Tác phẩm “Người tị nạn” (tựa gốc: The Refugees) được Publishers Weekly ví như một nồi áp suất nén đầy khắc khoải, ùng ục những vấn đề nan giải về ký ức và nhân dạng của lớp người Việt Nam bị gián đoạn cuộc đời bởi chiến tranh, buộc phải vượt trùng dương, sống tha hương xứ người.

Ảnh kimmy reviewsachonly Người Tị Nạn
Ảnh: kimmy

Tiểu thuyết đầu tay “The Sympathizer” đưa tên tuổi của Viet Thanh Nguyen – tác giả người Mỹ gốc Việt nổi danh toàn cầu với giải Pulitzer danh giá, nhưng tập truyện ngắn “Người tị nạn” phát hành đầu năm 2017 mới là cuốn sách đầu tiên xuất bản tại Việt Nam của vị tác giả này.

78abf06b056758a5d29e4eae0c78d376

Các truyện ngắn trong tuyển tập “Người tị nạn” đã được viết và đăng báo rải rác từ trước, trong khoảng 2007 – 2011. Một số truyện từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi do các báo tổ chức. Truyện ngắn “War Years” trong bản gốc tập truyện “The Refugees” không xuất hiện trong phiên bản tiếng Việt, điều này đã được sự đồng ý của tác giả.

Đọc thêm:

reviewsachonly Người Tị Nạn
Ảnh: zingvn

“Tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu.”

Đây là lời đề tặng mà tác giả Viet Thanh Nguyen – một người tị nạn, một người Mỹ và là một con người – theo cách tự giới thiệu của ông, đã trân trọng đặt lên trang đầu tác phẩm “Người tị nạn”.

Tị nạn, nếu hiểu theo một nghĩa rộng rãi, là việc rời nơi mình sống để tránh một tai họa nào đó. Có thể là thiên tai, như bão lụt, hạn hán, nạn đói do mất mùa… Cũng có thể là nhân tai, do con người gây ra, như chiến tranh, thảm họa môi trường, áp bức tôn giáo hay chính trị… Rồi ngày nay còn có thêm khái niệm tị nạn giáo dục nữa.

Dù vì lý do gì, người tị nạn cũng phải sống và tập hòa nhập vào môi trường mới trong khi mang nặng mặc cảm của kẻ sống bám, cho tới ngày họ có thể đứng trên đôi chân của mình. Họ là những người luôn mang theo mình một cảm giác xa lạ với xã hội, sống hai đời sống – một trong nền văn hóa lớn hơn mà họ đang cố hòa nhập, và một gần với bản chất hơn khi ở trong cộng đồng cùng dân tộc và nói thứ tiếng của quê hương.

7 truyện ngắn trong “Người tị nạn” xoay quanh những con người như thế, khắc họa một bức tranh đa diện về những thân phận thiên di đến miền đất hứa, từ những trải nghiệm giằng xé ở quê hương trước lựa chọn đi hay ở, cho đến những chuyến vượt biên cam go một mất một còn, và sau nữa là cuộc sống bơ vơ nơi đất khách quê người.

Cuốn sách, bởi vậy mà buồn. Buồn vì chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm nhưng những vết thương để lại vẫn còn đớn đau khi trái gió trở trời. Buồn vì sự chia cắt trong lòng chính những người Việt với nhau vẫn còn sâu hoắm. Buồn vì những xung đột trên khắp thế giới vẫn đang biến hàng triệu người thành những người tị nạn, đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc phải rời khỏi quê hương lang thang vào tương lai mờ mịt nơi xứ người…

Để rồi độc giả phải bật thốt lên: Tại sao? Tại sao chiến tranh lại xảy ra? Tại sao con người lại tiếp tục chia rẽ con người?

reviewsachonly Người Tị Nạn (1)

Không phải là một “bộ phim tài liệu”.

Nhiều người cho rằng “Người tị nạn” là một “bộ phim tài liệu” về chiến tranh và trên hết là hệ lụy của nó. Nhưng không, đây là một góc nhìn sai lầm, xuất phát điểm nhầm chỗ từ bước đầu sẽ dẫn đến những tranh cãi, hoặc áp đặt không đáng có đối với tác phẩm đáng đọc này.

Phim tài liệu là một thuật ngữ trong điện ảnh, chỉ thể loại phim khai thác mọi khía cạnh trong đời sống ở góc độ chân thực và tự nhiên nhất, không có dàn dựng, không có hư cấu, không có diễn viên, không có kịch tính, không có xung đột, ít ca khúc.

Nếu ví “Người tị nạn” là một bộ phim, thì nó không thể là thể loại “phim tài liệu”, vì rõ ràng, nó hư cấu. Nhiều nhà phê bình nhận định rằng đây là một tác phẩm hư cấu mà chân thực, vì nó được viết dựa trên nguồn cảm hứng từ những người tị nạn xung quanh nhà văn, trong đó thân cận nhất có ba, mẹ, anh trai và vợ ông. Họ là những hình mẫu của người tị nạn mà chính bản thân ông cũng là một trong số đó, điều này tạo nên tính chân thực đến ám ảnh trong từng câu văn.

