Bắt đầu nổi danh từ tiểu thuyết đầu tay Khu vườn mùa hạ – tác phẩm đã giành giải thưởng Boston Globe Horn Award vào năm 1997, một giải thưởng danh giá về văn học thiếu nhi của Mĩ; từ đó, những cuốn sách viết về thiếu nhi do nữ tác giả Kazumi Yumoto sáng tác luôn đi theo hướng rất riêng. Những đứa trẻ trên trang viết của cô, vẫn mang trọn vẹn nét trong trẻo, thuần khiết đấy.
Nhưng không chỉ vậy, Kazumi Yumoto còn đi sâu hơn vào “vùng cấm” tâm lý trẻ nhỏ, để tái hiện lên trang sách tất cả nỗi đau, thương tổn, sự cô đơn. Khi chúng vẫn đang ngày ngày đối mặt với mất mát cùng quá trinh trưởng thành bằng vốn sống hạn chế và thế giới trẻ thơ chẳng thể thấu hiểu thế giới người lớn phức tạp, đổ vỡ.
Thương tổn trẻ thơ
Sinh năm 1959 tại Tokyo, trải qua tuổi thơ luôn mang nặng cảm thức cô đơn cùng ám ảnh về cái chết, tốt nghiệp trường Cao đằng Âm nhạc Tokyo và từng viết các vở opera, kịch bản cho chương trình truyền hình; có thể nói, trước khi thật sự dấn thân vào con đường văn nghiệp, nội tâm nữ nhà văn Kazumi Yumoto vốn đã rất nhạy cảm trước mọi thanh âm của cuộc sống, nhất là tâm hồn những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương.
Để rồi, khi tiểu thuyết đầu tay của cô ra đời đến cuốn sách mới nhất ở thời điểm hiện tại; Kazumi Yumoto vẫn luôn đặt niềm quan tâm mãnh liệt tới con trẻ. Đặc biệt những đứa nhỏ như mang theo bóng hình cô thủa ấu thơ, khúc xạ lên trang sách. Mỗi đứa trẻ mang một nỗi niềm riêng nhưng đều gặp nhau trong ám ảnh cái chết, mặc cảm về sự đơn độc và những băn khoăn trăn trở vì mâu thuẫn thế hệ lẫn thế giới nội tâm con trẻ với thế giới hiện thực.
Thật vậy, dù điểm nhìn tác phẩm được đặt vào một cậu nhóc tuổi 12 hay một cô bé đang ở kỳ nghỉ xuân, chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa cấp học, hoặc một cô gái đã trưởng thành hồi tưởng lại quãng thời gian cô còn là bé gái 6 tuổi thì nhân vật trung tâm trong văn chương Kazumi Yumoto luôn chở nặng âu lo về cái chết trong suy nghĩ, tâm tưởng. Thậm chí cái chết ấy đã đi cả vào giấc mơ những đứa trẻ và ngày ngày như bào mòn tinh thần chúng. “Tôi không muốn tỉnh dậy. Tại nghĩ “Tỉnh dậy rồi sẽ sao nữa đây?” Và thế là tôi bị kéo trở lại cõi mộng giống con cá sấu chìm mình trong đầm lầy.” (Organ mùa xuân)
Và với tụi nhóc tuổi còn rất nhỏ, vẫn đang là học sinh tiểu học mà sớm nghĩ suy, nặng lòng về sống – chết hay ý nghĩa của “sự chết” trên cuộc đời như thế có hợp lý không? Quả tình, tuổi thơ trên trang sách Kazumi Yumoto khác rất nhiều so với các tác phẩm có cùng đề tài. Bởi những đứa trẻ của cô đều như già hơn so với tuổi thực. Nhưng, tạo lên những cá nhân thơ trẻ mang nhiều tâm sự như vậy, là cả kinh nghiệm lẫn sự quan sát, thấu hiểu của bản thân tác giả tới lứa tuổi đặc biệt này.
