Một tác phẩm lạ lùng của Haruki Murakami. Bởi đó là một Murakami thuở ban đầu mới viết, rất khác với ông trong Rừng Nauy, Kafka, 1Q84 hay nhiều tác phẩm sau này.
Cuộc săn cừu hoang phát hành tại Nhật Bản năm 1982. Đây là cuốn thứ ba nằm trong bộ về “Chuột” và “tôi” của Murakami, nối tiếp Lắng nghe gió hát và Pinball, 1973. Theo ông, Cuộc săn cừu hoang là cuốn đầu tiên ông cảm nhận một sự xúc động, một niềm vui khi kể câu chuyện; giống như khi đọc một câu chuyện hay, bạn ngấu nghiến đọc. và khi ông viết một câu chuyện hay, ông cũng viết ngấu nghiến. Tại một Liên hoan văn học riêng về Murakami ở Oslo (Nauy), ông chia sẻ : viết một cuốn tiểu thuyết cũng giống như mơ một giấc mơ. Nếu vậy, Cuộc săn cừu hoang chính là một giấc mơ hoang đường ngẩn ngơ nhưng hấp dẫn đến kỳ lạ.
Giấc mơ hoang đường
Cuộc săn cừu hoang của nhân vật “tôi” bắt đầu khá chậm chạp, dai dẳng, có chút dài dòng, mà thậm chí mãi đến khi đọc xong tôi vẫn tự hỏi: Nhân vật tôi ấy kể về cô gái người quen vừa mất ấy, để làm gì nhỉ? Cả những hoài niệm về người vợ cũ? Nhưng mà nếu thiếu đi đoạn ấy, câu chuyện lại kỳ kỳ, hệt như cách một giấc mơ bắt đầu từ những bối cảnh thân quen.
Bất ngờ nhịp điệu đột nhiên tăng tốc khi nhân vật “tôi” bị vướng vào một yêu cầu kỳ quặc – đi tìm một con cừu. Con cừu kỳ lạ ấy xuất hiện trong bức ảnh của một bài PR cho công ty bảo hiểm. Nó tình cờ đến tay Ông chủ. Ông ta yêu cầu anh gỡ bức ảnh và cử người thư ký chi một số tiền lớn để anh đi tìm con cừu. Đột ngột, nhịp truyện trở nên nhanh hơn. Giấc mơ bị xô vào cao trào khiến ta hồi hộp và thắc mắc: rõ ràng có gì đấy phi lo-gic, nhưng đầu óc ta cứ kiên quyết là nó hợp lý. Một loạt sự xuất hiện của những con người kỳ lạ trên hành trình tìm con cừu: giáo sư cừu? người chăn cừu? người cừu? và cả cái tên Chuột tự nhận là đã treo cổ hôm qua xuất hiện trong bóng tối nữa? Và mọi thứ bất ngờ kết thúc khiến ta ớ ra.
Tan mộng, tỉnh mơ, ngẩn ngơ nhìn đời thực
Thế đấy, người đọc sực tỉnh giấc mơ: ngẩn ngơ, bàng hoàng, buồn vui lẫn lộn, vừa nhẹ nhõm lại vừa hoang hoải tiếc nuối mà chẳng rõ là tiếc điều gì. Ta mở mắt nhìn ra ngoài khung cửa, chim vẫn hót, những tòa cao ốc văn phòng vẫn nhìn lại vô tình, bông hồng đã nở, còn cà phê thì nguội ngắt từ bao giờ. Ta thấy vui vì nhận ra mình vẫn còn tồn tại, nhưng lại buồn khủng khiếp vì nhận ra mình cô độc biết bao giữa dòng đời nhộn nhịp này. Murakami quả thật vẫn luôn giỏi trong việc tả lại nỗi cô đơn – thứ cảm xúc dai dẳng, ghê gớm gặm nhấm con người hiện đại.
Đọc xong gấp sách lại, vài điều trong giấc mơ cứ quẩn quanh lướt qua đầu như hình ảnh chớp nháy: một cô gái với đôi tai thật đẹp ẩn giấu sau mái tóc đen dài, một cô gái khác đọc sách và dụi tàn thuốc lá liên tục, vừa uống một thứ cà phê nhạt như nước ốc trong quán cà phê kiểu những năm 80 rồi đợi ai đó đến trả tiền cà phê, thuốc lá và lên giường với anh ta. Anh bạn ưa phiêu du phóng khoáng, một con mèo cũ mèm già nua gầy gò, một đàn cừu lông trắng như mây bông, một vùng núi ảm đạm vắng người qua với những bãi chăn cừu… . Rồi đến tình yêu của ta, giấc mơ của ta, những thay đổi, những tìm kiếm của ta cũng lướt qua. Ta thấy mình già đi, giống như lời cô vợ cũ của nhân vật “tôi” trong chuyện : “Tế bào cơ thể tự thay thế mỗi tháng. Ngay cả chính lúc này đây, hầu hết mọi thứ anh nghĩ anh biết về em chỉ là kỷ niệm.”
Xem thêm review sách của Haruki Murakami:
Biên niên ký chim vặn dây cót: Thế giới thực và ảo
Sự bất thường trong những thứ bình thường
Người ta nói giấc mơ phản ánh những khát khao chân thực và sâu thẳm nhất trong con người, kể cả những điều bạn thậm chí còn chẳng nhận ra. Chính tác giả cũng nói trong Cuộc săn cừu hoang rằng: Có những giấc mơ tượng trưng – những giấc mơ tượng trưng hóa một hiện thực nào đó. Và rồi có những hiện thực tượng trưng – những hiện thực tượng trưng hóa một giấc mơ.