Nhưng dù thế nào thì tập truyện ngắn “Người tị nạn” vẫn là một tác phẩm hư cấu. Nhà văn không có trách nhiệm phải khẳng định sự việc hay con người nào đó là đúng hay sai, tốt hay xấu. Từng truyện ngắn đơn thuần là câu chuyện mà người đọc có thể hiểu theo nhiều góc nhìn, cũng từ đó nhìn đời đa diện hơn. Từng nhân vật trong trang sách có thể mượn chất liệu trong đời sống của những người có thật, hoặc hoàn toàn tưởng tượng, nên việc đánh giá họ về các phương diện khác ngoài tài năng văn chương, như quan điểm sống hay thế giới quan, nhân sinh quan… là không có cơ sở.

Viet Thanh Nguyen kể chuyện về cuộc sống và tâm tình người tị nạn, tạo cho độc giả những cách nhìn mới, những suy nghĩ sâu rộng hơn về một bộ phận người mà trong mảnh đất văn chương còn chưa trù phú.

reviewsachonly Người Tị Nạn (2)

Góc nhìn từ bên trong.

Sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, Viet Thanh Nguyen luôn cảm thấy mình như một điệp viên hai mang. Lúc ở nhà với cha mẹ, ông là điệp viên của nước Mỹ bên ngoài; lúc ở ngoài, ông là điệp viên của cộng đồng người tị nạn Việt Nam. Tuy nhiên, đứng giữa hai thế giới này, ông chủ động chọn một góc nhìn độc lập để có thể soi chiếu một cách khách quan nhất.

Không chỉ vậy, Viet Thanh Nguyen luôn sẵn lòng một tư duy trăn trở, hy vọng có thể thấu hiểu tận cùng căn tính và tâm tính của một cộng đồng tị nạn trong lòng nước Mỹ để phản chiếu một cách chính xác trên trang viết.

Bấy lâu nay, văn chương thiếu vắng những đôi mắt đến từ bên trong, giúp độc giả Việt Nam hiểu thêm về đời sống kiều bào, những người tị nạn tha hương kể từ lúc đất nước vừa thống nhất. Từ truyện ngắn “Những người đàn bà mắt đen”, “Kẻ thứ ba”, “Vụ ghép tạng”, “I’d love you to want me”, “Người Mỹ”, “Một ai đó khác ngoài bạn” cho đến “Tổ quốc”, Viet Thanh Nguyen đã thể hiện tham vọng của bản thân: cố gắng phác họa toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu định cư cho đến khi đã trưởng thành, lần lượt qua từng mẩu chuyện. Nhưng dù đến phương trời nào đi nữa, con đường cuối cùng ông nhìn vẫn hướng về Tổ quốc.

Con người, sẽ không bao giờ hiểu về người tị nạn nếu họ không phải người tị nạn. Luôn luôn tồn tại những bức tường ngăn trở sự hòa nhập của những người tị nạn. Bởi vậy, góc nhìn từ bên trong cộng đồng người tị nạn như nhà văn Viet Thanh Nguyen là một sự xuất hiện cần thiết trong văn chương.

reviewsachonly Người Tị Nạn (3)

Đôi nét về nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer văn học.

Viet Thanh Nguyen sinh ngày 13/03/1971 tại Ban Mê Thuột (sau 1975 đổi thành Buôn Ma Thuột), Việt Nam.

Năm 1975, khi vừa 4 tuổi, ông theo gia đình di cư sang Mỹ.

Hiện tại, ông là Giáo sư Anh Ngữ, Sắc tộc và Hoa Kỳ học. Ngoài ra, ông còn là cây bút phê bình uy tín, thường xuyên xuất hiện trên New York Times, Los Angeles Times, The Guardian, The Atlantic…

Viet Thanh Nguyen là người gốc Việt đầu tiên nhận giải Pulitzer văn học cho tiểu thuyết đầu tay “The Sympathizer”. Tiếp theo đó, tập tiểu luận “Nothing Ever Dies” của ông lọt vào chung khảo giải National Book Critics Circle Award cùng năm.

Điều thú vị ở Viet Thanh Nguyen là ông không đổi sang một cái tên nước ngoài như nhiều người khác, dẫu đã mang quốc tịch Hoa Kỳ, mà vẫn giữ tên tiếng Việt của mình, chỉ xếp lại theo cách người phương Tây ghi tên trước họ. Nguyễn Thanh Việt được viết thành Viet Thanh Nguyen, Việt trong từ Việt Nam, một cái tên đáng tự hào mà nhà văn đã chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn:

“Cha mẹ đã chọn cho tôi một cái tên rất dân tộc và ái quốc.”

: