Bạn là một cựu bác sĩ tâm lý dành cho trẻ em, hiện đang mắc chứng sợ không gian rộng, chỉ có thể suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Và để quên đi tình cảnh cầm tù buồn chán của mình, bạn tìm kiếm thú vui từ thuốc, rượu, bạn bè qua mạng, một tá những cuốn phim noir và việc theo dõi nhà hàng xóm – một gia đình ở ngay đối diện căn hộ của bạn, cách một con đường – bằng chiếc máy ảnh Nikon cũ rích của mình. Mọi thứ có vẻ ổn cho đến một ngày bạn nhìn thấy một bàn tay bậu trên cửa sổ của căn nhà đối diện… như một lời cầu cứu…
Chào mừng đến với thế giới của Anna Fox.
Một nàng công chúa bị giam cầm trong nhà
Nhân vật chính của chúng ta là Anna Fox – một cô nàng mắc chứng sợ không gian rộng, chẳng thể làm gì ngoài ở nhà. Căn bệnh này, cùng với việc sử dụng thuốc và nốc rượu liên tục, chính là rào cản lớn nhất của cô trong quá trình tiến triển của mạch truyện; cô không thể tự do khám phá bên ngoài, việc mà nhân vật chính của một cuốn truyện trinh thám thường sẽ luôn làm.
Những độc giả yêu thích các hoạt động ngoài trời hoặc có tư duy bám sát thực tế hẳn sẽ cảm thấy có phần khó chịu với lối sống của Anne, nếu như không biết căn bệnh của cô. Anne cũng không có cử chỉ nào để tỏ ra là cô muốn cải thiện tình hình ấy. Chuyện đó thực ra chẳng có vấn đề gì nếu như cô định sống cả đời trong nhà (theo đúng nghĩa đen). Cô có người đi chợ thay mình, cô có thuốc và rất nhiều rượu, có sách tiếng Pháp, có bàn cờ để chơi một mình và một đống phim trinh thám và kinh dị đen trắng cổ điển để giải sầu, chẳng có lý do gì để cô phải ra ngoài cả.
Thế nhưng, dù ở trong hoàn cảnh như vậy, cô vẫn khao khát việc duy trì kết nối của mình với thế giới bên ngoài. Cô vẫn lên mạng tìm kiếm bạn bè, vẫn có sự tương tác với người thuê nhà của mình, vẫn giao tiếp khá bình thường với những người tới thăm. Thậm chí viêc theo dõi mọi người và gia đình hàng xóm qua cửa sổ cũng phần nào đó tượng trưng cho sự khao khát được hòa nhập với thế giới bên ngoài của Anne. Cô không nhận ra điều đó cho đến khi một biến cố xảy ra tác động mạnh tới tiềm thức của bản thân; bởi lẽ, vào cái ngày biến cố ấy xảy ra, cô đã chẳng nghĩ ngợi gì mà lao thẳng ra ngoài…
Khi niềm tin trở thành thứ xa xỉ
Có một án mạng đã diễn ra, nhưng dường như chẳng ai nhận ra điều đó ngoài Anne. Tình huống này đã buộc cô gái của chúng ta phải trở về với hiện thực, mặc dù vậy việc thuyết phục mọi người không hề dễ dàng. Chẳng có ai lại đi tin lời một cô nàng thất nghiệp và nghiện ngập; lại càng không đáng tin hơn khi cô nàng ấy bị bệnh về thần kinh và thậm chí còn không thể bước chân ra khỏi cửa nhà.
Trong thế giới đen trắng, chật chội và mờ mịt hơi rượu của “Người đàn bà sau cửa sổ“, sự nghi kỵ diễn ra hầu như thường xuyên, ta có thể thấy nó ở bất cứ đâu trong tác phẩm. Bắt đầu với câu hỏi lớn nhất: “Vụ án mạng có thực sự đã diễn ra?”, rồi hàng loạt những nghi ngờ cứ từ đó mà tuôn trào. Anne có đáng tin không? Cặp vợ chồng trong nhà Russell – gia đình đối diện mà Anne vẫn theo dõi hàng ngày – có đáng tin không? Tất cả bọn họ dường như đều đang che giấu điều gì đó, cả Anne, cả nhà Russell, cả anh chàng David thuê nhà, và cả người phụ nữ đã bị sát hại – ấy là nếu vụ án mạng đã thực sự diễn ra.
