Tanizaki Junichiro, dẫu cho sáng tác có gây nhiều tranh cãi đến đâu, cũng không ai có thể phủ nhận cuộc đời nghệ thuật của ông chỉ xoay quanh một điện thờ duy nhất, đó là cái đẹp, và một vị thần duy nhất, đó là những cô gái mang vẻ đẹp tuyệt trần. Chỉ là ông chưa bao giờ thực sự dứt vẻ đẹp ấy ra khỏi trần ai. Cái đẹp trong sáng tác của ông bao giờ cũng trầm luân trong mê loạn bụi trần, có khi đồng hóa với những gì tục lụy nhất để nhào nặn nên bộ mặt của ác quỷ, tạo thành một hợp thể đẹp – ác vừa dẫn người ta vào địa ngục điêu đứng, quắt quay, vừa ban phát cho người ta niềm say mê khôn cưỡng của thiên đàng. Và Naomi trong tác phẩm “Naomi” (tựa tiếng Việt: “Tình khờ”) của ông, cũng là một người phụ nữ như vậy.
Sự nở rộ của một người phụ nữ
Tác phẩm này được xuất bản vào năm 1925, thời kì xã hội Nhật Bản đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, trở mình dữ dội với những cơn “gió Âu, mưa Mĩ”. Joji, một tư chức với tư tưởng “tiến bộ” và một cuộc sống tương đối dư dả, ấp ủ ước mong thoát khỏi cuộc sống chán ngán và lấy được một người vợ mang những nét đẹp hiện đại. Trong tình thế đó, cuộc gặp gỡ với Naomi, một cô bé mười lăm tuổi mang vẻ đẹp lai Tây mới lạ, không khác nào một cú hích vào những hoài bão thầm kín ấy để rồi cuối cùng, anh đưa cô bé về nhà mình với kì vọng nuôi dạy cô bé thành một quý cô tân thời. Nếu sau này nụ hoa ấy bung nở theo đúng ý anh muốn, anh sẽ lấy cô làm vợ.
Nhưng đóa hoa mà anh tự tay ươm trồng, chăm sóc ấy lại hết lần này đến lần này đến lần khác vượt ngoài sức tưởng tượng của anh.
Đó là một loài hoa song tính đẹp – ác. Cái đẹp lớn lên cùng cái ác, cái đẹp tương hỗ với cái ác, cái đẹp cũng rực rỡ như cái ác. Càng lớn vẻ đẹp lai Tây của Naomi càng nở rộ, và sức quyến rũ đàn bà nơi nàng càng trở thành một thứ quyền lực đầy ma mị đối với cánh đàn ông, cụ thể ở đây là đối với người đã nuôi lớn và chu cấp trực tiếp cho nàng, Joji. Chính Joji, bất chấp sự thất vọng sâu sắc về trí tuệ cũng như đạo đức của nàng, cũng phải tự hào về sắc đẹp của nàng, thậm chí vì sắc đẹp ấy mà bán đi cả linh hồn và danh dự. Naomi không thông minh: khi đặt trong tương quan với những cô gái khác trong một bữa tiệc khiêu vũ, người đọc (và cả anh chàng Joji chết mệt vì tình kia) đều thấy rõ nàng không hơn gì một ả đàn bà thô lậu và vô học. Ngay cả người con gái với cách ăn diện ta – Tây kệch cỡm và khó nhìn nhất (mà Naomi đã mỉa mai là “khỉ” một cách ác độc) vẫn còn cho ta thấy một phương diện nào đó của vẻ đẹp tâm hồn – điều hoàn toàn thiếu vắng ở Naomi. Nói cách khác, vẻ đẹp của Naomi, giống như những bộ phục sức phương Tây không ngừng thay đổi xoành xoạch trên người nàng, là một cái đẹp thiếu chiều sâu và hoàn toàn phù phiếm. Cái đẹp ấy cũng như cuộc đời nàng, chỉ xoay quanh những đam mê cạn cợt và xu thời khoác mác “Âu Mĩ” để che lấp đi một nội dung trống rỗng mà thôi.
Chính vì trống rỗng tận cùng nên mới ích kỉ tận cùng. Đọc hết cuốn sách, cái làm ta rùng mình ở nàng không phải là cái ác, cái dã tâm đầy thù hằn và thủ đoạn, mà là sự dâm loạn một cách “trong trắng” và tàn nhẫn một cách “ngây thơ”. Nàng đơn thuần không quan tâm tới thiện ác mà chỉ làm tất cả để thỏa mãn bản thân mình. Để thấy bản thân cao quý, xinh đẹp, nàng bắt Joji phải cung phụng và chưng diện cho nàng bất chấp cái túi tiền ngày càng vơi đi. Nàng không hề có một chút sự đồng cảm hay biết ơn nào với Joji – người đã cứu vớt nàng ra khỏi cảnh bần hàn và nuôi nàng khôn lớn: nàng coi mọi hy sinh của anh đều là hiển nhiên, nàng không có nghĩa vụ phải làm bất cứ điều gì, chỉ cần đòi hỏi, và đòi hỏi bất tận. Sự tham lam của nàng không bao giờ là đủ.
Đỉnh cao đồi bại nơi nàng chính là việc nàng đã đi lại với không biết bao nhiêu gã đàn ông sau lưng chồng, và khi bị phát hiện cũng dửng dưng, không hề tỏ vẻ gì là nhục nhã. Nàng có thể không hiểu nhiều thứ, nhưng bản chất nàng hiểu rõ sức cám dỗ của mình đối với Joji, và nàng cũng biết lợi dụng tối đa sức cám dỗ ấy để đạt được điều mình muốn. Có thể nói nàng chính là hiện thân của một thứ sắc dục vượt lên trên mọi luân thường đạo lý, thiện ác đúng sai, trói buộc và hủy diệt con người với vẻ đẹp của một trái táo độc.
