Người phát ngôn của thần chết là cuốn sách đầu tiên được trình làng của tác giả Tử Kim Trần, gây ra tiếng vang lớn cho anh trong ngành trinh thám Trung Quốc vốn đã nổi tiếng là đầy gian nan cho những cây bút mới.
Như mọi cuốn trinh thám khác, Người Phát Ngôn Của Thần Chết cũng bắt đầu bằng một án mạng.
Đầu tiên đó là một vụ bắt cóc vô lý
Cả 7 người của Phòng Công Thương tham gia một chuyến xe du lịch đột ngột mất tích. Điều đáng nói là hung thủ đã gọi điện đến sở cảnh sát, thông báo đã bắt cóc toàn bộ những người đó, yêu cầu muốn thả con tin thì cần phải làm 3 điều
-Trong vòng 24h phải giải thể hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc phòng Công Thương
-Lên báo xin lỗi dân chúng
-Thừa nhận việc thu phí bừa bãi trong mấy năm qua.
Cảnh sát chưa kịp phản ứng gì, trưa ngày hôm sau, các sinh viên đã phát hiện chiếc xe bị bắt cóc xuất hiện tại một con đường hẻo lánh, có vẻ như đã bị tai nạn bốc cháy. Tất cả nạn nhân đều chết cháy
Vụ bắt cóc đã trở thành án mạng. Và cảnh sát không còn cách nào khác, phải nhập cuộc điều tra.
Điểm bất thường
Sau khi cảnh sát vào cuộc, xác định nạn nhân là 5 người chết cháy trong xe, một nữ nhân bị chết ở ngoài sau khi chết còn bị đánh đập dã man. Tài xế lái xe vẫn bặt vô âm tín.
Camera ghi hình từ trạm nghỉ, nơi chiếc xe xuất hiện cuối cùng đã ghi nhận một việc kỳ lạ. Chiếc xe đi vào trạm nghỉ và….biến mất
Sau đó 24h thì xuất hiện ở nơi hẻo lánh với xác của các nạn nhân
Vậy hung thủ làm thế nào để bốc hơi? Dù hàng nghìn cảnh sát đã được huy động để tua đi tua lại băng ghi hình nhưng vẫn không tìm ra điểm đáng ngờ?
Thì ra một tác phẩm trinh thám còn có thể viết thế này
Sau khi khái quát về tình hình vụ án, Tử Kim Trần bắt đầu hành trình tự sự câu chuyện phá án dưới góc nhìn của người đóng vai thám tử đại tài, Cao Đông
Cao Đông bất đắc dĩ phải nhận vụ trọng án này, vì trong tỉnh không có ai xuất sắc bằng ông. Và đáng nói là ông cũng không hào hứng gì với nó. Nếu thắng, được tuyên dương. Nếu thua, ông bị phê bình kiểm điểm giáng chức. Thẳng thắn mà nói, thắng thì chưa chắc, thua thì thê thảm.
Hiếm có tác phẩm trinh thám của nhà văn nào mà lại cay nghiệt như Tử Kim Trần. Vẽ lên chân dung của thám tử, sao không lột tả anh hùng một chút đi chứ, ai lại vẽ lên một người thực dụng đến thế. Thám tử của trinh thám Tử Kim Trần cứ phải gọi là thê thảm. Toàn bị dìm không thương tiếc. Tự nhiên thấy Sherlock Holmes, Poirot, Phương Mộc, La Phi…sao mà thấy ảo diệu, anh hùng, soái ca. Nhưng hoàn toàn không có thật. Còn với Tử Kim Trần, hình ảnh của Cao Đông cứ như bước từ đời thực vào sách vậy. Thực dụng, có năng lực, chú trọng tiền đồ và làm việc thì làm việc nhưng vẫn không quên con đường công danh.
Đã vậy, hình ảnh của Cao Đông thật là mất điểm với những ai yêu hình ảnh siêu anh hùng. Sau này khi vụ án đi vào ngõ cụt, Cao Đông lại còn phải gọi điện cầu cứu Từ Sách, vốn là hung thủ đã tạo ra vụ án giết người hàng loạt trước đây, sau đó chạy sang Mỹ an toàn, còn đổ tội giết người lên đầu một người khác nữa (tác phẩm Mưu sát). Vụ án ấy, Cao Đông cũng phụ trách chính, và cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, chả thể hành động gì khác.
Lần này, Từ Sách đã gợi ý cho Cao Đông nhiều mấu chốt quan trọng, một vài điều đáng suy ngẫm là
Phụ nữ cắt móng tay ở giữa là để làm gì? Thủ dâm, giải quyết nhu cầu sinh lý. Và không ngờ đến cuối cùng đó lại là mấu chốt để phát hiện ra kẻ chủ mưu. (Về điểm này thì có thể rất nhiều chị em sẽ không đồng tình, nhưng mà chúng ta chắc có lẽ đành phải cảm thông cho tác giả vì Tử Kim Trần là nam giới !!!!)
