Bằng phương thức mềm hóa toán học một cách tài tình, Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn – bộ đôi tác giả “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” đã đưa độc giả hồ hởi theo từng bước chân của Ai và Ky, để cùng nhau khám phá một thế giới trong vắt của trí tuệ và tình người, nơi chân tâm định hình con số, nơi toán học không còn khô khan như nó vốn dĩ.

“Do cả hai cùng thích Alice in wonderland (Alice lạc vào xứ sở thần tiên) nên chọn chủ đề này.”

Đó là lý do “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” tuy viết về lịch sử toán học, từ sự ra đời của số vô tỷ đầu tiên đến sự xuất hiện của phương pháp tọa độ và giải tích vô cùng bé… toàn là những kiến thức khó nhằn nhưng lại được truyền đạt qua một cốt truyện hư cấu, đậm chất kỳ bí và đầy tính hấp dẫn.

Một câu chuyện cổ tích thật đẹp!

“Cuốn sách là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp, với nắng vàng trên bãi cát, với bầu không khí trong vắt của trí tuệ và tình người, với những nghịch lý và âm mưu. Ta chợt nhận ra rằng, thế giới của những con số cũng huyền ảo, kỳ bí và lãng mạn như cuộc đời.” – Trích lời giáo sư toán học Hà Huy Khoái

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình

Câu chuyện bắt đầu khi cậu thiếu niên tên Ai đột nhiên rơi vào xứ sở những con số tàng hình, đó là một thế giới kỳ lạ, một tiểu vũ trụ trong suốt, trống rỗng và lơ lửng. Ở đấy cậu gặp Ky – một thanh niên đeo kính trắng, đầu to, tóc bạc sớm, trên vai là chú dế Jim. Ky xuất hiện và cho Ai những hướng dẫn hữu ích.

Tổ hợp gồm một “Ai” khát khao học hỏi, một “Ky” đầy đủ những hiểu biết tròn trịa, và một “Jim” mang niềm vui trong trẻo của trẻ thơ, cùng nhau bắt đầu chuyến khám phá thế giới thần bí diệu kỳ.

Khác với những cuộc phiêu lưu ngoài đời thực, trong thế giới của những con số và phép dựng, của đường thẳng và trường mênh mông, Ai và Ky không cần biết đâu là giới hạn trên hành trình của mình. Mỗi bước tiến lên phía trước, thứ các cậu thu hoạch được không chỉ là kiến thức đáng quý, công cụ hữu ích, mà còn kết thêm được những người bạn mới.

 

Review sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - ảnh 2
Bối cảnh trong sách là một thế giới bảy phần thực ba phần hư.

Ở đấy có các nhân vật được xây dựng trên hình mẫu có thực là những nhà toán học, triết học, nhà sáng chế nổi tiếng như Pythagoras, Thales, Euclid, Descartes, Zeno, Steve Jobs,… họ đã dạy cho Ai và Ky những công thức toán học, những định lý và triết lý mà họ đã tìm ra.

Ai va Ky o xu so nhung con so tang hinh anh 6

Ở đấy cũng có một số nhân vật trong tiểu thuyết “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” là Alice, cụ Rùa, quái thú Gryphon… Hay chú dế Jim – nhân vật mô phỏng từ “Pinocchio” của Carlo Collodi, và cả Hetty – nhân vật mô phỏng bà sếp già trong bộ phim truyền hình “NCIS: Los Angeles”…

Từng nhân vật xuất hiện cho Ai và Ky trải nghiệm và tri thức. Tại xứ sở những con số tàng hình, tư duy con người là huyết mạch, là cốt lõi của sự tồn tại, mà ngay cả những cuộc thi, ngay cả phiên tòa, cũng chỉ là những cuộc vui trí tuệ. Dừng lại bằng kết thúc mở, hai nhân vật chính cùng lên chuyến tàu “Phía Trước”, bắt đầu một chuyến du hành khác, tiếp tục khám phá đại dương tri thức vô bờ.

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - reviewsach.net

Chân tâm định hình con số

Thoạt tiên, những dòng đầu của cuốn sách khiến người đọc liên tưởng đến tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký, cái cách mà cậu bé Ai không rõ từ đâu xông vào và rồi lơ lửng trên không trung, thực có chút giống với Tôn Ngộ Không.

