Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) là tiểu thuyết của nữ tác gia người Nhật- Kazumi Yumoto. Tiểu thuyết từng được đề cử Giải thưởng văn học thiếu nhi Đức (German Juvenile’s Literature Prize) vào năm 1996 và giành giải Boston Globe Horn Award vào năm 1997.
Khu vườn mùa hạ kể về hành trình tìm hiểu cuộc sống và dần trưởng thành của ba cậu học sinh lớp 6 (lớp cuối cấp của bậc tiểu học Nhật Bản). Câu chuyện nhẹ nhàng và dung dị về bài học sự có được và mất đi, của niềm vui đến từ những điều giản dị. Sách không dành riêng một ai, không riêng cho trẻ con mà cũng chẳng riêng cho người lớn; đây là câu chuyện dành cho mùa hạ và cả những ai yêu hương vị bình dị và rất đỗi giản đơn của mùa hạ nữa.
Xem thêm review sách của Kazumi Yumoto:
Organ mùa xuân: Chiến đàn không có âm thanh
Mùa thu của cây dương: Khi ta mở lòng với thế giới, có biết bao điều từ thế giới ấy chảy vào ta
Một tình bạn kì lạ
Đúng như tên của mình, Khu vườn mùa hạ kể câu chuyện xảy ra cuối xuân đầu hạ. Một tình bạn được tạo thành từ ba cậu học trò và cụ già sống ở ngôi nhà cũ nơi góc phố.
6205513bea4701cea693ff70be7bee6a
Wakabe, cậu bé kì dị với cặp kính cận dày cộp, sống chung với mẹ mình và luôn khao khát có một người bố; Yamashita mập mạp và tốt bụng, cậu là con của ông chủ tiệm cá và muốn khi lớn lên sẽ nối nghiệp cha mình; Kiyama, cũng chính là nhân vật tôi trong truyện, sống trong một gia đình không êm ấm, bố chìm trong công việc và mẹ ngập trong thuốc lá, rượu chè; và ông cụ không tên gầy đét, hói đầu, sống tách biệt với mọi người.
Chuyện bắt đầu khi bọn trẻ bị ám ảnh bởi người chết, hồn ma sau cái chết của bà Yamashita, ba đứa trẻ lên kế hoạch làm thám tử và quyết định theo dõi ông cụ sống ở ngôi nhà tồi tàn nơi cuối phố. Vì chúng cho rằng ông cụ đã chết hoặc ít ra là sắp chết. Kế hoạch thất bại. Chúng bị ông cụ phát hiện và thật đáng thất vọng, ông cụ không có dấu hiệu gì là sắp chết cả.
Dù không giải đáp được thắc mắc, nhưng chúng đã có thêm một người bạn mới, cùng nhau tạo nên một mùa hạ không thể quên. Bốn người họ đã cùng nhau chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn; hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Ông cụ dạy bọn trẻ về ý nghĩa của già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn; dạy chúng gọt lê và viết chữ Hán. Bọn trẻ giúp ông đổ rác, sửa nhà, giặt quần áo, trồng hoa. Họ là những người bạn vong niên thực sự. Và mỗi người trong họ đều đã thay đổi để cuộc sống trở nên tốt hơn.
Kết thúc câu chuyện, khi mùa hạ qua đi, ông cụ cũng đã ra đi mãi mãi. Bọn trẻ lúc này đã hiểu được cái chết- điều mà chúng cố tìm hiểu từ khi bắt đầu. Quan trọng hơn, chúng hiểu được sự mất mát khi người thân ra đi và chúng đã thật sự trưởng thành- không còn sợ hãi thế giới bên kia nữa, vì ít ra, nơi đó có một người thân quen với chúng.
Đôi khi thay đổi sẽ giúp cuộc sống tốt hơn
Khu vườn mùa hạ được kể rất nhẹ nhàng và yên tĩnh. Nhưng bên dưới lớp ngôn từ giản dị ấy, ta nhận ra mỗi nhân vật đang dần thay đổi. Kiyama không còn nghĩ mình yếu đuối, dám đương đầu với người khác để bảo vệ bạn mình; cậu đã có thể ngăn cản mẹ uống rượu và tự tay gọt lê cho bà. Yamashita đã thôi tự ti về thân mình quá khổ và ước mơ trở thành chủ cửa hàng cá của mình. Wakabe đã có thể đối diện với sự thật, kể ra câu chuyện thật sự về cha mình; ông không phải lính cứu hỏa hay thám tử, ông ta chỉ là một người đã có gia đình và những đứa con khác mà thôi. Ông cụ cũng đã thay đổi, ông không còn xem tivi suốt ngày và chỉ ăn thức ăn nhanh nữa, ông cùng ba đứa trẻ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thực phẩm tươi.
Không biết từ lúc nào tất cả đã thay đổi. Có lẽ do giọng văn quá đỗi nhịp nhàng và chậm rãi, ta không thật sự nhận ra quá trình thay đổi của các nhân vật, chỉ biết, khi ngẫm lại, họ đã khác trước. Bọn trẻ đã trưởng thành và ông cụ cũng sống tốt hơn. Từ một trò chơi thám tử thất bại, họ đi vào cuộc đời của nhau, chấp nhận nhau và cùng nhau thay đổi.
Niềm khát khao nắm bắt cái đẹp trong cuộc sống
Câu chuyện kể về nhiều điều dung dị nhưng đẹp đẽ: khu vườn hoa khoe sắc, khoảnh khắc pháo hoa nở trên bầu trời. Và con người luôn muốn níu giữ những nét đẹp ấy. Wakabe ngập ngừng, nhìn không chớp mắt vào mặt đất đã rải nhựa đường, dưới đó là khu vườn cúc cánh bướm đang ngủ yên. Những bông hoa cúc cánh bướm nở khắp vườn; dù hoa nhỏ, thân ngắn nhưng vẫn tỏa sáng rực rỡ như những đốm lửa nhỏ. Kiyama nhớ lại những bông hoa bìm bìm của mình năm cậu học lớp 1, giàn hoa vươn dài và nở những bông hoa rực rỡ; và điều quan trọng nhất là vào năm ấy mẹ của cậu vẫn chưa bắt đầu uống rượu, cậu vẫn sống những ngày hạnh phúc. Hay Kiyama nghĩ ông cụ sẽ sống lại để nghe những phiền muộn của bản thân, cùng nhau trải qua nhiều mùa hè khác.
Những chi tiết này đều thể hiện sự lưu luyến đối với những điều đẹp đẽ: sự luyến tiếc về một gia đình hạnh phúc, sự trân trọng ông cụ- người bạn đáng quý của bọn trẻ và ký ức về một mùa hạ đáng nhớ.
Con người luôn có khát khao muốn nắm bắt cái đẹp. Thế nhưng, những điều đẹp đẽ thường rất mong manh (như những bông hoa bìm bìm, vườn hoa cúc cánh bướm,…) vì thế mỗi con người luôn trong tâm trạng luyến tiếc những điều đã qua. Cái đẹp, dù ta không thể nắm bắt được nhưng vẫn sẽ tồn tại trong kí ức mỗi người, và trong cuộc đời, ta sẽ còn bắt gặp những nét đẹp khác. Vì thế, trưởng thành và hướng đến tương lai để gặp gỡ những nét đẹp ấy. có lẽ, đó là một trong những điều câu chuyện muốn nhắn gửi.
Tình thân đôi khi không nhất thiết phải là huyết thống
Sẽ quá phũ phàng nếu nói rằng huyết thống không tạo nên một tình thân nhưng rõ ràng thuyết thống không quyết định tình thân giữa người với người. Mở đầu câu chuyện, Yamashita đã nói rằng mình không khóc trong đám tang của bà mình. Thế nhưng, cậu bé đã khóc lúc ông cụ mất. Ông cụ đã bước qua ranh giới của một người bạn để dần trở thành người thân của những đứa trẻ. Ông vừa là một người đồng hành vừa là trưởng bối dẫn dắt những đửa trẻ trên con đường trưởng thành.
Kiyama đã thật sự suy nghĩ cho ông cụ, mặc dù có nhiều điều muốn cùng chia sẻ, muốn ông trải qua cùng mình. Thế nhưng, đứa trẻ đã bắt đầu ý thức được đó là khó khăn của riêng bản thân và cảm thấy ông đã sống một cuộc sống rất tuyệt vời. Ông cụ trở thành một điều quan trọng trong cuộc sống của ba đứa trẻ, không phải vì ông có cùng huyết thống, chỉ đơn giản vì ông đã cùng chúng tạo ra những kí ức tuyệt vời.
Khu vườn mùa hạ yên tĩnh, nhẹ nhàng và sâu lắng. Mùa hạ chậm rãi trôi qua với những phong vị đậm chất Nhật Bản (dưa hấu, pháo hoa…). Dù chậm rãi nhưng không hề nhàm chán, câu chuyện gợi ra trong độc giả một tuổi thơ đi tìm những điều mà “lớn lên sẽ biết”, làm ta nhớ lại những ký ức tuổi thơ tưởng chừng đã bị chôn vùi.
Bên cạnh đó là bài học quan trọng trong cuộc sống: thay đổi và chấp nhận cuộc sống như những gì nó vốn có đó chính là cách để sống tốt hơn. Một câu chuyện không quá dài nhưng cũng rất đáng để đọc, Khu vườn mùa hạ sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những người yêu sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh.