Sau Giấc mơ tiên tri, Nỗi niềm của Thám tử Galileo là tập truyện ngắn thứ hai về nhà vật lí học Manabu Yukawa được phát hành ở Việt Nam. Gồm 5 truyện ngắn, mỗi truyện mang một nội dung độc lập song tất cả, vẫn nhằm hướng đến việc, góp những mảnh xếp hình, tạo nên chân dung Thám tử Galileo – nhà vật lí học Manabu Yukawa có phần lập dị song cái tâm anh dành cho khoa học, cho con người, lại thật sự, trong sáng vô ngần.
Khoa học và thực nghiệm
Đây cũng là điều mà nhà vật lí học Manabu Yukawa đã luôn tâm niệm, cũng luôn thực hiện xuyên suốt series tác phẩm tác giả Higashino Keigo viết về anh. Để rồi, tới tập truyện ngắn Nỗi niềm của Thám tử Galileo, lần nữa, những thực nghiệm đó lại xuất hiện, bất kể là trong cuộc sống thường nhật của Yukawa với cương vị một nhà vật lí học, một phó giáo sư ở đại học Teito hay những vụ án anh tham gia với vai trò hỗ trợ cảnh sát. Và yêu cầu thực nghiệm ấy, Yukawa không chỉ nghiêm cẩn đặt ra với chính bản thân anh mà còn với sinh viên, với đồng nghiệp, và cả với cảnh sát hay bất cứ ai muốn kiếm tìm chân lí sự thật. Bởi, Yukawa đã quan niệm: “Chẳng có thực nghiệm nào là vô giá trị cả.”
Tuy nhiên, trước hết, cần phải nói một điều rằng, thời điểm diễn ra các sự kiện trong những truyện ngắn ở Nỗi niềm của Thám tử Galileo là sau vụ việc Phía sau nghi can X nhưng trước Ma thuật bị cấm. Nên ở khoảng thời gian này, nhà vật lí học Manabu Yukawa vẫn còn ở Nhật Bản, mang chức vụ phó giáo sư khoa vật lí trường Teito; đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, anh gặp gỡ, tiếp xúc với nữ cảnh sát trẻ Utsumi Kaoru. Quá nhiều vấn đề ập đến sau những vụ án “li kì” anh hỗ trợ cảnh sát phá án, khiến Yukawa quyết định từ chối việc hợp tác với cảnh sát thêm lần nào nữa. Nhưng con người hết lòng vì khoa hoc ấy, lại không thể từ chối người có lòng, sẵn sàng bỏ công, bỏ sức làm thực nghiệm để chứng thực suy đoán của bản thân.
Và Utsumi Kaoru là người như vậy, một người, bằng lòng nhiệt thành cùng một tinh thần không chịu khuất phục, đã kéo Yukawa ra khỏi văn phòng của anh tại khoa vật lí trường Teito để tới hiện trường vụ án Rơi xuống trong một giả thiết cô đặt ra làm sao “để đẩy một người từ trên ban công xuống mà không cần động ta hay có mặt ở hiện trường.”
Thực nghiệm, giúp người ta chứng thực được suy đoán, bất kể có thất bại cả “chục lần” mới đạt đến tính khả thi, thì đây cũng là công sức, là tinh thần con người cần có trên chặng đường kiếm tìm chân lí. Mà ở khía cạnh này, nhà khoa học hay người cảnh sát, dường như đều cùng chung một điểm đích đến: sự thật cuối cùng đằng sau những bí ẩn mà người ta liên tiếp phải loại trừ, thậm chí là thử và sai. Nhà khoa học, thực nghiệm để tìm ra “nghiệm tối ưu” và cảnh sát, thực nghiệm như trường hợp dàn dựng lại hiện trường vụ án, để tìm ra manh mối, phác họa chân dung kẻ phạm tội…
“Người ta chỉ tự hào phát biểu những thực nghiệm thành công của mình thôi. Thường thực trong giới khoa học đấy.”
Nhưng người ta cũng có quyền “tự hào” cho thực nghiệm thành công ấy. Bởi để tới được thành công, chính là cả quãng thời gian “thử và sai” liên tục nhằm chứng thực suy luận vậy.
Nên, những thực nghiệm vật lí xuất hiện trong sáng tác của Keigo tiên sinh nói chung, trong tập truyện Nỗi niềm của Thám tử Galileo nói riêng, có lẽ, chính như một dạng biểu tượng cho hành trình, con người đi tới cái đúng, chạm tới được chân lí bằng tất thảy quyết tâm, sự kiên nhẫn cùng một tấm lòng, không từ bỏ.
Khoa học và cá nhân
Những lí thuyết vật lí có thể có thể khô khan, thực nghiệm khoa học và việc giải thích từng bước, từng yếu tố của mỗi thực nghiệm có thể khó hiểu; nhưng với giáo sư Yukawa “chẳng có thực nghiệm nào là vô giá trị” vì chẳng có thực nghiệm nào như vượt thoát được hai chữ cá nhân. Cá nhân là người làm khoa học, khoa học cũng từ cá nhân nghiên cứu mà ra. Cũng như vậy, cá nhân, xuất phát từ mục đích bản thân, có thể vì một lòng ngưỡng vọng, yêu mến khoa học thuần túy, mà tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm hay cũng có thể, bởi sự ganh ghét và ham vinh lợi, người ta lợi dụng khoa học cho mục đích ti tiện của bản thân.
Tất thảy, đều được tác giả Higashino Keigo thể hiện theo nhiều phương thức, trên nhiều khía cạnh khác nhau trong từng truyện ngắn ở tập truyện Nỗi niềm của Thám từ Galileo.
Thật vậy, như đã nói, bằng tấm lòng kiên trì không từ bỏ, dẫu là một kẻ “ngoài ngành” nhưng mang thái độ nghiêm túc, trân trọng rất mực với khoa học thực nghiệm, Utsumi có thể kéo phó giáo sư Yukawa từ phòng làm việc của anh, tới được hiện trường vụ án.
Trên khía cạnh những mối quan hệ phức tạp giữa người với người, người ta có thể dùng chính lĩnh vực người ta giỏi nhất, thứ người ta đang trực tiếp làm việc, hết sức tự hào, nâng niu hay hơn cả, là đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, Điều khiển, hi sinh hết thảy, không từ chính bản thân, mà mang theo khao khát có thể cứu rỗi cho cuộc đời người khác. Khoa học cùng nghiên cứu khoa học, phục vụ cho mục đích cá nhân, bất kể mục đích đấy là đúng đắn hay lầm lạc chính là vì thế. Mặc cho, cuối cùng, tất cả có chỉ như một dạng Căn phòng khóa trong ngụy tạo hiện trường giết người trong phòng kín, chẳng thế giấu giếm và người ta cũng chẳng thể thoát được tòa án lương tâm. Nhưng như vậy, có lẽ, mới thật sự là lòng người đa đoan, cũng rất mực nặng tình và chẳng ai, là một kẻ vô cảm giữa cuộc đời này. Kể cả vị phó giáo sư ngỡ rằng lúc nào, cũng chỉ có khoa học và thực nghiệm kia. “Anh khác thật đấy. Hồi xưa anh có quan tâm tới thứ gì khác ngoài khoa học đâu. Vậy mà giờ còn hiểu được cả lòng người.”