Cuộc săn cừu hoang có lẽ cũng phản ánh một khát khao thoát ra khỏi cái nhàm chán, tầm thường của sự đời tẻ nhạt, nơi có cả tỷ người mà vẫn cô đơn, nơi con người nhìn thấy chính mình nhưng lại chẳng nhận ra đó là mình. Nó được Murakami ám chỉ bằng cách mô tả những sự vật rất kỳ quặc. Rõ ràng ta thấy mọi chuyện đều có vẻ ổn nhưng luôn canh cánh một cảm giác “bất ổn”.
Một quán cà phê thường tụ tập bạn bè, phục vụ mọi thứ không đổi: nhạc rock và cà phê tồi. Một cô bạn cũ mà mọi người đều nhớ mặt nhưng không ai nhớ nổi tên, tên cô nàng là “con nhỏ ngày xưa sẵn sàng lên giường với bất cứ thằng nào”. Ngôi nhà của Ông chủ – tòa nhà cô độc một cách đau đớn – mọi thiết kế của nó có thể tạm gọi là theo một chủ đề thống nhất: chủ đề ấy là sự chống đối lẫn nhau của các ý thức hệ. Đến quán cà phê anh hẹn gặp cô bạn gái cũ của chuột cũng là quán – cà – phê – khách – sạn – tinh – tế đầy những hợp âm rải và nhấn lệch – nhạc nền sai bét cho một khung cảnh sai bét… Thậm chí, khi nhân vật “tôi” nhìn vào gương, anh ta còn nghĩ người trong gương có lẽ mới là người thật, còn kẻ đang soi gương chỉ bắt chước theo hành động của người trong gương mà thôi. Nó phản ánh cái chán nản và cô đơn đến cùng cực mà không gọi được tên, như một nguồn năng lượng. Cái cô đơn và chán ghét tỏa ra, nhuốm màu lên mọi thứ “tôi” thấy, “tôi” làm, “tôi” chạm vào.
Người không tên và đời vô danh… như những con cừu
Nhân vật duy nhất có tên là con mèo tên Cá Trích,con mèo vừa già, vừa xấu, vừa bẩn nhưng được đặt tên ngay trong chuyện, bởi một người lái xe có số điện thoại của Chúa. Còn lại, cả một tác phẩm dài với gần chục nhân vật xuất hiện quanh “tôi”, nhưng không một ai có tên. Một cái tên hẳn hoi, giống như Watanabe Tōru, như Tengo hay Aomame… giống nhân vật trong những tác phẩm sau này của Murakami. Phải chăng , lúc ấy chính tác giả cũng chưa gọi tên nổi những điều ông muốn chạm đến trong tác phẩm của mình, dù nó đã thành hình.
Anh ta, nhân vật tôi ấy, tự dưng xuất hiện, rồi kể chuyện, chuyện đời anh ta, làm người đọc cũng mặc định là đã biết anh ta như thể biết rõ xuất thân, biết tuổi tác, nghề nghiệp, tính cách, sở thích. Anh ta kể vài chuyện linh tinh về cuộc đời rồi kéo người đọc say sưa vào cái cuộc “săn cừu hoang” của anh ấy. Vì sao là cừu? Vì sao lại là săn?
Thực tế, đọc truyện xong, bạn sẽ nhận ra thực sự chả có một cuộc đi săn đúng nghĩa nào như ta vẫn tưởng tượng. Rốt cục, cái con cừu mà nhân vật tôi đi săn ấy, nó đã chết, chết cùng Chuột đêm hôm ấy. Nó chết trước khi người đọc kịp nghĩ nhiều về nó.
Cuộc đời của con cừu cũng gói trọn trong việc được sinh ra, ăn cỏ, để con người lấy lông, lấy thịt, sinh ra cừu con, rồi chết đi. Người chăn cừu nói: bọn cừu đực thì có thêm việc tranh giành vị trí cao hơn trong đàn, vị trí của chúng cũng đánh số. Con quyền lực nhất, số 1, chỉ cần nó di chuyển, tất cả những con khác sẽ chạy theo mà không thắc mắc. Có lẽ con người cũng chẳng khác một cừu, bị bị nhịp sống này chăn dắt. Cả xã hội là một đàn cừu lớn có vai vế, có trật tự. Những con đi sau nhắm mắt lao theo những thứ được mặc định là giá trị mà không cần thắc mắc. Và rồi đời ai cũng thế, cũng theo đuổi ngần ấy thứ, làm ngần ấy thứ, và rồi chết đi, nhàm chán, tầm thường như đời con cừu.
Những đẹp đẽ khiến ta không thể dứt ra khỏi văn chương Murakami
Người ta nói đây là một trong những tác phẩm định hình phong cách văn chương của ông. Có lẽ thế, nên ngay từ Cuộc săn cừu hoang, ta đã bắt gặp lối miêu tả cảnh vật đến nội tâm nhân vật độc đáo của ông, từ những cách miêu tả tỷ mỉ và đa chiều về con người cũng như cảnh vật . Nó thể hiện cái nhìn tinh tế của một người quan sát thế giới hoàn hảo. Không chỉ nhìn bằng đôi mắt. Nếu người vẽ làm hiện lên khung hình bằng những đường nét chi tiết thì người viết gợi hình bằng con chữ.
Cuộc săn cừu hoang không đề cập đến chính trị, tôn giáo, cái chết, sex hay chạm vào những cảm xúc sâu thẳm nhất của con người một cách “gây ám ảnh” như ta gặp ông sau này. Vẫn có âm nhạc, có mèo, nhưng mọi thứ dường như chỉ mới manh nha, vừa đủ để người đọc đều cảm nhận được cá tính viết của tác giả.
Giang Tạ