Chiếc xe làm sao biến mất, đó có giống như chơi bài tiến lên, đổi lá bài này lấy lá bài khác? Thủ pháp tráo đổi như thế nào. Làm sao hắn ngụy trang thành công được?
Điều ấn tượng nhất là “Tiền đồ quan trọng hơn, hay sự thật quan trọng hơn“
Trước đây vì tiền đồ, Cao Đông không muốn đào sâu phơi bày sự thật vụ Từ Sách giết hại kẻ thù, vì hành động của Từ Sách suy cho cùng là “thay trời hành đạo”, bản thân anh ta không hẳn là kẻ ác, nhưng là mẫu tội phạm đáng sợ nhất của ngành công an. Còn bây giờ, ông lại quyết khám phá cho ra sự thật.
Tài Xế Lâm Tiểu Phong có thực sự là người đã giết hại toàn bộ người của phòng công thương, sau đó sợ tội tự sát?
Hay hắn ta chỉ là một con rối do kẻ thủ ác dựng lên?
Chúng ta đều biết, trinh thám hay thì phải bất ngờ
Và bất ngờ lớn nhất vẫn là khi ông cảnh sát Cao Đông tìm ra chân tướng kẻ giết người.
Dù tác phẩm chạy theo suy nghĩ của người đó, ta vẫn không khỏi thắc mắc, tại sao hắn giết người? Động cơ là gì? Thay trời hành đạo? Như vậy có chính nghĩa quá không
Hủ bại quan trường
Đầu tiên lý do kẻ thủ ác đưa ra khi giết hại toàn bộ người của phòng công thương là vì đây là những kẻ độc địa, tham nhũng, hạch sách dân lành.
Không hiếm tác phẩm kiểu Robin hood này xuất hiện trong dòng văn trinh thám
Tử Kim Trần cũng là dạng điển hình trong việc xây dựng hình tượng quan trường thối nát
Ngay cả cảnh sát phá án còn lo lắng đến tiền đồ hơn là lo phá án là đủ hiểu
Quan lại tham ô, cảnh sát không dám làm gì vì mấy kẻ kia có ô dù quá lớn, bề trên dẹp loạn ổn thỏa.
Vì mấy kẻ như thế quá yên ổn trước pháp luật, nên cần bị xử lý ngoài vòng pháp luật.
Hợp lý, chết đi rồi mà vẫn có người tung hô, chẳng phải họ rất đáng chết sao?!
Nhưng cuộc đời không đơn giản như thế. Nếu vậy thì luật lệ sinh ra để làm gì?
Và đáng nói là, một khung cảnh tăm tối được tác giả vẽ ra như vậy, hung thủ đóng vai nghĩa hiệp giang hồ kiểu đó để làm gì?
Chắc hẳn động cơ còn lý do hoàn toàn khác?
Kẻ thủ ác chỉ là con rối, và người điều khiển rối thì xuất hiện bất ngờ
Động cơ thay trời hành đạo của kẻ giết người cuối cùng cũng đã bại lộ dưới sự điều tra của Cao Đông. Tuy nhiên đáng nói là, người chủ mưu là một kẻ thực sự đáng sợ. Lợi dụng tình cảm, để sai khiến một kẻ thông minh đi giết người.
Thậm chí đến giây phút cuối cùng, vẫn không đủ bằng chứng để kết tội người đó.
Lý do nào khiến cho kẻ giết người lại muốn tự sát, lại muốn vui vẻ chấp hành án tử hình, tiêu hủy mọi bằng chứng liên quan đến kẻ chủ mưu, ngoan ngoãn nghe lời như một con rối? Chỉ có thể là tình yêu
Một tình yêu mù quáng bị lợi dụng
Có một kẻ thì giết người, nhận tội và chết.
Có một kẻ thì ung dung hưởng lợi, sống nhởn nhơ dưới cái mác người tốt.
Có một số người, đối với người đó, bạn là cả thế giới nhưng đối với bạn, người đó lại là một gương mặt mà mình có thể dễ dàng quên đi.
Kẻ thủ ác dâng hiến sự tự do và giàu có cho người tình này, còn người ấy thì sao, dửng dưng, coi khinh và quên đi nhanh chóng…
Thế mới nói, ngoài manh mối chủ chốt, thì động cơ phạm tội là một vấn đề đáng lưu tâm vô cùng.
Đằng sau những động cơ ấy, là nỗi đau không phải ai cũng có thể thẩm thấu được
Khép cuốn sách lại, chỉ có thể lặng lẽ thở dài.
Vẫn không hiểu Người phát ngôn của thần chết có tựa đề như vậy là có ý gì nữa…