Đã qua rồi “Những đêm trắng” mộng mơ, được ngụp lặn trong biển cả ngôn từ đầy ngọt ngào lãng mạn, khoảnh khắc mà Thần Chết ập xuống pháp trường rồi vụt bay đi, cùng những trải nghiệm ở tù như “bị đóng trong quan tài” và thời gian tại ngũ, đã gây ra những biến chuyển lớn trong niềm tin tôn giáo, chính trị, xã hội và tinh thần của Fyodor Dostoevsky, “Hồi ký viết dưới hầm” thể hiện rõ rệt sự thay đổi này.
“Hồi ký viết dưới hầm” (tựa gốc: Записки из подполья) ra mắt độc giả năm 1864, được triết gia Walter Kaufmann đánh giá là “tác phẩm về chủ nghĩa hiện sinh tuyệt vời nhất từng được viết”.
Đọc thêm:
- Ly tao – Thiên trường ca đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc.
- Những Đêm Trắng – Trang nhật ký của kẻ mộng mơ.
- Utopia – Lấy giọng cười ngông mà bàn ra chân lý!
- Nhật Ký Người Điên – Phát súng tiên phong đả kích chế độ phong kiến.
- Tôi là con mèo – Kiệt tác châm biếm và tự trào.
Dưới hầm và Nhân mùa tuyết tan.
Cuốn sách kể theo lời của nhân vật “tôi”, một người đàn ông bốn mươi tuổi, giấu tên, là công chức đã nghỉ hưu sống ở St.Petersburg, các nhà phê bình gọi y là Underground Man.
Trong phần đầu có tên gọi “Dưới hầm”, nhân vật “tôi” tự giới thiệu về mình, trình bày những quan điểm của y và dường như có ý muốn giải thích những lý do khiến y được sinh ra trong xã hội. Còn phần hai “Nhân mùa tuyết tan” là những hồi ức về một vài biến cố trong đời y, xoay quanh những vấn đề tiền bạc, danh dự, tình bạn, tình yêu trong từng cung bậc cảm xúc căn bản của mỗi con người: vui vẻ, hạnh phúc, khoái lạc, chán chường, đố kỵ, căm thù…
Cấu trúc giản dị gồm 2 phần như thế, nhưng để đọc và đọc hiểu được tác phẩm này là một quá trình xoắn hết cả não.
Y là một con người, nhưng lại gợi lên hình ảnh của một con thú bị giam cầm.
Y đau mà không muốn chữa trị, bởi vì y cảm nhận được niềm khoái lạc trong những cơn đau.
Y mang trí tuệ của một thiên tài nhưng hành động như một kẻ khờ để chống lại lợi ích của chính mình. Y khát khao thể hiện tự do ý chí, lại ngạo nghễ nhìn dòng người ngu ngốc sống cam chịu như hòn đá, quen làm nô lệ mù quáng cho bản năng, cho lý trí, cho khoa học, cho những quy luật của tạo hóa.
Y giằng xé trong nội tâm lẫn trong những mối quan hệ với mọi người.
Y, hai mươi năm trước, đáng lẽ đã cứu vớt, hay được cứu vớt. Đó là nàng, Lisa, một sinh linh non nớt tội nghiệp của mầm thiện bị rơi xuống chốn đọa đày. Nàng đã xuất hiện trong cuộc đời y, mang theo khát khao tình yêu và khát khao sống như một con người trọn vẹn. Vậy mà y, một lần nữa, đã khiến nàng đau đớn.
Y cụ thể hóa những lo âu, những mâu thuẫn, những quyết định, những lựa chọn của một con người không nhận được sự chở che của Thượng Đế.
Y là hiện thân đầy ám ảnh về cuộc sống nội tâm phức tạp nhất của con người.
Lời kêu gọi tự do ý chí!
“Hồi ký viết dưới hầm” thoạt đầu được thai nghén như một bài tiểu luận phê bình, để phản biện lại Nikolay Chernyshevsky và tác phẩm “Cần phải làm gì?” của ông xuất bản một năm trước đó.
Phải nói thêm rằng, “Cần phải làm gì?” của Chernyshevsky chính là cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến Vladimir Ilyich Lenin, khiến Lenin thấm nhuần tinh thần cách mạng, để sau này trở thành vị lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga cũng như của giai cấp vô sản thế giới. Trong sách “Valentinov N. Vstrechi s Leninym” (Gặp gỡ với Lenin) xuất bản năm 1953, Lenin bày tỏ:
“Tôi mang ơn Chernyshevsky bởi lần đầu tiên tôi được làm quen với chủ nghĩa duy vật triết học. Và ông là người đầu tiên chỉ ra cho tôi thấy vai trò của Hegel trong sự phát triển tư tưởng triết học; quan niệm của tôi về phép biện chứng xuất phát từ ông, để sau đó việc nắm vững phép biện chứng của Marx dễ dàng hơn nhiều…”
Thế nhưng Dostoyevsky đã không đồng tình với Chernyshevsky, trong tiếng nói đầy giận dữ với những kẻ rêu rao tư tưởng duy vật khách quan, Dostoyevsky chỉ ra những góc tối trong đầu óc duy lý, tất cả được truyền tải qua “Hồi ký viết dưới hầm”.
