Bầu trời tượng trưng cho sự rộng mở, khoáng đạt. Cũng vì thế, “Làm bạn với bầu trời” sẽ giúp con người bao dung và luôn có những suy nghĩ trong trẻo. Với thông điệp này, Nguyễn Nhật Ánh đã viết nên một truyện dài, dồn hết bút lực làm bật lên một trái tim ngập tràn yêu thương nên đã luôn tìm thấy cơ hội để tha thứ cho cuộc đời, nhờ vậy mà tâm hồn ấy lúc nào cũng bình yên. Áng văn như ngọn gió thổi bùng khát khao được sống và sống thật tốt mỗi phút giây.
Ra mắt bạn đọc vào một ngày giữa tháng 9 năm 2019, “Làm bạn với bầu trời” là tác phẩm thứ 45 in tại NXB Trẻ của người dệt mộng tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh.
Đọc thêm:
- Ba ơi, mình đi đâu? – Viết cho những chú chim bé nhỏ của ba!
- Cảm ơn người lớn – Cuốn bí kíp về lòng bao dung giữa hai thế hệ
- Đảo Mộng Mơ – Robinson phiên bản siêu moe!
Một câu chuyện cổ tích không có yếu tố hoang đường, kỳ ảo.
Nếu xét đặc trưng về nội dung tư tưởng, “Làm bạn với bầu trời” được xây dựng theo motif mang tinh thần lạc quan, có hậu của truyện cổ tích, với nhân vật chính thuộc kiểu nhân vật bất hạnh không rõ cha mẹ là ai. Nhưng thay vì sử dụng các yếu tố thần kỳ để giành chiến thắng cho cái thiện, thì Nguyễn Nhật Ánh dùng tình yêu thương để cảm hóa tất cả.
“Làm bạn với bầu trời” kể về chú bé Tèo bị liệt nửa người, ngày qua ngày em nằm trên chiếc giường kề bên cửa sổ, ngắm mây trời và làm bạn với thiên nhiên. Truyện diễn biến xung quanh tính cách của em, đến bệnh tình, rồi mở rộng ra thân thế. Và xuyên suốt những bất hạnh xuất hiện dày đặc trên cuộc đời bé con mới 8 tuổi, em vẫn luôn sống với niềm lạc quan yêu đời và lòng bao dung hết thảy, sự thông minh và tâm hồn tinh khôi ấy gột rửa mọi thứ bụi bặm của cuộc đời và của lòng người.
Giống như nhiều truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật “tôi” vẫn là người kể chuyện. Nhưng đến tác phẩm này, nhân vật chính bên cạnh “tôi” không phải là mối tình non trẻ với “con nhỏ” nào nữa, mà là chú bé Tèo bất động nhưng lại luôn sinh động. Tèo hiện lên qua lăng kính của nhân vật “tôi” – một người yêu thương em, làm cho tâm hồn em vốn đã đẹp lại càng thêm lung linh, càng có sức truyền cảm hứng.
“Làm bạn với bầu trời” không thể coi là một sự đột phá trong sự nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng cũng là một sự khác biệt. Cuốn sách nhẹ nhàng, ấm áp và xoa dịu tâm hồn.
Sự tàn nhẫn của người lớn.
8 năm tồn tại trên cõi đời, từ lúc được sinh ra, Tèo chưa có cơ hội làm sai điều gì để phải chịu bất hạnh cả. Nhưng dường như tất cả những đớn đau tủi hổ đều trút xuống thân hình gầy gò còm cõi của bé con, bởi những lỗi lầm và ích kỷ của người lớn.
Giữa những tròng trành của cuộc đời, mẹ buông xuôi phó mặc trong phút giây, để rồi có em. Sinh ra em nhưng lại chẳng thể nuôi nấng nên đành gửi cho dì Hảo vợ dượng Quế, trong lúc dượng đi làm ăn xa. Rồi mẹ đi biệt xứ.
Dượng Quế trở về, bởi lòng nghi kỵ với vợ mà nghi ngờ thân thế của Tèo, cho rằng em là con riêng của vợ. Vì nguyên do đó mà suốt những năm tháng ấu thơ, Tèo sống trong sự bất công, ghẻ lạnh của người “bố” này.
Người lớn sao lại có thể tàn nhẫn như vậy?
Một lần lầm lỡ, sự thiếu trách nhiệm của mẹ, sự thiếu tin tưởng trong hôn nhân của dượng… Vì cớ gì tất cả lại bắt Tèo phải chịu đựng?
