Một cuốn sách ám ảnh từ hình thức đến nội dung, Marion mãi mãi tuổi 13 là những dòng viết rỉ máu từ trái tim một người mẹ đã mất đi đứa con gái bà yêu thương. Ở cái tuổi thiếu nữ đẹp đẽ, Marion có tất cả: Một gia đình yêu thương em, một thành tích học tập đáng nể, một mối tình ngọt ngào với cậu bạn Romain … và cả sự quấy rối, bắt nạt đến đáng sợ của bạn bè.
Marion đã ra đi thật rồi
Marion đã về với Chúa ở cái tuổi mà đáng ra em còn ở chốn trần thế để sống, để cảm thụ hết những gì là đẹp đẽ nhất. Nhưng em tự kết liễu chính mình với chiếc khăn quàng cổ, và “kết liễu” cả chiếc điện thoại di động của em cũng bằng việc ấy. Một hành động ngây thơ, có lẽ vì em đã nghĩ nếu treo chiếc điện thoại ấy, mọi lời thóa mạ, quấy rồi sẽ ngừng đeo bám em. Thật biểu tượng biết bao! Marion em ơi, đau lòng biết bao với những gì em phải chịu đựng! 3000 tin nhắn SMS thóa mạ, cay nghiệt: “đồ đần”, “đồ đạo đức giả”, “đồ không bạn bè”,… Sự lạnh nhạt của cô bạn gái thân thiết nhất và cả sự hèn nhát của cậu bé Marion yêu rất nhiều…
“Tớ đã không nói ra được hết tất cả những gì tớ chất chứa trong tim mình, nhưng bây giờ tớ nói đây, dẫu con tim tớ không còn đập nữa”
Marion lặng lẽ chịu đựng những điều tồi tệ nhất, cho đến một ngày em tự giải thoát mình bằng cái chết. Ngày 13/2/2016, em ra đi trong sự tuyệt vọng của gia đình. Marion có biết, gia đình em đã “nhận cái án chung thân” rồi không!
Marion để lại bức thư tuyệt mệnh cho những người ở lại, cho những kẻ bắt nạt em, và cả người “yêu em vì em là chính em”. Em để lại cho cha mẹ hàng ngàn hàng vạn sự hoảng loạn, một tờ giấy ghi lại những kỉ niệm của em với những kẻ bắt nạt. Đó là một tờ giấy trắng, một chi tiết chứa đựng biết bao bi kịch.
Bố em, mẹ em, em gái em, em trai em đang đuối dần…
Cô Nora Fraisse, mẹ của Marion có lẽ là người đau lòng nhất. Cái chết của Marion khiến cô trải qua cảm xúc hoảng loạn, đớn đau, hối hận, phẫn nộ đến tột cùng. Con gái của cô, cô con gái lớn với đôi mắt to tròn, đáng yêu đã ra đi, từ nay gia đình chỉ còn bốn người, chỉ còn là một gia đình khuyết đi một mảnh đáng yêu. Cô nhiều lần tự trách mình mình:
“Mẹ lẽ ra không bao giờ nên để con ở nhà một mình. Mẹ lẽ ra không bao giờ nên đến nhà Zahia. Mẹ lẽ ra không nên để cô ấy bày thêm đĩa ăn cho Clarisse và Baptiste. Mẹ lẽ ra không nên ngồi tán phét với cô ấy. Mẹ lẽ ra nên ôm con trong vòng tay mình và ru dỗ con cho đến tận lúc những ý tưởng đen tối trong đầu con bay đi hết.”