“Cả tập bút ký này lẫn tác giả của nó cố nhiên chỉ là tưởng tượng. Tuy nhiên, nếu quan sát những hoàn cảnh trong đó xã hội ta được hình thành, thì mẫu người tương tự như tác giả tập bút ký này chẳng những có thể, mà còn nhất định phải có trong xã hội ta. Tôi muốn phác họa rõ nét hơn bình thường một chút cho độc giả thấy một trong những nhân vật của thời đại vừa qua, một trong những người đại diện của thế hệ còn sống đến bây giờ.” – Dostoyevsky, 1864.
Tác phẩm là lời kêu gọi tự do và phản kháng, vượt thoát ra khỏi biên cương ràng buộc, chống lại những gì được coi là điều luật tự nhiên, phản đối trực tiếp những gì có liên quan đến khoa học kỹ thuật và những gì có tính thực dụng trong cuộc đời. Dostoevsky chủ trương chối bỏ mọi dữ kiện do từ xã hội đưa ra, mà chỉ tuân phục những gì thể hiện tự do ý chí của mỗi người, để ghi dấu ấn chắc nịch của mỗi cá thể hiện diện trên cõi đời này.
Không có gì trên đời là tuyệt đối.
Bertrand Russell, một triết gia người Anh, từng phát ngôn rằng:
“The whole problem with the world is that fools and fanatics are always so certain of themselves, and wiser people so full of doubts.”
Theo câu nói trên thì nhân vật “tôi” trong “Hồi ký viết dưới hầm” là một người thông minh, y cũng tự nhận biết mình có “một ý thức sáng suốt”, điều đó khiến y đôi khi tự hào, đôi khi chán ghét. Y luôn tự khẳng định và phủ định, tự lên án và lý giải bản thân không ngừng nghỉ, như một lời nguyền cho bộ óc thông minh chạy quá đà chẳng thể dừng. Cuộc sống của một người thông minh như vậy xem chừng mệt mỏi, phải chăng người ngốc có cái phúc của người ngốc?
Y dùng tư duy của mình để biện luận rằng con người là một thực thể phi lý trí, vì khi được trao cho quyền lựa chọn họ sẽ hành động đi ngược với những lợi ích tốt nhất của mình, vì họ coi trọng tự do hơn lý trí. Thế nhưng, những thực thể phi lý trí trong biện luận của y chỉ là một bộ phận trong xã hội loài người, hay là một phần trong mỗi cá thể con người, chứ không phải là toàn bộ. Không phải ai cũng muốn tìm khoái cảm trong nỗi đau, không phải ai cũng vì chút khó chịu bởi khẩu trang mà phơi mặt ra chốn công cộng thời Covid… Rõ ràng, đa số đều lựa chọn hành động có lợi cho bản thân và cộng đồng, chứ không vì cái gọi là “tự do ý chí” mà đánh đổ công sức của nhiều người. Vậy họ có ngu ngốc không? Họ có đạt được khoái lạc không?
“Khoái lạc tinh thần mà họ coi trọng bậc nhất là những hành vi chí thiện và một lương tâm trong sạch, khoái lạc vật chất mà họ coi trọng nhất là sức khỏe.” – Trích “Utopia”, Thomas More.
Chẳng cần đến ốc đảo Utopia xa xôi nào cả, ngay tại đất nước Việt Nam thân yêu, người dân nghiêm túc chấp hành chủ trương của Bộ Y tế và các ban ngành liên quan để hướng đến mục tiêu chiến thắng dịch Covid, chiến thắng đó sẽ là hạnh phúc của nước nhà, hạnh phúc của người dân, cũng là thứ khoái lạc mà More nhắc đến.
Nhiều người cho rằng một nền tảng kinh tế – xã hội dựa trên nguyên tắc con người chỉ hành động theo những gì mà họ cho là tốt nhất như Utopia là một nền tảng xã hội đánh giá quá thấp sự phức tạp của nhân tính. Đó không hẳn là đánh giá thấp sự phức tạp của nhân tính, mà chính là đặt niềm tin vào thiên tính thiện lương của con người.
Nếu “Utopia” của Thomas More hoạch định ra một thế giới lý tưởng đến không tưởng để đả kích chế độ chính trị đương thời nói riêng và hiện thực nói chung, thì “Hồi ký viết dưới hầm” của Fyodor Dostoyevsky đào sâu vào thực tại, tự vấn đối với những gì gọi là nguyên tắc và công thức đã chứng minh, đối diện với những gì chân phương trần trụi nhất của bản ngã mỗi con người, để không ngừng khẳng định và phủ định bản thân, để tôn thờ tự do ý chí.
Thế nhưng,
“Không có gì trên đời là tuyệt đối. Cái duy nhất tuyệt đối là cái tương đối.” – Albert Einstein.
Những vấn đề nội tại của triết học sẽ còn mãi với thời gian. Trong xã hội hiện đại, việc tìm hiểu triết học góp phần trau dồi và mở mang kiến thức, còn sống như thế nào là sự lựa chọn của mỗi người, đi kèm lựa chọn là trách nhiệm.
Tự do ý chí hay lý trí đều không phải là tuyệt đối. Bạn sống lý trí vì muốn giữ gìn sự thiện lương của mình và an cư tự tại dưới thể chế pháp luật, nhưng chẳng hạn như Chính phủ khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 mà ngặt một nỗi bạn thích độc thân và hạnh phúc với trạng thái đó, thì cứ độc thân thôi, ngại gì!