Bởi cuộc sống tụi nhỏ vẫn còn bó hẹp trong ranh giới cuộc sống “bên trong” giữa gia đình – nhà trường. Vì thế, khi người thân vẫn gần gũi với chúng ra đi, khi chúng phải đối diện với hiện thực sinh mệnh có thể biến mất bất cứ lúc nào, tâm hồn non nớt sao có thể không hoang mang, âu lo, đau đớn. Rằng cuộc sống vốn nhỏ, hẹp của chúng đã xáo trộn, và rằng “khi nào mình sẽ chết, lúc chết rồi thì sẽ thành ra thế nào?” (Khu vườn mùa hạ)
Trăn trở không lời giải đáp, cũng chẳng thể tâm sự cùng ai, những đứa trẻ ấy cứ vậy lầm lũi, mày mò, vẫy vùng tìm kiếm lời giải. Chúng trầm lặng, hiểu chuyện, sâu sắc trong nội tâm chất chứa quá nhiều cô đơn, vụn vỡ khi phải đối diện mâu thuẫn cuộc đời bằng vốn kinh nghiệm sống ít ỏi. Mà càng đối diện, kiếm tìm câu trả lời cho mối quan hệ trao – nhận, đúng – sai, được – mất, chúng lại càng như cô đơn hơn khi nhận ra, ngoài “cái chết”, thế giới rộng lớn xung quanh còn quá nhiều điều chúng không thể lý giải. Và thế giới người lớn, tựa như một miền đất xa xăm mà những đứa trẻ, dẫu muốn tìm hiểu thấu cũng chỉ đành bất lực trước muôn nỗi giằng xé.
Như ba cậu bé Kiyama, Yamashita, Wakabe ở Khu vườn mùa hạ đã vừa hiếu kì, tò mò, vừa rụt rè, sợ hãi, xoay quanh vấn đề “cái chết” và ông lão xa lạ bên cạnh hoàn cảnh gia đình có phần không trọn vẹn của chúng ra sao. Như cô bé Chiaki trong Mùa thu của cây dương, sau cái chết đột ngột của bố mà lâm vào khủng hoảng với những lỗ cống đen ngòm ám ảnh tâm trí. Hay bóng hình chị em Tomomi và Tetsu trên trang sách Organ mùa xuân, sau khi bà mất, đối diện với cuộc sống không hòa hợp của bố mẹ cùng ông hàng xóm khó tính; những giấc mơ quái vật cứ vậy, chập chờn trở đi trở lại…
Yếu ớt, bất lực, Kazumi Yumoto như đã chạm đến “vùng cấm kị” của tâm hồn tụi trẻ và cả văn chương viết về trẻ thơ. Khi trang văn tuổi thơ cô viết trầm buồn, gai góc tới tàn nhẫn. Nhưng gai góc đến thế, mới thật sự là cuộc đời và là cuộc sống tụi nhỏ đang ngày ngày trải qua. Bởi, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có một gia đình trọn vẹn rồi cả tuổi thơ không gợn chút u buồn. Có những đứa nhỏ kém may mắn, và rằng “trẻ thơ như một tờ giấy trắng” nhưng chính vì ngây thơ, trong sáng vô ngần nên chúng cũng nhạy cảm, dễ tổn thương hơn bất cứ ai. Nỗi đau hằn sâu trong tim lũ trẻ sẽ không phai nhạt đi theo năm tháng, mà chỉ có thể, từ sự tôn trọng, yêu thương, làm chúng thật sự trải nghiệm thế giới rộng lớn ngoài kia, cũng dịu dàng khôn xiết.
Và cuộc đời vốn vô thường, chúng hãi sợ cái chết không phải điều đáng xấu hổ. Song chính vì cuộc đời vô thường, nên “cái chết” lại chẳng phải tất cả. Con người ta mất đi, nhưng ký ức vẫn còn đó, nơi kỷ niệm đã qua, ghi dấu trong những đồ vật tưởng chừng nhỏ nhặt. Tựa Khu vườn mùa hạ ươm mầm tâm hồn ba cậu bé Kiyama, Yamashita, Wakabe; như những lá thư gửi theo gió thu dưới gốc cây dương và giống với thanh âm tiếng đàn organ vẫn ngân vọng giữa mùa xuân tuổi trẻ.