“Đó là một khoảng không rộng lớn, vô cùng tĩnh lặng, giống như một tiểu vũ trụ trong vắt không một hạt bụi. Ngay cả ánh sáng chiếu qua khoảng không ấy cũng là một thứ ánh sáng kỳ lạ, tưởng chừng phát ra từ một mặt trời màu trắng.”

Một khoảnh khắc của thời gian trước khi Ai xuất hiện, vũ trụ còn trong suốt và trống rỗng. Sự trống rỗng tuyệt đối tự nó hoàn hảo như chính cái điểm đầu tiên mà Ai đang tựa vào, đó là điểm bắt đầu, điểm Số Không. Và Ky, là điểm Số Một.

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - bìa sau cuốn sách reviewsach.net

Theo cách nói của Ky, trực giác của Ai đã nhận thức được nơi bắt đầu của thế giới này.

Vì sao vũ trụ đó trong suốt và trống rỗng, chỉ có nắng, có gió, có thảm cỏ rộng xanh ngắt, có biển mênh mông tĩnh lặng…? Có vẻ như đây là thế giới trong trẻo trong tâm hồn con trẻ, một thế giới tinh khôi, sẵn sàng tiếp thu tri thức để thêm giàu, thêm đẹp, thêm phong phú. Hoặc cũng có thể hiểu đây chính là thế giới nội tâm của Ai, sự trong sáng của cậu là biểu tượng cho “nhân chi sơ” của mỗi con người.

Vậy thì vì sao những con số lại tàng hình? Những con số có tàng hình hay không là nhận thức của Ai, là tri thức tích góp được của một cậu bé đang hăng hái trên con đường khám phá thế giới toán học. Niềm khát khao học hỏi của Ai sẽ quyết định lượng tri thức là cậu gặt hái. Mỗi một con số từ vô hình trở nên hữu hình, là lại thêm một con số được Ai nhận thức, lại thêm một kiến thức được Ai tiếp thu.

Chặng đường Ai và Ky được chia làm hai phần, nếu nửa sau câu chuyện là những biến cố bất ngờ có phần siêu thực, lôi các nhân vật vào một vòng xoáy hành động sôi nổi, thì nửa đầu chính là hành trình văn minh nhân loại đã trải qua. 

Từ buổi bình minh của toán học với Thales, người được coi là cha đẻ của khoa học. Với Pythagoras, người đầu tiên sử dụng suy luận toán học chứng minh tổng quát, các phương pháp hình học của Thales và Pythagoras đã đặt nền tảng cho hình học của Euclid.

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình review

Với Euclid, người được coi là cha đẻ của hình học, Euclid vĩ đại cùng những tiên đề đầu tiên về điểm và đường thẳng. Diogenes đức hạnh luôn giơ cao ngọn đèn tìm người lương thiện, hay Descartes với hệ tọa độ và phương pháp tư duy trừu tượng… 

Những nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại, lại được các tác giả dựng bối cảnh cùng ngồi ăn tối và đàm đạo dưới một mái nhà, cùng với Ai và Ky, cùng với cả Alice xinh đẹp. Các bậc danh nhân đó đã giảng giải cho Ai và Ky những kiến thức cột mốc trong lịch sử phát kiến và nghiên cứu toán học, với một nguyên tắc:

Những quy luật, những định lý, những vẻ đẹp của toán chỉ có thể hiện lên một khi các cậu bé thực sự muốn khám phá.

Đây là chìa khóa tư duy toán học, cũng là nền tảng tư duy cuộc sống.

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - ảnh 1
Những nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại, lại được các tác giả dựng bối cảnh cùng ngồi ăn tối và đàm đạo dưới một mái nhà

“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”

Nguyên văn: “Stay hungry, stay foolish” – đây vốn là câu nói bất hủ của Steve Jobs – doanh nhân, nhà sáng chế lỗi lạc người Mỹ, đồng sáng lập viên và là cựu CEO của Apple.

“Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” bắt đầu chắp bút vào tháng 4/2011, hoàn thành vào cuối tháng 11/2011. Trong khoảng thời gian này, Steve Jobs đã trải qua quá trình nghỉ phép dưỡng bệnh, rồi từ chức tổng giám đốc điều hành của Apple, và rồi ra đi mãi mãi vào ngày 05/10/2011, ở tuổi 56.