Điều quan trọng ở đây đó là giữa các nhân vật chủ chốt của mạch truyện, ngay từ đầu, đã không hề tồn tại cái gọi là “niềm tin”. Anne có cơ sở để không tin tưởng nhà Russell khi họ một mực phủ nhận vụ án mạng diễn ra trong chính căn nhà của họ. Nhà Russell có cơ sở để không tin tưởng Anne khi mà họ chẳng thấy có ai trong gia đình bị giết cả. Hai thám tử Norelli và Little có cơ sở để không tin tưởng Anne khi họ khám phá ra quá khứ và căn bệnh của cô. Dần dần, cả Anne cũng gần như đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình. Niềm tin trong thế giới đây nghi kỵ này của tác phẩm, đối với Anne, đối với các nhân vật và đối với cả độc giả, quả thực là một điều gì đó quá ư xa xỉ.
Điểm trớ trêu nhất ở đây, đó là trong khi mất niềm tin vào những người mình có thể trực tiếp gặp mặt, Anne lại vô cùng tin tưởng những người bạn mà cô quen qua internet. Như đã nói phía trên, niềm tin trong tác phẩm này là một điều gì đó rất xa xỉ; càng dễ tin tưởng thì cái giá phải trả càng lớn. Anne rồi cũng sẽ phải trả giá khi đặt niềm tin nhầm chỗ, và cái giá đó không thể trả được bằng tiền.
Bình mới, rượu cũ
Nhìn tổng quát, “Người đàn bà sau cửa sổ” có một sự tương đồng khá lớn với “Cô gái trên tàu” của Paula Hawkins, đặc biệt khi điểm nhìn và câu chuyện của cả hai tác phẩm đều được đặt ở nhân vật chính – “Người đàn bà sau cửa sổ” Anne và “Cô gái trên tàu” Rachel. Nếu đã quen với hình tượng Rachel được dựng lên bởi Hawkins, chúng ta có thể thấy ngay Anne và Rachel có sự tương đồng khá rõ rệt.
Điều đầu tiên, cả Anne và Rachel đều là những người đàn bà “không đáng tin”, nghiện rượu và dường như luôn tách rời thực tại. Thứ hai, cả hai người phụ nữ này đều đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, song cũng lại phải gượng dậy từ sự đổ vỡ của chúng. Thứ ba, cả hai đều chứng kiến – trực tiếp, hoặc gián tiếp – một tội ác, và đương nhiên chẳng ai thèm tin họ. Tương tự, cả hai đều phải chật vật tự phá án theo những cách khác nhau, đồng thời còn phải cố gắng thuyết phục thiên hạ về những gì mình đã thấy. Với những đối tượng như Anne và Rachel, việc thứ hai dường như luôn nằm ngoài khả năng của họ.
Mặc dù vậy, “Người đàn bà sau cửa sổ” vẫn có những điểm sáng riêng trong sự tương quan với tác phẩm “tiền bối” của nó. Là một bác sĩ tâm lý, Anne vẫn có một số kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự cứu mình trong một vài tình huống. Dù mơ màng, cô vẫn nhận thức được hoàn cảnh của mình. Biết rằng bản thân bị giới hạn, không chỉ bởi bốn bức tường mà còn bởi những rào cản trong tâm trí, Anne buộc phải huy động những kỹ năng và kiến thức mình có trong màn đối đầu cuối cùng để hòng thoát thân. Cô không có sự tự do khi hoạt động thể xác, nhưng hoàn toàn tự do khi để tâm trí hành động.
Thêm vào đó, thay vì tạo ra nhiều ác cảm, có cảm giác rằng Anne tạo ra sự thương cảm nhiều hơn. Các cảnh hành động và những tình tiết giật gân trong “Người đàn bà sau cửa sổ” chỉ được sử dụng ở mức độ vừa phải, phù hợp với tình cảnh của Anne. Lời giải cho vụ án mạng trong tác phẩm cũng phần nào rùng rợn hơn so với những tác phẩm tương tự; khi chân tướng của vụ án lộ diện, độc giả có thể hoang mang, có thể ghê sợ, nhưng chắc hẳn cũng sẽ cảm thấy thật đau lòng.
Thay cho lời kết
Nếu bạn yêu thích “Cô gái trên tàu” của Paula Hawkins hay những tác phẩm có motip tương tự, thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Tác phẩm không quá dài, tiết tấu khá nhanh, thích hợp để đọc trong một không gian mà màu đen-trắng hoặc xám làm chủ đạo; setup một không gian như vậy trước khi đọc và bạn sẽ cảm thấy thế giới quanh mình dần trở thành những thước phim đen trắng cổ điển giống như những bộ phim của Anna Fox vậy.