Tình yêu và khờ dại
Nhưng một Naomi sẽ không thể tạo ra câu chuyện. Nói đúng hơn, sẽ không có câu chuyện về Naomi nếu không có Joji. Joji không chỉ là người kể chuyện hay là một nạn nhân trong câu chuyện giữa anh và Naomi, mà anh chính là người đã tạo ra câu chuyện ấy. Không phải tự nhiên mà tựa tiếng Nhật của cuốn tiểu thuyết này là “Naomi” nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì được đặt lại là “Tình khờ”. Bằng việc đổi tên này, góc nhìn của chúng ta đổi từ trung tâm: Naomi, sang Joji: cái vệ tinh xoay xung quanh trung tâm ấy, với hai đặc điểm thôi: yêu và khờ.
Joji chắc chắn thông minh hơn Naomi. Anh biết mình, biết người. Nửa đầu cuốn tiểu thuyết gần như nằm gọn trong tầm kiểm soát của anh, cũng như cách mà anh kiểm soát chặt chẽ mọi thứ về người con gái mà anh dự định sẽ lấy làm vợ. Nhưng mặc dù nhìn từ bên ngoài có vẻ như anh đã chọn lựa và nuôi nấng Naomi hoàn toàn bằng lí trí, anh thực chất đã làm điều đó xuất phát từ dục vọng và sự ích kỉ của bản thân mình. Mặc cảm quê mùa và cơn sốt “Âu hóa” đã tạo nên trong anh một khát khao, gần như là ám ảnh, với những gì thuộc về Tây phương. Nó chính là sợi dây đồng điệu đầu tiên buộc anh và Naomi lại. Đi trên sợi dây ấy, anh đã biến Naomi thành một phiên bản dục vọng của chính mình. Sự Âu hóa nửa mùa và học hành nông cạn của Naomi từ đâu mà ra?
Là do sự nông cạn và dễ dãi của chính anh. Ai đã thỏa mãn cái tôi của Naomi đến mức nàng không bao giờ còn biết gì ngoài nó nữa? Cũng là anh. Đặc biệt khi vẻ đẹp lai Tây của Naomi nở rộ và làm nở rộ theo đó dục vọng của anh đối với nàng, dục vọng ấy đã giết chết khả năng cải hóa cuối cùng của anh đối với Naomi. Tại sao nàng ăn chơi trác táng và hoang dâm vô độ? Vì chính anh đã dạy nàng sống như thế, và vì anh đã cho phép mình sống như thế, chính anh đã cho phép nàng sống như thế.
Mọi người thường thấy rõ dục vọng của Naomi nhưng ít xem trọng dục vọng của Joji, dù nó cũng vô cùng lớn lao và không kém phần bệnh hoạn. Trong một phương diện nào đó, anh là nạn nhân của dục vọng của chính mình. Tại sao Naomi có thể thao túng Joji? Câu trả lời rất đơn giản: vì anh đã thần phục nàng và tự biến mình thành con rối. Không ai hiểu rõ sự đàng điếm và độc ác của Naomi bằng Joji, không ai hận nàng bằng anh. Nhưng anh yêu nàng, và còn hơn cả yêu, anh tôn thờ vẻ đẹp thân thể của nàng bằng toàn bộ sức nặng linh hồn của một con chiên mù quáng. Lí trí của anh không thể bước qua sự mù quáng ấy. Và toàn bộ những tình cảm cao quý khác của anh, như lòng tự trọng và sự hối hận với mẹ ruột mình, cũng không chiến thắng được dục vọng của anh đối với Naomi. Anh là một kẻ cuồng si khờ dại, không phải vì anh bị lợi dụng, lường gạt, mà bởi anh biết mình bị lợi dụng, lường gạt, nhưng vẫn chấp nhận để bị cuốn vào vòng xoáy hủy diệt của tình yêu. Anh có thể từ bỏ Naomi bất cứ khi nào anh muốn, nhưng vấn đề là anh không thể sống thiếu cô, anh không thể sống thiếu dục vọng của đời mình.
Xuyên suốt câu chuyện, anh cứ tự hủy mình, dần dần rồi toàn bộ, như một tế phẩm dâng lên vị thần sắc dục. Cuối cùng anh còn gì? Anh chỉ còn thân thể rỗng tuếch nhưng đầy mị lực của người con gái mà anh tôn thờ. Nhưng ta thậm chí không thể coi như là anh đã sở hữu nó. Anh đã đánh mất bản ngã của mình vào trong đó: anh làm nô lệ cho cái đẹp anh yêu.
“Tình khờ”, cũng như nhiều tác phẩm đặc trưng khác của Tanizaki Junichiro, đã khép lại trong một vực thẳm vô minh và vô độ, khiến cho ta phải suy nghĩ về sức hủy diệt của sắc đẹp tà mị cũng như cái giá phải trả cho dục vọng của con người. Cái đẹp bản thân nó không ác, chính dục vọng con người gieo vào trong nó đã tạo nên ác quỷ và nạn nhân của con ác quỷ ấy.
Xem thêm review tác phẩm của Tanizaki Junichiro :
Hai cuốn nhật ký: Tiểu thuyết khiêu dâm hay áng văn trinh thám