Những đứa trẻ trong trẻo, thuần thiết
Như đã nói, những đứa trẻ trong sáng tác của Kazumi Yumoto thường rất đặc biệt. Đặc biệt bởi chúng như già hơn tuổi thực, mang trên vai gánh nặng của cả một cuộc đời với những câu hỏi lớn, có thể trải qua trọn kiếp nhân sinh, người ta cũng chưa thể giải đáp đến hai tiếng “chân lý.” Nhưng tới tận cùng, dẫu đi sâu vào vùng cấm kị hay viết về trẻ thơ ở những khía cạnh gai góc nhất, thì văn chương và tác phẩm Kazumi Yumoto viết lên vẫn là những trang văn thuần khiết khôn cùng, trong trẻo tựa tuổi thơ những cậu bé, cô bé Kiyama, Yamashita, Wakabe, Chiaki, Tomomi, Tetsu…
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, mặc dù khai thác đề tài trẻ thơ trên những khía cạnh rất khác so với nhiều tác phẩm có cùng đề tài, thì tác giả Kazumi Yumoto cũng không hề áp đặt cái nhìn từ người trưởng thành hay chính bản thân cô lên những đứa trẻ. Kiyama, Yamashita, Wakabe, Chiaki, Tomomi, Tetsu… có thể là một phần tâm hồn Kazumi Yumoto trong quá khứ nhưng chúng vẫn là các cá nhân mang hoàn cảnh, vấn đề riêng trong cuộc sống tràn ngập bao điều tụi trẻ chưa thể cắt nghĩa rõ ràng. Và Kazumi Yumoto đã để những cô bé, cậu bé đó sống đúng với độ tuổi thực – độ tuổi cắp sách đến trường, đang ngồi trên ghế bậc tiểu học, độ tuổi vẫn còn đang ăn học, khôn lớn, ưa khám phá, ham tìm hiểu, hiểu chuyện nhưng cũng có khía cạnh đầy nổi loạn.
Cho nên, những cô bé, cậu bé của Kazumi Yumoto vì trong trẻo, thuần khiết mà buồn, mà thương, mà cô đơn rồi mất phương hướng. Và cũng chính các cô bé, cậu bé đó, bởi trong sáng, ngây thơ mà dễ buồn dễ vui, dễ nhớ song cũng dễ gác lại đau buồn để đón nhận bao thanh âm mới mẻ, muôn sắc màu, tràn ngập yêu thương đến từ cuộc sống, từ các cá nhân xa lạ xung quanh chúng vô tình bắt gặp.
Chúng non nớt nhưng lại đầy hiếu kỳ. Nên trước điều vừa hiện diện hữu hình song cũng thật vô hình như “cái chết”, chúng lại càng muốn kiếm tìm sự thật, tỏ tường chân lý. Như cách ba cậu nhóc Kiyama, Yamashita, Wakabe ngày qua ngày, hễ lúc rảnh rỗi lại ngồi canh, theo dõi ông cụ sống cô đơn trong ngôi nhà vắng để tận mắt chứng kiến một cái chết thật sự diễn ra như thế nào, bằng sự kiên trì, cố chấp hết sức thơ trẻ.
Cũng có khi, những đứa trẻ trầm lặng lại trở nên ương bướng khác thường. Bởi giữa bao mất mát đã trải qua trong tuổi thơ, chúng cũng tìm thấy được những điều chúng trân quý và muốn bảo vệ. Giống với cậu bé Tetsu, hàng đêm cùng cô chị Tomomi đi tìm những con mèo bệnh, chiến đấu giành giật lại sự sống từ bệnh dịch cho lũ mèo sống tại bãi phế liệu. Lũ mèo được lũ trẻ đặt tên, như cách chúng định danh về từng sinh vật chúng muốn gắn bó, trân trọng, gìn giữ trước cuộc sống chúng chưa thật hiểu hết nhưng lại sớm biết rằng, cuộc đời nghiệt ngã đến nhường nào.
Và lũ trẻ, ôm đau thương, dễ khép lòng trước con người như một sự phản kháng, tự vệ của lứa tuổi tâm lý còn nhiều xao động. Nhưng chỉ cần cơn gió yêu thương, chúng có thể mở lòng, đón nhận thương yêu bằng tâm hồn thơ dại, trong trẻo nhất. Tựa cô bé Chiaki, đã từ xa cách mà gắn bó, rồi mở lòng với bà lão chủ nhà trang viên Cây Dương qua từng lá thư gửi bà mang đến cho người cha đã khuất. Như cô bé Tomomi, vượt qua bóng tối cùng những cơn ác mộng bủa vây mà tìm thấy bình yên trong những ngày cùng người phụ nữ độc thân giàu nhân ái cô bé chẳng biết tên cho lũ mèo ăn và giữa đêm sao trong chiếc ô tô ở bãi phế liệu, bên lũ mèo lặng thầm. Cả như ba cậu bé, từ rình rập mà trở thành những người bạn vong niên của cụ ông chúng từng ngày ngày, dõi theo cái chết đến bên ông cụ.
Những đứa trẻ, trên trang viết của Kazumi Yumoto là thế. Dẫu hoàn cảnh có buộc chúng phải già dặn hơn so với tuổi thực thì tới tận cùng, chúng vẫn là trẻ con. Nên mâu thuẫn, xung đột giữa phần người lớn trước tuổi và phần thơ dại trong chúng lại càng thêm âm ỉ, day dứt. Chúng sớm đón nhận buồn đau mà nhận ra, cuộc đời, sinh mạng mong manh, yếu đuối rao sao.
Nhưng chúng còn quá nhỏ để thấu triệt hết quy luật nhân sinh, thời gian cùng trái tim phức tạp của con người, nhất là thế giới người lớn vẫn hiện diện cạnh bên chúng: “Người ta bảo rằng trái tim của một người chỉ to cỡ bằng nắm đấm tay của người đó. Thế nhưng, dù tôi đi xa tới thế nào, có gặp bao nhiêu người đi nữa, thì chắc chắn cũng không thể nhìn được trái tim của mình bằng đôi mắt này.” (Organ mùa xuân)
Và lúc này, hình ảnh những người lớn xuất hiện, bằng kinh nghiệm, vốn sống cùng sự bao dung rất mực của thế hệ đi qua đủ thăng trầm một đời người, đã bảo bọc lấy những đứa trẻ mang trái tim, tâm hồn nhạy cảm, vụn vỡ, lạc lối, mất phương hướng. Không áp đặt đúng – sai lên mỗi cô bé, cậu bé vẫn mang tâm lý “phản nghịch”, bóng hình người lớn trên trang viết của Kazumi Yumoto, gần gũi với hình ảnh người đồng hành, nâng bước cho những đứa trẻ yếu đuối, non nớt hiểu rằng, giữa thế giới nghiệt ngã, con người có bé nhỏ đến đâu thì tình người vẫn còn mãi.
Họ dạy chúng cách hé mở trái tim, yêu thương và tin tưởng. Bởi những con người đã dần bước tới sườn dốc phía sau cuộc đời đó, hiểu hơn ai hết sự bất lực khi đứng trước thời gian cùng dòng xoáy cuộc sống cuộn trôi tàn nhẫn, nghiệt ngã. Nên họ còn trao cả cho những đứa trẻ sự thuần khiết của lòng yêu sống, thái độ bình thản nhưng mạnh mẽ khi đối diện khổ đau. Và rồi, chính sự trong trẻo của tuổi thơ, lại như cứu rỗi những trái tim, tâm hồn khô cằn vì thời gian, để họ có thể kiên cường, cùng “hi vọng” về hạt mầm thơ trẻ họ đã gieo xuống cho mai sau.
Những tác phẩm của Kazumi Yumoto, dòng thời gian đều như ngưng đọng giữa khoảng lặng của tuổi trẻ – tuổi già, sự sống – cái chết, quá khứ – tương lai. Nhưng con người trên trang viết, vẫn luôn vận động. Như những đứa trẻ, vượt qua được cô đơn, buồn đau tuổi mới lớn lại càng thêm vị tha, trưởng thành. Như những người lớn tuổi, dẫu thân xác họ đi về hư vô thì họ vẫn sống, trong ký ức lẫn yêu thương của tụi trẻ khôn lớn từng ngày. “Tôi sực tỉnh, nhìn lên trời thấy dài mây dài sau đuôi máy bay vẫn còn đó. […] Tôi sẽ quét lá rụng, đốt cỏ khô, rồi sau đó nướng thật nhiều khoai. Bọc khoai rong giấy báo ướt và giấy bạc. Bà cụ sẽ không phàn nàn gì chứ?” (Mùa thu của cây dương)
Cứ vậy, Kazumi Yumoto viết về tuổi thơ, về con người bằng tất cả đau thương, gai góc, vụn vỡ mà đầy dịu dàng, trong trẻo, thuần khiết, nhân văn như vậy đấy.
*Tổng hợp các bài review sách của nữ tác giả Kazumi Yumoto đã xuất bản ở Việt Nam:
Khu vườn mùa hạ: Có một câu chuyện nhẹ nhàng dưới khung trời mùa hạ
Mùa thu của cây dương: Khi ta mở lòng với thế giới, có biết bao điều từ thế giới ấy chảy vào ta
Organ mùa xuân – Chiếc đàn không có âm thanh
Mọt Mọt