Mà ranh giới thật – giả, đúng – sai, mộng – ảo, trở nên quá đỗi mơ hồ trên từng trang viết của tác giả Otsuichi.
Nhân chi sơ, tính bản ác?
Gần như mang tư tưởng trái ngược với thuyết “Nhân chi sơ, tính bản thiện” của Khổng Tử, Tuân Tử đã đề ra thuyết “Nhân chi sơ, tính bản ác.” Để rồi qua hai truyện ngắn trong tập truyện Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi, ta nhận ra, phải chăng luận thuyết đó, đã đi sâu vào câu chuyện do một Otsuichi tuổi 16 viết lên.
Khi nhân vật trung tâm, gây ra các thảm kịch ở cả hai truyện ngắn trong tập truyện ấy, đều là những đứa trẻ tuổi còn rất nhỏ. Đặc biệt, tại Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi, bọn trẻ ích kỉ tới lạnh lùng. Chúng biết lợi dụng tuổi tác mà khơi gợi lòng trắc ẩn, sự thiếu cảnh giác đến vô tư của người lớn. Cái ác chảy ngầm trong đôi mắt chúng, tựa ác quỷ ẩn sau vỏ bọc thiên sứ.
Ngôn từ của Otsuichi tiên sinh sắc lạnh nhưng không kém phần gai góc, mỗi lần ông bóc trần thêm lớp vỏ thiên sứ kia. Hàng loạt hình ảnh vừa mang tính đối lập, vừa mang tính ẩn dụ được tạo dựng, càng như khắc sâu thêm vẻ trêu ngươi tới rợn người. Như dưới đền thờ tôn giáo, lại là bãi rác khổng lồ. Hay đêm pháo hoa ngày hè nở rộ, người ta chẳng ai hay, xác chết một đứa trẻ, đang dần phân hủy. “Ngồi trên cầu thang gỗ giấu chiếc dép xăng đan của tôi, trước thần linh được thờ phụng trong đền, ba con người tội lỗi đầy mình ngắm nhìn khung cảnh trước mắt, lặng lẽ mỉm cười.”
Nhưng chẳng lẽ, tất cả những gì tác giả Otsuichi gửi gắm vào hai truyện ngắn, chỉ là nỗi bi quan về con người và hai từ nhân tính sao? Hay chăng, điều ông muốn hướng đến, rộng hơn, là sự phê phán một xã hội đang thờ ơ trước tội ác. Và rằng, giáo dục nhân cách cho một đứa trẻ, chưa bao giờ chỉ là chiều chuộng hay mặc cho đứa trẻ khôn lớn với tư tưởng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Bởi tương lai của trẻ dài rộng song bản tính của nó, lại được định hình từ chính khoảng thời gian, chúng bắt đầu dõi đôi mắt nhìn theo thế giới.
Mọt Mọt