“Tajima Kazuyuki muốn giết Kuramochi Osamu”, từ rất lâu rồi, từ cái ngày hai người vẫn còn là bạn học thời tiểu học. Nhưng từ suy nghĩ, mong muốn tới hành động, luôn là một khoảng cách mà Kazuyuki chưa khi nào vượt qua được. Để rồi thay vì giết Kuramochi, Kazuyuki vẫn luôn gắn liền với gã, dẫu thời gian có qua đi, dẫu bất kể, anh có trốn chạy, vùng vẫy thế nào.
“Phiên bản lỗi”, tiền thân của tôm pháo và cá bống trắng
Chắc hẳn, độc giả trinh thám đã không còn quá xa lạ với mối quan hệ cộng sinh hiện hình qua cặp hình ảnh tôm pháo và cá bống trắng, khi nhắc tới mối dây khăng khít giữa Yukiho và Ryoji trong tiểu thuyết Bạch Dạ Hành. Để rồi lần nữa, hình ảnh ấy như tái hiện lại trong mối quan hệ đầy độc hại giữa Tajima Kazuyuki và Kuramochi Osamu ở tiểu thuyết Cánh cổng sát nhân được Higashino Keigo sáng tác vào năm 2003, 4 năm sau khi ông viết Bạch dạ hành.
Chỉ là, thay vì quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi; thì ở đây, chỉ có một bên được lợi. Song đó cũng không tới mức trở thành quan hệ đối kháng con mồi – vật ăn thịt, bởi một phía, dù không được lợi, thậm chí là chịu tổn hại nặng nề thì vẫn luôn tồn tại, theo cách này hay cách khác. Đồng thời, người đó vẫn luôn gắn bó với kẻ được lợi kia, khó thể tách rời. Nên chăng, để gọi tên mối quan hệ giữa Kazuyuki và Kuramochi xuyên suốt theo tiểu thuyết Cánh cổng sát nhân, có thể dùng cách gọi rằng, đây là “phiên bản lỗi” của sự cộng sinh tôm pháo, cá bống trắng. Hay, như lối nói từ chính người thầy vỡ lòng trường đời của Kuramochi, “để thành công thì cần có một quân cờ thí mạng.”
Mà với trường hợp này, “cá bống trắng” đóng vai trò “quân cờ thí mạng”, chính để dành cho hoàn cảnh của Kazuyuki. Con người luôn tự ý thức, bản thân mãi chìm trong bóng tối, dù có vẫy vùng vượt thoát với khát khao bé mọn sẽ được sống một cuộc đời dẫu nghèo khó song bình dị, trầm lặng, thì tới cuối cùng, vẫn chẳng thoát nổi bàn tay của “tôm pháo” ti tiện nhưng luôn được lòng tất cả những người xung quanh và rạng rỡ bước đi dưới ánh mặt trời, Kuramochi.
Và để có thể làm một “tôm pháo” hoàn hảo đến như vậy, Kuramochi hoàn toàn thấu hiểu nhân tâm, từ những người già đơn chiếc đến những người trẻ khao khát khẳng định bản thân, cả những cô gái trong độ tuổi trẻ người non dạ hay kẻ ăn chơi trác táng hoặc thông minh, trưởng thành tới đâu. Họ, tận khi biết bản thân bị lừa dối, biết Kuramochi tồi tệ thế nào, vẫn một lòng lo nghĩ cho hắn. Đặc biệt, người Kuramochi hiểu rõ nhất, “cậu ấm” Kazuyuki những tưởng bản thân thông minh, hiểu biết với niềm đam mê dùng độc, giết người cùng ảo tưởng về dạng án mạng không dấu vết. Nhưng thực chất, con người đó lại đơn thuần đến nhu nhược, dễ bị thao túng hơn bất cứ ai, thậm chí, là đi vào vết xe đổ của chính những kẻ, anh từng khinh thường.
Kuramochi cướp đi mọi thứ Kazuyuki nâng niu, khao khát, khơi dậy những mặt tăm tối trong con người này, ngay cả lòng hận thù, chống đối với gã bằng những hành động, lời nói, toan tính vô tình và “vô tội” hết mực. Bởi gã khơi gợi, song chính Kazuyuki mới là kẻ thực hiện, đi theo con đường gã ngầm vạch ra. “Tôm pháo” ti tiện, đứng sau giật dây, thao túng “cá bống trắng”, chỉ “cướp đi” và khiến “cá bống trắng” trở nên “khổ sở” song chưa khi nào hoàn toàn “hủy hoại”.
Vì tới tận cùng, “tôm pháo” vẫn cần “cá bống trắng”. Và có lẽ, “cá bống trắng” có đi đến điểm cuối của mối quan hệ “cộng sinh độc hại”, cũng chẳng thể vượt thoát được ánh nhìn cùng sự thao túng từ ý niệm “tôm pháo” đã len lỏi, hằn sâu vào tiềm thức. Tựa như “cánh cổng sát nhân” có vượt qua, thì “đôi mắt” vẫn mãi đeo đẳng kẻ ở lại.
Bởi vậy, có thể nói chăng, Kuramochi ti tiện, tàn độc, thấu hiểu lòng người và giỏi thao túng tâm lí kẻ khác, chính là phiên bản nam của hình tượng “tôm pháo” Yukiho trước kia và Mifuyu sau này. Cánh cồng sát nhân, vì thế, được viết từ lời trần thuật, điểm nhìn của một “cá bống trắng” từ năm 2003, lại càng thêm phần u uất đen tối. Khi rằng, có thể thao túng con người đến mức đấy chăng và một người, có thể mãi khờ dại tới vậy ư?
Ác ý, đố kị và thứ sát ý, lòng tốt nửa vời
Và câu trả lời, là có thể. Khi một bên quá đỗi lọc lõi, mang ác ý lẫn lòng đố kị chất chồng đi cùng với một bên, ý thức rất rõ về “ác ý” song thiếu kinh nghiệm sống, thiếu vốn xã hội trầm trọng lẫn sự nửa vời không thể chối bỏ, từ thứ “sát ý” nửa chừng” đến thứ lòng tốt “hời hợt” đó.
Vốn là một tác giả luôn trăn trở về hai chữ “ác ý” trong mỗi người ngay những năm tháng người đó còn thơ ấu, quả tình, biểu hiện “ác ý” ở từng tác phẩm của Keigo tiên sinh, từ các sáng tác vào quãng thời gian trước năm 2000 đến mãi về sau, luôn hết sức đa dạng. Nhưng tựu trung, dù cách thức ác ý bộc lộ thành hành động có khác nhau, thì đều gặp nhau ở nguyên nhân và mục đích: xuất phát từ sự đố kị và khát khao, mong ước kẻ khác gặp bất hạnh.
Giống với cách, thằng bé Kuramochi năm ấy, qua tác động ngoại cảnh khách quan, đã dần hình thành tâm lí khinh bạc, ganh ghét mà đi đến hình thành ác ý hiển hiện trên sự lừa lọc, dối trá như thế nào. “Ác ý” hướng đến Kazuyuki nhưng có lẽ, với một Kuramochi đầy tham vọng, “căm ghét sự nghèo khổ từ tận đáy tâm can”, thì cái ác chảy trong suy tưởng đó, còn hướng tới tất cả con người và cuộc đời này. Bất cứ ai giàu có hơn hắn, bất cứ ai sống cuộc đời hoàn mĩ hơn hắn.
Nhưng “cái ác” hẳn sẽ chẳng thể thực hiện nếu xung quanh, không tồn tại thứ lòng tốt nửa vời.
Vẫn có câu nói rằng, ai cũng là nạn nhân trong chính câu chuyện của mình. Câu nói đó sai ở đâu không rõ, song với trường hợp Cánh cổng sát nhân, thì lại đúng đến rợn người. Bởi dưới góc nhìn thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi”, một cách hữu hình và có ý đồ, Keigo tiên sinh như đã xây dựng lên một Kazuyuki luôn mang tâm thế, bản thân là nạn nhân của “cơn gió bất hạnh” mang tên Kuramochi.
Song có thật sự hoàn toàn là “nạn nhân” không khi bản thân Kazuyuki cũng ẩn chứa đầy những khuất khúc đen tối trong tâm hồn. Một kẻ, vốn ích kỉ ngay từ khi còn thơ ấu, vẫn thường chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà lãng quên đi đại cục. Một kẻ hời hợt đến nỗi, yêu và thích song chưa một lần dám nói. Thậm chí, Kazuyuki cũng chưa một lần dám đối diện mà đưa những điều thân thuộc với anh, không trôi đi xa mãi. Kazuyuki quá ỷ y vào sự nhạy bén của bản thân mà không biết rằng, chính bản thân lại ngây thơ đến thế nào.
Kazuyuki, nửa vời trong cách sống, hời hợt trong tình cảm, khao khát “yên bình” song gần như cũng chưa khi nào, con người này đấu tranh cho hai chữ “yên bình” ấy. Bởi bản chất, Kazuyuki hèn nhát song lại vô cùng ích kỉ và hiếu thắng, chẳng kém gì gã đàn ông anh vẫn căm ghét.
Nên chăng, khơi nguồn bất hạnh xuất phát từ ác ý và thứ ác ý đó, được nuôi dưỡng trong thứ dung môi của một dạng lòng tốt luôn suy tính thiệt hơn. Đây, hẳn cũng là tiền đề cho mối quan hệ độc hại mà khó lòng tách rời giữa “tôm pháo” với “cá bống trắng”. Giống như, Kuramochi có chết, thì thứ “biểu tượng” Kuramochi vẫn mãi ám ảnh tới kẻ nào sống hời hợt trong cuộc đời của chính mình.
*Cre: Fanpage Nhã Nam
Cuốn tiểu thuyết được kể từ ngôi thứ nhất
Quả thực, trong văn nghiệp đồ sộ của Higashino Keigo, không nhiều tác phẩm được kể ở ngôi thứ nhất mà có dung lượng dày dặn như Cánh cổng sát nhân. Một thứ điểm nhìn, quả tình đã dẫn dắt người đọc vào thế giới tạo tác lên từ lăng kính đầy tính chủ quan của người kể chuyện và cũng rất dễ, đưa độc giả xuôi theo dòng cảm xúc mà đồng cảm với “cái tôi” nạn nhân bất hạnh kia.
Song sáng tác của Keigo tiên sinh luôn đa chiều, đa diện, nên tiếp nhận, luôn phải đứng từ nhiều khía cạnh để nhận định, đánh giá; cũng như mối quan hệ cộng sinh hay triệt hạ, phải tới từ nhiều phía vậy. Và không phải ngẫu nhiên, Sakura, người thầy đầu tiên dẫn dắt Kuramochi vào cuộc đời đầy dối lừa, lại nói Kuramochi “phức tạp” hay “người cậu ta có thể thực lòng tin tưởng, lại là người cậu ta chọn ra để làm quân cờ thí mạng. Cho nên đối với cậu ta, cậu là một người bạn thân.”
Bởi rằng, dẫu khác gia cảnh, tính cách, thì cũng đã có một khoảng thời gian, Kazuyuki và Kuramochi gắn bó với nhau. Vì, tới tận cùng, hai con người này, đã thật cô đơn biết bao, suốt từ thời niên thiếu. Một kẻ chẳng thể tin tưởng bất kì ai với một người, gần trọn thời gian ấu thơ tới trưởng thành, vẫn luôn là một tồn tại, cô lập giữa cộng đồng.
Cho nên, Cánh cổng sát nhân hẳn không đơn thuần chỉ biểu tượng cho ranh giới từ sát ý trở thành sát nhân. Mà có lẽ, đó còn là cánh cổng của tâm tưởng, một kẻ đã tiến đến, giết chết một phần cái tôi khác của bản thân vậy.
Cánh cổng sát nhân, trở nên “mới lạ” dẫu sáng tác từ đầu những năm 2000 là vì thế chăng. Và hẳn, cũng từ khía cạnh, đây cũng là một cuốn tiểu thuyết khá hiếm hoi, Keigo tiên sinh, thay vì xây dựng, tô đậm mẫu hình những người phụ nữ “đáng sợ”, ông lại tạo dựng lên một gã đàn ông ti tiện, toan tính và đầy thủ đoạn như thế.
*Đọc thêm:
Bạch Dạ Hành – Tội ác trưởng thành trong đêm tối
[Higashino Keigo] Ảo dạ – Ảo ảnh đêm đen
Mọt Mọt