Thoạt nghe tên cuốn sách là Ma thuật bị cấm, hẳn không ít độc giả sẽ nghĩ tác phẩm này sẽ có nét tương đồng với cuốn Ma nữ của Laplace được Higashino Keigo sáng tác vào cùng năm 2015. Nhưng khi đọc xong cuốn sách chưa đầy 300 trang này, hẳn người đọc đều sẽ hiểu rằng: Vì sao Ma thuật bị cấm, dẫu chưa thuật xuất sắc nhưng lại được xếp vào series Thám tử Galileo, một series đậm chất trinh thám, khoa học nhất của Keigo-sensei tính đến thời điểm hiện tại.
01a5c1a21059aa6f292c2c375c2c9fd5
Một tác phẩm trinh thám quá đỗi an toàn
Trước hết, cần phải khẳng định một điều: Kindan no Majutsu – Ma thuật bị cấm không phải là một tác phẩm tệ. Cuốn truyện vẫn thể hiện rõ những đặc trưng hết sức cơ bản trong sáng tác của Higashino Keigo nói chung, trong series Thám tử Gallieo nói riêng: Sự lớp lang trong cách tạo dựng tình tiết với cấu trúc truyện lồng truyện, chất xã hội song hành cùng chất trinh thám, và nhân vật trung tâm Manabu Yukawa vẫn thể hiện những suy luận sắc sảo cùng sự bí ẩn trong nội tâm, hành động.
Tuy nhiên, chỉ vậy thôi là không đủ để làm cho Ma thuật bị cấm trở thành một tác phẩm xuất sắc, nổi bật. Nhất là khi cuốn sách ấy lại nằm cùng một bộ với tiểu thuyết được đánh giá là có plot twist hay nhất của Higashino Keigo: Phía sau nghi can X; một cuốn sách dày dặn với cốt truyện hết sức hoàn hào như Phương trình hạ chí; hay một tác phẩm mà thủ pháp gây án của hung thủ chẳng ai có thể ngờ đến như Sự cứu rỗi của thánh nữ.
Trong series Thám tử Galileo, Ma thuật bị cấm là sáng tác có dung lượng ngắn nhất. Chưa đầy 300 trang, không bằng Phía sau nghi can X, Sự cứu rỗi của thánh nữ; thậm chí chỉ hơn ½ số trang của Phương trình hạ chí mà thôi. Vốn dĩ, với dung lượng ngắn gọn như vậy thì Higashino Keigo có thể tạo dựng lên một cốt truyện đầy cô đọng như cách ông từng làm với Akui – Ác ý.
Nhưng tiếc rằng, vẫn như không ít sáng tác sau này, Keigo-sensei ở Ma thuật bị cấm đã ôm đồm quá nhiều vấn đề và dồn nén lại cả trong tác phẩm chỉ vỏn vẹn 298 trang. Vì thế, cốt truyện của Ma thuật bị cấm vừa trở nên nặng nề một cách không cần thiết, vừa làm cho tình tiết phát triển lại quá nhanh, không đủ đọng lại trong lòng độc giả ấn tượng sâu sắc cả về nội dung lẫn sự khắc họa cá tính nhân vật.
Thật vậy, với một dung lượng khá ngắn mà Keigo-sensei đã gửi gắm vào đó: từ vấn đề cái tâm và cái tâm của người làm khoa học đến vấn đề bảo vệ môi trường, từ câu chuyện riêng của cá nhân những người làm khoa học đến vấn đề sâu xa hơn liên quan tới cả chính trị, từ vụ án này lại liên đới tới vụ án kia… Chính sự an toàn, giữ nguyên một tư duy cốt truyện nhưng lại đặt vào sai tác phẩm, sai cách viết đã khiến cho Ma thuật bị cấm trở thành một sáng tác: mọi chi tiết đều chưa tới, mọi sự kiện đều thoáng qua rất mau và đề lại một ấn tượng “nông” trong tiềm thức độc giả.
Tính an toàn của Kindan no Majutsu – Ma thuật bị cấm ngoài thể hiện ở mặt tổng thể còn thể hiện trong những tiểu tiết khác. Trong series này, có lẽ chưa tác phẩm nào mà bóng hình những thanh tra cảnh sát lại gần như chỉ đóng vai trò như những nhân vật quần chúng xem màn đấu trí, rượt bắt giữa thầy trò Yukawa và Shingo. Để rồi, khi sự việc đã gần đi đến hồi kết, thì cảnh sát mới tới để nghiệm thu kết quả.
Và yếu tố an toàn, đặc biệt còn được thể hiện ở phần kết của tác phẩm. Trong những sáng tác khác, Keigo-sensei bên cạnh để lại một sự ám ảnh, day dứt cho độc giả về hai tiếng con người, cuộc đời; còn buộc độc giả phải nghĩ mãi để tìm ra một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề lớn mà tác giả nêu ra trong tác phẩm. Với Thánh giá rỗng thì là tử hình có thật là hình phạt mang tính chất răn đe, với Thư thì là cuộc sống của người tù và người nhà của họ giữa đời sống, với Phương trình hạ chí thì là những bóng người đang ngày đêm giải phương trình cuộc đời để tìm được một nghiệm tối ưu nhất… Còn riêng Ma thuật bị cấm, tác phẩm có day dứt đó song Keigo-sensei đã đóng sầm cánh cửa liên tưởng của độc giả, trong sự lựa chọn của Shingo trước những lời khuyên bảo của Yukawa.