Nhưng chỉ là lẽ ra, sự thật tàn nhẫn hơn nhiều. Cô Fraisse nhiều đêm tuyệt vọng tự trách mình như thế, trái tim của con sư tử mẹ bị mất đứa con kêu lên thống thiết, nó vùng vẫy trong nước mắt, dữ dội những tiếng xé lòng, rồi với tất cả lòng căm phẫn dữ dội, nó đau đớn trả thù, quyết tìm bằng được những gã ác ôn bắt con nó & khiến chúng trả giá. Khi lý trí vực dậy, cô Fraisse tự kéo mình khỏi vũng lầy tăm tối và…
…Bắt đầu hành trình người mẹ can đảm đi tìm công lý cho con gái
Tôi bỗng nhớ đến người mẹ trong bộ phim Mother (2009), một người mẹ vì người con trai bị oan của mình đã trở thành “thám tử”, tự mình đưa mọi uẩn khúc ra ngoài ánh sáng. Cô Fraisse từ những khủng hoảng ban đầu, dũng cảm đi tìm lại chân tướng sự việc. Cô mong muốn đến tột cùng những kẻ đẩy con gái cô đến bước đường cùng phải ra ngoài ánh sáng, dù phải chịu cả ngàn lời dèm pha, ngàn lời đe dọa tới từ những kẻ muốn lấp liếm tội ác. Cô lục lọi những vết tích mà biết đâu Marion còn để lại, tìm bằng chứng từ chỗ của Romain, đệ đơn kiện lên tòa án, tìm ra những đứa trẻ xấu xa đã ác độc với con gái cô, gửi những bức thư đến Sở giáo dục, lập nên hội “Marion Fraisse- Mở rộng vòng tay”,…
Cô đã làm rất nhiều, làm hết sức, và làm một cách phi thường. Sức ảnh hưởng từ những việc cô làm đã vượt qua cả biên giới nước Pháp, chạm đến những trái tim khô cằn nhất.
Người ta thường nói sức mạnh của người mẹ thật lớn lao. Cô Fraisse đi tìm công lý cho Marion như để cô bé nhẹ nhàng thanh thản ở bên Chúa, cũng là để cô băng lên trái tim đã rỉ máu một cách vụng về của mình những miếng urgo nhỏ bé, để cô vơi đi phần nào nỗi nhớ đứa con gái đáng thương và tội nghiệp của mình.
“Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm”
Đây là câu chuyện có thật xảy ra ở nước Pháp ngập tràn tình yêu, Marion- Mãi mãi tuổi 13 lại đem đến một hiện thực vô cùng xót xa: Tại Pháp, cứ 10 học sinh thì sẽ có 1 học sinh là nạn nhân của nạn quấy rối học đường. Cô Nora Fraisse là mẹ của học sinh bị quấy rối đã mạnh mẽ đưa câu chuyện của mình tới nhiều người, tới cả những người đã, đang và có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh của cô.
Cuốn tự truyện được xuất bản năm 2015 tại Pháp & đã gây được tiếng vang lớn, đây là cuốn sách với lời lẽ và ngôn từ giản dị hết sức nhưng cũng mênh mông một nỗi xót xa tuyệt vọng của cô bé Marion xinh đẹp, ngoan ngoãn bị dồn tới bước đường cùng, đó cũng là hành trình của một nghị lực phi thường đi tìm công lý của Nora Fraisse dám làm tất thảy cho con gái, cho gia đình và cho cả cộng đồng.
“ Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm.
Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa.”
“Và thậm chí dẫu trái tim con không còn đập nữa, thì trái tim mẹ vẫn còn đập và mẹ sẽ chiến đấu vì con”
Cái chết của Marion là sự khép lại cuộc sống như địa ngục trần gian của em. Nhưng biết đâu, sự ra đi của em lại mở ra một tia hi vọng cho những bậc cha mẹ có đứa con phải chịu thảm cảnh như em, để những vị phụ huynh sẽ giật mình tự hỏi liệu đứa con bé bỏng của họ có đang lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình, để những đứa trẻ không còn sợ chính gia đình của mình mà nói lên tất cả những uẩn khúc trong cuộc sống của mình, để các cấp chính quyền có thể lưu tâm đến vấn nạn này, để những kẻ đã từng, đã đang và có ý định bắt nạt những đứa trẻ khác phải cảm thấy tội lỗi, hối hận…
Và Marion em ơi, ở nơi xa kia bên cạnh Chúa, em có đang mỉm cười?