Người ta thường đi du lịch với gia đình, bạn bè thân thiết hoặc đồng nghiệp cùng cơ quan. Nhưng ở đây, chỉ có Saiki và Mashima là cùng công ty nhưng cũng chẳng thân thiết, còn Nakasugi và Shigeta chỉ là những con người vô tình lạc vào dòng chảy cuộc sống của hai người ở trên. Họ cùng nhau xách va li lên đi du lịch, từng chuyến đi là từng trải nghiệm, từng câu chuyện mang nỗi buồn man mác khó tả và đọng lại chút gì đó gãi nhè nhẹ vào lồng ngực mỗi người đọc. 

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Một trong những đặc sắc của văn học Nhật Bản nói chung và ở cuốn sách này nói riêng là ở cốt truyện đặc biệt ấn tượng. Mỗi người đàn ông có riêng cho mình một câu chuyện với bao nhiêu tâm tư uẩn khúc, đặc biệt trong đó đều có những người phụ nữ, những bóng hồng ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành động và tương lai của họ. 

Những câu chuyện như vết dao khắc vào tim…

Mashima có một người mẹ, kí ức tuổi thơ của cậu về bà lại ít ỏi, cô đọc và xa lạ đến lạnh lòng. Nhưng cho dù bà có bỏ cậu lại ở tuổi mười tám để đi tìm hạnh phúc của bản thân, cho dù cuộc gặp mặt sau mấy năm của hai mẹ con lại ngượng gạo như người dưng nước lã, cho dù Mashima trốn chạy và lảng tránh, thì cuối cùng cậu vẫn nhận ra, nơi bình yên nhất cho tâm hồn mỏng manh của bản thân vẫn là mẹ, bên cạnh mẹ. 

Nakasugi và Shigeta thì đau khổ và mệt mỏi, vì đàn bà. Hối hận cũng có, day dứt cũng có, cho đến cay độc, lạnh lùng, thờ ơ, bất lực… Mọi khúc mắc trong câu chuyện của hai người được dồn nén lại, bị đẩy lên cao trào, và kết thúc bởi những câu chuyện khác, cũng về đàn bà. Cách cài cắm tình tiết để hóa giải xung đột của Yuriko thực sự tuyệt vời, nó lôi cuốn người đọc cho đến cuối cùng, rồi vỡ òa trong rất nhiều cảm xúc hòa vào nhau. Để độc giả tự đặt cho mình một câu hỏi, nếu ở trong tình thế của họ, mình sẽ làm gì? Liệu, có khôn ngoan hơn anh ta mà điều khiển được những cảm xúc đang ồ ạt xâm chiếm cõi lòng hay không?

Còn Saiki, nếm trải vị tình yêu đầu đời thật không dễ dàng đối với một người “kì lạ” như anh. Cô gái ấy làm anh điên lên, làm anh bứt rứt khó chịu, đảo lộn trật tự hằng ngày của anh, và làm cho con tim anh xao xuyến khôn nguôi. Nhưng tất cả, đó là tình người. Nghe như Chí và Nở, đúng thế, Saiki và cô bạn gái nhỏ chấp nhận nhau, yêu thương nhau, đồng cảm và chia sẻ cho nhau, và cuối cùng tưởng như mọi thứ đổ vỡ, thì họ lại khác hai con người đáng thương của Nam Cao kia, họ vẫn tìm về với nhau, trao nhau cái ôm đằm thắm. Saiki cuối cùng cũng tự trả lời được câu hỏi làm anh mất ngủ ở đầu câu chuyện, mọi thứ đều sẽ hợp lí, vì tình yêu, và vì tình thương.

Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch

Yuriko Mamiya cực kì thành công trong việc xây dựng côt truyện, như đã đề cập ở trên. Giống như khi bắt đầu trên một con đường với điểm xuất phát đầy những phiền muộn và câu hỏi, rồi trải qua những tán cây xanh mát-tán cây kí ức, gặp gỡ những con người trôi qua dòng đời của nhân vật, dần dần câu hỏi được hé mở, và cuối cùng khi trở lại điểm xuất phát, ta lại ngộ ra những điều đơn giản mà như vết dao khắc vào tim, thấm đẫm.

Hiện thực và những cái kết

“Bốn chàng trai cùng đi du lịch” chứa nhiều hơn cái tiêu đề của nó. Sau đó là những hiện thực bắt buộc con người phải chứng kiến, phải trải qua, nhưng không thể nào mang đến điều tốt đẹp hơn như trong truyện cổ tích. 

Có những hiện thực nghiệt ngã và đau đớn, chúng không chỉ tồn tại trên trang giấy, vì ngòi bút của tác giả là để phản ánh cuộc đời. Phụ nữ bị chà đạp, bị coi rẻ, bị lợi dụng, họ mất niềm tin, đơn độc và lạc lối giữa cuộc đời, cuối cùng chọn đi đến những kết cục khác nhau nhưng vẫn không có chút niềm tin tích cực, có khi, họ chọn cái chết. Xã hội Nhật Bản những năm sau Thế chiến thứ hai như thu nhỏ vào gần bốn trăm trang sách, với đủ những vấn đề, những cái gai trong thịt làm thối nát cả một cộng đồng. 

Có lẽ bởi vì những gì câu chuyện phản ánh là không thể chối cãi, là hiện thực nên giọng văn có gì đó ảm đạm và kén người đọc. Cuốn sách là một bản nhạc trầm, người kể cứ đều đều rót vào tai độc giả những tâm sự, suy nghĩ, cảm xúc; nỗi buồn nhiều hơn sự hài hước, và ngay cả sự hài hước cũng chẳng đơn thuần vui vẻ, sau đó sẽ là đắng cay và bùi ngùi. Nhưng khi kết thúc vẫn là một Happy Ending, không cách này thì cách khác, đưa đến hy vọng, có lẽ theo như ý tác giả, con người vẫn lạc quan sau những nốt  trầm ảm đạm, vẫn vươn mình tìm kiếm điều tốt đẹp, vẫn không bao giờ từ bỏ, như cách Saiki kết thúc cuốn sách với cái ôm đầy yêu thương dành cho cô gái vừa chạy trốn khỏi anh. 

Cả cuốn sách có thể được cảm nhận như câu nói của Saiki: “ Thế gian này đầy rẫy những điều tôi không hiểu nổi. Duy chỉ có một điều tôi biết chắc chắn. Không phải bầu trời cao trong của mùa đông, cũng không phải bầu trời mây đen giăng kín của mùa hè. Thế gian này còn có những ngày nắng đẹp nhưng vẫn phủ một làn sương mờ như hôm nay.”

“ Bốn chàng trai cùng đi du lịch” là một cuốn sách dễ đọc nhưng khó thấm. Hãy đọc ít nhất hai lần, lần một chỉ để xem xét vẻ ngoài nhẹ nhàng như một cơn mưa xuân của nó, lần hai để hiểu hơn những ẩn ý mà Yuriko Mamiya gửi gắm đằng sau những hạt mưa xuân kì diệu ấy.