Vậy là, trước rất nhiều câu hỏi cứ trở đi trở lại sau hàng loạt tác phẩm trải rộng trên nhiều khía cạnh của mình, Ma thuật bị cấm là một cuốn sách không hoàn hảo trong một hình thức hoàn hảo đến an toàn của Higashino Keigo. Mà với sáng tạo văn chương, một sự an toàn đồng nghĩa với việc triệt tiêu những khoảng trắng, những không gian để người đọc có thể đồng sáng tạo với tác giả, từ đó mà làm dày thêm giá trị tác phẩm qua thời gian, qua sự thanh lọc của công chúng.
Khi hận thù phủ bóng lên sáng tạo khoa học.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dẫu rằng Kindan no Majutsu – Ma thuật bị cấm là một sáng tác mang tính chất an toàn, không có nhiều bứt phá trước hàng loạt tác phẩm xuất sắc của Higashino Keigo nói chung và những tác phẩm khác thuộc cùng series Thám tử Galileo nói riêng thì đây cũng không phải là một cuốn sách tệ. Ở đó, không chỉ thể hiện phong cách sáng tác cơ bản của Keigo tiên sinh, thể hiện cái tâm của một tác giả vẫn luôn hướng đến giá trị chân-thiện-mĩ của hai tiếng con người viết hoa; mà Ma thuật bị cấm, còn là mảnh ghép quan trọng trong cả series Thám tử Galileo, làm hoàn thiện thêm bức tranh về nhà khoa học Manabu Yukawa, về quan điểm khoa học với cuộc đời của chính tác giả Higashino Keigo.
Nói rằng, việc dồn nén quá nhiều giá trị, ý nghĩa vào một câu chuyện có dung lượng không quá dài, là điểm yếu chí mạng của Ma thuật bị cấm. Song cũng lại nói đó là ưu điểm của tác phẩm này. Như vậy, thoạt nghe có phần mâu thuẫn, nhưng quả tình, sự mâu thuẫn đó lại thống nhất với nhau. Bởi sự an toàn trong việc trung thành với tư duy nghệ thuật vốn có mà Higashino Keigo đã tạo nên một tác phẩm, có cấu trúc truyện lồng truyện khá lớp lang, logic.
Câu chuyện này ở trong câu chuyện kia, vụ án này ở trong vụ án khác, bi kịch trong quá khứ kéo dài đến hiện tại và tạo thành những vết thương phủ bóng lên những ước mơ, hi vọng đã từng là đơn thuần nhất của con người. Cái chết của người chị gái mở ra hận thù của người em trai Shingo, đóng sầm cánh cửa tương lai cùng khát khao trong sáng của cậu về con đường đại học, về bộ môn vật lý, về sáng tạo khoa học. Một dự án khoa học, vốn vừa nhằm mục đích phát triển quê hương, vừa nhằm tăng tầm ảnh hưởng của người chính khách trước cuộc đua chính trị; cuối cùng lại làm dấy lên mâu thuẫn giữa khoa học thuần túy và bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, dự án cùng người chính khách đó còn liên quan trực tiếp tới bi kịch của một gia đình, đồng thời phủ bóng đen hận thù lên người em trai ở lại. Bi kịch từ một năm trước, lại gắn liền mật thiết với vụ án mạng của ngày hôm nay… Nên dẫu thế nào, vẫn phải khẳng định một điều, Ma thuật bị cấm có một cấu trúc truyện đủ lớp lang, logic, chặt chẽ và mạch lạc.
Đặc biệt, Ma thuật bị cấm, nếu đặt riêng hay xếp riêng cạnh những sáng tác khác của Keigo-sensei thì không phải một tác phẩm xuất sắc. Nhưng đây lại là một sáng tác có ý nghĩa quan trọng trong series Thám tử Galileo. Ở đó, vừa là sự tiếp nối nội dung từ tác phẩm khác; vừa là sự phát triển cá tính, hé lộ thân phận của nhân vật trung tâm cả series – nhà vật lý học Manabu Yukawa.
Thật vậy, không phải lần đầu tiên, mối nghi ngờ, sự mâu thuẫn giữa phát triển khoa học, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường mới xuất hiện trong sáng tác của Keigo-sensei. Vấn đề này đã từng được nêu ra ở Phương trình hạ chí, với những cuộc họp liên miên giữa bên khoa học và bên người dân bản địa của vùng biển Harigaura. Để rồi, tới Ma thuật bị cấm, câu chuyện không còn dừng lại giữa những cuộc hội thảo, nêu ý kiến mà đã phát triển thành những cuộc đối đầu gay gắt, gần như trở thành sự triệt tiêu một mất một còn giữa hai bên: xây dựng và bảo vệ.
Ở đó chứa đựng những âm mưu, thủ đoạn, những ti tiện, ích kỷ, hèn đớn, bạc nhược của con người. Mặt trái của câu chuyện, góc khuất của con người, đã ẩn sau những câu từ, ngôn ngữ đầy tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài. Vì thế, Ma thuật bị cấm, có ý nghĩa, giá trị như nối tiếp những điều còn dở dang ở Phương trình hạ chí, để đưa đến cho độc giả, một cái kết, có thể có phần hẫng hụt và đầy cay đắng nhưng lại là sự thật chẳng thể cưỡng cầu, trước sự phát triển của cuộc sống, gắn liền với khoa học, công nghệ như hiện nay.
Kindan no Majutsu – Ma thuật bị cấm, nằm trong series Thám tử Galileo, còn hé lộ với độc giả, những mảng quá khứ của nhà vật lý học Manabu Yukawa. Một quá khứ; gắn liền với người học trò anh chưa từng đứng lớp giảng dạy lần nào, nhưng lại là người đàn em, người đệ tử, có lẽ khiến anh yêu mến, dành tâm huyết nhất. Chính vì thế, đứng trước cậu bé ngày xưa trong hoàn cảnh éo le đầy bi kịch, đứng trước nỗi thống khổ không chỉ xuất phát từ đau thương ở cuộc sống gia đình Shingo phải gánh chịu mà còn xuất phát từ sự cay đắng khi nghiên cứu khoa học của hai người bỗng trở thành một vũ khí phục vụ cho mục đích giết người; Yukawa đã thể hiện ra những mặt tình cảm độc giả chưa từng được thấy trong các tác phẩm trước đấy.
Quả tình, đã có tác phẩm nào, Yukawa hành động cảm tính, bất chấp nhiều như trong Ma thuật bị cấm không? Đã có lúc nào, Yukawa dao động đến vậy, đặt tình cảm vào một con người, vào một vụ án tới thế không? Hẳn là chỉ có một thiên tài, đứng trước một người vừa là hậu bối, vừa là học trò, lại vừa là một thiên tài trẻ tuổi, Yukawa mới thể hiện hết, những mặt cảm xúc hết sức người tới vậy.
Và, những lời anh nhắn gửi tới Shingo, đâu phải đơn thuần chỉ là lời dụ ngụ để chiêu hàng một tên tội phạm? Đó còn là lời gửi từ tận tâm can, của một nhà khoa học từng trải, tới một thiên tài khoa học của tương lai, trước khi chàng trai đó đụng tới thứ “Ma thuật bị cấm”: “Nhưng thầy muốn em nhớ lại. Đó là thời gian em đắm chìm vào việc nghiên cứu railgun. Chúng ta đã nói những chuyện gì? Ta nói về sự tuyệt vời của khoa học, đúng không? Thầy muốn để em làm được những điều tuyệt vời ấy nên mới dạy cho em về khoa học. […] Người đã để em làm ra railgun chính là thầy. Vì vậy, thầy sẽ là người đặt dấu chấm hết”.
Cái tâm và cái tầm của người làm khoa học chân chính
Kindan no Majutsu – Ma thuật bị cấm, cái tên thoạt nghe những tưởng Keigo-sensei đã rẽ ngoặt sang hướng sáng tác truyện viễn tưởng. Vậy mà tác phẩm ấy, có lẽ lại là tác phẩm gắn với lý thuyết vật lý sâu sắc nhất trong series về Thám tử Galileo. Ở đó, có một thiên tài Manabu Yukawa ta đã quá quen thuộc trong các câu chuyện trước đây, đồng thời ở đó, còn có một thiên tài trẻ Koshiba Shingo đang đứng trước ngưỡng cửa của những lựa chọn đầy đau thương, nghiệt ngã.
Và từ câu chuyện của hai thiên tài, hai thế hệ, mà độc giả thêm hiểu về cái tâm, cái tầm của một người làm khoa học, của những phát minh khoa học chân chính. Khoa học chân chính cùng sản phẩm của nó, điều hướng tới hôm nay, mai sau, vẫn là để phục vụ con người, đời sống con người, làm cho cuộc đời ngày một tươi đẹp hơn. Bất cứ sự ti tiện, ích kỷ nào, cũng sẽ làm vấy bẩn và biến khoa học thành một thứ “ma thuật bị cấm”; làm cho người nghiên cứu, có tâm, có tầm phải đau khổ, dằn vặt.
Bởi vậy, dù không đạt tới sự xuất sắc, thì Kindan no Majutsu – Ma thuật bị cấm, vẫn là một tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình sáng tạo của Higashino Keigo nói chung, trong series Thám tử Galileo nói riêng. Để từ đấy, hành trình của nhà vật lý học Manabu Yukawa, có thể, vẫn còn tiếp diễn về sau.