Khoa học, bên cạnh việc “không phủ nhận những điều thần bí”, đôi khi còn giúp lí giải cả những hiện tượng siêu nhiên mà mỗi cá nhân, bằng một niềm tin tới như một dạng tín ngưỡng, vẫn nghe theo Chỉ dẫn từ một thế lực siêu nhiên nào đó. Như cách nhà vật lí học Manabu Yukawa đã nhìn nhận cô bé Hazuki, rằng cô bé “mượn quả lắc để đối thoại với trái tim mình thôi. Đấy chỉ là cách để cô bé vứt bỏ sự đắn đo và trở nên quyết đoán. Chính lương tâm của cô bé đã làm quả lắc chuyển động,”
Và vì mục đích cá nhân, con người cũng có thể dùng khoa học nhằm phục vụ, ve vuốt, thỏa mãn chính thứ lòng vị kỉ cùng một cái tôi kiêu ngạo tới tự phụ. Mỗi người có một mức độ chịu đựng tổn thương khác nhau mà kẻ càng kiêu ngạo, càng tin vào cái tôi bản thân, lại càng dễ thương tổn. Như phó giáo sư Yukawa đã nói: “Nhà khoa học lại càng dễ bị tổn thương.” Nhưng “dễ bị thương tổn” và đi làm đi làm tổn thương người khác lại là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Nên, trong chính tập truyện Nỗi niềm của Thám tử Galileo, Keigo tiên sinh đã xây dựng lên hai thái cực hiện hình vào hai hoàn cảnh của hai nhà khoa học, sử dụng khoa học tước đi mạng sống con người. Nhưng hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, tận cùng mục đích khác nhau, thì “bàn tay của ác ma”, mãi chỉ là một kẻ Gây rối mà thôi.
Tự bản thân khoa học không thể xuất hiện, thực nghiệm hay nghiên cứu. Tất cả đều là dựa vào cá nhân; và mục đích của cá nhân đối với khoa học, sẽ quyết định kết quả nghiên cứu được kia, trở lại phục vụ đời sống con người hay chỉ là thứ, thỏa mãn cái tôi vị kỉ. Và một người nghiên cứu, có niềm say mê với thực nghiệm, có cái nhìn bao quát đủ để tính đến những biến số trong nghiên cứu khi đưa vào ứng dụng thực tế, có cả lòng dũng cảm dám đối diện, thừa nhận thất bại; hẳn có lẽ, mới xứng đáng với chính sự trong sáng thuần khiết, của khoa học thuần túy chăng.
Khoa học và đời sống
Có thể nói, tập truyện ngắn được tác giả Higashino Keigo viết năm 2008 về nhà vật lí học Manabu Yukawa này có cái tên rất gợi: Nỗi niềm của Thám tử Galileo. Đây không phải tên một truyện ngắn nào trong cả cuốn sách được chọn trở thành tên chung cho tập truyện, mà đây, chính là nỗi niềm chung của Thám tử Galileo, thể hiện trong năm câu chuyện riêng biệt vậy. Về mối quan hệ của riêng bản thân anh với những vụ án hóc búa ảnh sát đưa tới, về mối quan hệ giữa khoa học và thực nghiệm, giữa khoa học với mỗi cá nhân, và rộng hơn, là khoa học và đời sống.
Bởi cuối cùng, khoa học và những thực nghiệm khoa học, điểm tới tận cùng, vẫn là quay lại phục vụ đời sống con người. Phục vụ đời sống con người, chính được hiểu theo nghĩa rộng với đủ cả đời sống vật chất, đời sống tinh thần hay mang giá trị tham khảo và tạo tiền đề cho sự phát triển của những đề tài nghiên cứu, lí thuyết về sau. Nếu không, những gì người nghiên cứu làm và kết quả nghiệm thu được, sẽ mãi chỉ mang ý nghĩa như một xấp giấy tờ vô nghĩa.
Không có thực nghiệm nào là không có giá trị. Nhưng kết quả của nghiên cứu khoa học, phải có tính ứng dụng và đảm bảo được sự bình yên cho đời sống cho con người. Tư tưởng đó, đã luôn nhất quán trong sáng tác của Keigo tiên sinh và lần nữa, thể hiện trong Nỗi niềm của Thám tử Galileo, một nhà vật lí học mang danh “thám tử”, chừng như yêu khoa học hơn bất cứ ai vậy.
Một con người yêu khoa học, làm khoa học có tự trọng, và là người nghiên cứu sẽ “không tha thứ cho kẻ lấy khoa học làm công cụ giết người. Tuyệt đối không!”
*Đọc thêm một số bài review khác về series Thám tử Galileo:
- Phía sau nghi can X – Hồi hộp bất ngờ đến phút cuối
- Ma thuật bị cấm – Cái tâm & cái tầm của người làm khoa học
Mọt Mọt