Việc đưa Steve Jobs vào trang sách, đã quá rõ ràng vì sự tồn tại của ông là truyền kỳ trong giới kinh doanh, là thiên tài trong giới sáng tạo, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người trẻ tuổi, người khởi nghiệp, thậm chí là những doanh nhân đã thành công. Nhưng có lẽ đây cũng là một cách khéo léo để các tác giả thể hiện lòng tưởng nhớ và tri ân đến vị danh nhân lỗi lạc này.

Steve Jobs xuất hiện trong chương cuối của cuốn sách một cách đầy thú vị, giữ vai trò thuyền trưởng của chuyến tàu “Phía Trước”, đó là một người đàn ông trẻ, cao gầy nhưng rắn rỏi. Anh cười rạng rỡ, đôi mắt sáng lấp lánh, có khi lại nháy mắt tinh nghịch trò chuyện và gửi những món đồ cho Ai và Ky. Anh cũng trêu đùa với Ai: “Stay hungry!”

Sự xuất hiện của Steve Jobs, vị danh nhân gần nhất với thời đại này, có sức lay động nhân tâm, và tạo ấn tượng sâu đậm.

“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Khát khao giữ con người hướng đến cái tốt đẹp hơn. Vượt qua được những định kiến và đánh giá từ người khác để thực hiện đam mê và ước mơ của bản thân. Như niềm tin tưởng ngỡ dại khờ, ngây ngô của Steve Jobs đã đúng và iPad đã đem lại thành công rực rỡ cho Apple.

Hãy giữ cho cặp mắt ngây thơ như cậu thiếu niên Ai, để nhìn ra chân lý. Bởi vì chân lý chỉ dành cho những người không bị che mắt bởi cái vụn vặt thường nhật. Hãy giữ cho nụ cười hồn nhiên như Alice. Và, hãy lắng nghe những người khác nói, nhưng luôn suy nghĩ bằng cái đầu của mình.

Gấp sách lại, như lời của GS Hà Huy Khoái, có “cảm giác tiếc nuối trở nên mơ hồ như làn khói lam chiều. Có một tiểu hành tinh vừa băng qua mùa thu của trái đất”.

Ai va Ki o xu so nhung con so tang hinh review sach hay nen doc

Vài nét về hai tác giả

GS Ngô Bảo Châu sinh ngày 28/06/1972, nguyên quán Hà Nội. Anh là niềm tự hào của nền toán học Việt Nam, có nhiều đóng góp lớn cho nền toán học của nhân loại, được vinh danh nhiều lần trong giới hàn lâm khoa học.

Đặc biệt, anh là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huy chương Fields – phần thưởng danh dự nhất thế giới trong lĩnh vực toán học, thành tựu này đã làm rạng danh nền giáo dục của cả Việt Nam và Pháp. Năm 2012, tại điện Élysée, anh được Tổng thống Pháp Sarkozy trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh – huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp. Năm 2018, anh được trao Giải thưởng toán học Maurice Audin 2016 tại Viện nghiên cứu Henri Poincaré, Paris, Pháp. 

Đồng tác giả – Nguyễn Phương Văn từng tốt nghiệp các chuyên ngành Vật lý (ĐH Tổng hợp Hà Nội) và Kinh tế (trường Fulbright) tại TP. HCM. Anh còn có bút danh Phương Cẩm Sa và cũng là chủ nhân của blog 5xu đạt hàng triệu lượt truy cập.

Cả hai người đều không có xuất phát điểm là nhà văn chuyên nghiệp, lại hữu duyên hội ngộ rồi hợp tác với nhau cùng viết cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”, với mong muốn “gợi mở bạn đọc để họ tò mò về các nhân vật xem đó là ai ngoài đời, họ đã làm gì cho khoa học, họ đã sống ra sao, ở thời nào; các khái niệm toán học như trường, hệ tọa độ, không gian phi Euclid… là gì, có ý nghĩa gì, từ đó bạn đọc tự tìm hiểu.” – như lời tác giả Nguyễn Phương Văn chia sẻ.

Duyên