Cuộc sống khắc nghiệt lắm! Đúng! Con người sẽ có đôi lần vấp ngã, lầm lỡ. Không sai! Nhưng người mẹ đó đi tha hương xây dựng gia đình hạnh phúc với chồng giỏi con ngoan rồi cố tình không quan tâm, cố tình che giấu sự tồn tại về đứa con là Tèo thì không phải là quá tàn nhẫn hay sao? Đừng ngụy biện cho những khó khăn của bản thân mà hãy sống có trách nhiệm!
Nếu như mẹ sinh ra không phải đứa bé có tâm hồn tinh khôi như Tèo mà là một đứa con bình thường khác, thì có khi sự bình thường đó đã bị cuộc sống đè ép cho vặn vẹo đi rồi. Thật may là cuộc đời không có nếu như! Thật may là Tèo đã mang trái tim thiên sứ để xuống sưởi ấm cho những người xung quanh em.
Đừng coi đây là câu chuyện cổ tích có hậu, hãy xem xét bình diện hiện thực để thấy sự thiếu trách nhiệm, sự thiếu tin tưởng và tràn đầy ích kỷ của người lớn đã đẩy trẻ em vào cuộc sống bấp bênh như thế nào.
Điều diệu kỳ từ yêu thương.
Có lẽ không nên nói nhiều về những đớn đau Tèo phải chịu đựng nữa, mà nhìn vào cách em đối mặt với tất cả bằng yêu thương lại thấy ấm lòng.
“Tâm hồn cậu bé thật đẹp!”
Điều này cứu vớt hết thảy. Diệu kỳ thay, Tèo không thấy bản thân mình bất hạnh. Em không buồn chán, không u sầu, cũng không hận hay giận ai hay bất kỳ điều gì. Em sống cho hiện tại và tìm niềm vui qua đôi mắt mình.
Dĩ nhiên là một đứa bé, em cũng biết khóc:
“Những ngày đầu nằm liệt một chỗ, tay em lúc nào cũng khóc.”
Khi khóc, đôi bàn tay dùng để lau nước mắt mà ướt đẫm, vì vậy mà tay cũng khóc – đó là cách lý giải ngộ nghĩnh của Tèo. Giọt nước mắt làm trôi đi những nỗi buồn, rồi em lại nhìn đời bằng đôi mắt trong veo veo. Tèo liệt nửa người, nằm một chỗ, nhưng đầu óc em linh hoạt hơn bọn nhỏ. Sự thông minh, lém lỉnh, óc sáng tạo vô bờ, có sách làm thầy, bầu trời làm bạn, khiến ngày qua ngày Tèo trải qua luôn sinh động.
Mang một trái tim ngập tràn yêu thương, Tèo đã luôn tìm thấy cơ hội để tha thứ cho cuộc đời, cho sự nhẫn tâm của người lớn, nhờ vậy mà tâm hồn em lúc nào cũng bình yên. Trái tim ấy còn sưởi ấm cho người khác nữa, những lời nói trong lúc vô tình cũng có thể lan tỏa yêu thương:
“Khi mình thương ai đó, người đó nấu gì mình cũng thấy ngon.”
Nhờ chơi chung với Tèo mà nhân vật “tôi” nhận ra cậu yêu mẹ nhường nào, và việc khiến mẹ hạnh phúc cũng đơn giản lắm.
Sự lan tỏa yêu thương của Tèo diễn ra âm thầm, lặng lẽ nhưng không thể kháng cự. Như dòng suối mát lành len lỏi trong lòng đất khô cằn cho đến khi thấm đẫm.
“Bao giờ cũng nhìn thấy sự may mắn trong một hoàn cảnh không may mắn, bao giờ cũng tươi vui trong một số phận kém vui tươi, bao giờ cũng đối xử tốt với cuộc đời mặc dù không phải lúc nào cuộc đời cũng đối xử tốt với mình – những phẩm chất đó có lẽ chỉ có ở thằng Tèo, đứa bé xem việc được làm bạn với bầu trời cao xanh và khoáng đạt là niềm vui lớn lao. Lớn lao hơn nhiều so với những mất mát của bản thân mình.”
Sự trưởng thành trong cái trẻ con ấy khiến bạn đọc thích Tèo nhưng cũng càng thương em hơn. Suy cho cùng, trẻ con quá hiểu chuyện cũng không tốt.
Bác Hồ kính yêu đã từng dạy:
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.”
“Làm bạn với bầu trời” truyền cảm hứng về điều kỳ diệu từ tình yêu thương và lòng bao dung, dạy các em cách sống tốt đẹp, sống khoáng đạt và suy nghĩ trong trẻo. Nhưng người lớn nếu có đọc tác phẩm này, nên ngẫm về những nhân vật “trưởng thành” trong truyện, về những điều họ làm đã khiến cho một số phận búp măng chao nghiêng và suýt bị vùi dập.